Trang chủ

“Bồ sách” cổ thời Nguyễn và tấm lòng thương dân của danh nhân yêu nước Nguyễn Cao
15:36 | 09/08/2018

 Mới đây trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi có duyên tiếp cận một “bồ sách” cổ được in dập bằng văn tự Hán-Nôm trên giấy dó. Trong số đó, có 4 cuốn niên đại thời Nguyễn, in khắc cách đây gần 140 năm là một phần trong bộ sách thuốc nổi tiếng “Y tông tâm lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác. Đặc biệt, những cuốn sách đó chính là vật chứng cho thấy tấm lòng nhân hậu, thương dân của danh nhân yêu nước Nguyễn Cao.

 “Bồ sách” cổ ở Quế Võ

“Bồ sách” cổ do gia đình cụ Phùng Chu Kỷ, 89 tuổi ở Cách Bi (Quế Võ) đang lưu giữ gồm nhiều tài liệu khác nhau: Sách thuốc, sách lịch sử, y thuật, tướng số, sách học Kinh Thư và có cả Truyện Kiều… Số sách này hầu hết được viết tay hoặc in dập bằng văn tự cổ Hán-Nôm trên chất liệu giấy dó. Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến 4 cuốn sách thuốc được in khắc từ thời Nguyễn, triều vua Tự Đức 33. Mỗi cuốn sách thuốc dày khoảng 100 trang và được giữ khá nguyên vẹn từ trang đầu đến cuối. Bìa sách được sơn phết bảo vệ bằng nước cây cậy, các trang ruột sáng sạch, chữ đẹp, to rõ, dễ đọc. Phần mở đầu của một cuốn ghi rõ: Bản lưu ở chùa Đồng Nhân. Sách được in khắc vào ngày tốt, tháng Giêng, năm Canh Thìn (1880) thời Tự Đức 33 do Giải Nguyên khoa Đinh Mão, người xã Cách Bi, huyện Quế Dương giữ chức Tri phủ Phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang-Tán lý quân vụ Nguyễn Cao là chủ sự cùng với trụ trì chùa Đồng Nhân, xã Đại Tráng, huyện Võ Giàng biện khắc.

Sau khi cùng chúng tôi mục sở thị những cuốn sách quý nói trên, giới chuyên môn cho rằng: Đó là một phần trong bộ sách thuốc Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển được danh y Lê Hữu Trác công phu nghiên cứu, biên soạn trong 10 năm từ 1760 đến 1770. Nội dung của bộ sách nói về phương pháp chẩn trị các loại bệnh, có cả lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh…

 

 

Phần mở đầu của cuốn sách ghi rõ hội đồng biên soạn và niên đại năm Canh Thìn (1880) thời Tự Đức 33.

 

Các chuyên gia cũng cho rằng, bốn quyển sách thuốc phát hiện được có thể là bản in gốc đầu tiên từ bộ ván khắc chứ không phải bản sao chép vì nét chữ rất sắc, rõ ràng, mạch lạc. Đồng thời khẳng định, những văn tự Hán-Nôm cổ này ngoài kiến thức y học quý báu của các bậc danh y nổi tiếng trong lịch sử dân tộc thì còn có giá trị và ý nghĩa to lớn, cung cấp nhiều tư liệu về mặt lịch sử, văn hoá, văn học, mỹ thuật…

Liên quan đến bốn quyển sách thuốc quý này, chúng tôi đến Bảo tàng Bắc Ninh-nơi đang lưu giữ bộ mộc bản “Y tông tâm lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông gồm 1.400 ván khắc. Đây là những tài liệu đặc biệt viết bằng chữ Hán-Nôm khắc ngược trên gỗ để in ra thành sách. Hầu hết các ván đều được khắc chữ hai mặt. Bộ mộc bản đã được sưu tầm và lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh từ năm 1987 đến nay. Chị Kiều Thị Thơm, Trưởng phòng Trưng bày-Thuyết minh cho biết: Thời gian này, cán bộ Bảo tàng đang tập trung xử lý, phân loại kho mộc bản “Y tông tâm lĩnh” để in lại sách trên giấy dó nhằm phát huy giá trị di sản. Có thể trong kho mộc bản đang lưu giữ tại đây sẽ có những ván khắc của bốn cuốn sách cổ đó, chúng tôi hy vọng sẽ tìm được trong quá trình xử lý. Đây là kho di sản vô cùng quý không chỉ về mặt nội dung y học mà còn hàm chứa giá trị nhiều mặt. Việc nghiên cứu bộ mộc bản này cùng với những cuốn sách vừa phát hiện sẽ giúp gợi mở về lịch sử “tàng bản” (xuất bản, khắc ván) của cơ sở xuất bản chùa Đồng Nhân nói riêng và của Bắc Ninh nói chung.

 

Kỷ vật về lòng nhân hậu của cụ Nguyễn Cao

Người phát hiện ra số sách cổ nói trên là nhà văn Nguyễn Xuân Tường-tác giả đã có hàng chục tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, bài báo về danh nhân  Nguyễn Cao và được nhiều người gọi là “Nhà Nguyễn Cao học”. Nhà văn kể: Cách đây 5 năm, một lần đi tìm tư liệu cho những trang viết, tôi đến gặp cụ Phùng Chu Kỷ ở Cách Bi là người biết chữ Nho và từng tham gia viết câu đối ở đền thờ Nguyễn Cao. Trong lúc nói chuyện, cụ Kỷ bảo đang giữ mấy cuốn sách thuốc có liên quan đến cụ Tán. Khi đó cụ Kỷ vẫn còn minh mẫn, lật giở từng trang đọc, dịch cho tôi nghe. Cụ Kỷ còn nhớ rõ là trong một lần đi châm cứu chữa bệnh, cụ được một bệnh nhân mời về nhà và tặng cho bốn quyển sách thuốc. Xem qua biết là sách quý nên cụ Kỷ rất trân trọng, thường xuyên mở đọc phần chẩn trị bệnh.

Song còn một điều hết sức đặc biệt ở những cuốn sách cổ này vì đó chính là những vật chứng cõng nặng thời gian cùng tấm lòng nhân hậu của danh nhân yêu nước Nguyễn Cao (người đời thường gọi ông là Tán Cao hoặc ông Tán Cách Bi). Theo lời kể của các bô lão ở Cách Bi: Thời kỳ cụ Tán Cao được thăng chức Thị độc trông coi tỉnh vụ, nhiều lần đi thị sát thấy dân chúng ốm đau bệnh tật nhiều mà không được chữa trị do quá ít người làm nghề thầy thuốc. Các sinh đồ dù muốn hành nghề này cũng gặp khó khăn vì họ thiếu cẩm nang (sách thuốc của Hải Thượng Lãn Ông), một vài nơi còn thì đều rách nát. Trong tình cảnh đó, quan Tán Nguyễn Cao tận dụng thời gian, bỏ công sức thu gom, đối chiếu, chỉnh lý, biên tập lại để in những bộ sách mới những mong đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân trong vùng.

Ấp ủ dự định in sách thuốc chữa bệnh cho nhân dân nhưng tỉnh đường lại đang cạn kiệt ngân sách mà chi phí để làm hàng nghìn tấm mộc bản khắc chữ nổi rồi còn giấy mực, công thợ… rất đỗi tốn kém nên phải chờ đợi... Tháng 4-1882, khi nghe tin Hà Nội thất thủ, Nguyễn Cao cùng các thủ dũng từ Nhã Nam về Bắc Ninh phòng thủ chặn giặc. Ngày 27-3-1883 đã xảy ra giao chiến ác liệt ở Gia Quất, Thượng Cát, huyện Gia Lâm. Mặc dù giữ vững được trận địa, hất được quân Pháp chạy về đồn Thủy nhưng Nguyễn Cao bị thương rất nặng bên ngực trái. Sau trận đánh đó, triều đình phong tặng và cấp 20 lạng bạc để ông chữa trị vết thương. Tuy nhiên, cụ Tán Cao đã dùng toàn bộ số tiền này và kêu gọi các nhà hảo tâm góp thêm tiền của công sức để in xong 60 bộ sách thuốc quý của Hải Thượng Lãn Ông trong thời gian ngắn rồi phân phát về các vùng để lương y sử dụng chữa bệnh cho nhân dân.

Do thời gian và biến động lịch sử, 60 bộ sách được in bằng những đồng tiền chữa trị vết thương của danh tướng Nguyễn Cao hầu hết đều đã thất tán. Và bốn quyển sách thuốc cổ nói trên chính là kỷ vật minh chứng cho tấm lòng nhân hậu, yêu nước, thương dân của cụ Tán Cao. Còn phần lớn bản khắc gỗ bộ sách thuốc Y tông tâm lĩnh đang được Bảo tàng tỉnh lưu giữ và tiếp tục phát huy giá trị.

 

 

Thuận Cẩm