Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

MỘT GIA ĐÌNH BỐN THẾ HỆ ĐAM MÊ NGHỆ THUẬT TUỒNG
10:21 | 28/11/2023

 Dù phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, hay những tháng năm phải thắt lưng buộc bụng xây dựng cuộc sống mới, nhưng người dân khu phố Tiến Bào, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn luôn coi hát tuồng là món ăn tinh thần không thể thiếu, động viên mọi người hăng say lao động sản xuất, cùng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trong số họ phải kể đến gia đình nghệ nhân Đàm Thu Hiền, đã có bốn thế hệ đều đam mê hát tuồng, đem lời ca, điệu múa đặc sắc của nghệ thuật tuồng truyền thống phục vụ nhân dân.

Thế hệ đầu tiên trong gia đình tiêu biểu đó, xin được kể đến cụ Đàm Văn Nhạc, ông nội của nghệ nhân Đàm Thu Hiền. Ngay sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, cụ đã có công cùng các cụ Đỗ Văn Thuyết, Đàm Thị Tâm, Phạm Văn Chín… đứng ra thành lập “Đoàn Tuồng Tiến Bào”, tiền thân của CLB Tuồng Tiến Bào ngày nay. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, không có trang phục, đạo cụ thì đi thuê, đi mượn, không đủ ánh sáng thì thắp đèn dầu, đèn măng sông để diễn. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, Đoàn tuồng Tiến Bào đã không ngừng lớn mạnh, số diễn viên, nhạc công có lúc lên tới 40 người, dàn dựng và biểu diễn được hàng chục vở tuồng truyền thống phục vụ nhân dân. Theo một số người dân kể lại, ngày ấy không có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như bây giờ, nên mỗi khi đoàn biểu diễn người đến xem rất đông, không ít bà con ở các địa phương lân cận như Đông Anh, Dục Tú, Yên Thường (Hà Nội), hay từ Chờ, Trắc Bút (Yên Phong, Bắc Ninh)… cũng đi cả chục cây số đến xem. 
Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở vào giai đoạn quyết liệt, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, không ít diễn viên trong đoàn đã phải tạm xa ánh đèn sân khấu để lên đường ra mặt trận. Người ở lại thì tay cày, tay súng, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bởi thế, Đoàn tuồng Tiến Bào đã phải tạm ngừng hoạt động.
Thế hệ thứ hai nối tiếp truyền thống nghệ thuật tuồng của gia đình là cụ Đàm Mạnh Dần, con trai cụ Đàm Văn Nhạc, thân sinh nghệ nhân Đàm Thu Hiền. Theo Nghệ nhân ưu tú Đàm Xuân Trung, Chủ nhiệm CLB tuồng Tiến Bào, cụ Đàm Mạnh Dần là người rất tài năng và tâm huyết với nghệ thuật tuồng, người có công rất lớn trong việc đề xuất, khôi phục và đưa Đoàn tuồng Tiến Bào đi vào hoạt động sau một thời gian dài gián đoạn. Sau gần 20 năm phải xa ánh đèn sân khấu, các diễn viên Đoàn tuồng Tiến Bào nhớ lắm những ngày được đứng trên sân khấu, được đắm mình trong các vai diễn tuồng truyền thống. Để cho đỡ nhớ, nhiều người đã phải khăn gói đi diễn “tuồng góp” ở một số địa phương. Sau một thời gan dài trăn trở, không thể để phong trào hát tuồng của quê hương mình gián đoạn lâu hơn nữa, năm 1983, cụ Đàm Mạnh Dần đã bàn với mọi người quyết định khôi phục lại đoàn tuồng. Việc đầu tiên của cụ là thành lập Ban lãnh đạo mới, gồm các cụ Đàm Mạnh Dần, Trần Văn Nham, Đỗ Văn Thuyết… rồi xây dựng quy chế hoạt động, tuyển chọn diễn viên luyện tập và biểu diễn. Không chỉ là đạo diễn, diễn viên chính của đoàn, trong hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn, vừa phải lo việc đưa diễn viên về luyện tập tại gia đình mình, rồi sưu tầm kịch bản và dựng vở,  cụ Dần còn đến các gia đình vận động nhân dân ủng hộ kinh phí cho đoàn hoạt động. Nhiều người kể lại, khi được cụ Dần tới vận động, bà con thôn Tiến Bào ai cũng vui vẻ, tự nguyện đóng góp. Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục bộ trang phục biểu diễn, đạo cụ, hệ thống ánh sáng đã được đoàn mua sắm nhờ tiền ủng hộ của nhân dân. 
Dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo ân cần của “Thầy Dần”, nhiều diễn viên Đoàn tuồng Tiến Bào và địa phương lân cận đã trưởng thành, trở thành diễn viên tuồng chuyên và không chuyên, là hạt nhân trong nhiều CLB tuồng trong và ngoài tỉnh. Nhiều người đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát tuồng”, “Nghệ nhân Ưu tú”.
Năm 1998, với mong muốn xây dựng đội ngũ diễn viên kế cận, từng bước thay thế các thế hệ cha anh, cụ Đàm Mạnh Dần lại cùng mọi người quyết tâm thành lập “Đoàn tuồng Đồng Ấu”, gồm 13 cháu thiếu niên  từ 7 đến 13 tuổi. Trong số diễn viên này, cụ Dần có một con trai, ba cháu ngoại (là con nghệ nhân Đàm Thu Hiền), cùng  một cháu họ tham gia. Được cụ và các cô, các chú trong đoàn tận tình chỉ bảo, các em đã nhanh chóng làm quen với kỹ năng và nghệ thuật biểu diễn, thể hiện thành công nhiều vở tuồng truyền thống. Năm 1999, tại Liên hoan nghệ thuật tuồng không chuyên toàn quốc, các nghệ sỹ nhí Đoàn tuồng Đồng Ấu đã vinh dự được Ban tổ chức trao Giải đặc biệt cho vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”.
Sinh năm 1968, là thế hệ thứ ba trong gia đình có ông nội, bố đẻ cùng đam mê nghệ thuật tuồng, nên cô bé Đàm Thu Hiền đã đem lòng say mê loại hình nghệ thuật này từ khi nào không biết. Năm 1983 khi vừa tròn 15 tuổi, đúng vào thời điểm CLB Tuồng Tiến Bào tái lập, cô nữ sinh cấp II vừa xinh đẹp vừa đam mê hát tuồng đã chính thức trở thành diễn viên CLB. Vai diễn đầu đời của người nghệ sỹ trẻ tuổi chính là nhân vật Hồ Nguyệt Cô trong vở “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” mà mình yêu thích. Nhờ sự chỉ bảo kèm cặp của bố và mọi người, Đàm Thu Hiền đã nhập vai một cách xuất thần, thể hiện xuất sắc tâm trạng nửa mê nửa tỉnh và hoang dại của nhân vật, nên đã chinh phục người xem từ đầu đến cuối, được các cô, các chú trong CLB và khán giả xa gần hết lời khen ngợi. 
Được động viên khích lệ bởi những thành công bước đầu, Đàm Thu Hiền càng  say sưa, chăm chỉ luyện tập, biểu diễn thành công nhiều vai chính trong các vở tuồng mẫu như nhân vật Ngu Cơ trong vở “Hạng Võ bại Ô Giang”; Trịnh Ấn trong vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân”; hay vai Mai Xuân trong vở “Triệu Đình Long cứu Chúa”… Chỉ sau một thời gian ngắn, chị đã trở thành đào chính, diễn viên không thể thiếu của CLB. Không chỉ biểu diễn thành công các vai tuồng truyền thống, Đàm Thu Hiền còn thể hiện xuất sắc các nhân vật trong các vở tuồng hiện đại như vợ vua trong vở “Hoàng đế Lý Công Uẩn”, vai Chị liên lạc trong vở “Người mẹ Nguyễn Văn Cừ”, được công chúng và Ban giám khảo các Hội thi, Hội diễn đánh giá cao và nhận nhiều giải thưởng.
40 năm đam mê, cống hiến cho nghệ thuật tuồng, nghệ sỹ Đàm Thu Hiền đã gặt hái được không ít thành công mà hầu như diễn viên nghiệp dư nào cũng đều mong muốn, đó là 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc được trao tặng tại các Hội diễn tuồng không chuyên do Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Năm 2000, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”; năm 2006 trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh; năm 2017, được UBND tỉnh Bắc Ninh tặng “Giải thưởng VHNT lần thứ Nhất”; năm 2018, được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh tặng Giấy khen “Gia đình có nhiều diễn viên tham gia Hội diễn nhất”. Đặc biệt, năm 2022, Đàm Thu Hiền vinh dự được UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân loại hình nghệ thuật tuồng”. 
Nghệ nhân Đàm Thu Hiền kể lại: Thử thách lớn nhất đối với chị là thời gian chồng mất vì mắc bệnh hiểm nghèo, con trai đang học năm thứ 3 Đại học Y Hà Nội cũng đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Tai họa ập xuống người phụ nữ chưa từng trải qua khó khăn, biến cố của cuộc đời, tưởng như chị không thể trụ vững mà sống, chứ chưa nói đến việc tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật. Nhưng Đàm Thu Hiền không gục ngã, chính những mất mát đau thương ấy đã biến thành nghị lực giúp chị vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống vì nghệ thuật, hết mình vì nghệ thuật. Cuộc đời chị có hai kỷ niệm sâu sắc gắn liền với nghệ thuật, đó là vào năm 1998, 4 mẹ con chị cùng 1 cháu họ cùng tham gia vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”, tham dự Hội diễn nghệ thuật tuồng không chuyên do tỉnh Bắc Ninh tổ chức, được Sở Văn hóa - Thông tin tặng Giấy khen “Gia đình có nhiều người tham gia Hội diễn nhất”. Chị rất vui bởi các con của mình chính là thế hệ thứ tư trong gia đình, nối tiếp niềm đam mê hát tuồng của cha ông, đánh dấu chặng đường nghệ thuật dẫu vất vả mà vinh quang của quê hương, gia đình và dòng họ. 
Kỷ niệm thứ hai vào năm 2018, khi chị cùng CLB chuẩn bị vào Bình Định tham gia Hội diễn thì chồng chị bỗng nhiên mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị tại Bệnh viện K. Đi không được, ở cũng chẳng đành lòng, một bên là trách nhiệm và tình nghĩa vợ chồng, một bên là niềm đam mê, ý thức trách nhiệm của diễn viên đối với CLB… đã thử thách nghị lực, ý chí, tình yêu thương và trách nhiệm của người nghệ sỹ giàu lòng đam mê và tâm huyết. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, lại được chồng và các con động viên phân tích hết lời, chị đã quyết định bỏ hàng chục triệu đồng mua vé máy bay tức tốc bay vào kịp thời gian Hội diễn rồi lại vội vã trở về. Với chị, tấm Huy chương Bạc được trao tặng cho vai diễn Hoàng Hậu trong vở “Dời Đô” năm ấy, sẽ trở thành một trong những kỷ niệm không thể nào quên, theo chị đi hết cuộc đời. Chị cảm ơn gia đình, cảm ơn các anh, các chị trong CLB đã hết lòng dìu dắt, động viên khích lệ rất nhiều để mình vững vàng sống và trưởng thành về mọi mặt.
55 tuổi đời, 40 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng truyền thống, nghệ nhân hát tuồng Đàm Thu Hiền vẫn đang bền bỉ, say cháy niềm đam mê và khát khao cống hiến. Ở chị, được đắm mình trên sân khấu, được mang tiếng hát tuồng phục vụ nhân dân luôn là hạnh phúc lớn lao, là niềm vui để sống và lan tỏa yêu thương với mọi người, với cộng đồng xã hội. Được sinh ra và nuôi dưỡng từ cái nôi của một gia đình có bốn thế hệ cùng đam mê nghệ thuật, chắc chắn sẽ trở thành động lực, điểm tựa vững vàng để chị tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa. Đem lời ca, vũ điệu của nghệ thuật tuồng truyền thống phục vụ nhân dân, cùng văn nghệ sỹ tỉnh Bắc Ninh góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa đặc sắc của ông cha để lại./.
 
                                                                                                                                                                                                              HOÀNG NGỌC BÍNH