Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NHỚ MÃI MỘT LẦN GẶP BÁC
09:44 | 02/07/2018

HOÀNG TIẾN

 

 

Được Huyện ủy Thuận Thành giới thiệu về Song Liễu để viết về đề tài Bác Hồ về thăm Bắc Ninh tôi thật sự bồi hồi khi được về với mảnh đất kiêu hùng này.

            Song Liễu là nơi đi tiên phong trong công cuộc Cách mạng, lật đổ ách thống trị của thực dân xâm lược và phong kiến tay sai. Song Liễu là nơi rất sớm có những con người tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản Nam Bắc Ninh và Bắc Hưng Yên từ đầu năm 1938 sau đó dẫn dắt phong trào Cách mạng của cả vùng. Năm 1940 Chi bộ Liễu Khê ra đời, trở thành ATK của Xứ ủy và Trung ương, suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa. Kháng chiến chín năm được Nhà nước phong xã Anh hùng lực lượng vũ trang. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đã đạt những thành tựu khá ấn tượng, đang vươn lên đầy hứa hẹn.

            Buổi ấy gió thu mát rượi, trời nắng đẹp, bà con  vừa gặt xong lúa mùa, những sân thóc vàng chói đang phơi, xóm thôn rực rỡ sắc màu, những căn nhà gác hai, ba, bốn tầng, mái bằng, mái chóp, mái ngói đỏ tươi phô diễn, mới mẻ, lạ mắt…Tất cả đang nói lên một Song Liễu khang trang, no ấm, ngang tầm truyền thống quê hương Cách mạng anh hùng.

            Nguyễn Thị Anh Trà - Phó bí thư Đảng ủy hồ hởi tiếp tôi, chị thông báo đôi nét về Đảng bộ, cho tôi cả tập văn kiện Đại hội khóa mới, rồi giới thiệu một trong những Đảng viên cao tuổi Đảng, cao tuổi đời, người được gặp Bác Hồ sớm nhất là ông Nguyễn Văn Thính người thôn Bến Long, là bạn thân thiết với tôi. Tuy đã xấp xỉ bát tuần thượng thọ, nhưng gặp nhau vẫn như hồi trai trẻ, vẫn anh anh, tôi tôi. Câu chuyện vẫn hóm hỉnh, lạc quan và tế nhị. Chị Trà cùng tôi vào thăm ông Thính.

            Ông Thính tuy bị một căn bệnh hiểm nghèo hành hạ gần ba chục năm nay, nhưng do vẫn kiên trì tập luyện nên mắt còn tinh, tai thính, đi lại bình thường, tiếng nói rành rõ. Gặp nhau chị Trà vẫn làm theo thủ tục. Cả ba chúng tôi cùng cười vui, thân tình, sảng khoái.

            Với chất giọng khàn khàn ông kể:

            Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn nhớ lần may mắn được gặp Bác. Được gặp Bác là niềm sung sướng, vinh hạnh, có lẽ chẳng riêng tôi, mà đã là người Việt Nam thì ai cũng vậy, bởi đấy là hạnh phúc.

*

*  *

            Tháng 9/1957 nước Sông Đuống  lên rất to. Dù đã cố gắng phòng, chống, song điều tai hại vẫn xảy ra: Cống và đoạn đê Mai Lâm (Từ Sơn) bị vỡ.

            Vỡ đê là sự cố vô cùng hệ trọng, kéo theo bao nhiêu khó khăn, nguy hại đến đời sống của nhân dân và mọi hoạt động của xã hội. Đảng và các cấp chính quyền hết sức lo lắng về những hậu quả không dễ gì khắc phục.

            Lúc ấy tôi ở Đại đội 625 của Tỉnh đội Bắc Ninh, được lệnh đi phá một quãng đường sắt, đoạn giáp ranh Tiên Du - Yên Phong, để tháo bớt nước sang phía Nam, nhằm cứu nguy cho phía Bắc, phía ấy nước đã ngập mấp mé nhiều nóc nhà dân, đứng trên đường sắt khỏa chân tới mặt nước. Bộ đội dùng phương tiện thô sơ phá được đoạn đường xe lửa là một cố gắng lớn. Khi nước tràn sang phía Nam đường sắt, lại gặp sự phản ứng quyết liệt của một số dân bên này. Họ không cho mở cống, không cho nước chảy vào cánh đồng xã mình. Lợi dung tình hình nan giải này một số phần tử quá khích tìm cách chống Chính quyền ra mặt. Họ hô hán, kích động, rồi bắt cả một cán bộ Thủy lợi nhốt vào trong cống, suýt mất mạng. Trước khó khăn phức tạp này, chúng tôi được lệnh tiến quân vào giải tỏa. Tên cầm đầu chạy trốn, chui vào một cái cống, lấp bèo tây, phủ kín người, nhưng có người dân đã chỉ cho bộ đội bắt được. Hắn là tên lính Ngụy thời Pháp.

            Khi tình hình ổn định, tôi bị ốm, vào nằm điều trị tại Trạm xá tỉnh đội đóng gần chùa Thành, thị xã Bắc Ninh.

            Hôm ấy là chủ nhật. Trạm trưởng bảo: “Các đồng chí trang phục chỉnh tề, sang bên kia họp.” Anh không nói rõ bên kia là bên nào, và họp nội dung gì, song chúng tôi cũng chỉnh tề theo lệnh Trạm trưởng. Vẫn quần áo, giày, mũ ngày thường, chỉ khác bởi có sự nghiêm chỉnh hơn.

            Khoảng hơn 8 giờ, chúng tôi đi sang một khu nhà, hình như trước là nơi ở của Đoàn ủy cải cách (sau này là Nhà hát nhân dân) cách chùa Thành khoảng 300m. Lúc này nước đã rút, mặt sân có chỗ còn lội lõm bõm. Chúng tôi vào ngồi trong một căn nhà tre, nứa, lợp lá gồi. Ngôi nhà tuềnh toàng có vài cái giường và mấy cái bàn ghế. Một lát thấy một tốp người, già trẻ, gái trai đi vào. Chúng tôi ngồi gọn lại giành chỗ cho những người mới đến. Lát sau nữa, anh em Cán bộ của hai cơ quan Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh kéo sang. Vì là ngày nghỉ nên hai cơ quan chỉ còn những người ở lại trực, nên cũng ít. Tất cả vào ngồi chật trong ngôi nhà đơn sơ ấy.

            Độ 5 phút sau có 3 chiếc xe đi vào sân. Chiếc thứ 2 vào sát cửa nhà mới đỗ. Một người bước xuống, rồi người thứ 2 bước xuống, dáng người dong dỏng cao, mặc bộ ka ki màu vàng nhạt, quần sắn sát gối, đi dép cao su, dáng ung dung nhanh nhẹn. Bất ngờ đầu óc tôi như bừng sáng, như là có ai nói thầm vào tai tôi: Hồ Chủ Tịch!. Tôi bật reo lên: Hồ Chủ Tịch. Các anh em khác cũng ngơ ngác hô theo: Bác Hồ! Hồ Chủ Tịch!. Mọi người reo lên, rồi quây xung quanh Bác, nhiều người luống cuống vì quá xúc động. Không biết ai đó cất tiếng hô: Hồ Chủ Tịch muôn năm!. Chúng tôi đồng thanh hô: Hồ Chủ Tịch muôn năm!. Bác Hồ muôn năm!.

            Bác tươi cười vẫy tay bảo: “Các cô, các chú, các cháu, ngồi xuống”. Căn nhà như sáng hẳn lên. Mọi người phấn khởi, chăm chăm nhìn Bác, sung sướng, hồi hộp. Nhiều người rơi nước mắt, những người lính chiến như anh em chúng tôi càng vô cùng phấn khởi, bởi diễm phúc được gặp Bác. Bác đang đứng ngay đây, bên một chiếc bàn gỗ mộc mạc, Bác đang sắp nói chuyện với chúng tôi, thân tình, gần gặn. Tôi vốn láu cá đã ngồi được vào chỗ gần Bác nhất, nom rõ Bác nhất và nghe tiếng nói của Bác rành rõ nhất.

            Bác nói: (Tôi nhớ đại ý) “Bác cùng các đồng chí trong Chính phủ đi thăm đồng bào vùng lũ lụt, thăm chỗ đê bị vỡ. Bác và Chính phủ rất xót xa và cảm thông với đồng bào đang gặp nhiều khó khăn. Bác gửi lời thăm đồng bào các nơi Bác chưa đến được. Bác và Chính phủ sẽ cố gắng khắc phục…Nhưng cái chính là đồng bào ta phải đoàn kết chặt chẽ, cứu giúp lẫn nhau trong hoạn nạn, một miếng khi đói bằng một gói khi no…” Bác bắt tay một cụ già, hỏi: “Cụ còn nhớ lần vỡ đê hồi trước?” “Thưa Bác có ạ” Bác lại hỏi: “Lần vỡ đê này có gì khác lần ấy?” “Dạ thưa Bác: (lúc này ông cụ đã bình tĩnh hơn) lần này vỡ to hơn, nước tràn vào nhanh hơn, nhưng không ai bị chết, vì được Chính phủ quan tâm, gạo cứu tế đến kịp thời, không có nạn cướp bóc. Cán bộ, bộ đội và nhân dân tích cực lắm ạ!” Bác gật đầu: “Phải đồng tâm hiệp lực, phải có sức mạnh của toàn dân cùng chống lũ lụt, như thế mới giúp được Chính phủ chống lũ lụt. Chính phủ vì nhân dân, nhân dân vì Chính phủ và cũng là vì chính mình”. “Vâng ạ!”.

            Bác cười vui vẻ, rồi Bác vẫy một cháu gái. Có một người đứng dậy: “Thưa Bác! Đây là đồng chí Bí thư chi đoàn mới đi chống lụt về đấy ạ”. Bác hỏi: “Cháu đi cứu lũ lụt có mệt không?”. “Thưa Bác! không ạ” Bác cười: “Cháu không dám nói thật rồi. Bác biết là cháu có mệt, nhưng cháu cố gắng”. Cháu gái đỏ bừng mặt, ngượng nghịu: “Vâng ạ”. Bác bảo: "Tất cả các cô, các chú, các cháu đều phải cố gắng, nhanh chóng ổn định, để tiếp tục sản xuất ngay".

            Bên ngoài nhiều tiếng ồn ào, rậm rịch. Chúng tôi nhìn ra thấy rất đông người. Họ đi như chạy vào để được gặp Bác. Tôi thấy một Cán bộ nói nhỏ với Bác điều gì đấy. Bác gật đầu, rồi căn dặn chúng tôi về phòng bệnh sau lũ lụt. Ngoài kia, người vào ngày càng đông, đồng chí Cán bộ nói nhỏ với đồng chí Văn phòng Tỉnh ủy, rồi lại nói với Bác, tôi ngồi gần đấy nghe được câu: “Thưa Bác! nhân dân vào đông lắm. Đề nghị Bác đi thôi ạ.”.

            Bác nói: Bác bận lắm, Bác phải đi. Nào! Chúng ta cùng nhau hát bài Kết đoàn nhé. Mọi người vừa hát vừa vỗ tay theo.

            Bác đi rồi chúng tôi mới biết việc Bác về qua đây là rất bất ngờ. Bác chỉ định nghỉ chân một chút sau khi đã đi thăm nhiều cánh đồng bị lụt dọc đường số 1. May cho chúng tôi và một số rất ít dân của xã Yên Mẫn sát thị xã, gần đấy nhất. Không ngờ khi được tin nhân dân hoan hỷ kéo đến quá đông, trong chốc lát đã hàng nghìn người. Vì chuyến đi của Bác và thấy không tiện cho công tác bảo vệ, các đồng chí đi theo Bác mới mời Bác đi. Biết thế ai cũng vô cùng thương Bác. Thế là Bác chưa được nghỉ ngơi gì, đã lại đi ngay. Ai cũng thấy tiếc. Người tiếc không được nghe Bác nói chuyện, người tiếc không được gần Bác lâu hơn.

            Đã gần sáu mươi năm, tôi cứ nhớ mãi lần gặp Bác bất ngờ ấy, nhớ mãi cử chỉ, lời nói và ánh mắt nhân từ của Bác. Bác chỉ nói ngần ấy câu ngắn gọn, nhưng đầy tình thương yêu. Chỉ trong ít phút hé lộ mà hàng nghìn người tất tưởi chạy đến để được gặp Bác, để nhìn thấy Bác, để nghe Bác nói, như là người cha đi xa trở về. Bác là lãnh tụ kính yêu của lòng dân và lòng dân vô vàn kính yêu lãnh tụ. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà tất cả những ai có mặt hôm ấy đều coi đây là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cả cuộc đời.