Ngang Kiều, Ngang Nội, Ngang Na
Ba Ngang, một Dọc, ấy là chữ Vương.
Câu ca này nói đến địa danh ba làng Ngang xưa nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Sự nổi tiếng của ba làng Ngang còn được tục ngữ ghi lại:
Chùa Phật tích đôi song cửa sổ
Huyện Tiên Du nhất một Hiên Ngang.
Hai địa danh Chùa Phật Tích (xã Phật Tích) và Hiên Ngang đều thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phật Tích xưa là chốn tâm linh bậc nhất cả nước, được xây dựng từ đời nhà Lý năm 1057, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư, đời vua Lý Thánh Tông có tên là Vạn Phúc Tự, có cây tháp cao ngàn trượng, có pho tượng A Di Đà mình vàng cao 6 thước. Trên núi có tòa nhà đá, bên trong điện tự nhiên sáng như ngọc lưu ly. Trên bậc thềm có 10 con linh thú bằng đá, phía sau có ao rồng, góc cao vẽ chim phượng và sao Đẩu lấp lánh. Đặc biệt trên núi có chữ Phật dài 1 trượng 6 thước được Lý Thánh Tông cho khắc vào đá. Trước tòa nhà đá có đôi song cửa sổ đặc biệt như đôi mắt thần tỏa sáng nhìn về dòng sông Dâu, vì thế mới được tục ngữ ghi lại.
Hiên Ngang xưa là xã nổi tiếng có nhiều làng quan họ cổ, quan họ gốc; có ba làng Ngang: Kiều, Na, Nội trước năm 1946 thuộc Tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng (sau năm 1946 thuộc huyện Tiên Du). Người ta ví chữ Vương vào với chữ Ngang, dọc ở câu ca “Ba Ngang, một Dọc, ấy là chữ Vương” cho thấy “Nhất một Hiên Ngang” là ở vùng đất này có khá nhiều chuyện lý thú, nổi tiếng.
Hiên Ngang xưa còn có tên là xã Hiên Đường, ba làng Ngang Kiều, Na, Nội ở dọc theo quả đồi hình con Rồng, đầu núi có chùa Bách Môn. Ngoài việc Hiên Ngang là làng quan họ gốc, thì Hiên Ngang (Hiên Đường) xưa nổi tiếng về câu chuyện “Rau muống tiến vua” và có nhiều giai thoại nổi tiếng như sau:
Đời Hùng Huy Vương, vua Hùng thứ 6 có quan Bồ chính Hùng Trạc lấy nàng Châu Hoa ở phủ Đà Giang sinh hạ hai người con là Hùng Long, Hùng Sơn, đều là anh hùng cái thế.
Bấy giờ có giặc Ân sang xâm lược nước Văn Lang, tướng giặc là Thạch Linh khét tiếng đi đến đâu dân chúng đều sợ hãi bỏ chạy. Hùng Huy Vương họp triều đình để tìm kế phá giặc, các quan trong triều tiến cử Hùng Long, Hùng Sơn. Vua đồng ý và phong Hùng Long làm Thủy đạo tướng quân; Hùng Sơn là Nhạc đầu tướng lĩnh cùng chiêu mộ binh sĩ đi phá giặc. Lĩnh chỉ hai ông tiến quân về lập đồn ở vùng Kinh Bắc. Một hôm, hai ông tiến quan đến vùng Hiên Ngang (thuộc huyện Tiên Du ngày nay) thấy có nhiều núi, địa thế hiểm trở, đắc đạo, núi có hình rồng nằm uốn khúc, liền cho hạ trại, lập đồn điền để phòng ngự chờ giặc đến đánh. Giặc Ân tràn đến, hai ông đánh gần 6 tháng, thắng giòn giã 30 trận. Thua trận, giặc Ân bổ sung thêm quân tiến đánh nhằm xóa bỏ nước Văn Lang. Hùng Long, Hùng Sơn một mặt tiếp tục củng cố đồn điền để cầm cự, một mặt báo tin về triều đình để bổ sung binh sĩ. Vua Hùng đang hết sức lo lắng thì được Lạc Long Quân về báo mộng. Đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh sẽ có tướng Thiết Xung (tức Thánh Gióng) cứ mời đi đánh giặc là thắng. Vua Hùng mừng quá phong cho đứa trẻ làng Gióng là Thiết Xung Thần vương, ban cho ngựa sắt, roi sắt, nón sắt về ngay Hiên Đường để hợp sức đánh giặc. Thiết Xung được giao tiên phong. Bộ binh tiến đến núi Vệ Linh (Quế Võ ngày nay); Hùng Long đốc lĩnh hai toán quân thủy qua sông Cầu (Như Nguyệt), một toán qua sông Đuống (Thiên Đức) để tiếp ứng. Hùng Sơn lĩnh bộ quân làm hậu ứng. Quân ta thắng lớn đập tan âm mưu xâm lược Văn Lang của giặc Ân. Tại trận núi Vệ Linh, Thiết Xung mải đánh giặc nên roi sắt bị gãy, Thần Vương đã nhổ cả bụi tre để thay roi sắt, truy kích giặc đến núi Sóc Sơn thì hết giặc, ngài cưỡi ngựa bay lên trời. Hùng Long, Hùng Sơn trở về đến Hiên Ngang, tổ chức cho nhân dân và binh sĩ ăn mừng chiến thắng. Đêm đó, mây mù mịt, mưa to, sấm sét làm chấn động cả mặt đất. Sáng hôm sau binh sĩ vào xem thì Hùng Long, Hùng Sơn đã hóa. Cũng từ đó mà có câu ca về ba làng Ngang:
“Ngang Kiều, Ngang Nội, Ngang Na
Ba Ngang, một dọc ấy là chữ vương”.
Có thể từ chữ “Ngang” này mà có câu tục ngữ: “Huyện Tiên Du nhất một Hiên Ngang”. Bởi dân ở đây nói cũng rất Ngang. Có tích chuyện như sau “Một vị quan triều đình đi kinh lý đền Hiên Đường, biết đây là quê hương có rau muống nổi tiếng, muốn đến tận nơi để mục sở thị. Khi đến chợ Bịu giáp Hiên Đường (xã Liên Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) thấy nhiều người bán thứ rau lạ liền hỏi:
- Đây chắc là cô gái Hiên Đường bán rau muống?
Một cô gái chống nạnh chỉ gánh rau:
- Quan lớn trông đây thì biết, sao hỏi cho phí nhời?
Vị quan quở:
- Thế thì gọi gái Hiên Ngang rồi! Hiên đường phải ngọt chứ sao lại ngang thế này?
Có lẽ từ tích chuyện này mà người trong vùng gọi là Hiên Ngang, lâu dần từ Hiên Đường thành Hiên Ngang.
Còn rau muống ở Hiên Ngang xưa có hai loại: Một loại cấy trên các ruộng lầy vào mùa xuân – hè, loại rau này vẫn còn đến ngày nay. Loại thứ hai là rau muống thả ở hồ ao (gọi là rau muống dải, ngọn phớt hồng, lá nhỏ, ăn rất giòn); đây chính là loại rau muống tiến vua. Loại này được nhân dân làm rất cầu kỳ, ngọn rau được nuôi trong vỏ ốc hoặc ngọn búp tre khoảng từ 10 đến 15 ngày, được cắt về đập vỏ ốc, vỏ măng để lấy ngọn tiến vua (còn loại ngon tự nhiên chỉ để dùng và bán cho dân quanh vùng). Ngọn muống dải ăn sống hay đem hấp, luộc, xào, nấu canh cua thì thật tuyệt.
Câu chuyện Hùng Long, Hùng Sơn đánh giặc Ân ở Hiên Ngang hiện nay vẫn còn lưu lại tại bia đá (gọi là Thần Phả) ở đình làng Ngang Kiểu, với 3416 chữ Hán từ triều nhà Lê, đời Hồng Phúc vua Lê Anh Tông năm 1572 (Nhâm Thân) do Đại học sĩ Nguyễn biên soạn. Ba làng Ngang Kiều, Ngang Na, Ngang Nội đều thờ Hùng Long, Hùng Sơn là Thành hoàng làng. Hàng năm mở Lễ hội để tưởng nhớ công ơn của hai vị Hùng Long, Hùng Sơn vào các ngày sinh hạ hai vị ngày 8 tháng 2 Âm lịch; kỵ nhật, ngày mất 12 tháng 9 Âm lịch hai vị và ngày ra quân đánh giặc Ân ngày 4 tháng Giêng; ngày khao quân, ăn mừng chiến thắng ngày 10 tháng 8 Âm lịch. Những ngày đó cả ba làng đều làm lễ tại đình làng, không có ngày hội chung mà chia ra ngày hội riêng cho từng làng gọi là Đình đám hay gọi là Hội làng; nhưng lễ rước ngựa thì vẫn có đại diện của cả ba làng. Làng Ngang Nội là ngày 4 tháng Giêng, Ngang Kiều ngày mồng 8 tháng 2 Âm lịch, Ngang Na ngày 10 tháng 8 Âm lịch. Do mới ăn Tết nguyên đán xong nên Ngang Nội không tổ chức đình đám vào ngày 4 tháng Giêng đã chuyển Hội làng sang ngày 25 tháng Giêng hàng năm (ngày này được gọi là Hội Chùa). Cả ba làng đều có Đình và Nghè để thờ Hùng Long, Hùng Sơn hai vị Thành hoàng của ba làng. Đình của ba làng xưa to lớn nhất vùng, to nhất là đình làng Ngang Na đặt đúng tại khu đất có hình con chim phượng, nơi hai vị tướng quân Hùng Long, Hùng Sơn tổ chức luyện tập binh sĩ và khao quân khi thắng trận. Do tiêu thổ kháng chiến đình của ba làng đều bị phá năm 1949. Cả ba làng đều có chùa được xây dựng ở thời nhà Lý; chùa Cầu Hương ở Ngang Kiểu; chùa Linh Am Tự ở làng Ngang Na; chùa Hồng Phúc ở Ngang Nội, Chùa cũng có lễ hội chỉ dành cho các cụ bà vì đình đám (tức Hội làng) xưa chỉ dành cho các cụ ông. Hội chùa Ngang Na, vào ngày 7 tháng Giêng Âm lịch, Chùa Kiều 7 tháng 2 Âm lịch và chùa Ngang Nội ngày 25 tháng Giêng Âm lịch. Cả đình đám và hội chùa khi tổ chức bao giờ cũng ôn lại truyền thống đánh giặc của hai vị Thành hoàng làng Hùng Long, Hùng Sơn nhưng quy mô tổ chức đình đám thì bao giờ cũng lớn hơn, hoành tráng hơn diễn ra khoảng từ 3 đến 5 ngày. Đặc biệt là lễ rước đôi ngựa một ngựa hồng, một ngựa bạch trước khi diễn ra Lễ hội chính của từng làng. Ngựa hồng là của Hùng Long, ngựa bạch là của Hùng Sơn tương truyền khi xưa các ngài sử dụng khi đánh trận.
Lễ rước đôi ngựa được tổ chức long trọng, đi dọc trên một con đường ở sườn núi. Ba làng ở dọc theo một dải núi (gọi là con Rồng), từ chân núi Vân Khám (gọi là núi đầu Voi) nơi có chùa Bách Môn nổi tiếng (thuộc Long Khám – xã Việt Đoàn chứ không ở địa phận ba làng Ngang). Thứ tự địa danh ba làng Ngang Kiều (nơi đóng đô dinh thự của Hùng Long, Hùng Sơn); dân gian thường gọi là đầu Rồng; Ngang Na ở giữa gọi là bụng Rồng; Ngang Nội ở cuối cùng gọi là đuôi Rồng.
Lễ rước ngựa và kiệu được thực hiện rất trang trọng; ban rước được tuyển chọn những thanh niên trai tráng vào tốp kéo ngựa, khênh kiệu; đầu đội khăn đỏ, thắt đầu rùi, áo võ, đai thụng. Đi đầu là đoàn múa lân, rồng, mang xờ xí, cờ trận, gõ trống, chiêng vang động cả vùng. Kế tiếp là 10 ông quan đám của làng đang giữ ngựa, rồi đến 10 ông quan đám làng mở hội, tiếp đến 10 ông quan đám làng còn lại. Tiếp theo là kiệu Thành hoàng rồi đến đôi ngựa, sau cùng là thường dân cũng mặc khăn xếp, áo thụng. Ngựa được giữ lại ở Đình theo luân phiên, còn kiệu Thành hoàng thì ngày kết thúc lễ hội, làm lễ xong làng mở hội phải rước trả về cho làng giữ ngựa trước đó. Lễ rước này đơn giản hơn chỉ có quan đám làng mở hội và trai tráng rước kiệu, cũng cờ hoa và chiêng, chống. Ngày 4 tháng giêng đình đám làng Ngang Nội trước đó là 1 đến 2 ngày đại diện các Giáp cao niên lên làm lễ ở đình Ngang Na xin rước ngựa; sau đó là lễ rước về đình Ngang Nội để tổ chức tế lễ vào chính hội; ngựa được lưu lại đình và Nghè của làng Ngang Nội đến 8 tháng 2 Âm lịch được Ngang Kiều xin rước về Đình, Nghè của làng; rồi đến 10 tháng 8 âm lịch lại được làng Ngang Na xin rước về Đình, Nghè của làng Ngang Na, cứ luân phiên như vậy hàng năm.
Việc cúng lễ xưa thường dùng xôi, gà, thị lợn, bánh chưng, bánh dầy…để làm lễ. Trước khi làm lễ vào ngày chính hội đôi ngựa được làm lễ tắm rửa (thường là trước 1 ngày); nước được lấy ngay từ ao đình của làng. Thanh niên trai tráng rước chóe xuống ao đình, các cụ cao niên được lấy nước vào chóe, rồi được rước vào Đình để làm lễ tắm rửa cho ngựa. Những ngày diễn ra lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như múa lân, rồng, đập nồi, đập niêu, vật, đánh đu, thi chạy hóa trang (dân gian gọi là chạy dó; nghĩa là khi phát lệnh, người tham gia chạy đến một địa điểm, thường khoảng hai đến ba trăm mét; nhặt một cái bị (hay gọi là cái dó nay là cái bao tải) trong đó có một số trang phục của cả đàn ông, đàn bà, người đó lấy ra mặc vào xong phải chạy về chỗ xuất phát, ai về trước mặc trang phục lấy được nghiêm chỉnh người ấy thắng cuộc; đây là một trò chơi rất vui và khỏe, gây nhiều tiếng cười trong Lễ hội vì phần lớn trong trang phục là của phụ nữ, thanh niên nam tham gia mặc vào trông rất ngộ nghĩnh, gây cười; trò chơi bắt vịt dưới ao Đình; đi thăng bằng trên cây tre dưới nước (một đầu cây tre được buộc cố định ở bở ao, bờ hồ qua một đoạn dây chão hoặc thừng, người tham gia thi phải đi hết cây tre thả dưới nước là người thắng cuộc, cùng là một trò chơi gây tiếng cười cho người dự hội, vì tre thả nước như thế, rất khó đi, ngã xuống nước là chuyện thường của người tham gia thi)… Sau này ở Lễ hội ba làng Ngang còn có biểu diễn văn nghệ hát quan họ, cả quan họ trong nhà, trước cổng Đình, Chùa và quan họ dưới thuyền (mời các Chạ ở các địa phương khác đến tham gia); hát chèo; chầu văn, ca trù…
Trước kia, trong những ngày diễn ra Lễ hội đình đám của 3 làng đều mời đại diện các giáp cao tuổi của làng Phù Đồng vào dự. Theo Thần phả thì khi đánh giặc Ân vua Hùng đã mời Thiết Xung (tức Thánh Gióng) đi đánh trận cùng với Hùng Long, Hùng Sơn. Trên núi dọc ba làng vẫn còn những phiến đá in dấu chân ngựa sắt và những búi tre là ngà màu lửa của Thánh Gióng và ngày 9 tháng 4 Âm lịch Hội Gióng, các Giáp cao tuổi ba làng đều về Phù Đổng để dự lễ hội.
Ngoài Lễ hội đặc sắc kể trên ở ba làng Ngang còn có một số Lễ hội nhỏ trong năm. Xưa tổ chức rất long trọng, nay đã thất truyền, không duy trì:
Lễ hội dâng rau muống tiến Thánh.
Lễ hội dâng rau muống tiến vua là loại rau đặc sản do hai vị Hùng Long, Hùng Sơn sau khi đánh xong giặc Ân đã truyền cho dân làng ở đây trồng loại rau này. Vì thế đến ngày 10 tháng 5 hàng năm là một trong ngày đánh thắng trận, khao thưởng binh sĩ trước đây của hai vị tướng Hùng Long, Hùng Sơn. Ngày này các họ đều mang các món ăn được chế biến từ rau muống như: luộc, xào, nộm, rau muống nấu canh cua… và 3 bó rau muống tươi (mỗi bó khoảng một vòng của hai bàn tay) phải là loại rau muốn tiến vua ra Đình để cúng tế Thành hoàng Hùng Long, Hùng Sơn. Thời gian này đang là chính vụ của rau muống nên rau rất ngon sau khi được tưới khí trời của những trận mưa rào mùa hạ. Ban giám khảo được tuyển chọn từ các cụ cao niên trong làng để chấm các món ăn của từng họ và chấm giải cho rau muống tươi, nghĩa là giải thưởng cho người nuôi trồng rau giỏi nhất.
Lễ hội dâng hoa quả tiến Thánh .
Địa hình ba làng Ngang ở trên sườn núi vì thế ở đây trồng các loại cây ăn quả có giá trị như Sấu, Trám, Mít, Thị, Dứa. Khi thu hoạch đầu mùa ngày rằm, mồng một các trái cây như Mít, Thị, Dứa đều được các gia đình sắp một mâm ra Đình cúng Thánh.
Riêng hai loại trái cây là Sấu và Trám ngoài sử dụng hàng ngày như kho với cá, thịt, đánh dấm với nước rau muống luộc còn là loại thức ăn chế biến để ăn quanh năm bằng cách ngâm. Hàng năm đến ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch (cũng là một trong những ngày thắng trận khao thưởng binh sĩ), các họ lại mang đặc sản Sấu ngâm, Trám ngâm ra Đình để tiến Thánh (cúng lễ Thành hoàng làng Hùng Long, Hùng Sơn) và dự thi. Đây là thời điểm đã thu hoạch xong mùa Sấu và Trám, Sấu và Trám ngày nay ngâm bằng nước mắm ngon, nhưng ngày xưa ngâm bằng nước cua muối. Nhà nào muối được cua ngon thì món Sấu, Trám ngâm sẽ ngon; các cụ ở làng xưa còn nhắc: “ăn miếng Sấu, Trám ngâm còn ngon hơn cả ăn giò”. Cách muối cua rất đơn giản nhưng không biết làm sẽ bị hỏng; nhạt quá thì sẽ có mùi, mặn quá thì Sấu, Trám ngâm không được ngon. Cua đồng mùa hè rất nhiều, người ta bắt về chọn những con to béo rửa sạch,vặn hết chân, để lại đôi càng (chân tận dụng dã nhỏ để nấu canh) cho vào chum, cứ một lượt cua một lượt muối vừa phải rồi đậy kín. Từ 10 đến 15 ngày là cua bị xác ra thành nước. Lấy nước muối cua ra đun sôi hớt hết bọt để nguội là dùng được, nước cua muối còn thơm hơn nước mắm ngày nay vì thế Sấu và Trám ngâm nước cua muối ngon đậm đà hơn cả ăn giò, chả là vậy. Những con cua xác được mang giã nhỏ lấy nước đem đun sôi là loại nước cua muối loại 2 không ngâm sấu, trám mà để dùng cho nấu canh hoặc kho thịt, cá.
Lễ hội dâng cúng cơm mới.
Ngày 12 tháng 9 Âm lịch hàng năm (là ngày kỵ nhật của hai vị Hùng Long, Hùng Sơn) dân ba làng Ngang gọi là ngày cơm mới. Ngày này dân làng tổ chức thi nấu cơm mới dâng cúng Thành hoàng. Cơm được nấu bằng gạo nếp; các họ cử những phụ nữ giỏi giang ra Đình tham dự. Cơm hoặc đồ xôi phải dùng lá khô là lá Trám (mỗi nhóm được cấp 1 quang lá Trám khô dùng làm nguyên liệu nấu cơm, đồ xôi, loại lá này rất thơm vì có nhựa Trám). Nấu cơm nếp thời gian khoảng 1 tiếng. Đồ xôi thời gian khoảng 2 tiếng. Trống, chiêng thúc giục cho hội thi làm cho lễ hội càng thêm tưng bừng.
Các cụ xưa tổ chức Lễ hội lớn, Lễ hội vừa và nhỏ trong năm để giáo dục truyền thống văn hiến lịch sử cho con cháu thật là có ý nghĩa lớn lại còn là dịp để vui chơi, học hỏi trong lao động sản xuất trong cộng đồng. Lễ hội ba làng Ngang là một lễ hội đặc sắc của vùng đất cổ có “Rau muống Hiên Ngang – Rau muống tiến vua” phản ánh đời sống văn hóa nông nghiệp và bản sắc văn hóa lịch sử “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Rất tiếc một số trò chơi truyền thống độc đáo như chạy dó, đi thăng bằng trên cây tre, rồng rắn lên mây…và tập tục dâng cúng “rau muống tiến vua”, hoa quả, cơm mới… đã bị quên lãng. Hy vọng sẽ được khôi phục trong tương lai./.
Hải Sâm