Chiến thắng Như Nguyệt năm năm 1077 là chiến thắng oanh liệt của quân dân thời Lý đánh tan giặc Tống xâm lược. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đây là sự kiện lịch sử tiêu biểu tầm cỡ quốc gia. Với Bắc Ninh - Kinh Bắc, đó là sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm oanh liệt, tiêu biểu hạng nhất diễn ra trực tiếp trên vùng đất này.
Di tích lịch sử phản ánh về chiến thắng Như Nguyệt là cả hệ thống tên đất, tên làng, đền chùa miếu mạo (10 di tích). Tiêu biểu là bản doanh (Bộ chỉ huy tiền phương) của quan quân nhà Lý ở núi Yên Phụ, kho quân lương năm kề phía sau – với Miếu Cầu Gạo) (1). Chiến tuyến bờ nam sông Như Nguyệt – từ Đền Xà – Ngã Ba Xà; Chùa Bồ Vàng – Bến sông Như Nguyệt (thuộc xã Tam Giang) đến Đền chùa Phấn Động; đền Gềnh Can Vang (thuộc xã Tam Đa) (2)... Hầu hết các di tích này, đến khi xếp hạng (1988) chỉ còn lại địa điểm lịch sử chứ chưa khôi phục được đền, chùa nên tên gọi chính thức khi di tích được Bộ Văn hóa xếp hạng đều có chữ “Địa điểm” ở đầu như "địa điểm" Ngã Ba Xà – Đền Xà; địa điểm Chùa Bồ Vàng – Bến sông Như Nguyệt…
Nghiên cứu xếp hạng hệ thống di tích phản ánh về chiến thắng Như Nguyệt từ đó đến thập niên đầu thế kỷ XXI cho thấy hầu hết các di tích đó đều thờ thành hoàng là đức thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát…), chứ không nơi nào thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, ngoài nghè làng Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du. Tư liệu lưu trữ ở Viện Hán Nôm, thư viện KHXH Việt Nam và sắc phong hiện còn ở Nghè Lộ Bao minh chứng rõ điều này (3).
Về tục thờ thánh Tam Giang, tác giả đồng quan điểm với ông Lê Danh Khiêm trong sách “ở một vùng đất cổ” do Hội VHNT tỉnh Hà Bắc và UBND huyện Yên Phong xuất bản năm 1983 với nội dung cơ bản sau đây:
“Từ sau chiến thắng Như Nguyệt (1077), mới có tục thờ thánh Tam Giang. Trương Hống, Trương Hát thực ra chỉ là những nhân vật huyền thoại, không có thật; còn việc nói rằng hai ông vốn là tướng của Triệu Quang Phục, chẳng qua là do trí tưởng tượng của dân gian mà có, phù hợp với sự giải thích về thần của dân gian là: Thần bao giờ cũng có gốc từ những con người có thực, sau vì có công, có đức nên mới được thờ thành thần”.
… Do những sự việc trên, ta thấy rằng việc hàng loạt làng xóm thờ đức thánh Tam Giang sau chiến thắng 1077 là có cơ sở xã hội. Có thể kết luận rằng việc thờ thánh Tam Giang bắt nguồn từ việc tưởng niệm cuộc kháng chiến và chiến thắng giặc Tống, sẽ giải thích được vấn đề đã nêu ra ở trên: Thánh Tam Giang gắn với sự kiện nổi bật, có liên quan đến cả một vùng rộng lớn, sự kiện đó là: Đánh Tống và thắng Tống ở vùng sông Cầu. Và thánh Tam Giang tuy không phải con người cụ thể của bất kỳ một làng nào thế mà rất nhiều làng thờ, bởi những làng ấy nằm trong vùng hoặc gần vùng xảy ra cuộc chiến và chiến thắng giặc Tống những năm 1076 – 1077.
Còn sở dĩ tại sao ở Bắc Ninh – Kinh Bắc dọc sông Như Nguyệt có hàng trăm (372) làng có liên quan đến cuộc kháng chiến chống Tống, chỉ thờ thánh Tam Giang làm thành hoàng chứ không thờ Thái úy Lý Thường Kiệt? Tác giả cho rằng với quan niệm về sinh tồn và tục thờ thành hoàng của dân cư nông nghiệp thì Lý Thường Kiệt tuy có tài đức công lao to lớn như vậy nhưng lại là một hoạn quan nên dân các làng không thờ thành hoàng mà đã chuyển đổi thành thánh Tam Giang (4).
Vấn đề lễ hội phản ánh về chiến thắng Như Nguyệt: Lễ hội truyền thống (xưa) ở các địa phương dọc bờ Nam sông Như Nguyệt, tập trung nhất từ Đền Xà – Ngã Ba Xà; Chùa Bồ Vàng – Bến sông Như Nguyệt (xã Tam Giang) đến chùa Đông Quy – Đền Phấn Động; Đền Gềnh Can Vang (xã Tam Đa)… đều có tục đua thuyền (bơi chải). Lễ hội ngày nay dân các địa phương nêu trên cơ bản vẫn duy trì như xưa, còn chính quyền nhà nước những năm gần đây có tổ chức nhưng nặng về phần lễ hơn phần hội.
Lễ hội chiến thắng Như Nguyệt là lễ hội lịch sử hiện đại được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 tại xã Tam Giang (huyện Yên Phong) nhân kỷ niệm 925 năm chiến thắng Như Nguyệt. Ban tổ chức lễ hội chủ chương thực hiện 5 năm một lần nhà nước (cấp huyện) tổ chức trọng thể. Còn nhân dân các địa phương (nêu trên) vẫn duy trì lễ hội truyền thống theo thông lệ hàng năm.
Nhằm bảo tồn, phát huy chiến thắng Như Nguyệt, thời gian qua Nhà nước (cấp tỉnh; huyện) đã triển khai thực hiện dự án lớn xây dựng khu di tích lưu niệm chiến thắng Như Nguyệt tại địa điểm trung tâm của xã Tam Giang (ở cánh đồng Xác giữa Phương La Đông và Như Nguyệt).
Quy hoạch tổng thể của khu lưu niệm chiến thắng Như Nguyệt rất hoành tráng – bao gồm nhiều hạng mục công trình đồ sộ, kiến trúc nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.
Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt có tòa tiền đường và Hậu đường, nối với nhau bằng nhà chuyền Bồng. Tòa tiền đường thiết kế xây dựng kiểu chồng diêm tám mái, đao cong, nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt; gồm 7 gian, xung quanh là hành lang cột đá và lan can, phía trước sân đền thờ (cấp nền 2) là tượng đài Thái úy Lý Thường Kiệt bằng đá tư thế võ quan đứng oai phong lẫm liệt nhìn thẳng về phía sông Như Nguyệt. Hai bên sân trước là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi tòa có bảy gian, thiết kế theo kiểu đầu hồi bít đốc, 2 cột đồng trụ phía đầu hồi của dãy hành lang. Trên giữa bờ nóc hai tòa nhà Tả vu – Hữu vu đều có đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Phía trước (cuối sân) đền thờ là Tam quan (3 gian) thiết kế kiểu rồng diêm tám mái đao cong, bờ nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt đắp vẽ nghệ thuật điêu luyện. Hai bên Tam quan là cổng Tư và Cổng Hữu hình vòm, cột đồng trụ hai bên.
Trước tam quan hai bên có hồ nước, lan can đá, trụ hình hoa sen cách điệu hài hòa sinh động.
Trước khu vực Đền thờ Lý Thường Kiệt là dải đường phân cách đến khu công viên bán nguyệt có hồ nước ở giữa, xung quanh là cây xanh trải màu tươi mát nối liền với hành lang đê sông Như Nguyệt.
Bên phải khu đền thờ Lý Thường Kiệt (nhìn về phía trước) là đường nhựa từ triền đê chạy đến trung tâm huyện lỵ Yên Phong (thị trấn Chờ). Ngoài bờ đê phía trước đền là dòng sông Như Nguyệt – đoạn từ Đền Xà đến Ngã Ba Xà, xuôi qua chùa Bồ Vàng – Bến sông Như Nguyệt – tới Gềnh bến Can Vang – Đền Can Van, đền Chùa Phấn Động (có trại kỵ binh xưa của quan quân nhà Lý); rồi đến cầu Như Nguyệt (Đáp Cầu) nối liền hai tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang bằng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn. Hai tuyến đường giao thông thủy bộ nêu trên tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan du lịch đến với khu di tích lưu niệm chiến thắng Như Nguyệt , xã Tam Giang, huyện Yên Phong.
Nhân dịp kỷ niệm 940 năm chiến thắng Như Nguyệt được khởi công xây dựng. Công trình đầy ý nghĩa nhân văn này của Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là bước khởi đầu của kế hoạch xây dựng, tôn tạo hệ thống di tích – Lễ hội chiến thắng Như Nguyệt ở tỉnh Bắc Ninh.
Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077 diễn ra trên vùng đất địa linh nhân kiệt Bắc Ninh – Kinh Bắc, xứng đáng được xếp vào hàng những võ công oanh liệt nhất của dân tộc như chiến thắng Bạch Đằng , Xương Giang, Chi Lăng, Ngọc Hồi – Đống Đa, Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân 1975. Đó là chiến thắng hiển hách đầu tiên của quê hương đất nước ta và tạo nên sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử chống giặc ngoại xâm từ trước đến nay.
Mỗi di tích địa danh lịch sử của chiến thắng Như Nguyệt – từ Đại bản doanh của quan quân Nhà Lý ở Yên Phụ đến điểm đầu chiến tuyến Đền Xà – Ngã Ba Xà – chùa Bồ Vàng – bến sông Như Nguyệt – Ghềnh – Đền Can Vang, Đền chùa Phấn Động… được đặt vào hệ thống di tích tham quan du lịch và lễ hội chiến thắng Như Nguyệt sẽ nhân lên nhiều lần trong tâm trí nhân dân Bắc Ninh – Kinh Bắc và quý khách trong và ngoài nước.
Trước thảo, sau thành lệ như Lễ hội Yên Thế (Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế) những năm qua là một trong những ví dụ. Lễ hội chiến thắng Như Nguyệt là lễ hội kỷ niệm sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương đất nước, cùng với các lễ hội ở những di tích lịch sử cách mạng được duy trì tổ chức cả phần lễ và phần hội chắc chắn sẽ ngày một lan tỏa trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng văn hóa đương đại, góp phần quan trọng xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc./.
-----------------
* Chú thích:
(1). Kho quân lương thời Lý đánh Tống là nơi đây chứ không thể nằm trên chiến tuyến sông Như Nguyệt được.
(2). Làng Phấn Động xưa là trại kẹp binh của quan quân nhà Lý
(3). Đền làng Như Nguyệt, xã Tam Giang thờ Lý Thường Kiệt, nhưng xây dựng mới từ năm 1990
(4). Vấn đề này tác giả đã công bố ở viện khảo cổ học, báo và tạp chí của tỉnh, Tạp Chí Người Kinh Bắc, Văn nghệ Yên Phong…