Trang chủ

LOA HỒ: NƠI PHÁT NGUYÊN CỦA SÔNG TIÊU TƯƠNG
15:01 | 08/08/2018

 DƯƠNG MẠNH NGHĨA

Theo sách: Đại Nam thống nhất chí (triều Nguyễn) "Sông Tiêu Tương (cũ) ở địa giới phủ Từ Sơn, phát nguyên từ cái đầm lớn ở xã Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, chảy từ phía Tây sang phía Bắc xã Tiêu Sơn".

Vậy nơi phát nguyên của sông Tiêu Tương là Loa Hồ. Loa Hồ xưa là một vùng chứa nước rộng mênh mông, nơi tích tụ nước thường xuyên cho dòng chảy của Tiêu Tương, có chi lưu phía trên liên thông với sông cái (sông Hồng) Sông Dâu. Nơi đây theo khảo cổ học, cư dân đã sinh sống và tồn tại từ 3000 năm. Tại đây là đất khoa bảng, cách mạng và văn hiến của vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Chỉ với riêng thôn Phù Lưu theo cuốn "Các vị Đại khoa tỉnh Bắc Ninh", trong một thời kì đã có 17 vị đỗ tiến sỹ, 7 vị đỗ tú tài. Trong đó một số vị là nhà văn nhà thơ.

Theo sách "Khu di tích Luy Lâu - giá trị lịch sử văn hóa và vấn đề bảo tồn" do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh xuất bản năm 2016. Sông Dâu vào thời Trần qua đào, nạo vét nhiều lần rồi có tên là sông Đuống.

Loa Hồ từ xa xưa, xung quanh bao bọc đều là rừng rậm bạt ngàn, dân cư thưa thớt. Theo thần phả hiện có thờ ở đền Đình thôn Phù Lưu thì:  Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống và Trương Hát) đã cho thủy quân đóng và luyện tập tại đây.

Loa Hồ trước đây là một thương cảng, có cả một hệ thống đường thủy liên thông với sông Dâu và sông Hồng, qua sông Tiêu Tương liên thông với sông Nguyệt Đức (sông Cầu), sông Thiếp (Cổ). Quanh Loa Hồ có nhiều chợ lớn: Chợ Phù Lưu, chợ Giầu, chợ Cẩm, chợ An Lã. Do sự thuận lợi của tuyến đường thủy, thương cảng ngày đêm thuyền bè tấp nập, đầy đủ các mặt hàng, không khí sầm uất. Là đầu mối giao thông trong vùng, trong nước và cả nước ngoài. Qua tuyến đường thủy này, cũng là con đường thường xuyên vua quan các triều đại đi tuần thú và du ngoạn trong vùng.

Loa Hồ là tên gọi theo tưởng tượng của dân gian vì đầm này có hình giống như một cái loa (loa sắt cầm tay hoặc loa quả bầu) miệng loe rộng còn chúm loa thì thu hẹp lại, cũng cách liên tưởng khác, người ta cho hồ giống như cái đẫy (tay nải) hình hai quai đẫy phía Đông là thôn An Lã, phía Tây là thôn Nội Chì, còn (đáy của đẫy) nằm trong vòng ôm của thôn Phù Lưu thuộc vùng nước sâu. Lại có ý kiến nữa cho rằng hình của hồ như một con trai (trai ăn thịt nấu canh).

Quanh hồ từ xa xưa có 3 thôn: Phù Lưu - An Lã - Nội Chì tồn tại sinh sống đến ngày nay và có quan hệ rất mật thiết với nhau. Mặt nước của hồ được dân của ba thôn chung nhau nuôi trồng và khai thác. Đặc biệt là hạt sen của Loa Hồ có chất lượng hương vị được khách buôn gần xa rất ưa chuộng.

Gần giữa đầm về phía Đông - Nam thôn Phù Lưu (xưa) có một gò nổi tựa như một viên ngọc, về đêm tỏa ánh sáng muôn màu, xung quanh là rừng rậm rạp, bốn mùa hoa tươi quả ngọt chim kêu vượn hú, từng đàn chim muông bay lượn rồi sà xuống mặt đầm nước ca hát... không gian ảo ảnh, thực là một cảnh tiên kỳ vĩ. Về mùa hạ sen bao bọc xanh tốt, hương sen thơm tỏa ra khắp mặt đầm.

Tương truyền: vào một ngày đẹp, tiên nữ Ngọc Dung công chúa (con trời) giáng xuống Loa Hồ, thấy cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú, nàng ở lại một thời gian sau mới về trời. Gò nổi: sau này có sự tác động thêm của con người, sửa rộng thêm, trên gò vẫn giữ được cảnh xưa của Loa Hồ thu nhỏ, trong đó chứa đựng một ngôi đền gọi là Đền Đầm, thờ bà chúa Đầm.

Loa Hồ là một địa danh lịch sử gắn liền với dòng Tiêu Tương. Xin trích một bài thơ nói về Loa Hồ. Ông là Hoàng Văn Hòe, người làng Phù Lưu, đỗ đệ thi giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, niên hiệu Tự Đức 33 (1880) - Ông là nghĩa sỹ yêu nước một thời chống Pháp và là nhà thơ.

Tác phẩm "Hạc Nhân Tùng Ngôn" có 316 bài"

LOA HỒ ĐÌNH TRUNG

 

Lung linh miếu nổi ánh hoa bàng

Bạn hữu tư văn chính ở đây

Giai trúc xanh rờn trời để phúc

Sen hồng nước lục đạo càng say

Qua sông núi hiện như mây biếc

Dưới nguyệt trà thơm tỏa khói bay

Xin gửi chim âu lời nhắn nhủ

Mười năm đèn sách phụ công này.

Loa Hồ hiện nay đã cạn và thu nhỏ. Diện tích mặt nước hiện còn dưới 100 mẫu. Song nó còn lưu mãi một quá trình lịch sử và nằm sâu trong tiềm thức nhân dân vùng Từ Sơn nói riêng và người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc cũng như trong cả nước "Nơi phát nguyên của dòng sông Tiêu Tương".