Trang chủ

Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Bắc Ninh có chiều sâu khả dụng hơn khi có những Bảo tàng đơn nguyên
03:04 | 06/10/2016

Hướng tới kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 185 năm thành lập tỉnh Bắc Ninh

Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Bắc Ninh
có chiều sâu khả dụng hơn khi có những Bảo tàng đơn nguyên

 

Hải Sâm

Các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa tiêu biểu của đất nước, của tỉnh, kể cả một số học giả nước ngoài đã bỏ nhiều công sức, thời gian đến với Kinh Bắc - Bắc Ninh để nghiên cứu sưu tầm và đã cho ra đời nhiều ấn phẩm khẳng định bề dầy của vùng đất sinh thành người Việt Cổ, có những dấu ấn văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến và nhân cách Việt Nam. Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài…”. Bắc Ninh vốn là tổ đình của Phật giáo Việt Nam, lại là quê hương nhà Lý, triều đại sùng mộ đạo Phật. Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với ca trù, chèo, tuồng, hát trống quân, múa rối nước… là những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc trong các lễ hội của các làng ở Bắc Ninh.

Bắc Ninh có những bảo vật quốc gia: Bia “Xá lợi tháp Minh”; Phật bà nghìn mắt, nghìn tay ở Chùa Bút Tháp; Phật đá xanh nguyên chất A Di Đà chùa Phật Tích; ba pho tượng Tam thế chùa Ngọc Khánh (Thuận Thành); Cột đá chùa Dạm;  Rồng đá ở đền thờ Lê Văn Thịnh. Ngoài ra còn có một số Di tích cấp quốc gia đặc biệt; nhiều di tích văn hiến, lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc.

Những dấu ấn văn hóa đó đều được Bảo tàng Bắc Ninh sưu tầm, cất giữ và trưng bày. Tuy nhiên với một cấp độ của một Bảo tàng cho tất cả các lĩnh vực, cho nên chưa đủ toát nên những nét đặc trưng riêng của một số dấu ấn văn hóa tiêu biểu của dân tộc có ở Bắc Ninh. Chúng tôi được những Nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa của trung ương, của tỉnh bày tỏ tâm tư trăn trở và mong muốn Bắc Ninh cần thiết có một số Bảo tàng đơn nguyên riêng, không nằm trong Bảo tàng Bắc Ninh. Về quản lý, hoạt động tương đương với Bảo tàng Bắc Ninh hoặc có thể độc lập trực thuộc UBND tỉnh gọi là Bảo tàng Du lịch Bắc Ninh hay Bảo tàng Văn hóa, Du lịch Bắc Ninh để quản lý các Bảo tàng đơn nguyên. Nếu triển khai xây dựng được các Bảo tàng đơn nguyên vừa phát huy được cho lĩnh vực du lịch Bắc Ninh phát triển, vừa là một tiêu chí đặc biệt cho tỉnh Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Các Nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất ít nhất xây dựng ba lĩnh vực Bảo tàng đơn nguyên và có những lý giải tại sao lại phải xây dựng những Bảo tàng đơn nguyên như vậy. Ba Bảo tàng đơn nguyên nên chọn: Bảo tàng Phật giáo; Bảo tàng Làng nghề tiêu biểu; Bảo tàng Văn hóa Quan họ Bắc Ninh. Việc xây dựng Bảo tàng đơn nguyên cần gắn với Du lịch vì vậy khuôn khổ bài viết này đi theo hướng xây dựng Bảo tàng gắn với phát triển Du lịch tỉnh Bắc Ninh trong tương lai. Tuy là ba đơn nguyên nhưng lại có sự giao thoa giữa ba lĩnh vực, ở phần nội dung chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này.

1.Bảo tàng Phật giáo:

Ở Ngũ Hành sơn Đà Nẵng có một Bảo tàng Phật học được coi là lớn nhất nước. Chúng tôi đã vào thăm quan, chủ yếu hiện vật của Bảo tàng là các bức tượng thờ Phật bằng các chất liệu khác nhau, khá phong phú và đa dạng, trong đó có loại quý hiếm là bằng đồng đen (chất liệu đồng đen được sưu tầm ở cả khu vực Đông Nam Á). Như vậy chưa có và chưa mô tả hai dòng Phật giáo ở Việt Nam là: Tiểu thừa (ở miền Bắc) và Đại thừa (ở miền Nam) cùng với các mô hình kiến trúc của Chùa Việt Nam. Nếu ở Bắc Ninh có Bảo tàng Phật giáo sẽ khai thác được nhiều khía cạnh:

Thứ nhất, Phật giáo xâm nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ nhất (sau công nguyên) được truyền giáo vào Bắc Ninh ở chùa Dâu (huyện Thuận Thành) với câu chuyện huyền tích sư Khâu Đà La (Ấn Độ) và bà Man Nương để sau này có tục thờ và rước Tứ pháp ở hội chùa Dâu nổi tiếng cả nước. Bà Man Nương khi canh chừng cho các sư ở chùa tụng kinh, một hôm mang cháo vào phục vụ buổi tụng kinh của nhà chùa muộn quá nên ngủ quên ở cửa. Sư Khâu Đà La tan buổi tụng kinh vô tình bước qua bà Man Nương, từ đó bà có thai. Để tránh tiếng xấu bà đi tu ở chùa Mả Mang (núi Non Tiên thuộc dãy núi Chè huyện Tiên Du). Khi đứa bé sinh ra được Khâu Đà La cất giấu ở cây Dung Thụ tại chùa Non Tiên, núi Chè. Sau này cây Dung Thụ trôi về chùa Dâu theo dòng sông Dâu, được vớt lên tạc thành bốn vị Tứ Pháp: Pháp Vân; Pháp Vũ; Pháp Lôi; Pháp Điệp (thần mây, mưa, sấm, sét). Sau này đến đời Nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn tiếp tục phát triển đạo Phật để trị quốc với nhiều thiền sư tiêu biểu: Pháp Hiền, Vạn Hạnh, Khánh Vân, Huyền Quang, Dương Không Lộ… Nhà vua Trần Nhân Tông còn lập một dòng Phật giáo Trúc Lâm tiêu biểu lưu truyền ở Yên Tử (Quảng Ninh) là vị tổ thứ nhất, Pháp Loa là vị tổ thứ hai, đó là Huyền Quang (Trạng nguyên Lý Đạo Tái) huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Không có nơi nào có nhiều chùa, tháp như ở Bắc Ninh, làng nào cũng có chùa (gần 600 ngôi chùa) với hàng nghìn sư tăng, hàng vạn người theo đạo Phật (cả chính thống và không chính thống) góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân gian với lòng vị tha, bác ái, trở thành nét tiêu biểu của tinh thần đạo lý Việt Nam.

Thứ hai, sinh hoạt Phật giáo nơi chùa tháp gắn chặt, hòa nhập với lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian. Bắc Ninh là xứ sở hay còn được mệnh danh là vương quốc của lễ hội, chủ yếu là hội chùa, đình, đền.

Như trên đã trình bày làng nào cũng có chùa vì vậy hầu như làng nào cũng có lễ hội. Bắc Ninh có trên 500 lễ hội, có nhiều lễ hội nổi tiếng đặc sắc như: Hội Chùa Phật tích, hội Lim, hội rước pháo Đồng Kỵ, hội Dâu, Đền Đô, Bút Tháp, hội chen Nga Hoàng, rước nước Kinh Dương Vương, thi nói khoác Đông Yên… Mỗi hội một nét riêng, mỗi làng một vẻ làm nên sự phong phú, đa dạng và hoành tráng của lễ hội dân gian Bắc Ninh. Có Bảo tàng phật giáo cũng sẽ là nơi giới thiệu các lễ hội tiêu biểu của Bắc Ninh.

Thứ ba, Kiến trúc chùa, đền, đình ở Bắc Ninh mang những nét tiêu biểu của nền kiến trúc cổ Việt Nam. Chùa nổi tiếng có chùa Dâu, Bút Tháp, Phật Tích, Bách Môn, Chùa Dạm, Chùa Hà… thậm chí được coi là độc nhất vô nhị về kiến trúc và phong thủy ở khu vực Đông Nam Á như chùa Bách Môn.

Đền có Đền Đô, Bà Chúa Kho, Đền Xà, Đền Tam phủ…; Đình có Đình Báng (Đình Bảng), Đông Khang, Làng Diềm, Tam Tảo, Ve Húc…

Xin trích dẫn một số câu tục ngữ nói về Đền, Đình, Chùa ở Bắc Ninh để làm rõ vấn đề này:

- Chùa Phật Tích đôi song cửa sổ(có khắc chữ Phật cao 1 trượng 6 thước (khoảng 5m) đặt trên núi; có tòa tháp bút cao tận thành Thăng Long vẫn nhìn thấy).

- Thứ nhất là Đình Đông Khang, thứ hai Đình Báng, thứ ba Đình Diềm.

- Dù ai buôn bán đâu đâu, hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

- Chiêng Chè, trống Trụ, mõ Phù Lưu

- Cột đá Chùa Hà, tam tòa Bất Phí…

Vấn đề đặt ra là xây dựng Bảo tàng Phật giáo ở đâu? Dựa trên căn cứ phát tích đất Phật giữa chùa Dâu (phái Khâu Đà La) và Phật tích (phát tích của Phật) thì Bảo tàng Phật giáo Bắc Ninh nên đặt ở chùa Mả Mang gần với chùa Phật Tích hoặc ở khu vực núi Chè với những lý do sau:

Một là, vị trí đặt nên để ở chùa Non Tiên, nơi có cây Dung Thụ của Phật bà Man Nương tu hành và Khâu Đà La bổ cây Dung Thụ đưa con của mình để cất dấu. Có thể khôi phục và phát triển chùa Non Tiên (tên cũ là chùa Mả Mang; cây Dung Thụ còn được gọi là cây Dâu) có tầm cỡ như chùa Ba Vàng hoặc Cái Bầu (Quảng Ninh). Nơi đây có phong cảnh hữu tình, núi sông hòa quện. Chùa Non Tiên ở chân núi Chè nối liền với núi Lạn Kha có chùa Phật Tích. Phía trước là dòng sông Đuống chảy qua như dải lụa hồng. Cả khu vực có nhiều truyền thuyết như Phật bà Man Nương; suối Sẻ và Kim ngưu (con trâu vàng); bà Tồ Cô đội đá vá trời rồi đẻ ra bọc trứng nở ra các bà mẹ quan họ, rồi trút bỏ xiêm y hóa thành núi Nguyệt Hằng (núi Chè) trên núi có dấu tích mộ bà Chúa Chè (Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, vợ của chúa Trịnh Sâm); trên núi Phật Tích có bàn cờ tiên; Vương Chất xem tiên đánh cờ đến nỗi cán rìu lấy củi bị  mục (núi Lạn Kha); có câu chuyện Từ Thức gặp Tiên Giáng Hương… Ngay dưới chân núi là cả một khu công nghiệp sầm uất Hoàn Sơn – Đại Đồng – Tân Hồng (KCN Tiên Sơn).

Hai là, trong tương lai một vài năm tới sẽ có cây cầu đẹp nhất tỉnh bắc qua sông Đuống nối hai vùng kinh tế - văn hóa Luy Lâu ( Thuận Thành) và kinh tế - văn hóa Đông Ngàn (Tiên Du - Từ Sơn - Yên Phong). Cầu bắc từ Phật Tích sang điểm giữa Lăng Kinh Dương vương và chùa Bút Tháp.

Vì vậy Bảo tàng Phật giáo Bắc Ninh đặt ở chùa Non Tiên là điểm nhấn cho quần thể du lịch: Bách Môn - Phật Tích - Kinh Dương Vương - Bút Tháp - Chùa Dâu. Bảo tàng đặt nơi đây vẫn đảm bảo về ý nghĩa lịch sử Phật giáo; có kiến trúc cổ của một số chùa nổi tiếng; có làng nghề dệt lụa (Nội Duệ); nuôi tằm (Tri Phương); đặc sản: Trám, mít, sấu, dứa, chè xanh… ở các xã Phật Tích, Việt Đoàn, Hiên Vân (huyện Tiên Du); làm tương (Đình Tổ), đậu Trà Lâm, uốn câu làng Giàn, làm mực Tư Thế (Trí Quả) thuộc huyện Thuận Thành. Lễ hội: Hội Lim, Hội chùa Dâu… Có các làng quan họ cổ quanh vùng: Hoài Thượng, Bịu Sim, Bái Uyên (Liên Bão), Vân Khám, Ngang Nội (Hiên Vân). Có truyền thống khoa bảng: Đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo (thôn Hoài Thượng - xã Liên Bão) ở chân núi Chè. Tương lai nếu có chùa Non Tiên ở sườn núi Chè, lại có Bảo tàng Phật giáo; đặt thêm tượng đài Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo làm phù trợ cho chùa và Bảo tàng, có lẽ là một điểm du lịch lý tưởng cả về tâm linh, sinh thái và hiện đại.

  1. Bảo tàng Văn hóa Quan họ Bắc Ninh:

Khi bàn về Bảo tàng Văn hóa  Quan họ Bắc Ninh, có nhiều ý kiến cho rằng Bảo tàng Quan họ nên đưa vào Nhà hát Quan họ. Nhưng nếu đưa vào như vậy sẽ có sự chồng lấn, không thể hiện được nét đặc sắc của di sản. Để ở Nhà hát, nghiễm nhiên khách du lịch hoặc các Nhà khoa học đến nghiên cứu sẽ có mặc cảm do các diễn viên Nhà hát chi phối khi nghe các làn điệu Quan họ. Có ý kiến lấy một số làng (cụm làng) cổ quan họ để làm Bảo tàng; phương án này rất khó thực thi.

Vậy nên đặt Bảo tàng Văn hóa Quan họ ở đâu cho phù hợp? Cũng có hai luồng ý kiến: Ở khu vực làng Diềm, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh hoặc ở khu vực làng Ném Tiền, Khắc Niệm thành phố Bắc Ninh. Hai phương án này là có khả thi:

Thứ nhất, đặt ở làng Diềm có những căn cứ sau: Làng Diềm có đền Vua Bà thủy tổ Quan họ, có nhiều nghệ nhân có thể đáp ứng phục vụ du khách về các làn điệu quan họ cổ. Thành phố Bắc Ninh là hình ảnh thu nhỏ của cảnh quan sinh thái tỉnh Bắc Ninh vừa đặc sắc lại phong phú. Có sông, núi, ruộng đồng, xóm làng trù phú, phố chợ sầm uất. Vị trí đặt Bảo tàng Quan họ Bắc Ninh xung quanh làng Diềm có các ngọn núi Dinh, núi Kho, núi Trấn, núi Pháo thủ, Phúc Sơn, Vũ Ninh, Đáp Cầu… Trên bến, dưới thuyền của dòng sông Cầu thơ mộng, dòng sông quan họ. Bảo tàng Quan họ đặt nơi đây cũng sẽ là điểm nhấn của khu du lịch sinh thái thành phố Bắc Ninh. Quan họ nhà (làng Diềm), Quan họ sông nước dưới thuyền (sông Cầu, hồ Đầm Đa), Quan họ cửa đình, chùa (đình, chùa các vùng xung quanh)… Ngoài ra vẫn đạt được giao thoa về các phương diện: Phật giáo, lễ hội, làng nghề. Đặc biệt kết hợp với việc khôi phục thương cảng Thị Cầu, thành lũy, dinh thự, trạm đón tiếp sứ thần, văn miếu… ở các địa danh như núi Dinh, Trấn, Kho, Pháo thủ… của Trấn thành Kinh Bắc ở Thị Cầu do nhà Lê đặt vào cuối thế kỷ XV lại càng có tiềm năng cho Du lịch Bắc Ninh (cho đến 1804 nhà Nguyễn mới di dời Trấn Kinh Bắc từ Thị Cầu về vị trí ở 4 làng Yên Xá, Lỗi Đình, Đề Xã, Khúc Toại thuộc 3 huyện Yên Phong, Tiên Du, Võ Giàng).

Thứ hai, đặt ở khu vực Ném Tiền, địa danh này hội tụ khá nhiều làng quan họ cổ trong vùng; các làng Quan họ sau đây đến Ném Tiền đều dưới 5 km: Ném Sơn, Ném Đoài (phường Khắc Niệm); Hoài Thượng, Bịu Sim, Bái Uyên (xã Liên Bão, Tiên Du); Ngang Khám, Ngang Nội (xã Hiên Vân, Tiên Du); Lũng Giang, Lũng Sơn; Duệ Đông (thị trấn Lim, Tiên Du); Ó, Sẻ, Bò, Xuân Ổ, Khả Lễ, Bồ Sơn - phường Võ Cường, Niềm Xá, Yên Mẫn, Đọ Xá, Vệ An thành phố Bắc Ninh… Nếu đặt ở khu vực này sẽ hội tụ nhiều làng quan họ gốc, đáp ứng cho khách du lịch, các nhà nghiên cứu có thể đến với các làng để tìm hiểu. Mặt khác kết nối được với Bảo tàng Phật Giáo (nếu đặt ở núi Chè, Tiên Du), cách nhau chưa đến 10 km và cách đồi Lim (nơi được coi là hội của Quan họ) cũng chỉ hơn 5 km. Khu vực này cũng có núi non cảnh quan sơn thủy hữu tình: Phía Đông trước mặt. Ném Tiền có núi Và, núi Mồ (phường Hạp Lĩnh, Khắc Niệm); phía Nam có 5 dải núi với truyền thuyết “Ngũ linh tranh ngọc” của chùa Bách Môn nổi tiếng: Núi Chè; Phượng Hoàng (Bát Vạn); núi Đông Sơn; núi Long Khám; núi Vân Khám (thuộc 3 xã Liên Bão, Việt Đoàn, Hiên Vân, huyện Tiên Du). Phía Bắc có  Ném Sơn, Ném Thượng (có lễ hội Chém lợn đang là đề tài tranh luận nóng mấy năm nay). Đồi Khả Lễ (Võ Cường); phía Đông Bắc có đồi Ba Huyện (Khắc Niệm); núi Dạm có chùa Dạm và chùa Hàm Long (Phường Nam Sơn – thành phố Bắc Ninh) cũng khá nhiều điển tích về văn hóa. Làng nghề có: Giấy Phong Khê, làm bún Ném Tiền, đồ gỗ làng Chọi, Đồng Kỵ…

Như vậy nếu đặt Bảo tàng Văn hóa Quan họ ở Ném Tiền, có lẽ còn có lợi lớn về du lịch hơn ở làng Diềm (Hòa Long). Nếu có Bảo tàng Văn hóa Quan họ cũng sẽ là nơi giới thiệu những lễ hội tiêu biểu của 49 làng quan họ cổ.

  1. Bảo tàng làng nghề:

Bắc Ninh là đất trăm nghề. Nói làng nghề là nói cả nghề nông và tiểu thủ công nghiệp.

Nghề nông: Làm ruộng, cấy lúa nước, trồng hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa; sông nước, đánh bắt hải sản nước ngọt.

Nghề thủ công gắn với buôn bán chợ đã từng đi vào những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ cổ nói đến làng nghề ở Bắc Ninh: “Tư Thế bút mực làm giàu/ Trà Lâm mổ lợn, uốn câu làng Giàn” hay “Nấu chì đã có Văn Quan/ Kẻ Tướng đi hát kiếm quan tiền dài/ Nấu dầu đã có Thanh Hoài/ Dâu Tự buôn muối, Lũng Chiền buôn nâu” hay “Thuyền em ngược bến sông Dâu/ Buôn chè mạn Thái còn lâu mới về”…

Có thể kể một số nghề ở Bắc Ninh cổ xưa: lò Đúc gang, sành, đạn ở Nội Trà (Yên Phong); tôi thép, làm kim, làm bừa, chén sứ ở Thị Cầu; đúc đồng, làm thau, mâm ở Đại Bái (Gia Bình); làm mành Giới Tế (Tiên Du); dệt lụa Xuân Ổ, Nội Duệ, Vọng Nguyệt; dệt chiếu Quế Ổ; uốn gậy tre Xuân Lai; làm quạt tre Đào Xá; nung ngói Vĩnh Kiều; gốm Phù Lãng, Luy Lâu; tranh dân gian và hàng mã Đông Hồ; trạm khắc gỗ Đồng Kỵ…

Đến nay toàn tỉnh có hơn 60 làng nghề thủ công, trong đó hơn một nửa làng nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục và tỉnh đã phê duyệt chủ trương xây dựng các khu công nghiệp làng nghề.

Việc xây dựng Bảo tàng làng nghề là một vấn đề khó đặt ra, nhưng không lẽ “đất trăm nghề” lại thiếu một Bảo tàng thì đáng tiếc. Vì vậy theo chúng tôi Bảo tàng làng nghề nên có một Bảo tàng chính và từ 2 đến 3 Bảo tàng vệ tinh. Các Bảo tàng này có thể xây dựng ở các khu công nghiệp làng nghề.

Bảo tàng chính có quy mô lớn để mô tả được các làng nghề toàn tỉnh, trưng bày tượng trưng các sản phẩm làng nghề đặt ở thành phố Bắc Ninh để kết hợp cho phép bán các sản phẩm tiêu biểu cùng với việc gắn kết với du lịch của thành phố.

Có thể chọn thêm 2 Bảo tàng vệ tinh: 01 đặt ở thị xã Từ Sơn để mô tả và trưng bày các sản phẩm làng nghề của thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ. 01 Bảo tàng đặt ở huyện Gia Bình để mô tả và trưng bày các sản phẩm làng nghề tiêu biểu của huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành.

Các nhà khoa học nói: “Mỗi bước chân ở Bắc Ninh đều đụng (chạm) đến văn hóa” vì vậy nếu tỉnh Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương thì nét nổi bật vẫn phải xây dựng theo hướng thành phố văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Vì thế mới cần thiết nên có những bảo tàng đơn nguyên. Từ những mong muốn cho việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Bắc Ninh trong tương lai nên chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số quan điểm trong việc xây dựng Bảo tàng Văn hóa đơn nguyên. Nếu có các Bảo tàng như chúng tôi đề cập được xây dựng, tin tưởng ngành Du lịch sẽ phát triển, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan; đồng thời còn là những tư liệu quý trong việc giáo dục truyền thống văn hiến – khoa bảng cho các thế hệ quần chúng nhân dân trong tỉnh. Tất nhiên việc xây dựng Bảo tàng văn hóa du lịch Bắc Ninh sẽ đặt ra nhiều vấn đề, nhất là liên quan đến tổ chức bộ máy và con người. Nếu phát huy tốt với việc khai thác du lịch thì có thêm một số biên chế để quản lý khai thác các Bảo tàng cũng không phải là bài toán không giải được. Khó khăn vẫn là mô hình, địa điểm và đầu tư cũng như việc xã hội hóa. Rất mong các độc giả, nhà quản lý, nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này cùng trao đổi, chia sẻ./.