Trang chủ

HIỂU THÊM VỀ HOÀNG THÚC LÝ LONG TƯỜNG VÀ DÒNG TỘC HỌ LÝ HOA SƠN Ở HÀN QUỐC
02:27 | 21/09/2016

 Hoàng Ngọc Bính

Không biết tự bao giờ, người dân làng Báng (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn ngày nay) đã truyền nhau lời sấm: “Bao giờ rừng Báng hết cây, Tào Khê hết nước Lý nay mới về”… để nói về sự ra đi vô vọng, tưởng chừng không có ngày trở về của dòng tộc họ Lý khi phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn, trước sự truy tìm gắt gao của chế độ nhà Trần lúc bấy giờ (năm 1226).

Thế rồi, vào một ngày tháng 3 năm 1994, một người con của dòng tộc họ Lý - Ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Hoàng thúc Lý Long Tường đã từ Hàn Quốc tìm về quê cha đất tổ. Trước sân rồng đền Đô, ông quỳ phục bái lạy tổ tiên, thưa với 8 vị vua triều Lý: Dù xa xôi cách trở ngàn trùng, nhưng những người con của dòng tộc vẫn luôn hướng về nguồn cội. Nơi tổ tiên hơn nghìn năm trước đã sinh ra Thuỷ tổ Lý Công Uẩn, người khởi lập vương triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long, làm rạng danh non sông đất nước…

Lời sấm truyền từ lâu đã lùi vào quên lãng, nhưng chỉ đến khi ông Lý Xương Căn có mặt tại đền Đô, mọi người mới chợt nhớ ra rằng: Lời sấm truyền nay đã trở thành hiện thực! Rừng Báng xanh ngút ngàn năm xưa nay đã nhường chân cho cánh đồng quanh năm xanh mấy vụ lúa màu. Con sông Tào Khê thủa nào nay đã cạn, chỉ để lại dấu tích bằng những khoảnh ao nằm bao bọc, che chở cho làng…

Người ta đã nói nhiều về ông Lý Xương Căn, hiện là Chủ tịch Hội giao lưu văn hoá Hàn - Việt, Chủ tịch Hội kỷ niệm Hoàng tử Lý Long Tường. Người đã có nhiều công sức thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác Hàn – Việt, người con của dòng tộc luôn đau đáu một nỗi niềm phải đưa được mọi người thuộc dòng tộc Lý Hoa Sơn tìm về quê cha đất tổ… Thế nhưng, cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng thúc Lý Long Tường thì còn ít người biết tới.

Và chỉ mới đây thôi, cuối tháng 6/2016, VTV1 Đài truyền hình Việt Nam đã phát sóng bộ phim tài liệu nói về cuộc đời, sự nghiệp của Hoàng Thúc Lý Long Tường, một người con của dòng họ Lý đã phải sang lánh nạn tại nước Cao Ly (nay là Triều Tiên và Hàn Quốc), khi bị nhà Trần truy đuổi. Đây là một bộ phim hay, giàu tính giá trị lịch sử đã được các tác giả làm sống lại những sự kiện xảy ra cách đây cả nghìn năm trước. Tuy nhiên, có một chi tiết trong phim cần được trao đổi, bởi tôi rất tiếc, một bộ phim nói về những vấn đề và nhân vật lịch sử, nhưng lại có một chút nhầm lẫn về lịch sử, khi các tác giả đã nhờ một nhân vật trong phim nói thêm về Hoàng Thúc Lý Long Tường, kể về thời kỳ ông đã giúp triều đình nhà Trần đánh thắng quân giặc Nguyên Mông (1228-NV).

Là một người con được sống trên quê hương các triều vua Lý, đã có thời gian tìm hiểu về dòng tộc họ Lý, trong đó có Hoàng Thúc Lý Long Tường, tôi xin cung cấp thêm một số tư liệu để bạn đọc có điều kiện hiểu thêm về ông, cùng dòng tộc họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc để chúng ta cùng tham khảo.

Đối chiếu với tư liệu lịch sử trong nước và quốc tế, có thể xác định Lý Long Tường sinh vào năm Giáp Ngọ 1174, là Hoàng tử con vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), em vua Lý Cao Tông và là chú vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224). Vì vậy, Lý Long Tường được gọi là Hoàng tử hay Hoàng thúc.

Lý Long Tường lớn lên khi nhà Lý đang suy tàn (1009 - 1225), và sự thay thế của triều Trần. Trước sự binh biến của đất nước, năm 1226 Lý Long Tường đã cùng một số tôn thất nhà Lý tìm cách vượt biển ẩn tránh ra nước ngoài để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng, vương miện, áo long bào và thanh Thượng phương bảo kiếm truyền từ đời vua Lý Thái Tổ cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội.

Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường thì con trai là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại cùng 200 gia thuộc. Trên đường đi tiếp, đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly. Tương truyền rằng, trước đó Vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy ông lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại nương náu ở Trấn Sơn phía nam Phủ thành. Tại đây, Lý Long Tường đặt tên cho nơi ở của dòng tộc mình là Vi Tử Động. Mục đích ra đi của ông là để giữ việc thờ cúng tổ tiên như trường hợp Vi Tử đời Ân đã làm, nên ông cũng đặt hiệu là Tiểu Vi Tử.

Trải qua những tháng năm gian khổ, Lý Long Tường đã cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi để ổn định cuộc sống hàng ngày. Ông còn cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người.

Năm 1253, đế chế Mông Cổ tiến công xâm lược Cao Ly, đánh vào Quốc Đô và Ủng Tân, nơi tôn thất nhà Lý ở ẩn. Lý Long Tường đã đứng ra tổ chức kháng chiến, cùng với quan quân trong phủ và nhân dân chiến đấu dũng cảm. Sau 5 tháng, quân giặc thất bại thảm hại phải xin hàng. Nhà vua rất vui mừng, khen ngợi và cho đổi Trấn Sơn là Hoa Sơn, phong cho Lý Long Tường chức Bạch mã tướng quân, cấp 30 dặm vuông đất để ông làm thái ấp và phụng thờ tổ tiên. Sai dựng cửa gọi là Thụ Hàng Môn, lập bia ghi công trạng để con cháu đời đời ghi nhớ và ở đó nhập tịch Hoa Sơn.

Sau khi đến Cao Ly, Hoàng tử Lý Long Tường sinh được hai người con trai. Con cả làm quan ở Hwang Hae - Đô, tỉnh Hway Hae, lập lên 13 chi. Người con thứ lập nghiệp ở An Đông, Kyuong Shang - Đô, tỉnh Kyuong Shang, lập lên 3 chi. Như vậy, hậu duệ của Hoàng thúc Lý Long Tường ở Hàn Quốc có 16 chi chính. Nếu tính từ Thuỷ tổ nhà Lý ở Việt Nam thì lớp cháu con của Lý Long Tường  thuộc dòng họ chính tôn. Ở Hàn Quốc có nhiều họ Lý, dòng họ Lý gốc Việt này được gọi là Lý Hoa Sơn vì Hoa Sơn là quê hương đầu tiên khi Lý Long Tường nhập cư Cao Ly, và cũng gắn liền với tước hiệu Hoa Sơn Quân do vua Cao Tông nước Cao Ly phong tặng. Kể từ đời Lý Long Tường, con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn ngày càng phát triển và sống hoà nhập vào cộng đồng dân cư nước sở tại và nhiều người thành đạt. Có người đỗ Tiến sỹ, có người giữ chức tước cao như Nghệ văn quán đại đề học, Lễ tào tham nghị, Giám tu quốc xử, Thượng thư hữu bộc xã, nhiều người văn chương nối tiếng một thời…

Tại Hoa Sơn còn lưu giữ nhiều di tích mang dấu ấn của Lý Long Tường như khu Dinh quán, thành luỹ, Thụ Hàng Môn với tấm bia “Thụ Hàng Môn kỷ tích bi”. Ghi lại chiến công của Lý Long Tường đã cùng quân dân Cao Ly đánh bại quân xâm lược Mông Cổ. Lúc đó ông đã là một lão tướng khoảng 80 tuổi. Mộ của ông ở phía tây phủ thành Ủng Tân, dưới chân núi Di Ất.

Từ vị tổ Lý Long Tường cho đến các thế hệ con cháu ngày nay vẫn không bao giờ quên cố quốc, luôn hướng về quê cha đất tổ. Tại Hoa Sơn có một quả núi gọi là Quảng Đại Sơn, trên đỉnh có một nền đá bằng phẳng. Tương truyền rằng, Lý Long Tường thường lên đó ngóng trông về phương Nam, thương nhớ quê nhà. Ngọn núi đó vì thế mang tên “Vọng Quốc Đàn” hay “Vọng Cố Hương”./.