Trang chủ

MẠCH NGUỒN TỪ CUỐN "KHẢO CỨU VĂN HÓA KINH BẮC" CỦA TÁC GIẢ TRẦN ĐÌNH LUYỆN
16:40 | 04/09/2018

          Ngày 26/02/2018 (Tức ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) trong không khí gặp mặt đầu xuân giữa lãnh đạo và các ban ngành của thành phố Bắc Ninh với đội ngũ Văn nghệ sĩ thành phố, biết tôi là người ham sách, tôi được Tiến sĩ khoa học lịch sử Trần Đình Luyện tặng cuốn sách với nhan đề “Khảo cứu văn hóa Kinh Bắc”.

Là người yêu thích lịch sử, văn hóa, lại là văn nghệ sĩ, nhận được cuốn sách, tôi say sưa đọc nó một mạch. Càng đọc, càng lôi cuốn. Đọc đi, đọc lại, không thể không ghi lại những cảm nhận về cuốn sách để giãi bày, chia sẻ.

Tác giả Trần Đình Luyện, quê xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh; Hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Hiện tại, anh nghỉ hưu ở thành phố Bắc Ninh. Anh sinh năm 1946, ở thời điểm cuốn sách được phát hành, anh đã bước vào tuổi 73, cái tuổi xưa nay hiếm của đời người. Tôi lại càng trân trọng hơn bởi trước đó biết anh sức khỏe có vấn đề. Thế mới biết, những gì anh viết trong những trang sách là cả một sự lao động bền bỉ, một ý thức sâu sắc về những điều anh đau đáu với truyền thống văn hóa - lịch sử của quê hương.

Anh là Tiến sĩ khoa học lịch sử, được đào tạo bởi những người thầy nổi tiếng của lịch sử nước nhà ở thế kỷ 20 như nhà sử học Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê…, cho nên những vấn đề anh đặt ra trong cuốn sách do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đầu tư mà anh là tác giả, có nhiều ý nghĩa không chỉ cung cấp cho độc giả nhiều nguồn thông tin quý giá, có tính khoa học và hệ thống, mà nó còn gợi mở cho các cơ quan quản lý nhà nước, các học giả tiếp theo khi quản lý và nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa - lịch sử của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Cuốn sách có độ dày 492 trang, khổ in 14,5 x 20,5 cm, cỡ chữ nhỏ, được sắp xếp một cách khoa học các vấn đề trình bầy, cộng với lối văn chặt chẽ của người khảo cứu, bầy tỏ những quan điểm khoa học về những vấn đề cần làm sáng tỏ, bổ sung. Cuốn sách thực sự là một hệ thống kiến thức về văn hóa xứ Kinh Bắc ngày xưa và Bắc Ninh ngày nay. Lời giới thiệu ở đầu cuốn sách của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã khẳng định “Khảo cứu văn hóa Kinh Bắc là sản phẩm của sự kế thừa và tiếp nối thành tựu nghiên cứu khoa học của tác giả trong suốt thời gian dài. Đây là công trình đã phác họa, bổ sung thêm cho văn hóa truyền thống Kinh Bắc và sẽ là cẩm nang hữu ích cho đông đảo bạn đọc và du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc”.

Ngay trong mục “Lời tác giả”, anh cũng khẳng định với độc giả, khảo cứu văn hóa Kinh Bắc là công trình hợp tuyển các chuyên luận khoa học về văn hóa truyền thống quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Các chuyên luận hầu hết là các tham luận được anh trình bày trong một số hội thảo khoa học cấp quốc tế, quốc gia của tỉnh Bắc Ninh từ hơn hai mươi năm nay. Thế mới biết, đây là cuốn sách mà anh đã thai nghén từ hơn hai mươi năm nay. Nó như một món quà tâm huyết, anh gửi đến độc giả và các thế hệ nghiên cứu tiếp theo.

Chính vì những vấn đề đặt ra trong cuốn sách như vậy, khi viết về những cảm nhận của mình, tôi thực sự boăn khoăn, không biết nên bắt đầu từ đâu và cảm nhận như thế nào về cuốn sách anh tặng. Với tất cả sự trân trọng, tôi mạnh dạn có đôi điều về cuốn sách mà tác giả Trần Đình Luyện đề cập. Cuốn sách có độ dày 492 trang in, khổ in 14,5 x 20,5 cm, cỡ chữ nhỏ, nhà xuất bản Dân trí biên tập, phát hành tháng 1 năm 2018. Cuốn sách được chia làm 4 phần, mỗi phần là một vấn đề lớn anh đề cập:

- Phần thứ Nhất: Bắc Ninh - Kinh Bắc đặc điểm lịch sử văn hóa.

- Phần thứ Hai: Danh nhân.

- Phần thứ Ba: Di sản văn hóa phí vật thể.

- Phần thứ Tư: Di sản văn hóa vật thể.

Kết cấu cuốn sách vừa khu biệt nội dung trình bày, vừa lôi cuốn người đọc, bởi mỗi phần cuốn sách vừa gợi mở, vừa định hướng, thu hút người đọc về một chủ đề anh quan tâm, nghiên cứu xuyên suốt “Văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc”.

Khi đọc cuốn sách, bạn đọc vừa hình dung lịch sử hình thành mảnh đất xứ Kinh Bắc xưa - Bắc Ninh ngày nay. Mỗi người dân Bắc Ninh tự hào rằng trên mảnh đất này, Kinh Bắc - Bắc Ninh là cái nôi của người Việt cổ. Đồng nghĩa với nó, đó là cái nôi của một nền văn hóa có truyền thống lâu đời từ khi lập nước sơ khai đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay.

Mạch ngầm văn hóa ấy chảy không ngừng nghỉ theo tiến trình của lịch sử. Biết bao thế hệ người Bắc Ninh đã âm thầm kế thừa, bồi đắp cho mạch nguồn văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh ngày một phát triển rực rỡ. Mảnh đất Kinh Bắc - Bắc Ninh trong dòng chảy văn hóa của dân tộc đã để lại một di sản văn hóa trải rộng trên mọi miền đất Bắc Ninh ngày nay. Bắc Ninh không chỉ là cái nôi của văn hóa Phật giáo của cả nước, mà ở đó ta biết cái nôi của văn hóa bản địa lúa nước khi tiếp xúc với văn hóa du nhập từ phương Bắc, từ Ấn Độ ảnh hưởng vào vào. Đỉnh cao của di sản văn hóa ấy là giá trị tinh thần của người Việt được trao truyền và không bị mai một, mà nó ngày càng khẳng định vị thế của dân tộc Việt qua Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản văn hóa vật thể và các danh nhân xứ Kinh Bắc đã làm rạng rỡ quê hương.

Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa đều đi đến một nhận định: các thể chế nhà nước có thể thay đổi theo tiến trình phát triển của lịch sử, nhưng những giá trị văn hóa của một dân tộc, một vùng miền không hề thay đổi theo, nó chỉ phát triển, bổ sung phong phú thêm theo thời gian. Nó là mạch ngầm xuyên suốt theo không gian và thời gian.

Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, việc giao lưu giữa các dân tộc, các quốc gia thì yếu tố văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng cực kỳ có ý nghĩa to lớn. Bất kỳ một nguyên thủ quốc gia nào, mỗi du khách đến một quốc gia, một vùng miền thì điều đầu tiên bao giờ họ cũng nghiên cứu rất sâu về truyền thống văn hóa của quốc gia, vùng miền đó mà họ có cách ứng xử cho phù hợp. Chẳng thế khi Phó Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi thăm nước Mỹ. Trong bài phát biểu chào mừng, Phó Tổng thống Mỹ đã lẩy một câu Kiều theo phong cách người Việt trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

   Thì biết rằng, khi đón tiếp Tổng Bí thư của Đảng ta, người Mỹ đã tìm hiểu rất kỹ về Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, một tác phẩm nổi tiếng mà mỗi người dân Việt Nam ai cũng biết, hiểu và không ít người thuộc lòng nó và tập quán lẩy Kiều của người Việt để mô tả hoàn cảnh hai quốc gia, phù hợp với thời gian, không gian cuộc tiếp đón Tổng Bí thư Đảng ta tại Thủ đô nước Mỹ. Thế mới thấy hết những giá trị của văn hóa đã đem lại cho cuộc sống và các mối quan hệ bang giao như thế nào. Bởi vì sao vậy, chính những phong tục, tập quán, những đặc trưng văn hóa ở mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đã làm nên bản sắc riêng, không pha trộn vào đâu được. Và chính nhờ đó, mà ta lựa chọn những cách ứng xử cho phù hợp với nó trong đời sống hàng ngày. Có thể nói cuốn sách “Khảo cứu văn hóa Kinh Bắc” của tác giả Trần Đình Luyện đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu đó.

Mỗi khi đến với Bắc Ninh ngày nay, du khách không thể không tìm hiểu về mảnh đất này. Cuốn sách như một cẩm nang không chỉ giúp cho độc giả trong tỉnh mà nó còn giúp cho mỗi du khách khám phá những nét văn hóa độc đáo, tiêu biểu của xứ Kinh Bắc xưa, Bắc Ninh ngày nay trên con đường hội nhập và phát triển.

Thay cho lời kết, tôi chân thành cảm ơn tác giả đã tặng tôi cuốn sách quý. Qua đó, tôi đã hiểu thêm nhiều điều về truyền thống lịch sử - Văn hóa của ông cha ta đã bao đời vun đắp mà có được./.

NGUYỄN ĐÌNH CHẾ