Trang chủ

KÝ ỨC NGHÌN NĂM
15:34 | 21/06/2018

 DƯƠNG MẠNH NGHĨA

 

 

Cuối thế kỷ thứ IX thiền sư Vạn Hạnh trụ trì tại chùa Tiêu Sơn, còn có tên gọi là chùa Lục Tổ nay thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Tiêu Sơn tọa lạc lưng chừng núi về phía tây, trên một khu đất rộng (núi độc vị có độ cao 35,8m). Chân núi áp sát tả sông Tiêu Tương, phong cảnh thật kỳ vĩ hiếm thấy ở vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Chùa Tiêu Sơn có từ thế kỷ VI - VII sau công nguyên. Nơi đây là một trung tâm Phật giáo lớn của vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Chùa đã thờ phật tổ Huệ Năng (638 - 713) là vị phật tổ thứ 6, nên tên chùa còn được gọi là chùa Lục Tổ. Chùa Tiêu Sơn trên núi dân địa phương gọi là chùa Cao. Cách chùa Cao về phía đông nam khoảng 300m (phía hữu sông Tiêu Tương) có một phân nhánh gọi là chùa "Tràng" hoặc chùa Trường Liêu, dân địa phương gọi là chùa "thấp" chùa Lào (chùa Lào gắn với tên Giếng Láo (liên quan đến truyền thuyết. Khi bà Phạm Thị làm thủ hộ tại chùa Tiêu Sơn...)

Theo thuyết phong thủy, chùa Tiêu Sơn là đầu của một con Rồng, theo dòng Tiêu Tương về hướng đông, cả đoạn sông Tiêu Tương có các bãi bồi dân sinh. Thôn Phù Long, Tiêu Long là thân của con Rồng, các làng khác ở hai bên bờ sông Tiêu Tương là các Vờn mây.

Phật giáo từ Ấn Độ vào Luy Lâu Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công Nguyên. Theo sách (Thiền uyển tập anh) Tì - Ni - Đa - Lưu - Chi là người Ấn Độ đến chùa Pháp Vân (Chùa Dâu) thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh vào tháng 3 năm Canh Tý (580) và ở đó đến năm Giáp Dần (594) thì tịch. Ông là học trò của Tăng Xám, vị tổ thứ 3 của Thiền phái Thiền tông Trung Hoa. Tì - Ni - Đa - Lưu - Chi được Tăng Xám truyền cho tâm ấn.

Theo cuốn "Khu di tích Luy Lâu - Giá trị lịch sử văn hóa và vấn đề bảo tồn" do Sở Văn hóa thể thao và du lịch xuất bản năm 2016, phật giáo khởi đầu vào Việt Nam - lúc này đã hình thành 3 trung tâm lớn đó là: Khu Phật giáo Luy Lâu Bắc Ninh. Khu Phật giáo Đại La, Hà Nội và một trung tâm ở cực Nam lúc bấy giờ (của người Chăm Pa).

Tại Luy Lâu đã tạo ra được 19 thế hệ trong thiền phái Tì - Ni - Đa - Lưu - Chi mà Đại sư Pháp Hiền là vị Thiền sư người Việt Nam (vị sư tổ thứ 2) được Pháp sư Đàm Thiên Sùng bái là Bồ tát sống và được truyền tâm ấn. Từ đó phái Tì - Ni - Đa - Lưu - Chi phát triển rất mạnh ở Luy Lâu rồi tạo ra được 31 vị cao tăng người Việt nổi tiếng, vừa trụ trì các chùa lớn trong vùng Luy Lâu một phần tỏa về các vùng khác của Bắc Ninh (trọng tâm là vùng Diên Uẩn - Cổ Pháp - Đình Bảng), tại vùng này có các Thiền sư: Định Không, Thông Thiện, Thanh Biện, Sùng Phạm, Thiền Nham, Viên Ngọc... Từ đó xuất hiện nhiều Thiền sư cùng các hiện tượng phương vĩ, sấm vĩ, phong thủy. Thiền sư Định Không về trụ trì tại chùa Tiêu Sơn là thế hệ thứ 8 của Thiền phái này. Sư về làm chùa Quỳnh Lâm năm (785) ở Diên Uẩn (Dương Lôi) thấy 10 chiếc khánh đồng và một lư hương, rồi từ đó đổi tên hương Diên Uẩn thành hương Cổ Pháp. Khi sư quy tịch được đưa về vườn tháp tại phía tây của chùa Tiêu Sơn an táng.

Thiền sư Thông Thiện là đệ tử của sư Định Không trụ trì tại chùa Thiện Chúng - Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai thầy trò cùng về hương Diêm Uẩn.

Theo truyền miệng dân gian. Sư Thông Thiện làm chùa Cổ Pháp (Nuốn) khoảng năm (820). Thiền sư Thông Thiện là thầy của sư Đinh - La - Quý - An (người có công trồng cây gạo, sau bị sét đánh ở Diên Uẩn) La Quý An là thầy của Thiền Ông. Thiền Ông là thầy của sư Vạn Hạnh và sư Khánh Văn. Thiền sư Lý Khánh Văn sau đó trụ trì ở chùa Cổ Pháp (Nuốn), nhận Công Uẩn con của bà Phạm Thị (làm con nuôi, đổi họ Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ). Là vị sư có công nuôi dạy Lý Công Uẩn từ 3 tuổi đến 8 tuổi, rồi giao lại cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn.

Thiền sư Vạn Hạnh là Thiền phái thứ 12 của Tì - Ni - Đa - Lưu - Chi. Theo "Thiền uyển tập anh""Đại Nam Thiền uyển Đăng Lục" thì Vạn Hạnh họ Nguyễn (thực tế là họ Lý) người Châu Cổ Pháp, sinh ra trong một gia đình nhiều đời thờ Phật. Ngay từ thời thơ ấu Ngài đã tỏ ra thông minh khác thường, lầu thông Tam giáo, hiểu thấu bách gia chư tử.

Ngài xuất gia năm 21 tuổi ở chùa Lục Tổ (chùa Tiêu) cùng với Đinh Huệ, thờ Thiền sư Thiền Ông làm thầy. Vạn Hạnh là một trong những thiền sư xuất sắc bậc nhất của dòng Tì - Ni - Đa - Lưu - Chi, trong việc thành lập thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam Phương. Ngài rất am tường tổng trì Tam Ma Địa, còn có tên gọi khác là Bảo Vương Tam Muội (thuộc mật giáo).

Vạn Hạnh vào đời bằng cửa Nho, ở lại bằng cửa Lão, mà vươn lên giải thoát bằng cửa Phật. Nho giáo giúp Vạn Hạnh xây dựng kinh bang tế thế nhưng nó cũng đưa đẩy con người ta mê muội trong cái bả danh lợi, tiền tài, địa vị, hoặc mắc kẹt trong thế lưỡng đầu bế tắc (nhập thế, mẫn thế, yếm thế).

- Lão giáo giúp việc khai mở tâm hồn thoáng đạt cho nhà sư nhưng nó cũng là cạm bẫy khiến nhà sư lúng túng trong thế vô vi - hữu vi, thương đời, ghét đời.

- Phật giáo trợ thủ cho Vạn Hạnh không sa đà vào các hệ lụy trên, bằng bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ quang minh. Vạn Hạnh đã dung hòa, tích hợp được tinh hoa của Phật - Lão - Nho để cứu nhân độ thế và giải thoát chính mình.

Căn cứ vào phái lý (Tông) của đạo Phật để đi đến quyết định chuyển hướng từ (Đại Thừa) sang (Thiền Tông) đây là bước nhẩy vọt giữa "Kinh" và "Tâm" tâm tức Phật, phật tức tâm. Rồi đi vào thực hành, có sáng tạo trong kinh Phật để cứu giúp chúng sinh từ bĩ cực sang thái lai. Điều này được thể hiện qua bốn câu thơ của ông.

"Bồ đề vốn không cội

Gương sáng cũng không đài

Nguyên chẳng có một vật

Sao gọi phải trần ai."

Vạn Hạnh không những giỏi về kinh pháp nhà Phật, ông còn giỏi về thiên văn, địa lý và đặc biệt rất giỏi về võ công. Trên đỉnh Tiêu Sơn có một bãi đất rộng phẳng hiện nay đặt tượng Vạn Hạnh bằng đá hoa cương. Tương truyền bãi đất này hàng ngày Vạn Hạnh thường dạy võ thuật cho Lý Công Uẩn.

Theo "Thiền Uyển Tập Anh""Đại Nam Thiền Uyển đăng lục". Đương thời Vạn Hạnh nói ra điều gì thiên hạ đều coi là "Sấm truyền" Sư Vạn Hạnh hai lần tiên đoán sự việc cho vua Lê Đại Hành phá Tống, bình Chiêm đều thành công.

Đạo giả Thiền Ông là thầy của Vạn Hạnh (902-979) sau khi Thiền Ông viên tịch, Thiền sư Vạn Hạnh đã lĩnh hội toàn bộ nhiệm vụ cao cả đó để tổ chức thực thi trên mọi bình diện. Vạn Hạnh không những kế tục, ông còn phát triển, sáng tạo dựa trên kinh Phật, kết hợp cách làm của các vị tiền nhân và thực tiễn đề ra chủ trương "bước nhảy" chắc chắn. Ông là nhà kiến trúc sư đã để lại cho hậu thế bài học lịch sử vô giá về sự chọn lựa, đào tạo người kế vị, lãnh đạo quốc gia, dân tộc.

Kinh nghiệm cho thấy, công việc muốn đạt được hiệu quả cao, không thể một sớm một chiều mà phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài.

Lý Vạn Hạnh (Thánh Vạn) đã dự đoán được thời vận, để có được những quyết định như là ý trời... Lý Vạn Hạnh như một nhà triết gia, nhà địa lý, nhà thơ, nhà văn hóa, đặc biệt là nhà tâm lý học. Trong thơ (kệ) của ông đều có tính chiến lược thần bí, ẩn ý trong câu chữ, lại rất phổ thông rộng rãi, dễ tuyên truyền tạo dư luận trong dân chúng theo một hướng nhất định có chủ ý.

Thơ (Kệ) là công cụ tuyên truyền "ảo" như là "Sấm Ký" như là điềm trời đã báo trước "thực" thì theo kiểu hát "Đồng dao" bâng quơ để trẻ con đọc, hát bằng miệng theo kiểu hò, vè...

Cây gạo do Thiền sư Đinh La Quý An trồng gần chùa Minh Châu (Dương Lôi) năm (936) cũng năm đó ông quy tịch. Cây gạo sau bị sét đánh (1009) xuất hiện bài thơ "trời báo" năm (1010) Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Thời gian trước đó Vạn Hạnh đã chuẩn bị cho một ông vua (Lý Công Uẩn) về mặt chữ nghĩa, về kinh phật, võ thuật... theo tư tưởng của bài "Sấm Vĩ".

Nội dung bài thơ được phiên âm như sau:

"Đại Sơn long đầu khởi

Cù vĩ ẩn chu minh

Thập bát tử định thành

Miên thu hiện long hình

Thổ, kê, thử nguyệt nội

Định kiến nhật xuất thanh."

Phân tích bài thơ này: 2 câu đầu Đại Sơn là tên núi (nay thuộc núi Phật Tích) Chu Minh là chùa Minh Châu (ở Dương Lôi) đầu Rồng ở Đại Sơn - đuôi Rồng ở chùa Minh Châu.

   Câu 3 và câu 4: Khi nào cây gạo có vết sét đánh, có hình "Rồng leo" thì nhà Lý sẽ lập được vương triều của mình. Riêng câu 5: Thổ là (thỏ), kê (là gà) thử (chuột) nguyệt nội- năm Kỷ Dậu là gà tháng 11 là chuột trong bài thơ (Kệ) có thể xem ứng nghiệm của sự dự báo tuyệt đối, chính xác. Câu thứ 6 là Vua lên ngôi. Về việc này trong sách sử ghi bài thơ của La Quý An, nhưng truyền miệng dân gian nói là của Vạn Hạnh.

   73 năm sau (936 - 1009) cây gạo ở Dương Lôi bị sét đánh gãy một cành to, khai lộ vết tích có hình Rồng leo - Người biết chữ đọc bài sấm truyền miệng dân gian (có một vị sư đi qua đọc... có thể là... Vạn Hạnh). Nội dung bài thơ "Sấm" như sau:

"Thụ căn diểu diểu

Mộc biểu thanh thanh

Hòa đao mộc lạc

Thập bát tử thành

Chấn cung hiện nhật

Đoài cung ẩn tinh

Lục bát niên gian

Thiên hạ thái bình."

   Dịch nghĩa:

"Gốc rễ thăm thẳm

Ngọn vỏ xanh xanh

Cây hòa đao rụng

Mười tám hạt thành

Đông mặt trời mọc

Tây sao ẩn hình

Khoảng sáu bẩy năm

Thiên hạ thái bình".

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Sư Vạn Hạnh tự đoán: Căn là gốc, gốc là Vua. Diểu là yểu đồng âm vậy câu đầu nghĩa là chết yểu. Biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, thanh là thịnh, thế là một số trong bầy tôi sẽ lên nắm quyền. Hòa - đao - mộc ghép thành chữ "Lê" thế là "Lê" mất. Thập - Bát - Tử ghép thành chữ "Lý" thế là "Lý" lên. Chấn là phương Đông, Nhật là thiên tử. Đoài là phương tây, trải qua sáu bẩy năm, thiên hạ thái bình.

Khi Lý Công Uẩn chuẩn bị lên ngôi Hoàng Đế năm 1009 Vạn Hạnh có bài "Kệ" yết bảng thị chúng.

Phiên âm:

"Tật lê chìm bắc thủy

Lý tử thụ Nam thiên

Tứ phương can qua tĩnh

Bát biểu hạ bình yên"

Dịch:

"Gốc lê chìm biển Bắc

Chồi lý mọc trời Nam

Bốn phương tan giáo mác

Tám cõi được bình an."

Gốc lê: ám chỉ nhà tiền Lê: Chồi lý ám chỉ nhà Lý, Lê đổ Lý lên thay. Bốn phương không có đánh nhau, tám cõi thiên hạ được yên bình.

Lý Công Uẩn lên ngôi vua ở Kinh đô Hoa Lư, ngày mồng hai tháng một năm Kỷ Dậu. Dương lịch là ngày 21 tháng 11 năm 1009. Từ Hoa Lư sau khi về thăm quê và chùa Cổ Pháp vào đến Hoa Lư mới làm lễ đăng quang, ngày rằm tháng ba năm Canh Tuất (1010) Niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất. Sau tám tháng củng cố chính quyền, dời đô về thành Đại La, đổi tên Đại La là Thăng Long (Hà Nội ngày nay) việc dời đô tiến hành vào tháng bẩy năm Canh Tuất. Dương lịch là ngày 13 tháng 8 đến ngày 10 tháng 9 năm 1010. Trong chiếu dời đô cả thảy có 214 chữ, theo truyền miệng người ta cho chính Vạn Hạnh là người thảo chiếu đó.

Thiền sư Lý Vạn Hạnh đã đưa nền văn học viết của dân tộc, loại hình mới "Sấm Ký". Ông đã dùng văn học để tải đạo, truyền bá tư tưởng chính trị và giáo dục nhân sinh... Trước khi viên tịch (1018) Nhà sư đã tổng kết, thâu tóm bí quyết trong giác ngộ thành đạo "Đạo quả bồ đề" bí quyết nhận vận thế sự. Trước khi nhắm mắt xuôi tay.

"Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cỏ xuân tươi thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi.

Thịnh suy ngọn cỏ giọt sương đông".

Bài thơ đã được dịch: Trong nội hàm của bài thơ có 4 câu, các từ xuân - thu - đông nếu là một năm phải có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông, nhưng ở đây còn thiếu từ hạ (của một mùa) Hạ là (hè nóng). Chứng tỏ bài thơ cuối đời của nhà sư có ẩn ý? Có thể đây là việc thâu tóm và tổng kết của một đời người... Đời người ví tròn của một năm, thành chu kỳ, hết năm này lại tiếp năm khác cho đến khi chết.

Đây là bài thơ cuối của chu kỳ vòng quay đó. Trong 4 câu thơ chỉ rõ có 4 mùa của một năm, thiếu mùa Hạ. Đã là mùa Hạ ắt phải nóng... Khi con người dù thông minh (trời ban) mà tính (nóng) đều sinh ra hỏng việc...

Ý của Thánh Vạn là: Kể cả lúc thịnh hay lúc suy việc nước hay việc nhà nếu (nóng) đều hỏng việc.

Theo cuốn "Làng Dương Lôi với Vương triều Lý" do Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc ấn hành năm 2000 để phục vụ cho ngày đại lễ một ngàn năm Thăng Long Hà Nội.

Về thân thế và sự nghiệp của Thiền sư Vạn Hạnh, về năm mất của Ngài cũng có khác nhau chưa thống nhất, ở trang 20 Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: "Vạn Hạnh không rõ năm sinh, năm 1010 ông đã hơn 70 tuổi, vậy ông sinh khoảng cuối thập kỷ 30 của thế kỷ thứ X năm 1025 thọ ngót 85 tuổi". Cũng tại sách này học giả Nguyễn Thùy Liên trang 181 viết: Theo Thiền uyển tập anh" thì "Thiền sư Vạn Hạnh" (?...1018 tu ở chùa Lục Tổ hương Dịch Bảng chùa Tiêu Sơn (xã Tương Giang ngày nay). Một số sách và tài liệu khác cũng có nói rằng: Thiền sư Vạn Hạnh mất năm 1018. Đã từ lâu đời, sư trụ trì tại chùa Tiêu Sơn hàng năm lấy ngày 15/5 (âm lịch) là ngày giỗ Quốc sư Lý Vạn Hạnh.

Thiền sư Vạn Hạnh đã đi xa, cách nay tròn 1000 năm (1018 - 2018). Đức hạnh và công cán của Ngài đã để lại điểm son trong lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là lịch sử triều đại Lý, một triều đại hưng thịnh tồn tại 216 năm với 9 đời Vua còn sáng mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam ta./.

 

Tài liệu tham khảo:

- Hội thảo khoa học 1000 năm Thăng Long Hà Nội tại Dương Lôi năm 1994. Cuốn làng Dương Lôi với Vương triều Lý.

- Di tích Luy Lâu: Giá trị lịch sử văn hóa và vấn đề bảo tồn Sở VHTT và Du lịch Bắc Ninh xuất bản năm 2016 và một số sách báo khác.