Đỗ Duy Khánh
Một năm, vào khoảng đầu công nguyên, có đôi vợ chồng trẻ đến sông Dâu làm nghề chài lưới. Họ đều mất cha mẹ từ hồi còn nhỏ nên bạn chài gọi họ là Vợ chồng Mồ Côi.
Khi hai cô con gái sinh đôi đầu lòng ra đời thì họ phải cắm chiếc thuyền nan nhỏ bé cạnh bờ sông để lên bờ dựng lều làm nơi ăn chốn ở. Họ đi mãi về phía Đông thì gặp gò đất khá cao và rộng. Họ chọn nơi này để dựng lều và bây giờ chính là Hòn Mô. Sau đó, họ rủ các bạn chài lên dựng lều cùng ở cho vui, thế là ở đó đã hình thành một cụm dân cư.
Vào một ngày, có hai chàng trai cũng làm nghề chài lưới trên sông Dâu đến cụm dân cư đó xin ở trọ. Lúc đó chỉ có nhà của Vợ chồng Mồ Côi là tương đối rộng rãi hơn cả nên hai chàng trai may mắn được ở nhờ. Vì cùng nghề kiếm sống lại cùng nghèo khổ như nhau nên chủ nhà và khách nhanh chóng coi nhau như ruột thịt.Ông chủ Mồ Côi nói với hai chàng trai mới đến: “Từ nay, các cháu không phải ra sông Dâu đánh cá nữa. Xung quanh cái xóm nhỏ này có rất nhiều chỗ để hai cháu trổ tài sức trẻ. Này nhé: Đồng Chừa vừa sâu vừa rộng nên chứa nhiều tôm cá nhất hạng. Tháng giêng, tháng hai, hoa xoan rụng xuống thì ra đồng Cá Chép tha hồ úp cá vật trứng. Tháng ba mưa rào thì sang đồng Rạng Ếch vồ một thôi dài là đầy giỏ lớn. Còn tháng năm, tháng sáu ở đồng Bờ Cua, cua bò lên kín cả bờ ruộng, chỉ sợ không có sức mà bắt. Quanh năm quăng chài, kéo lưới ở đồng Đìa, đồng Vũng, đồng Bầu rồi lại đơm đó, đụt, cắm ống lươn ở ngòi Con Song, ngòi đồng Mai, đồng Hóp…nghĩa là cứ tít mù, vòng quanh những nơi ấy thì hôm nào cá cũng đầy xề, tôm, lươn, trai, ốc thì đầy rổ, đầy giỏ”. Hai chàng trai sung sướng: “Bác ơi! Thế thì thích quá bác nhỉ. Phen này chúng cháu tha hồ mà vùng vẫy.”
Ông Mồ Côi cười rất tươi hiện rõ sự sung sướng, tự hào: “Sở dĩ quê tôi nhiều cá tôm như vậy vì chúng tôi luôn được quý nhân phù trợ. Một năm, trời làm đại hạn, ruộng đồng khô nứt nẻ, dân tình bơ phờ, nháo nhác…Đêm ấy ngủ, tôi mơ thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, nét mặt nhân từ, hiền hậu, bảo với tôi rằng: “Từ lâu, ta rất thương con và mọi người trong ấp này. Các con rất hiền lành, chịu khó, nay gặp phải tai ương, ta sẽ ra tay cứu vớt. Sáng sớm mai, con và dân ấp hãy mang mai, cuốc ra chỗ giáp ranh với làng Tam Á, ta sẽ cho bầu nước lớn”. Hôm sau, chúng tôi bảo nhau đi rất sớm. Không ngờ dân làng Tam Á cũng kéo đến rất đông. Thế là hai bên tranh nhau bầu nước. Khi bầu nước đã được kéo về địa phận của mình, tôi lập tức đâm mạnh vào nó. Bầu nước vỡ! Nước chảy ra như suối về đồng Chừa, đồng Hóp rồi chan hòa đồng ruộng. Từ đó, chỗ bầu nước vỡ, chúng tôi gọi là đồng Bầu; chỗ tôi vứt cái mai tự nhiên đất lún xuống khiến nước chảy thành dòng rất giống hình cái mai, chúng tôi gọi là ngòi đồng Mai. Tiếp đó nước chảy thành hai dòng song song trông rất đẹp mắt nên chúng tôi gọi là ngòi Con Song. Còn chỗ dân tranh nhau bầu nước gọi là đồng Đống Tranh. Đặc biệt có ba con cá chép rất lớn từ bầu nước bơi ra rồi vật trứng thành ngàn vạn con cá chép con, nhưng đến nửa đêm thì chúng biến mất, để lại ba cái bãi giống hình ba con cá chép nên chúng tôi gọi là bãi Cá Chép; ruộng xung quanh ba bãi ấy chúng tôi gọi là đồng Cá Chép. Một điều kì lạ hơn là có một quả hồng khá to cũng trôi từ bầu nước ra, đến gò đất cao ở nách đồng Đọn thì đứng lại. Sau đó hạt của quả ấy đã mọc thành một cây to rất đẹp và độc đáo: Quả tròn như quả bưởi, màu hồng; nước bên trong trắng và thơm ngọt như sữa; dáng cây giống hình người mẹ đang cho con bú nên chúng tôi gọi đó là cây Sữa. Đặc biệt, quả nó ra thành chùm hai quả một trông rất đẹp mắt. Bầu nước lớn, ba con cá chép to cùng cây Sữa đẹp đã ánh lên lung linh một màu huyền thoại, thần tiên và nhân nghĩa tuyệt vời. Ông trời đã ban cho chúng tôi đấy hai anh ạ. Không những vậy, ông trời còn ban cho chúng tôi nhiều nơi để cấy lúa, trồng màu phì nhiêu nữa. Đó là cánh đồng Bờ Làn bằng phẳng, cấy lúa suốt mùa không phải tát nước. Đó là đồng Dành, đồng Mứt, đồng Giàu lúa tốt bời bời. Nhờ những cánh đồng phì nhiêu ấy mà chúng tôi đã có thóc để dành và ngày càng có nhiều của ăn của để. Ngoài ra, còn mấy cánh đồng đất pha cát non nằm ở chỗ cao nên rất hợp với hoa màu: bờ đồng Khiu trồng các loại khoai, đồng Dọn trồng đỗ, bãi đồng Dài trồng sắn. Thậm chí chúng tôi còn dành cả cánh đồng Cậm quanh năm cỏ tốt rậm rì chuyên để thả trâu, không phải mất công chăn dắt”.
Hai chàng trai nghe thích thú quá, thỉnh thoảng lại suýt xoa: “Trời ơi! Quê mình giàu quá! Đẹp quá!”. Để tiếp thêm hứng khởi cho hai chàng trai trẻ, ông Mồ Côi hỏi họ: “Hai anh có thích bắt cò, vạc ở đây không? Vì ngay cạnh ngõ Ngoài gần nhà tôi, có một vườn tre cò về làm tổ trắng xóa nên chúng tôi gọi là vườn Cò; vạc bay về kêu la ầm ĩ ở một bãi lớn, cách ngõ Giữa không xa nên chúng tôi gọi đó là bãi đồng Vạc; còn hai bãi đất nữa chó và gà về đông đặc nên chúng tôi gọi là bãi con Chó và bãi con Gà”. Thấy hai người tỏ vẻ khó hiểu về chuyện chó gà về đông đặc trên hai bãi giữa đồng, ông mồ côi giảng giải: “Mấy năm trước, trên rừng có trận lũ rất lớn đến mức nước chảy về tận quê tôi đây. Trong dòng nước ấy có một cây cực lớn và bè chó gà cuốn theo. Thật may dòng nước ấy chảy yếu dần, cây lớn trôi đến đầu làng Kim Tháp thì dừng lại, đâm rễ xuống và sống đến ngày nay. Chúng tôi gọi đó là cây Chôi; còn đàn chó gà thì đỗ lại hai cái bãi mà tôi vừa kể; chúng vừa đói, vừa rét nên chúng tôi liền chia nhau mang về nuôi thành gà nhà, chó nhà như bây giờ”. Ông Mồ Côi định kể nhiều chuyện nữa cho hai chàng trai nghe, nhưng hai cô con gái của ông đã lên tiếng mời mọi người đi xơi cơm kẻo nguội, chủ khách nháy nhau ăn cơm xong lại tiếp tục câu chuyện.
Từ đó, chủ khách tổng cộng 6 người đã trở thành một tổ đánh bắt cá. Ngoài việc cung cấp thức ăn hàng ngày cho gia đình, giúp đỡ hàng xóm thì đều đặn ngày 2 lần, họ mang cá, tôm, cua, ốc, ếch ra đoạn sông Dâu chảy gần làng để bán. Tiếng lành đồn xa, các thuyền buôn hải sản đã đến đậu kín xung quanh một gò giữa sông để mua bán, trao đổi hàng hóa. Gò đất ấy là gò Thuyền, nơi được gọi là một cảng phụ của cảng lớn Luy Lâu.
Từ khi có hai chàng trai đảm nhiệm hầu hết các công việc nặng ngoài đồng thì ông bà Mồ Côi đã dồn trọn thời gian và công sức vào việc giúp đỡ, chỉ bảo toàn bộ cách đánh bắt cá và công việc canh tác đồng ruộng cho các gia đình trong cụm dân cư. Hầu hết họ đều biết làm ăn thành thạo và đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn. Chính vì vậy, họ coi vợ chồng ông lão Mồ Côi là một ân nhân lớn và họ rất tôn kính, biết ơn. Đồng thời với trách nhiệm là người đứng đầu, ông Mồ Côi đã tìm mọi cách làm giàu, làm đẹp cho cuộc sống tâm linh trong cụm dân cư.
Một hôm, ông mua về hai cây lạ, ông trồng hai cây ở hai nơi tận ngoài đồng. Mọi người thấy vậy hỏi hai cây gì, nhưng ông không nói. Chờ tới lúc một cây lá lên xanh tốt, mọc cây ra hoa đỏ rất đẹp, ông mới giảng giải :
Tôi đã chờ đợi mấy năm trời ở Gò thuyền mới mua được hai cây ấy về trồng. Một cây rất giống cây tre nhưng nhỏ và nhiều đốt hơn đó là cây trúc, nhưng bà con gọi là cây tre cho dễ. Cây này nhỏ, thấp nên chỉ phát triển thành búi (đó chính là búi tre ở gần ngõ ngoài). Còn cây kia thân gỗ, bên ngoài có gai và ra hoa đỏ rất đẹp. Cây này mà gặp đất tốt sẽ phát triển cao, to, tỏa bóng mát cho người ngồi bên dưới, cây này ưa đất khô nên tôi trồng mãi tận một bãi đất xa ở ngoài cánh đồng để giúp người cày cấy trú mưa, tránh nắng, cây đó gọi là cây vông và bãi đất trồng cây ấy là bãi Cây Vông. Sở dĩ tôi tìm mua và trồng hai cây này vì cây trúc có đốt như tình người cha thương con thì có mức, có ngần, còn tình cảm của người mẹ thương con thì không có ngần nào cả, như cành cây vông thẳng tuột, không biết đâu mà đo, mà đếm.
Từ bấy giờ quê tôi hễ nhà ai có mẹ mất thì ra bãi Cây Vông chặt cành về làm gậy chống, còn nhà ai có cha mất thì ra búi tre chặt cành về làm gậy chống. Hình thức báo hiếu "Mẹ Vông, cha Trúc" này không biết xuất phát từ bao giờ và ở đâu trước tiên; còn ở quê tôi, nó có ngay từ thời hồng hoang đó (Thế kỷ I SCN).
Mấy tháng sau, ông Mồ Côi lại mua về mấy chục cây trông cũng rất lạ, ông trồng chúng ở khắp vườn, ven bờ ao, bờ rào… Mọi người tỏ vẻ tò mò, ông giải thích : đây là cây chuối, ngoài việc cung cấp hoa quả cho người ăn, nó còn có ý nghĩa rất đặc biệt trong việc tang lễ, vì thân nó do nhiều lớp bẹ ôm lấy nhau mà thành ; khi cây chết, các lớp bẹ này vẫn không chịu rời nhau, chỉ héo đi hoặc thối nhủn ra. Điều kỳ lạ này đã trở thành một bài học nhân văn rất sâu sắc. Nó muốn nói lên rằng : Con người sống trong một gia đình hay trong một dòng họ, một làng xóm… luôn gắn bó keo sơn, không muốn rời xa nhau. Kể cả khi đã chấm dứt sự sống. Vì vậy từ nay nhà ai có người mất hãy chặt hai cây chuối non để thờ cúng với bát hương, đài, nến nhằm mục đích nhắc nhở mọi người đang sống đừng bao giờ lãng quên người đã khuất. Còn mỗi khi giỗ tết mọi nhà hãy lấy một nải chuối cùng một số hoa quả khác làm thành mâm quả, thờ cúng tổ tiên là có ý nghĩa nhất. vì khi nhìn thấy nải chuối là mọi người nghĩ ngay đến sự gắn bó, keo sơn của những người cùng sống trong một mái ấm gia đình, cùng chung một dòng máu tổ tiên hay cùng sinh ra trong một chiếc nôi thiêng liêng làng xóm. Thế là từ đây, cây chuối đã trở thành báu vật thiêng liêng của mọi nhà, mọi thời đại. Vì nó là biểu tượng của sự gắn kết lâu bền, vĩnh cửu. Một nhân tố hàng đầu tạo nên sức mạnh to lớn suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Cần nói rõ về hai chàng thanh niên mới đến quê ta. Họ chính là hai nghĩa quân được hai bà Trưng cử về đây để thăm dò tình hình giặc Hán ở thành Luy lâu, vì quê ta chỉ cách Luy Lâu chưa đầy ba cây số, gần kề con sông Dâu, huyết mạch giao thông chính từ Luy lâu đi ra biển, sang Trung Quốc lúc bấy giờ. Ngoài ra, hai nghĩa quân này còn có một nhiệm vụ nữa rất nặng nề là vận động đồng bào trong vùng ủng hộ lương thực cho nghĩa quân chuẩn bị kéo về công phá Luy Lâu. Để che mắt địch, hai cô con gái ông bà Mồ Côi đã xung phong đảm nhận nhiệm vụ này.
Sau gần hai tháng đi "rỉ tai" từng người, từng nhà, hai cô gái nhẩm tính số gạo quyên góp được đã kha khá, tất cả gạo được dồn vào các "ró" (một dụng cụ đan bằng cói, hình tròn, đường kính và chiều cao đều khoảng 40 phân, phần trên thu lại, đường kính khoảng 20 phân). Mỗi ró đựng được số gạo xấp xỉ bằng số gạo đựng trọng một thúng cái. Cái ró gạo được khâu kín miệng thật cẩn thận, rồi chất thành hai đống ở hai cái bãi cao ngoài đồng. Đống gạo ấy được phủ rạ rất khéo, giống như các đống rạ khác đang đứng rải rác khắp nơi. Làm như vậy vừa che được nắng mưa, vừa che được mắt bọn giặc Hán. Sáng kiến này là của hai cô con gái ông bà Mồ Côi. Còn hai bãi “vui cùng” mấy trăm cái ró gạo kia chính là bãi Gạo Trong và bãi Gạo Ngoài.
Thế rồi mùa xuân năm 40, binh mã của Hai Bà Trưng ầm ầm từ Mê Linh kéo về Luy Lâu hỏi tội bọn quan quân nhà Hán. Những ró gạo từ hai bãi gạo của quê ta đã kịp thời cung cấp cho đại quân Hai Bà Trưng, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của cuộc khởi nghĩa. Tên Thái thú Tô Định phải đội râu tóc giả trốn xuống thuyền, theo sông Dâu chạy ra biển về nước. Thừa thắng xông tới, Hai Bà Trưng chỉ huy nghĩa quân tiếp tục đánh phá các “hang ổ” khác của kẻ thù. 65 thành trì của giặc Hán trên đất Giao Chỉ đã nhanh chóng tan rã.
Hòa với niềm vui chung của cả nước, nhân dân quê ta mở hội lớn để mừng chiến thắng. Niềm vui của quê mình còn được nhân lên gấp bội vì được chào đón một vị chỉ huy cao cấp của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng về thăm, đó là tướng quân Đô Dương. Trước niềm vui chiến thắng của nhân dân, ông đã nói: “Kính thưa các bô lão! Thưa toàn thể bà con! Hôm nay, nhân dịp hành quân qua đây, tôi được Hai Bà Trưng ủy thác có lời cảm ơn hương dân đã cùng dân chúng quanh vùng ủng hộ gạo, cá khô, nước mắm…cho nghĩa quân ăn no, đánh thắng giặc Hán bạo tàn (mọi người vỗ tay tự hào, cảm kích). Việc thứ hai, theo đề nghị của mọi người, muốn cụm dân cư của chúng ta trở thành ấp hay làng cho xứng với công lao to lớn của bà con. Về việc này, tôi xin gợi ý như sau:
Thứ nhất: Cụm dân cư của ta còn nhỏ nên chỉ gọi là “ấp” thôi; Thứ hai: Ấp ta do công lao to lớn của ông bà Mồ Côi. Ông bà đã có công vận động mọi người từ bốn phương về đây sinh sống, ông bà còn dạy cho mọi người biết bắt cá, bẫy chim, cấy lúa, trồng khoai…Vì thế, tên ấp phải nói lên được công lao to lớn ấy của ông bà. Theo tôi, chúng ta hãy đặt tên ấp là ấp Mồ Côi sẽ phù hợp nhất. Mọi người im lặng suy nghĩ…Con gái lớn của ông bà Mồ Côi thưa: “Tôi xin phép được thay mặt bố mẹ tôi cảm ơn tướng quân và mọi người. Nhưng tên ấp trùng với tên người như vậy e không đẹp lắm, vậy nên tôi đề nghị hãy đặt tên cho ấp mình là ấp Côi thì có lẽ hay hơn. Vì chỉ nói đến chữ Côi là mọi người đã nghĩ đến công lập ấp của cha mẹ tôi rồi”. Thấy mọi người im lặng có vẻ chưa nhất trí, tướng Đô Dương vui vẻ nói thêm: “Tên ấp tuy hơi xấu, nhưng lòng dân tốt, tình dân đẹp thì vẫn tốt, vẫn đẹp chứ sao? Tốt gỗ hơn tốt nước sơn mà.” Mọi người nghe ra và reo mừng tán thưởng.
Thế là lần đầu tiên quê mình có tên chính thức: Ấp Côi (Sau này đổi tên là làng Thư Đôi)! Cái tên đã nói lên một cách đầy đủ và sâu sắc tấm lòng của nhân dân trong ấp đối với các bậc tiền bối đã có công sáng lập và xây dựng quê hương; đồng thời, góp phần tô thắm đạo lý sống cao đẹp của dân tộc ta: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Đó là sự tích làng Thư Đôi , xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay./.