Làng Tam Tảo xưa gọi là làng Đông Tảo, tổng Phong Xá, huyện Yên Phong, nay thuộc xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Nơi đây vào ngày 10/2, Âm lịch hàng năm thường có lễ hội khá đặc sắc.
Lễ hội là thời điểm vui nhất trong năm, nó xóa đi khoảng cách đời thường giữa trai - gái, già - trẻ… xóa đi cái lễ giáo phong kiến khắc nghiệt, phân biệt đối xử giữa các tầng lớp trong xã hội xưa. Vì vậy mà hàng năm cứ vào các ngày từ mồng 9 đến 11 tháng 2 Âm lịch, người dân lại nô nức, bỏ hết mọi ưu phiền mệt nhọc rủ nhau đi hội cầu may, vui chơi và chúc cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Cứ như vậy, từ lâu, đây đã trở thành một ngày vui không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân làng.
Lễ hội ngày mồng 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm (ngày chính hội) nhằm để tưởng nhớ công ơn của vị tướng Đào Lại - người có công giúp An Dương Vương đánh Triệu Đà xâm lược và ông bà Đức Phụ Quốc Đại Vương Trần Qúy - theo dân gian truyền lại là ân nhân của vua Lý Công Uẩn. Truyền rằng, xưa vua Lê Đại Hành đắp thành Hoa Lư, Lý Công Uẩn làm phu đắp. Đêm ấy Lê Đại Hành mộng thấy Thần cho biết có bậc quý nhân đương làm việc đắp thành ở đây. Thức dậy, vua sai người đi tìm để giết vì sợ cướp ngôi thì Lý Công Uẩn đã đi rồi. Khi Lý Công Uẩn đến Tam Tảo, thấy hai vợ chồng ông già đương cày ruộng, bèn đem chuyện mình nói cho biết. Ông già bảo lấy bùn trát khắp người và cùng cày ruộng với ông. Sau ông già đem Lý Công Uẩn về nhà, đào đất làm hầm cho ở và chứa nước ở trên hầm. Lê Đại Hành xem bói, thấy quẻ bói rằng “Nước ở trên người” vì thế Lê Đại Hành cho rằng Lý Công Uẩn đã chết ở dưới sông rồi không cho tìm nữa. Khi lên ngôi, vua Lý đã không quên ơn nghĩa mà phong chức cho vợ chồng ông. Cụ ông là phụ Quốc Đại Vương, vợ là Vương Phi, làm nhà cho ở Phương Thượng Vũ. Sau khi ông bà mất vua đã cho lập đền Hộ Quốc ở nơi ở của hai người, nay là xóm Miễu, thôn Tam Tảo. Hàng năm hội làng Tam Tảo diễn ra để cầu phúc, cầu tài, tế lễ tưởng nhớ công ơn của tướng quân Đào Lại và Đức Phụ Quốc Đại Vương Trần Qúy cùng Vương Phi Đặng Thị Phương Dung.
Chính hội được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 Âm lịch gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành khá công phu. Đúng 12 giờ trưa ngày mồng 9, quan đám, quan viên, đội nhạc và các trưởng lão trong làng tề tựu khăn áo để làm lễ nhập tịch 1 tuần rượu, rồi đốt nhang suốt ngày đêm. Vào ngày mồng 10 (chính hội), từ 7 giờ sáng, toàn bộ các cụ trưởng lão trong làng, các quan viên tham gia rước hội sẽ phải có mặt đông đủ tại đình làng để tiến hành rước. Mọi đồ rước phải được chuẩn bị từ chiều ngày mồng 9. Sính lễ mang rước phải đủ tám thứ đồ vật (tùy từng năm) như thủ lợn, thịt gà, bò, trâu, xôi, oản, hoa quả… thể hiện tinh hoa của trời đất tám phương, bốn hướng, bốn mùa. Đoàn rước bắt đầu từ Đình làng ra Nghè, làm lễ yết kiến thập bái, rồi chức sắc hậu cung khiêng hai vị Nhị Đào ra kiệu để rước về Đình. Tiếp đó, đoàn đến Quốc Tế Từ xếp vàng thánh, hầu ông bà Phụ Quốc mặc áo đeo đai, đội mũ. Khi xong thì làm lễ yết cáo, các chức sắc lại vào hậu cung khiêng ông bà Phụ Quốc ra kiệu, đóng cửa đền. Nghi lễ rước lại được tiếp tục để về Đình, làm đại lễ ba tuần rượu. Hôm sau từ 6 giờ sáng là lễ nhập tịch (hay còn gọi là lễ tế hoàn cung), tế xong lại đưa bốn vị về hai nơi, mở cửa cho dân làng vào làm lễ, rước về đền Phụ Quốc và Nghè chùa. Sau khi đưa các vị thần vào cung làm lễ yên vị, dân làng mới được vào cúng bái tễ lế, cầu khấn cho một năm mới vạn điều suôn sẻ.
Lễ rước diễn ra vô cùng trang nghiêm. Đường đi phải thật sạch sẽ, không được làm ô uế, tổn hại đến thanh danh của thần. Mỗi người tham gia khiêng sính lễ dù mỏi cũng không được nghỉ mà phải thay nhau khiêng. Lễ hội được tổ chức bốn năm một lần nên khá quy mô, số người tham gia cuộc rước là 354 người, chỉ huy là 10 người, cắt cử trong tám giáp, tám khối tám ông trưởng, hai ông tổng, ông đầu, ông cuối…
Một điều khá quan trọng và độc đáo trong lễ rước là trang phục của những người tham gia. Mỗi người đều có nhiệm vụ, chức sắc riêng nên đòi hỏi trang phục cũng phải phù hợp. Đối với hai quan đám phải có lọng che màu đen, mũ văn, áo thụng trong màu đỏ, áo phủ ngoài sa tím, hai nách áo đeo thao… Thường dân thì khăn xếp, áo thụng đỏ. Những đồ trên đều do làng sắm toàn bộ. Còn mười tám quan viên, mũ quan phải màu đen, áo thụng đỏ quần trắng và đi giày vải…Những người trưởng khối, đầu đội khăn đỏ thắt đầu rùi, áo võ, đai thụng, quần trắng bó cổ tay, cổ chân, đi giày vải. Còn nam quan thì đầu đội khăn xếp đỏ, áo dài trong màu thắm, áo dài ngoài the xanh, màu lam, tay cầm quạt, quần tráng chân đi giày gia định màu da nâu. Những phong tục và quy định này vẫn được lưu truyền đến ngày nay tạo nên một nét văn hóa độc đáo, luôn là điểm nhấn cho lễ hội làng, thu hút sự quan tâm của du khách thập phương.
Hội làng Tam Tảo diễn ra rất đông vui, thú vị, ngoài phần lễ là phần hội có sự tham gia của các trò chơi dân gian khá độc đáo và hấp dẫn.
Hội thi “Thổi cơm bơi thuyền” với nhiều điểm khác lạ: Cuộc thi thổi cơm bơi thuyền có một người phụ nữ tham gia mặc áo tứ thân, ngồi trên mũi thuyền dưới ao, cạnh đó là bó củi, còn trõ và bếp thì để đâu? Chính điều này đã tạo nên nét đặc sắc trong trò chơi dân gian này. Theo luật lệ, những thứ đó sẽ được bắc ở chân bờ, cạnh mép nước. Cuộc thi có rất nhiều người tham gia, làm thành các đội, mỗi đội có các dụng cụ quy định riêng, với mức nước, lượng gạo như nhau. Thời gian cho phần thi là 30 phút. Trong khoảng ngắn ngủi ấy, người chơi sẽ phải tự bơi sao cho thuyền không chệch ra khỏi mép bờ, tự đốt củi và điều chỉnh để lửa cháy đều, cho cơm dẻo, thơm. Người dân, du khách sẽ đứng hai bên bờ cổ vũ, đánh trống liên hồi. Tiếng hò reo của mọi người hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng, những câu hát quan họ, tiếng rổn rảng khi thuyền đập vào bờ đã tạo nên một không khí lễ hội xuân vô cùng náo nhiệt, ồn ào và đông vui. Khi thời gian kết thúc, giám khảo sẽ kiểm tra cơm, đội nào cơm chín, dẻo, ngon nhất sẽ giành chiến thắng và các giải thưởng.
Hội thi “Chăn cóc nấu cơm”: Ban tổ chức vẽ lên một vòng tròn có đường kính khoảng ba mét, bên trong có kiềng, xoong, gạo, nước, củi, diêm. Tham gia trò chơi gồm rất nhiều đội, mỗi đội một người, không kén chọn độ tuổi hay giới tính. Người chơi sẽ vào một vòng tròn với một con cóc thả tự do, không được nhốt. Các đội sẽ phải vừa nấu cơm vừa trông không cho cóc nhảy ra khỏi vòng tròn, mỗi lần cóc nhảy ra sẽ trừ một điểm. Thời gian và quy định chất lượng vẫn như trò chơi nấu cơm bơi thuyền. Sau 30 phút, đội nào có cơm dẻo, thơm và số điểm bị trừ ít nhất sẽ giành các giải thưởng.
“Bắt trạch trong chum nước”: Trò chơi này cũng thu hút nhiều người xem không kém. Đối với trò này, ban tổ chức phải chuẩn bị chum nhỏ miệng, nước ngang thân, mỗi chum thả mười con trạch. Trong 30 phút tương ứng với thời gian cháy hết một nén nhang ba mươi phân, người nào bắt được nhiều trạch trong chum của mình nhất sẽ giật được giải trong tiếng hò reo, tiếng trống đánh liên hồi, trong niềm vui chung của người đi hội. Trò chơi này tôn vinh nghề bắt lươn và sự tài giỏi của những người thợ đi bắt lươn khắp vùng của người dân Tam Tảo. Đến nay nghề bắt lươn vẫn là một nghề phụ cho thu nhập khá cao của người dân vào những ngày nông nhàn. Có hai cách bắt lươn: thả rọ ở các ao hồ (gọi là ống lươn, trong ống có mồi để lươn chui vào ăn) và bắt lươn trong tổ ở các đồng ruộng. Đến hội làng Tam Tảo, chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức các món lươn, đặc biệt là cháo lươn.
“Hội thi hát quan họ”: Tam Tảo là một làng quan họ cổ, vì vậy lễ hội không thể thiếu những làn điệu dân ca quan họ. Làng mời các chạ và các làng quan họ gốc đến giao lưu và thi hát đối, hát quan họ dưới thuyền, hát trong nhà đãi khách, nhiều canh hát thâu đêm suốt sáng kéo dài từ ba đến năm ngày, tùy theo từng năm. Hát quan họ trong nhà thường ở các nhà có các cụ được khao thọ, khao lão, tục lệ này đến nay vẫn được duy trì.
Ngoài ra lễ hội còn đông vui hơn với nhiều trò chơi dân gian khác như: đấu vật, bơi một trăm mét, đánh tổ tôm điếm, đập niêu, bịt mắt bắt dê, cờ người…
Những ngày diễn ra lễ hội, dân làng Tam Tảo bao giờ cũng được các làng liên quan tới dự. Làng Đình Bảng có Đền thờ Vua Lý Công Uẩn và các vị vua nhà Lý. Đến dự và tế lễ; các làng Đình Bảng, Dương Lôi (Tân Hồng), Tiêu Thượng liên quan đến Nhà Lý đều có mặt thể hiện đạo nghĩa sống cao đẹp của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”. Sau này còn có mối tình kết nghĩa Tam Tảo - Xuân Dục (Đông Anh - Hà Nội), một điển hình của lệ tục kết chạ anh em các làng xã vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, cũng là nét đẹp truyền thống của làng quê Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Với bề dày lịch sự và những nghi lễ độc đáo, lễ hội làng Tam Tảo là một lễ hội lớn trong vùng, mang lại nhiều ý nghĩa to lớn, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của dân làng với các vị hoàng thành, những người đã có công với đất nước. Lễ hội được xem là nơi để bảo tồn các trò chơi dân gian, các lễ nghi độc đáo đang dần bị mai một, giúp thế hệ sau biết đến những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của dân làng. Đây còn là nơi các liền anh liền chị được kết duyên, đối đáp qua những câu quan họ mượt mà, đằm thắm, giúp bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca quan họ Bắc Ninh – Kinh Bắc./.