Trang chủ

BÀN VỀ LÀNG – XÓM – XÃ - THÔN "NGO"
03:06 | 06/10/2016
 

Phạm Thuận Thành

Làng, xóm, xã, thôn là những khái niệm được sử dụng lâu đời và có sự dịch chuyển ngữ nghĩa ít nhiều.

Làng, xóm là khái niệm chỉ về khu dân cư theo vị trí địa lí nên khá ổn định theo thời gian. Làng chia nhỏ thành nhiều cụm dân cư theo chân tre, theo lối đi hay theo phương vị, gọi là xóm.

Xã, thôn là khái niệm chỉ về khu dân cư theo đơn vị hành chính nên thường có sự biến động tùy theo chính sách của chính quyền đương thời.

Hãy khảo sát sự biến dịch của đơn vị dân cư địa lí và đơn vị dân cư hành chính qua một đơn vị dân cư cụ thể là làng Ngo để thấy sự biến dịch này.

 Làng Ngo nằm trên bình độ hơi cao hình con rồng nên từng được sách cổ ghi chép là Long Ngô Động. Làng Ngo diện tích tự nhiên khoảng 700 ha, diện tích dân cư khoảng 250 ha, gồm 5 cụm dân cư, tức 5 xóm, là: Ngo Đường, Ngo Giữa, Ngo Nội, Ngo Mụa, và Ngo Kếp. Địa giới tiếp giáp làng Chằm (Mão Điền), làng Bưởi Cuốc (Nghi Khúc), làng Nghe (Nghi An), làng Cựu Cáp (Đức Nhân và Thuận An), làng Bún (Ngọc Trì), làng Gôi (Đông Côi), làng Trương (Trương Xá), làng Ngọ (Ngọ Xá), làng Đìa (Thượng Trì). Tên Việt của làng là Ngo truyền lại đến ngày nay không còn rõ nghĩa gốc ban đầu là gì nữa. Khi chuyển sang tự lấy âm Ngo chuyển thành âm Ngô, rồi thêm chữ Long ở trước thành tên tự là Long Ngô. Chữ Long được lấy từ thần phả đức thánh làng thờ là Lạc thị đại vương, dòng dõi Lạc Long Quân. Sau khi đánh thắng quân Minh, Long Ngô lại đổi thành Bình Ngô. Cách chuyển tự này khá phổ biến ở trong vùng, như âm Ngò cũng chuuyển thành Ngô, rồi thêm chữ ở sau thành tên tự mới như Ngô Phần, hoặc thêm chữ ở trước thành Tỉnh Ngô ... Đây là nơi làm nông nghiệp thuận lợi, dân cư quần tụ đông đúc từ lâu đời, nền văn minh lúa nước sớm phát triển và là một bộ phận hợp thành của khu vực trung tâm văn hoá Việt. Thời Hùng Vương làng Ngo thuộc bộ Vũ Ninh. Thời Bắc thuộc làng Ngo thuộc huyện Gia Định (sau đổi là Gia Bình). Thời Lê Thánh Tông làng Ngo là một đơn vị cấp xã, chuyển tự là xã Bình Ngô huyện Gia Bình phủ Thuận An trấn Kinh Bắc. Tên xã được ghi trong mục Cẩn án sách Dư địa chí của Quan phục hầu Nguyễn Trãi. Bia Văn Miếu khoa thi 1484 cũng ghi người đỗ trạng nguyên là Nguyễn Quang Bật, quê xã Bình Ngô huyện Gia Bình phủ Thuận An trấn Kinh Bắc. Đứng đầu xã là xã trưởng (hay Lý  trưởng) có con dấu và hội đồng kì lão lãnh đạo toàn diện bản hạt. Các xóm là đơn vị thôn thuộc xã, gồm: Đường Vĩ thôn, Ngô thôn, Phúc Nguyên thôn, Đìa thôn, Kếp thôn. Thời Mạc, phủ Thuận An chuyển về trấn Hải Dương. Thời Hậu Lê, phủ Thuận An lại chuyển thuộc trấn Kinh Bắc. Khoảng giữa thế kỉ 16 làng Ngo tách thành 3 xã là Bình Ngô, Yên Ngô và Thường Vũ. Xã Bình Ngô gồm 3 thôn, tương ứng 3 xóm của làng Ngo (nhất xã tam thôn) là: Đường Vĩ thôn, Ngô thôn và Phúc Nguyên thôn. Xã Yên Ngô gồm xóm Ngo Mụa của làng Ngo (còn gọi là Ngo Đìa). Xã Thường Vũ gồm xóm Kếp của làng Ngo và chia thành các thôn theo cụm chân tre là: Ngõ Tây thôn, Ngõ Trong thôn, Ngõ Ngoài thôn, Khoai thôn (theo văn bia ở chùa Long Châu xã Thường Vũ). Sang thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 13 (1832) trấn Kinh Bắc đổi thành tỉnh Bắc Ninh, thời Tự Đức (1867) phủ Thuận An đổi thành phủ Thuận Thành. Khi nhà Nguyễn lập cấp tổng thì làng Ngo thuộc tổng Bình Ngô huyện Gia Bình. Tuy chia lập thành 3 xã nhưng các mối quan hệ làng vẫn được duy trì khá chặt chẽ. Đình 5 thôn ở xóm Ngo Giữa vẫn còn đến tận ngày nay. Đền thờ Phổ quận công Vương Châu ở xóm Ngo Giữa có dựng bia thời Tự Đức vẫn đề là Ngũ hội bi kí và dân 5 thôn vẫn tổ chức ngày giỗ chung vào ngày 3/9 âm lịch. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 chính quyền mới thành lập xã An Bình ngày 6/1/1946 gồm 3 xã cũ của làng Ngo (Bình Ngô, Yên Ngô, Thường Vũ) và xã Khi Khúc của làng Bưởi, các xã cũ nay thành đơn vị thôn thuộc xã An Bình. Năm  Phần còn lại của tổng Bình Ngô là xã Đại Bái gồm các thôn Ngọc Xuyên, Đoan Bái, Đại Bái và sau này thêm một thôn mới chuyển từ ven đê về là thôn Song Quỳnh. Năm 1960 thôn Bình Ngô lại chia tách thành 3 đơn vị thôn mới là: thôn Đường, thôn Giữa và thôn Chợ. Như vậy xã An Bình có 6 thôn và ổn định đến hiện nay. Năm 1963 tỉnh Bắc Ninh hợp với tỉnh Bắc Giang thành lập tỉnh Hà Bắc. Năm 1997 tỉnh Hà Bắc lại chia tách lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang như trước năm 1963, làng Ngo lại thuộc về tỉnh Bắc Ninh.

   Tháng 8 năm 1980 xã An Bình chuyển về huyện Thuận Thành, làng Ngo thuộc Thuận Thành từ đây.

   Ngày nay dân số làng Ngo khoảng 7.300 người phân bố như sau: thôn Đường 1.300 người; thôn Giữa 1.600 người; thôn Chợ 1.300 người; thôn Yên Ngô 1.800 người; thôn Thường Vũ 1.300 người. Đứng đầu thôn là trưởng thôn, đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng cầm quyền. Trưởng thôn có một số nhân viên đảm bảo an ninh trật tự, đồng điền. Dưới chi bộ có các đoàn thể chính trị giúp vận động quần chúng thực hiện chính sách của nhà nước gồm thanh niên, phụ nữ, mặt trận, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi./.