Trang chủ

BÁCH MÔN - NGÔI CỔ TỰ ĐỘC ĐÁO CẦN ĐƯỢC PHỤC DỰNG
15:21 | 09/08/2018

 Chùa Bách Môn tên chữ là Linh Cảm tự, được xây dựng trên lưng chừng núi Rồng (còn gọi là núi Long Khám), xã Việt Đoàn (Tiên Du). Ngôi chùa được một số nhà nghiên cứu Pháp đánh giá là độc đáo bậc nhất Đông Dương.

Nhiều tài liệu cho thấy, chùa Bách Môn được xây dựng vào thời Lý (thế kỷ 11-12). Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) còn lưu giữ một thác bản văn bia (ký hiệu số 2189) có tên Trùng tu Linh Cảm tự bi ký (văn bia ghi về việc trùng tu chùa Linh Cảm) với niên đại 1557. Tấm bia này hiện không còn tại chùa nhưng qua thác bản văn bia do các nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác cổ cho in, dập và lưu trữ thì có thể thấy rằng dưới thời Mạc, chùa đã được đại trùng tu. Việc triều đình đứng ra hưng công tu bổ cho thấy, vào thế kỷ thứ 16, chùa Bách Môn cũng thuộc hàng Đại danh lam. Không thể sánh bằng các ngôi chùa khác gần đó vốn là các Đại danh lam được đích thân triều đình cũng như nhà vua trực tiếp cho xây dựng như chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp nhưng chùa Bách Môn được nhiều người biết đến bởi được thiết kế theo mô hình lạ, độc đáo và được một số nhà nghiên cứu đánh giá là ngôi chùa có bố cục độc nhất vô nhị.

Trải gần một ngàn năm, chùa được trùng tu nhiều lần, trong đó, đại trùng tu vào những năm 1556 và 1612. Đến thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782), bà chúa Chè - Tuyên phi Đặng Thị Huệ khi thất sủng đã về đây ăn chay cầu nguyện, tìm sự yên tĩnh nơi cửa thiền. Bà cho sửa sang, tu bổ, kiến thiết ngôi chùa có bình đồ hình vuông chữ Điền, quy cách trăm cửa mở ra bốn phía bên ngoài, thành một công trình đồ sộ với đủ cả bốn phương, tám hướng để tu tâm tích đức. Trung tâm là Vọng cung cao nhất thông 2 tầng với bàn thờ Phật bày 4 phía. Tại 4 góc chùa là 4 gác cao 2 tầng để treo chuông, khánh, trống, mõ.

Theo lời các cụ phụ lão ở địa phương - những người đã từng chứng kiến việc tu bổ ngôi chùa những năm 1930 và trước những năm tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp cho biết: Quy mô kiến trúc ngôi chùa chính có mặt bằng diện tích lên tới 999m2 với kết cấu truyền thống bằng gỗ Lim, chạm khắc tinh tế. Tháng 6-2015, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật chùa Bách Môn với diện tích 78m2. “Theo báo cáo kết quả khai quật đã tìm được loại gạch lát màu đỏ sẫm, đỏ nhạt, không trang trí hoa văn, niên đại có thể thuộc thời Lý, Trần và 1 viên gạch màu vàng xám, trang trí hoa văn ô trám lồng; ngoài ra còn có một mảnh tháp mô hình và một mảnh tượng đầu người mình chim Kinnari được xác định niên đại thời Lý. Với kết quả đó, dù chưa thể hình dung được quy mô, mặt bằng của chùa Bách Môn thời Lý, Trần như thế nào nhưng ít nhất cũng cho ta thấy dưới thời Lý (thế kỷ 11, 12), ở đây đã hiện diện một ngôi chùa”- TS Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết.

Chùa Bách Môn có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hoá phong phú và độc đáo của dân tộc cả về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, đồ thờ cúng cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học và nhiều nghi lễ Phật giáo khác. Trước năm 1945, chùa được sử dụng làm cơ sở đào tạo cán bộ của Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa bị tiêu thổ hoàn toàn. Dựa vào những dấu vết hiện còn cùng những tầng nền và di vật, nhằm bảo tồn di tích, năm 1992, nhân dân địa phương đã dựng lại ngôi chùa nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Lần phục hồi này do kinh phí hạn hẹp nên không thể phục dựng được theo khuôn mẫu xưa. Các công trình kiến trúc hiện nay gồm: Tam quan (dài 5,7m, rộng 3,75m) kiểu chồng diêm, 2 tầng 8 mái; Tam bảo (gồm Tiền đường và Thượng điện hình chữ Đinh); nhà Mẫu; nhà Tổ; đường lên chùa gồm 100 bậc... Nhiều hiện vật có giá trị của chùa cũ bị thất lạc nay đang được tập trung trả lại cho chùa. Hiện trong chùa còn chuông đồng được tạo năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) và khánh đồng được tạo năm Khải Định thứ 8 (1923). Các công trình mới được phục dựng tuy chưa đáp ứng được những giá trị kiến trúc, nhưng cũng hàm chứa các giá trị tinh thần, đáp ứng được sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân địa phương.

 

Chùa Bách Môn cách chùa Phật Tích khoảng 2km về phía Tây Nam, cách chùa Dạm khoảng 5km về phía Đông Bắc. Từ đây đến trung tâm làng Lim theo hướng Bắc cũng khá gần. Như vậy, chùa nằm trong vùng văn hoá trọng điểm của tỉnh, chiếm vị trí đắc địa, có nhiều điều kiện trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Những năm gần đây, tuyến đường giao thông mới từ Lim chạy qua khu vực gần Tam quan chùa Bách Môn kéo đến chùa Phật Tích, nối đến trung tâm thị xã Từ Sơn rất thuận tiện cho việc đi lại, nên khách thập phương đến chùa ngày một đông, nhất là vào những dịp tết, lễ hội và những ngày lễ chính của Phật giáo. Nếu công trình này được khôi phục lại theo đúng kiến trúc như vốn có thì sẽ là một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo, hấp dẫn khách tham quan, góp phần phát triển du lịch của địa phương.

THU HUYỀN