Trang chủ

ĐÔI ĐIỀU VỀ NHÀ CHỨA QUAN HỌ
09:48 | 28/06/2018

THƯỢNG LUYẾN

 

 

Gần đây trên các trang cá nhân và trang mạng xã hội có những tranh luận gay gắt về "Nhà chứa Quan họ". Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi đề cập đôi điều về nội dung này.

       Trước hết, chúng tôi trân trọng tất cả các ý kiến, bởi đều xuất phát từ tình yêu Quan họ; trân trọng, giữ gìn sự trong sáng của Văn hóa Quan họ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Còn sự khác biệt giữa các ý kiến là do nhận thức về một sự vật, một hiện tượng xã hội của mỗi người. Những ý kiến đó tổng lại thuộc các dạng sau:

       Một là, chưa nghe thấy từ "Nhà chứa Quan họ", tra từ điển tìm nghĩa triết tự "Nhà chứa" để phê phán một hiện tượng bản thân chưa biết.

       Hai là, giải thích "Nhà chứa Quan họ" và những sinh hoạt Văn hóa Quan họ để điều chỉnh những nhận thức sai lệch.

       Ba là, Phê phán gay gắt Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc để tỉnh Bắc Ninh xây "Nhà chứa Quan họ".

       Trong thực tế, chúng tôi thấy có rất nhiều sách viết về Quan họ, mỗi cuốn khai thác ở góc độ khác nhau, tập hợp lại sẽ tạo nên cái nhìn toàn diện về dân ca Quan họ. Cuốn "Không gian văn hóa Quan họ", Lê Danh Khiêm (chủ biên), Hoắc Công Huynh - Lê Thị Chung, Trung tâm Văn hóa Thông tin tinh Bắc Ninh 2006. Về "Nhà chứa" chép rằng: "Ngày nay, không ít người cho rằng dùng từ "Nhà chứa" (cũng như "bọn Quan họ") là không hay, là làm xấu Quan họ. Thực ra, đó là cách gọi của người Quan họ xưa và đều đúng nghĩa. Theo từ nguyên thì "nhà chứa" đơn giản chỉ là "nhà" để "chứa "bọn Quan họ. "Nhà chứa" là nơi hội họp, nơi "ngủ bọn" của bọn Quan họ và lớp đàn em học nghề chơi. Đây cũng dùng làm nơi đón tiếp Quan họ bạn, mời cơm Quan họ bạn, nơi tổ chức hát canh giữa bọn Quan họ sở tại và bọn Quan họ kết nghĩa với mình trong dịp hội mùa xuân của làng. Mỗi bọn Quan họ đều phải có một nhà chứa riêng, do vậy, nếu làng có 10 bọn Quan họ (như ở Viêm Xá) thì cũng phải có 10 nhà chứa... Ngày xưa, ngay từ đầu tháng chạp (Âm lịch), các bọn Quan họ đã phải luyện tập tại nhà chứa để chuẩn bị cho các buổi đi chơi Quan họ mùa xuân năm sau, nhiều khi tập quá khuya phải nghỉ lại tại nhà chứa, gọi là "ngủ bọn"... Chủ nhà chứa được gọi là "ông chứa" (nếu là chứa bọn nam) hoặc "bà chứa" 1.

 

      Ngoài việc tìm hiểu thư tịch, tôi may mắn được là một trong số những người tổ chức, phục vụ Hội nghị Quan họ thị xã Bắc Ninh lần thứ nhất - 1973, tại chùa Thị Chung, xã Kinh Bắc. Tại Hội nghị và sau này, tôi thường xuyên được hầu chuyện cụ Huyền, ông Vinh, bà Trịch (Y Na), ông Vang (Bồ Sơn), Ông Sinh, ông Thưởng (Tiền An), ông Tý, ông Bảo (Thị Cầu)...Ngày ấy cụ Huyền tuổi 80, còn các ông, bà đều trên dưới tuổi 70. Các liền anh, liền chị cao niên kể rằng, mỗi bọn Quan họ đều có "Nhà chứa" tại một gia đình của người trong bọn để hội họp, tập luyện ca hát, tiếp đón Quan họ bạn... Các liền anh, liền chị này được trưởng thành, đi chơi Quan họ cũng nhờ sự kèm cặp, rèn luyện từ nhà chứa... Nay lớp nghệ nhân này đều đã về cõi vĩnh hằng. Mới đây tôi về thăm thôn Viêm Xá (làng Diềm), xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, đã trò chuyện cùng chị Hai Hài, (Nguyễn Thị Hài) 63 tuổi, từng dạy hát Quan họ tại gia cho nhiều người ở độ tuổi khác nhau, dịp hội làng (6/ 2 Âm lịch) hàng năm chị đều đón bạn về vui ca, hát canh Quan họ tại nhà, chị vừa được tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Quan họ. Tôi tìm hiểu về "Nhà chứa Quan họ", chị Hai cho biết, năm nay (2018) làng Diềm vừa mới cắt băng khánh thành "Nhà chứa Quan họ" đã nhận được không ít lời đàm tiếu, vì họ chưa hiểu nội dung hoạt động của "Nhà chứa Quan họ" trong truyền thống. Theo chị, ngôi nhà này không thể mang tên "Nhà Văn hóa Quan họ", vì không có nét riêng, bởi mấy làng không có nhà văn hóa? Càng không thể mang tên "Nhà chứa" chung chung để người ta lại bài bác xấu xa. Đến nay, làng vẫn chưa giao chìa khóa "Nhà chứa Quan họ" cho bọn Quan họ để đi vào hoạt động. Nếu hoạt động thì cũng chỉ mỗi tuần các bọn Quan họ ra đây vui ca giao lưu/ buổi. Các cụ kể rằng làng Diềm xa xưa có tới 10 "Nhà chứa Quan họ" của (05 bọn Quan họ nam và 05 bọn Quan họ nữ), nhưng thế hệ chị Hai chỉ biết có 03 nhà, hiện còn gia đình cụ Khu là "Nhà chứa Quan họ" truyền thống ở xóm Đông. Theo lời kể của chị Hai Hài, tôi đến thăm cụ Nguyễn Thị Khu 98 tuổi, cụ vừa được tỉnh tặng danh hiệu nghệ nhân Quan họ. Bị "nặng tai" phải sử dụng "máy trợ thính" nhưng vẫn minh mẫn, cụ Khu cho biết ngôi nhà này xưa là "Nhà chứa Quan họ" bọn nam, từ thời bố chồng, tiếp đến chồng cụ. Bọn nam Quan họ thường đến học câu, luyện giọng vào buổi tối, những khi say vui ca quá khuya thường ngủ lại đây, những dịp hội làng bọn Quan họ nam thường mời Quan họ bạn về đây tiếp đón, hát canh... Ngôi nhà ngói cổ kính đã xuống cấp, Bức thuận gỗ hai bên hồi được thay bằng xây gạch, cửa bức bàn thay bằng cửa ghép ván. Ông Nguyên Văn Đấu (con trai cụ Khu) cho biết, tỉnh Bắc Ninh chủ trương trùng tu ngôi nhà này, nhằm bảo trọng "Nhà chứa Quan họ" với kinh phí đầu tư ba trăm triệu đồng, sau nâng lên hai tỷ đồng, gia đình không đồng ý, vì đất của mình, nhà mình vẫn ở nhưng là di tích lịch sử văn hóa được nhà nước bảo trọng, mỗi khi xuống cấp cần sửa chữa phải xin phép sẽ phiền hà. Nên "Nhà chứa Quan họ" hiện nay được xây ở khu đất giữa làng. Tôi hỏi về việc làng Diềm xây "Nhà chứa Quan họ", ông Nguyễn Văn Xô, hàng xóm của chị Hai Hài, thẳng thắn nói rằng không nên xây, bởi xây chung chiêng giữa làng không gắn với bất kỳ bọn Quan họ sẽ khó thực hiện được vai trò của "Nhà chứa Quan họ" truyền thống.

            Quá trình diễn giải trên, cho thấy "Nhà chứa Quan họ" là có thật trong truyền thống, đáp ứng nhu cầu của bọn Quan họ, bởi ở đó có các hoạt động truyền bá, giữ gìn, phát triển dân ca Quan họ. Việc tỉnh Bắc Ninh chủ trương trùng tu xây dựng "Nhà chứa Quan họ" cũng chính là bảo tồn cơ sở vật chất của Văn hóa Quan họ. Nên chăng, cần tiến hành khảo sát xã hội học Văn hóa để thấy rõ "Nhà chứa Quan họ" là nơi bọn Quan họ thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, nhu cầu hưởng thụ các giá trị nghệ thuật ca hát Quan họ, giao tiếp, ứng xử của Văn hóa Quan họ và sự gắn kết giữa các thành viên trong bọn Quan họ với nhau, với chủ chứa... Thiết tưởng trùng tu xây dựng "Nhà chứa Quan họ" tại cơ sở truyền thống là chính đáng. Xây chung chiêng giữa làng chỉ là hình thức, gây tốn kém công quỹ, không nhằm làm cho Quan họ phát triển./.

 

Chú thích:  (1) "Không Gian văn hóa Quan họ", Lê Danh Khiêm (Chủ biên), Hoắc Công Huynh, Lê Thị Chung, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Bắc Ninh 2006; trang 61 - 62.