NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG
Thuở còn cắp sách đến trường, được nghe thầy giảng bài lịch sử chiến thắng quân Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt, trong trí nhớ trẻ thơ của tôi hình dung ra: Cuối mùa xuân 1077 ở Đền Xà xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), đêm ấy trời mưa dông, khi có người được lệnh của Lý Thường Kiệt đến cầu Thánh Tam Giang thì được linh ứng, trên trời có tiếng hò reo, người ngựa rầm rập, khí giới sáng choang và có vị thần, áo mũ xanh đỏ, chỉnh tề, ngự trong đám mây trắng có quân sĩ hai bên đứng hầu. Ngài từ từ rẽ mây bước vào Đền rồi từ trong đền vẳng ra tiếng thơ ngâm:
"Nam quốc Sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"
Dịch nghĩa:
"Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời"
Bài thơ xuất hiện đúng vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, nhằm động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân nhà Lý. Bài thơ khẳng định quyền độc lập tự chủ thiêng liêng của nước Nam ta, cảnh cáo nghiêm khắc kẻ thù xâm lược và quyết tâm sắt đá của dân tộc để bảo vệ chủ quyền Quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Tiếng ngâm ấy, làm cho quân ta ai cũng nức lòng phấn khởi. Bên kia bờ Bắc, giặc Tống nghe thấy run sợ. Lý Thường Kiệt tổ chức vượt sông Như Nguyệt diệt quân Tống, giặc chết nhiều vô kể. Kết quả của cuộc phản công chiến lược làm cho 30 vạn quân Tống ở bờ Bắc sông Như Nguyệt bị tiêu diệt và đã phải “giảng hòa” để mở lối thoát về nước.
Sau này đến khi trưởng thành nghĩ rằng trên đời chẳng có thần phật nào cả thì tôi tin rằng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” bất hủ ấy là của Lý Thường Kiệt. Vào thăm Đền Xà ở thôn Đoài xã Tam Giang nơi có Ngã ba Xà lịch sử, nhân dân ở đây cũng lập nhà bia 8 mái khắc ghi bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, cho thế hệ hôm nay và mai sau thấy được vinh dự là nơi phát tích của bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước Nam ta. Đến ngay như chính sử của nước Việt Nam (sách in năm 1971) cũng ghi rõ rành rành bài thơ là của Lý Thường Kiệt.
Cứ cạn nghĩ như tôi, thì chẳng còn phải bàn cãi tác giả của bài thơ là ai nữa rồi. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu hiện nay có tới trên 30 dị bản “Nam Quốc Sơn Hà” trong các văn bản Hán – Nôm hoặc khắc gỗ. Các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa lớn uyên thâm nổi tiếng như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Văn Nguyên... rồi đến các bộ sách lớn như "Hợp tuyển thơ văn Việt Nam..." đều cho là của Lý Thường Kiệt. Ngược lại các tác giả như Ngô Tất Tố, Hoa Bằng, Nguyễn Văn Tố lại không tán thành. “Bài thơ thần là vô danh, Lý Thường Kiệt chỉ là người sử dụng bài thơ để khích lệ tướng sĩ chiến đấu chứ không phải là tác giả bài thơ”. Đến nay như Giáo sư Sử học nổi tiếng Hà Văn Tấn cũng còn băn khoăn lắm: “... có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ nhưng đó là đoán thôi mà đã đoán thì sao nó chắc chắn bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt” (Tạp chí Xưa và Nay tháng 3/1994).
Ai nói sao thì đều có lý của người ấy. Vì chẳng có văn bản gốc nào cả, nên mới sinh ra cuộc tranh luận dằng dai như vậy và chắc rằng từ nay về sau vẫn còn tiếp tục.
Không phải vì là người Yên Phong mà đối với tôi lại nghiêng về việc ủng hộ ý kiến tác giả bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" là của Lý Thường Kiệt.
Nét đặc sắc về văn hóa của người Việt là tục thờ cúng tổ tiên. Gia đình nhà ai chẳng có bàn thờ được đặt ở chỗ trang trọng nhất của nhà để thờ cúng ông bà tổ tiên mình. Mỗi làng, mỗi xóm đều có đền, miếu, đình để thờ các vị thần che chở, bảo vệ cho sự làm ăn, hưng thịnh của làng xóm. Có biết bao các vị thần: thần đất, thần sông, thần núi, thần cây rồi đến những người có công với dân với nước...Và qua các năm tháng, huyền thoại, huyền tích của thành hoàng làng cứ ngày càng phủ những lớp vàng son và linh thiêng hữu dụng hơn... Tôi cứ nghĩ việc trước giờ xuất trận, đến vùng Ngã ba Xà nơi cách quân giặc dăm trăm mét là cùng, để làm lễ xin Đức Thánh âm phù phải là việc hệ trọng. Hệ trọng từ việc bố trí người vào làm lễ rồi văn khấn ra sao? Chắc chắn văn khấn ấy phải do Lý Thường Kiệt soạn hoặc là có người phù tá soạn giúp, mà đích thân Lý Thường Kiệt phê duyệt.
Dân gian thường gọi bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” là bài thơ Thần, nên sau chiến thắng Như Nguyệt của quân và dân nước Nam, dưới sự chỉ huy tài giỏi của Lý Thường Kiệt thì cũng là lúc vị trí của Đức Thánh Tam Giang được nâng lên, theo thống kê dọc sông Cầu có tới 372 làng thờ.
Tục ngữ có câu “Chuông làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Cả ngàn năm đã trôi qua, mỗi làng lại tiếp tục huyền thoại sự linh thiêng, công trạng thành hoàng làng mình. Đọc lại một số thánh tích của các ngôi đền, đình thường đều có chi tiết na ná giống nhau:
“Năm ấy.... nhà vua (hoặc vị tướng)... đi đánh giặc qua... xin vào âm phù Đức Thánh... Ngài đã hiển hiện (hoặc báo mộng)... giặc tan nhà vua phong cho...”
Liệu trong chúng ta có ai đặt ra câu hỏi, chỉ trong thời gian ngắn như vậy làm sao nhà vua (hoặc vị tướng) lại đến làm lễ ở nhiều ngôi đình, ngôi đền như vậy và đều được âm phù như thế.
Nước ta nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, đã thế lại ở cạnh nước lớn lúc nào cũng rắp tâm xâm lược và đồng hóa. Thời gian, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt và chiến tranh liên miên tàn phá biết bao công trình văn hóa của nhân dân ta. Ngay đến Hoàng Thành Thăng Long cũng trở thành phế tích thì thử hỏi làm sao còn tìm được nguyên tác “Nam Quốc Sơn Hà”. Hầu hết các ngôi đình, chùa ở xứ Bắc đều được làm vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, mà các công trình này còn đến ngày nay chẳng còn nhiều. Đình, chùa miếu mạo quê ta chủ yếu được trùng tu xây dựng lại từ những năm 1980 trở lại đây.
Với quan niệm: “Nam Quốc Sơn Hà” là thơ thần của Đức Thánh Tam Giang linh thiêng, trải quan gần ngàn năm lịch sử biết đâu nơi này, nơi kia dựa vào đó để có một phiên bản mới về "Nam quốc Sơn Hà" với các cách thức, lễ tiết, chữ nghĩa tương đối nhau. Thậm chí ngay ở đền Tam Lư (Đồng Nguyên - Từ Sơn) lại có câu chuyện về vua Lê Đại Hành đánh Tống về nghỉ ở đây cũng được nghe tiếng thần ngâm thơ, bài thơ tương tự như vậy và nhờ vậy đã đánh thắng giặc nhưng thời gian lại được đẩy ngược lên gần một thế kỷ.
Cũng có thể thời Lý Thường Kiệt trong dân gian có bài thơ tương tự như vậy được lưu truyền. Lý Thường Kiệt người anh hùng dân tộc văn võ song toàn đã phát hiện ra, tổng kết ý thức độc lập tự cường của dân tộc. Các chính sách phát triển, kinh tế, xã hội thời Lý đã xây dựng nước Nam hùng mạnh, đủ sức bảo vệ bờ cõi, chiến thắng kẻ thù xâm lược. Bài học ấy đã được minh chứng ngay ở kế sách “Tiên phát chế nhân” đánh vào sào huyệt nhà Tống trước khi quân Tống sang xâm lược nước ta. Chỉ có thể là Lý Thường Kiệt một người yêu nước vĩ đại, tài năng xuất chúng mới có thể tổng kết bài học lịch sử ngắn gọn trong 4 câu thơ mà lịch sử đặt tên là Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc, các nhà thơ dân gian không thể làm được việc đại sự ấy.
Để biết ơn tiền nhân, đồng thời tôn vinh giá trị lịch sử chiến thắng Như Nguyệt và danh nhân lịch sử - Thái úy Lý Thường Kiệt, vị tướng duy nhất của nước Nam đã sử dụng chiến lược “Tiên phát chế nhân” để bảo vệ non sông gấm vóc. Mùa xuân năm 2017 đúng vào dịp kỷ niệm 940 Chiến thắng Như Nguyệt, UBND tỉnh Bắc Ninh đã khởi công đề án “Xây dựng Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt tại xã Tam Giang” bên sông Cầu lịch sử. Công trình có diện tích 8,7 ha, với nhiều hạng mục quan trọng. Sau 1 năm khẩn trương thi công tượng đài Lý Thường Kiệt và Đền thờ chính của Ngài đã được khánh thành vào mùa xuân năm 2018 rất to đẹp. Tượng đài Lý Thường Kiệt cao 9m. Phần tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, nặng 16 tấn, cao 6m. Lý Thường Kiệt khuôn mặt quắc thước, mặc áo giáp, một tay cầm đốc kiếm, tay kia cầm binh thư, hình ảnh một vị tướng văn võ song toàn. Phần bệ tượng cao 3m và được khắc bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà", cả phần chữ Hán và phần dịch thơ để ai đến đây vừa được chiêm ngưỡng, vừa để nhớ về nơi phát tích của bài thơ, vừa khâm phục tự hào về trang sử vẻ vang gần ngàn năm trước của dân tộc ta.
Tôi xin dẫn ra ở đây lời phát biểu của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam) tại Festival Bắc Ninh ngày 18/04/2010 thay cho lời kết bài viết của mình “Nơi đây quê hương 9 vị vua triều Lý, triều đại khai mở và xây dựng văn minh quốc gia Đại Việt, Đức vua Lý Thái Tổ lập quốc đô Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội)... Thái úy Lý Thường Kiệt tuyên đọc bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà Nam đế cư...” tràn đầy khí phách trên phòng tuyến Như Nguyệt./.