Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Xây dựng môi trường giáo dục phát triển toàn diện từ ngôi trường mang tên tổng bí thư nguyễn văn cừ
16:44 | 21/07/2022

Trường THCS Nguyễn Văn Cừ được thành lập từ năm học 1960 - 1961. Lúc này trường có tên là trường cấp 2 Nghĩa Khê. Tháng 7/1976 nhân kỷ niệm 64 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ, xã Nghĩa Khê được đổi thành xã Phù Khê và trường cũng có tên mới: trường cấp 2 Phù Khê. Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, ngày 06/12/2010 Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn ra quyết định số 669/QĐ-UBND về việc đổi tên trường THCS Phù Khê thành trường THCS Nguyễn Văn Cừ. 

Nhà trường có khuôn viên rộng rãi, sạch đẹp với tổng diện tích là 10.000 m2, gồm 3 khu: khu nhà lớp học 3 tầng có 36 phòng học; khu nhà Hiệu bộ 2 tầng với đầy đủ các phòng làm việc của cán bộ, giáo viên; khu nhà bộ môn 2 tầng gồm 7 phòng có đầy đủ các phòng chức năng cho học sinh vào các giờ thực hành, nhà tập đa năng với diện tích 300m2. Vị trí các phòng học của học sinh thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, đủ ánh sáng lại xa đường giao thông nên đảm bảo yên tĩnh cho các giờ học. 

Sau hơn 62 năm xây dựng và trưởng thành, cho đến nay nhà trường đã có được một ngôi trường khang trang với 26 phòng học đảm bảo cho học sinh học một ca, khu chức năng của trường gồm các phòng học Tin học, Tiếng Anh, phòng thực hành Vật lý, Công nghệ, Hóa học, Sinh học, phòng học thông minh, phòng đồ dùng, phòng thư viện điện tử. Trường có khu hiệu bộ với các phòng hội đồng, phòng ban giám hiệu, phòng tổ bộ môn, phòng công đoàn, phòng y tế… Chi bộ Trường THCS Nguyễn Văn Cừ có 15 đảng viên, nhà trường có tổng số 49 giáo viên; có 26 lớp với hơn 1 nghìn học sinh. Mỗi năm nhà trường có từ 10 đến 13 giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, xã, 1 đến 2 giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Học sinh nhà trường có nề nếp và ý thức học tập tốt, luôn biết giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương. 

Cô giáo Đỗ Thị Minh Nguyệt, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Để tránh hình thức và đưa việc học tập và làm theo Bác vào chiều sâu, Chi ủy, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo trên hết, trước hết ngay từ người đứng đầu, đến mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên cần nhận thức, xác định rõ trách nhiệm, gương mẫu, tiên phong trong việc xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện từ trong công tác, trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, với nhân dân, trong cuộc sống hằng ngày. Qua đó, dần tạo sự lan tỏa, tạo sự chuyển biến trong tác phong, thái độ, trách nhiệm và văn hóa ứng xử của đồng nghiệp, cấp dưới; việc triển khai Chỉ thị được gắn với hoạt động, nội dung nhiệm vụ cụ thể của nhà trường, nhất là việc chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện từ đầu năm học và đầu mỗi học kỳ, lồng ghép trong các hội nghị, hoạt động chuyên môn… mục tiêu cao nhất nhằm đưa chất lượng dạy và học của nhà trường ngày càng phát triển, đào tạo nên những chủ nhân tương lai của nước nhà, ngay từ hôm nay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là những con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. 

 Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chi bộ tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, giáo viên, phát động phong trào thi đua học và làm theo Bác, gắn với nhiệm vụ chuyên môn; 100% cán bộ, đảng viên, giáo viên đăng ký việc làm cụ thể, gắn với các phong trào, cuộc vận động lớn của ngành giáo dục. Thông qua việc Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động đối với toàn thể cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh. Cụ thể trong công tác chuyên môn, để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục nhằm duy trì và nâng cao kết quả học lực của học sinh các khối lớp, nhà trường đẩy mạnh các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”; các giáo viên tích cực vận dụng các phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học tiên tiến, hiện đại; thực hiện nghiêm nền nếp, quy chế chuyên môn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên và học sinh tập trung cao cho hoạt động dạy và học; đầu tư, bồi dưỡng cho giáo viên trẻ trong việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Đặc biệt, đối với những học sinh yếu và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường phân công đội ngũ giáo viên để bồi dưỡng và phụ đạo thường xuyên. Kết quả, số học sinh yếu của nhà trường luôn giảm so với các năm trước. Nhiều học sinh yếu sau khi được các thầy, cô giáo giúp đỡ, phụ đạo đã chuyển lên xếp loại trung bình, khá… Nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình, hội cha mẹ học sinh để giúp cho họ nhận thức rõ về nhiệm vụ học tập của con em trong nhà trường; tích cực phối hợp với hội cha mẹ học sinh, hội khuyến học quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho học sinh học tập có hiệu quả và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. 

Nhà trường thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, xây dựng “hòm thư góp ý” để học sinh tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất với nhà trường trong các hoạt động chung... Nổi bật, triển khai hiệu quả các cuộc thi nghiên cứu khoa học, công nghệ cho học sinh và giáo viên nhà trường tham gia hưởng ứng tích cực, nhiều sản phẩm đoạt giải ở các cấp. Tiêu biểu như: Năm học 2017 - 2018, đề tài “Xử lý mùn cưa thành giá thể trồng rau sạch” thuộc lĩnh vực Khoa học thực vật đoạt giải 3 cấp tỉnh; năm học 2019 - 2020, đề tài “Phát triển du lịch làng truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ” thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi đoạt giải Nhì cấp tỉnh; năm học 2020 - 2021, đề tài “Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ Phù Khê, kết hợp phát triển du lịch trong tình hình hiện nay” thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi đoạt giải Ba cấp tỉnh; năm học 2021 - 2022, đề tài “Nghiên cứu tổng hợp dung dịch bảo quản trái cây, củ quả từ vảy cá” đoạt giải Ba cấp tỉnh…

Nhà trường đã triển khai nghiêm túc các cuộc vận động và phong trào thi đua, góp phần nâng cao nhận thức cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động trong nhà trường. Chính những thành tích đạt được, đã làm tăng thêm truyền thống vẻ vang về danh hiệu của nhà trường trong từng năm học. Những năm gần đây, nhà trường luôn là địa chỉ tin cậy của địa phương trong việc đào tạo học sinh. Mặc dù là đơn vị còn những khó khăn (trường nằm trên địa bàn có làng nghề truyền thống, chất lượng giáo dục mũi nhọn những năm trước thường nằm ở vị trí cuối…), song đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực giảng dạy, khắc phục khó khăn vươn lên. Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được cải thiện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước tiến vượt bậc. Tỷ lệ học sinh giỏi và học sinh tiên tiến của nhà trường ngày càng tăng góp phần nâng cao chất lượng, hoạt động giáo dục của mỗi lớp và nhà trường. Đặc biệt tỷ lệ học sinh lớp 9 thi đỗ vào các THPT công lập nhiều năm liền đứng ở vị trí tốp đầu của thành phố.

Ghi nhận những nỗ lực đó, nhiều năm liền, nhà trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”, được Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn tuyên dương, khen thưởng; Chi bộ liên tục được công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Những thành tích, kết quả đạt được chính là động lực, là nền tảng để hun đúc thêm truyền thống vẻ vang, không ngừng củng cố, xây dựng Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng tập thể nhà trường ngày càng đoàn kết, lãnh đạo không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xứng đáng là đơn vị tốp đầu trong các phong trào của các khối trường THCS trên địa bàn toàn thành phố Từ Sơn./.

 
                                                                                                                                                                                                            THANH HUYỀN