Trang chủ

LÀNG Ó VÀ TRUYỀN THUYẾT VỀ CHỢ ÂM – DƯƠNG
08:13 | 22/02/2017

Dương Mạnh Nghĩa

Gần cuối nguồn con sông Tiêu Tương cổ, theo dọc quốc lộ số 1 cũ (giáp thành phố Bắc Ninh bên bờ hữu) có địa danh tên gọi là làng Ó (nay là thôn Xuân Ổ), thành phố Bắc Ninh. Thôn Xuân Ổ là một làng Việt cổ. Theo số liệu khảo cổ học có địa danh là Bến Lái, cư dân ở đây đã có mặt từ 3000 đến 3500 năm cách nay. Khởi thủy là những nhóm người di cư từ miền rừng núi phía Bắc xuống và những tốp người từ miền biển chuyển cư lên. Điểm dừng chân của những tốp người cổ này ngay từ đầu đã bám vào dòng Tiêu Tương, chọn nơi núi cao (bờ hữu) những dải đất bồi sình lầy để khai phá rừng và trồng cây nông nghiệp.Sau đó có thêm nghề đánh bắt cá, khai thác lâm sản để duy trì sự sống và phát triển. Tên địa danh được nhắc đến đầu tiên là Ma Ô. Theo truyền miệng của các cụ cao niên trong thôn, "Ma" là cây gai. Toàn bộ khu vực này trước là rừng rậm, nhưng những nơi có ngưòi dân cư trú là những bãi bồi, dải đất bằng có nhiều cây gai (Rừng gai) "Ô" là quạ, nơi có nhiều quạ sinh sống. Hai từ đem ghép lại là Ma Ô (Ma Ô Trang). Tương truyền vào thời Hai Bà Trưng khu vực này là ven phía Bắc của hồ Lãng Bạc, đã xảy ra một trận quyết chiến giữa quân của Hai Bà Trưng và quân Mã Viện, xác chết nhiều vô kể. Giống quạ là giống thích ăn của tanh, thối mò đến ăn xác chết, sau lại về đậu vào rừng có nhiều cây gai. Vậy Ma Ô có tên từ đó. Vào thời cuối nhà Lý sang Trần có bà Lý Huệ Nương, dòng dõi nhà Lý đến dạy cho dân làng Ó làm nghề giấy dó và nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Nghề trồng dâu nuôi tằm của Ó phát triển mạnh vào thời hậu Lê - Nguyễn. Lụa của làng Ó có chất liệu bền đẹp, kiểu dáng hoa văn phong phú được khách buôn gần xa ưa chuộng. Có thể nói hàng lụa làng Ó lúc bấy giờ đứng thứ nhất trong vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh. Làng Ó có Chợ Ó (chợ hàng lụa) họp vào ngày mồng năm tháng giêng và cũng từ đây tên làng được đổi tên từ Ma Ô thành Xuân Ổ, nhưng dân xung quanh vẫn gọi quen là làng Ó. Trong xứ Bắc Ninh - Kinh Bắc có 49 làng quan họ cổ thì Xuân Ổ (Ó) vừa là một làng quan họ cổ lại vừa là một làng quan họ gốc. Toàn tuyến dọc của sông Tiêu Tương không dài, hai bên bờ có nhiều làng quan họ, song người ta thường nhắc đến hai làng đó là thôn Lũng Giang (Lim) và Xuân Ổ (thành phố Bắc Ninh). Trong các lời ca quan họ có nhiều bài, nhiều ca từ hát về sông, nước, thuyền, bến, đình, chùa... Nhưng đặc biệt ở Lũng Giang có thêm lối hát Quan họ hiếu hay còn gọi là hát chèo Chải Hê, Xuân Ổ (Ó) có riêng bài hát quan họ về hội Ó. Lũng Giang (xưa) thường xuyên có 12 (bọn) quan họ, Xuân Ổ (Ó) có 9 (bọn) quan họ. Cuối thể kỷ thứ XVIII, tổng Nội Duệ lúc bấy giờ có 6 xã phường, thì Xuân Ổ (Ó) là một xã đã cùng xã Lũng Giang là chủ lực việc thi hát quan họ tại Hội Lim. Như vậy cái cốt lõi và cũng là "xương sống" hát quan họ Hội Lim là ở đây. Trong không gian văn hóa tâm linh, các đình, chùa, đền còn lại đến hiện nay đều thờ các vị nhân thần người con làng Ó như nữ tướng Lý Quý Minh thờ ở đền Thượng, nam tướng Ngô Tướng Công thờ ở đền Tả và Nghè Tả. Hai vị tướng này đã có công giúp nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông, trận đại thắng đánh vào cửa Bắc Thăng Long. Tại làng Ó (Xuân Ổ) có một không gian tâm linh mà không nơi nào có được đó là chợ Âm - Dương. Tên làng cổ xưa là Ma Ô có nhiều các địa danh nói về âm như Mả Phan, Mả Đánh, Mả Bèo, Mả Tre, Sau Mả. Tại nơi đây phảng phất có cái gì đó nói nên sự chết chóc, điêu linh, Âm - Dương tan tác, phải chăng sự thực có rất nhiều oan hồn chết trận như truyền thuyết để lại rằng: Sau khi bà Trưng đánh giặc Tô Định và lên làm vua đóng đô ở Mê Linh. Năm Nhâm Dần 43 sau công nguyên, năm thứ ba đời Hán Kiến Vũ sai mã viện đem đại quân sang đánh Bà Trưng, chúng đến trấn Vũ Ninh huyện Tiên Du bên Bắc hồ Lãng Bạc thì gặp quân của Hai Bà Trưng. Hai bên có trận kịch chiến, sau đó quân Hai Bà yếu hơn rút về Cẩm Khê cố thủ. Trận quyết chiến đó để lại bao nhiêu sinh linh tử chiến (lính chết trận). Sau trận chiến đó, thân nhân của biết bao người lính chết trận đều tìm về vùng này tìm kiếm người thân vào dịp sau tết nguyên đán. Họ đến bãi chiến trường khủng khiếp đó để được thắp nến, thắp hương và đốt vàng mã cho người thân là chiến binh tử trận. Dần dần dân gian quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ có mở một lần vào đêm mồng 4, rạng mồng 5 tháng giêng âm lịch cho người dưới âm lên trần để gặp người thân của mình, từ đó sinh ra chợ Âm – Dương. Chợ Âm Dương nay còn dấu tích là một bãi đất rộng ngoài đồng ở cuối chợ Ó. Từ quốc lộ (1A cũ) theo trục Bắc - Nam là một dãy phố chợ kéo dài ra mãi phía Nam làng, hiện còn cây đa to gần với đền Thượng thờ đức Thánh Lý Quý Minh. Chợ họp trên bãi chiến trường nhấp nhô những nấm mồ vô chủ, họ tâm niệm chỉ tin vào đến chợ là để gặp được người thân. Trong chợ có rất nhiều cây cổ thụ, cổng chợ được quấn bằng vòm lá cây. Trước cổng có các hòm tiền cổ, họ bỏ tiền trần vào đổi tiền âm khi vào chợ (Tiền âm) có thể là gạch đá, vỏ sò, vỏ hến, mảnh bát, mảnh thủy tinh, được gọi là tiền âm để mua bán trong chợ. Bước vào trong chợ người ta mua một dải giấy trắng khoác chéo mình đế được luyện mình vào chợ Âm Dương giao thoa hai cõi. Họ lấy tiền âm đổi được ra mua bán các thứ đồ vàng mã hương nến, đến kỳ đài tưởng niệm các anh linh tử sỹ để đốt cho các linh hồn được an lạc siêu thoát, họ còn mua trầu cau, bánh quê các loại để cúng cho người thân của mình. Trên kỳ đài lập lòe ánh nến, hương khói nhập nhòa, những bóng hình rập rờn bay nhảy như thấy người thân kêu đến tên mình, gặp nhau trong không gian âm u khói hương nghi ngút. Trong tiếng mõ, tiếng trống vang lên chiêu dụ các vong hồn do các thầy phủ thủy đang sai khiến để các sinh linh được hoan hỉ an lạc vô thường. Cả chợ chìm ngập trong bóng tối, không có một ánh lửa sáng cháy liên tục, chỉ có những ánh lửa phụt cháy rồi lại tắt... nến và hương. Họ đem ra chợ bán toàn bộ đồ cũ, gồm các vật dụng của người đã chết thường dùng hàng ngày ví dụ: Nông dân thì dùng liềm, cuốc, cày bừa, người làm nghề thịt lợn thì có dao dụng bày bán trong chiếu manh, thúng mẹt, rổ rá. Không mời mua và cũng không mặc cả giá bán, người mua chỉ việc bỏ tiền (âm) kể cả tiền mã, gạch, đá, sỏi, lá đa, vỏ hến rồi lấy đi một hai vật dụng mình muốn. Chợ họp thông đêm cho đến rạng sáng là hết chợ (ma không còn). Người đi chợ bán: sáng về kiểm thấy (tiền âm) có nhiều gạch đá, lá đa, lá mít, vỏ sò, vỏ hến và hàng cũng đã bán được nhiều (đấy là điều may) vì đã gặp được nhiều người âm đã mua hàng của mình. Nếu là gặp được người thân của mình phải là vật dụng của người đã chết lấy đi (tức là âm dương đã gặp nhau). Ở chợ Âm Dương, người ta còn bán rất nhiều gà đen (lông đen không có lông màu khác) vì: Người bán có ý nguyện là đem bán những cái đen đủi để chôn vùi về âm, cái được sẽ là đem phúc lộc về nhà mình, người mua đem gà đen về rồi cắt tiết lấy máu hắt ra ngoài cổng và vẩy ra ngõ theo hình vòng cung để xua đuổi ma tà và các điều xúi quẩy khác. Ngay đêm đó, toàn chợ người ta đốt rất nhiều vàng mã mong gửi tới người âm tiền tiêu pha và các vận dụng dưới âm phủ. Địa danh Bến Hồ là một góc của chợ Âm Dương dành cho người vùng Hồ Thuận Thành ngồi chợ, chuyên bán hàng vàng, mã, voi, ngựa và các hình mã phục vụ trong chợ Âm Dương. Chợ Âm Dương nay không còn được duy trì và cũng không biết mất từ khi nào. Nhưng tích này còn lưu lại trong tâm thức của người dân làng Ó và nhân dân vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc, một phong tục tín ngưỡng cho đến tận ngày nay ít nơi nào có./.