Trang chủ

CỘI NGUỒN VĂN HÓA VIỆT QUA DẤU TÍCH LÒ NUNG VÀ KHUÔN ĐÚC TRỐNG ĐỒNG TẠI THÀNH CỔ LUY LÂU
11:18 | 30/05/2018

 ĐỖ THỊ THỦY

 

Thành cổ Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cổ kính, trầm mặc, huyền bí bởi lớp hào nước bao quanh, cây cối sum xuê um tùm, thấp thoáng những mái ngói đao cong của những ngôi đền, chùa thâm nghiêm và bên trong còn là những kho báu cổ vật, di vật, hiện vật có niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn đến nay, trong đó độc đáo và nổi tiếng là dấu tích của những khu lò đúc trống đồng và những mảnh khuôn đúc trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, đã minh chứng cho sức mạnh cội nguồn của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Theo sử liệu, các sách “Việt sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, " Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “ Lịch triều hiến chương loại chí”…đã ghi chép khá rõ ràng về vùng đất Dâu - Luy Lâu (hay Liên Lâu) là một huyện thuộc quận Giao Chỉ/ Giao Châu thời Bắc thuộc với nhiều sự kiện lịch sử, văn hoá quan trọng, trong đó cho biết thành Luy Lâu được Thái thú Sĩ Nhiếp cho xây dựng từ đầu Công nguyên là trị sở thống trị của nhà Hán ở quận Giao Chỉ. Các tài liệu Khảo cổ học còn cho biết thành Luy Luy tiếp tục là trị sở thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc trong suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.

Song trước khi nhà Hán xâm lược nước ta thì vùng Dâu – Luy Lâu đã là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ, của quốc gia Văn Lang – Âu Lạc. Qua tài liệu khảo sát cho biết: Dâu tức tên gọi nôm của vùng đất cổ Luy Lâu, mà trước Cách mạng tháng Tám (1945) còn là cụm các làng Việt cổ được dân gian gọi là: Kẻ Dâu, Kẻ Mèn, Kẻ Tướng, Kẻ Dàn, Kẻ Thúi… nằm bên đôi bờ sông Dâu. Người Việt cổ sinh cơ lập nghiệp ở đôi bờ sông Dâu đã để lại dấu ấn văn hoá đậm nét ở tín ngưỡng thờ các lực lượng tự nhiên như (đất, đá, mây, mưa, sấm, sét...). Cũng tại vùng đất này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nền văn hoá Tiền Đông Sơn và Đông Sơn rực rỡ (cách ngày nay khoảng 4.000 năm) như: Tại di chỉ Đại Trạch có các lớp văn hoá phát triển liên tục từ Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn. Đó còn là hàng loạt các di tích, di chỉ phát hiện được những cổ vật, di vật có niên đại văn hoá Đông Sơn như: Trống đồng, thạp đồng, vũ khí đồng (lao, giáo, mũi tên), nhạc cụ đồng… Đặc biệt, vào năm 1998 trong đợt nghiên cứu khảo sát thành cổ Luy Lâu, nhà khảo cổ học người Nhật Bản là Nishimura Masanari đã phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng tại khu vực lũy thành phía Bắc của thành Luy Lâu. Phát hiện này đã gây một tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Sau phát hiện này, liên tục trong nhiều năm (từ 1999 – 2014), các cơ quan nghiên cứu thuộc lĩnh vực khảo cổ học, sử học, văn hóa trong nước và quốc tế đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Bắc Ninh tiến hành nhiều đợt khảo sát, khai quật tại thành Luy Lâu để tìm dấu tích quy mô diện mạo thành cổ, dấu tích lò đúc trống đồng...  Dựa trên các kết quả nghiên cứu trên, cuối năm 2014, Bảo tàng lịch sử Quốc gia và trường Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã tiến hành khai quật di tích thành cổ Luy Lâu bài bản và cho kết quả như sau: Các nhà Khảo cổ đã mở 2 hố khai quật tại khu vực trung tâm của thành Luy Lâu (rộng khoảng 60 m) phát hiện thấy dấu tích của tường thành, cổng thành phía Bắc của thành nội, gạch ngói (ngói ống, ngói bản), gốm sứ (bát, đĩa, chén, nồi, âu, chậu, vò, hũ, lon...), mũi tên đồng, đồ đá (bàn mài), dọi xe chỉ bằng đất nung, chì lưới bằng đất nung.... Qua các tầng văn hóa cho biết thành cổ Luy Lâu được xây dựng từ thời Hán tồn tại đến thời Đường và đã qua nhiều tu bổ xây đắp, nên có nhiều di vật hiện vật các thời từ Hán qua Lục triều đến Tùy, Đường. Ở khu vực sau đền Sĩ Nhiếp có một mương nước chạy theo hướng Bắc – Nam cắt ngang thành, các nhà khảo cổ học đã mở một hố thám sát để kiểm tra địa tầng và tìm vị trí thành nội, đã phát hiện được giới hạn phía Nam của thành nội và phát hiện được dấu vết cung điện thời Tùy – Đường. Cũng tại khu vực này, trong quá trình lần tìm dấu vết nền đất đắp thành, các nhà khảo cổ học mở 1 hố thám sát cách đền thờ Sĩ Nhiếp khoảng 80 m về phía Bắc (cách vị trí nhà khảo cổ học Nhật Bản phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng vào năm 1998 khoảng 20 m về phía Nam) đã phát hiện ra khu vực tập trung nhiều mảnh khuôn đúc trồng đồng (hơn 50 mảnh) nằm trong lớp đất sét pha cát có nhiều than tro màu đen. Những hiện vật liên quan đến dấu tích lò nung và khuôn đúc trống đồng như:  Nhiều mảnh nồi nấu đồng, mảnh lò, xỉ lò, đặc biệt là những mảnh khuôn trống đồng, tiêu biểu một số mảnh như: Mảnh khuôn có kích thước (dài 7,5 cm, rộng 7,0 cm, dày 4,0 cm) có màu nâu vàng làm từ đất sét pha trấu, mặt đúc mịn, có trang trí hai băng hoa văn vòng tròn đồng tâm tiếp tuyến và một băng vạch ngắn song song, có vị trí là khuôn đúc phần mặt trống ở ngoài cùng. Mảnh khuôn có kích thước (dài 6,5 cm, rộng 4,0 cm, dày 2,2 cm, đường kính 11,0 -19,0 cm), có màu nâu vàng làm từ đất sét pha bùn và trấu, chín đều từ trong ra ngoài, mặt đúc mịn trang trí từ trong ra ngoài gồm 1 băng hoa văn chữ N ngược, 1 băng vạch ngắn song song, 1 băng vòng tròn chấm giữa, có vị trí khuôn đúc ở phần mặt trống gần ngôi sao trung tâm. Tất cả các mảnh khuôn đúc trống đồng trên đều có niên đại thế kỷ 4 -2 trước Công nguyên. Phễu rót đồng có kích thước (đường kính ngoài 10,5 cm, đường kính trong 3.0 cm; cao 8,0 cm; dày 2,5 cm) được làm từ đất nung, mặt ngoài màu xám, cứng đanh, mặt trong màu đỏ gạch, chu vi hình trụ, ở giữa rỗng và thu nhỏ về một phía tạo mép miệng, xung quanh mép miệng dính nhiều xỉ đồng, xỉ quặng... Qua các cuộc khai quật khảo cổ học trên cho thấy thành Luy Lâu được xây dựng với quy mô rất lớn từ thời Hán và được mở rộng, xây đắp thêm qua nhiều thời về sau cho đến thời Đường. Các hiện vật phát hiện được rất phong phú: gạch ngói kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất, vũ khí được làm bằng các chất liệu đất nung, đá, kim loại có niên đại Đông Sơn, Hán, Lục Triều, Tùy, Đường... phản thành Luy Lâu được sử dụng liên tục trong lịch sử. Các hiện vật gạch ngói vật liệu kiến trúc với sơ lượng lớn cho biết ở đây từng có các công trình kiến trúc lớn kiểu như dinh thự, cung thành, nhà cửa... đồng thời với những hiện vật là đồ dùng sinh hoạt (bát, đĩa, chén, âu, vò, lọ, chì lưới đánh bắt cá, dọi xe chỉ để dệt vải....) cho biết ở đây bên cạnh tầng lớp quan lại, binh lính của các thế lực xâm lược phong kiến phương Bắc là sức sống mãnh liệt của người dân bản địa. Đặc biệt, việc phát hiện dấu tích khu lò đúc và khuôn đúc trống đồng ở thành cổ Luy Lâu với số lượng lớn là lần đầu tiên nơi duy nhất ở nước ta tìm được những mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn.

Tất cả những dấu tích văn hoá vật chất và tinh thần trên trên đã minh chứng cho một nền văn hoá Đông Sơn của người Việt cổ rực rỡ tại vùng đất Dâu – Luy Lâu trước khi nhà Hán xâm lược nước ta; đồng thời cùng với sử sách ghi lại những cuộc khởi nghĩa quật cường của các anh hùng hào kiệt lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi các thế lực phong kiến phương Bắc tại Luy Lâu, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Tô Định, đã minh chứng Luy Lâu là nơi ghi dấu nghìn năm Bắc thuộc và cũng là nghìn năm chống phong kiến phương Bắc và đồng hóa văn hóa dân tộc./.