Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

"TỰ HÀO MỘT DẢI BIÊN CƯƠNG"
15:29 | 18/08/2020

         Đó là chủ đề cuộc thi ảnh nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động có sự phối hợp của 7 cơ quan Trung ương và Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam là đơn vị thực hiện. Mục tiêu chính của cuộc thi là tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, con người, vẻ đẹp, tiềm năng của các tuyến biên giới quốc gia trên đất liền đến với đông đảo công chúng; góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước; ghi nhận và tôn vinh những đóng góp hy sinh của các thế hệ người Việt Nam, các lực lượng vũ trang nhất là bộ đội biên phòng để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hưởng ứng cuộc thi, Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh tổ chức đoàn văn nghệ sỹ gồm 18 thành viên đến với vùng biên cương Cao Bằng từ ngày 15 đến 18/7/2020.

           NƯỚC NON CAO BẰNG  
           Có một câu ca mà người Việt nào cũng thuộc: “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trảy nước non Cao Bằng”. Thiên nhiên đã ban tặng cho Cao Bằng - vùng đất tươi đẹp ở địa đầu Tổ quốc, nhiều danh thắng tuyệt đẹp. Những cánh rừng, sông hồ, núi đá cùng với con người và nền văn hóa đậm bản sắc các dân tộc hòa quyện, tạo nên nét đặc trưng quyến rũ rất riêng.
          Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng có diện tích gần 3.300 km2, là di sản đã được UNESCO công nhận vào tháng 4 - 2018. Insider (trang thông tin điện tử trên Internet) chọn Cao Bằng là một trong 50 điểm đến có view đẹp nhất thế giới khi nơi này hội tụ từ thác nước, hồ lớn và hệ thực vật phong phú với lịch sử phát triển đã hơn 500 triệu năm.
         Không những thế, Cao Bằng có truyền thống cách mạng rất hào hùng. Khu di tích lịch sử cách mạng Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (cách thị xã Cao Bằng khoảng 50km) được coi là cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mảnh đất Pác Bó đã đón Bác về qua cột mốc 108. Pác Bó gắn liền với cuộc sống gian khổ của Bác khi ở đây. Cũng nơi này, Bác đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19/5/1941) và hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam. Trên đường vào khu di tích Pác Bó có nơi an nghỉ và đền thờ liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kim Đồng - Nông Văn Dền, người con dân tộc Nùng của quê hương Cao Bằng. Đặc biệt phải kể đến người liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường), dân tộc Tày, quê ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Anh là Tiểu đội trưởng một tiểu đội của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, hy sinh trong trận đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc) đêm mùng 4/2/1945. Giờ đây tên đồng chí đã được đặt cho xã và con đường dài 19,2 km từ Lũng Pán (Huy Giáp) về trung tâm xã. Tại thành phố Cao Bằng cũng có một đường phố to đẹp mang tên Xuân Trường.
          Những chuyện đó đã ghi trong sử sách và qua những bài học lịch sử ở trường phổ thông, nhưng được đến để trải nghiệm, tìm cảm xúc sáng tạo nghệ thuật khiến các nghệ sĩ Bắc Ninh vô cùng hào hứng. Ngay trên Quốc lộ 4 từ Lạng Sơn vào địa phận Cao Bằng, đoạn tiếp giáp 2 huyện Tràng Định và Thạch An, chúng tôi dừng chân chiêm ngưỡng công trình mỹ thuật mang tên Di tích chiến thắng Lũng Phầy. Đây là khu vực ghi dấu nhiều chiến thắng của ta trên đèo Bông Lau. Nhạc sĩ Nguyễn Trung nhắc về chiến thắng Đèo Bông Lau gắn với sự kiện nghệ thuật âm nhạc: Trong kháng chiến chống Pháp, ngày 30/10/1947, ta phục kích trên đèo tiêu diệt gọn một đoàn xe cơ giới của địch, phá hủy 27 xe, diệt 94 tên, bắt sống 101 tên, thu 600 chiếc dù và toàn bộ vũ khí trang bị. Từ đây tiểu đoàn 374 được gọi là “Tiểu đoàn Bông Lau”. Đây là trận phục kích đầu tiên trên đường số 4, góp phần đánh bại cuộc tiến công của quân đội Pháp lên Việt Bắc trong Thu - Đông 1947. Cảm hứng từ trận đánh trên đèo Bông Lau, năm 1947 nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác bài “Bông Lau rừng xanh pha máu” và năm 1948 nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác bài “Đèo Bông Lau” ca ngợi trận chiến này.
         “Trẩy nước non Cao Bằng” quả nhiên khiến các nghệ sĩ Bắc Ninh mê đắm với những danh thắng tuyệt tác do cả thiên nhiên và con người tạo nên. Đó là Thác Bản Giốc tráng lệ, Động Ngườm Ngao kỳ thú, đèo Mẻ Pia hùng vĩ với 14 tầng dốc đứng và 19 cua tay áo...
 
 
          Thác Bản Giốc được xem là một trong những tặng vật vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng. Thác nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khuê huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khuê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng, bãi ngô làng Bản Giốc, sau đó tách thành hai nhánh rồi đột ngột hạ thấp độ cao tạo thành thác Bản Giốc. Ngay từ xa, đã nhìn thấy một làn sương mờ bốc ngang sườn núi và nghe thấy những tiếng động ầm ào của thác phá vỡ sự yên tĩnh của núi rừng. Đến chân thác, nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn. Giữa ngày hè nắng nóng, không khí ở đây vẫn mát lạnh do hơi nước bốc lên. Với độ cao 53m, rộng 300m, thác có 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Giữa thác có một mô đá rộng, phủ đầy cây xẻ dòng sông thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng. Dưới chân thác là mặt sông rộng, phẳng, trong xanh. Đó là sông Quây Sơn, nơi đó có một loại đặc sản quý: cá trầm hương, một loại cá thịt thơm như mùi trầm. Hai bên bờ là ruộng lúa, thảm cỏ, lác đác cây hoa dại, từng đàn trâu bò ung dung gặm cỏ làm cho cảnh sắc càng thêm sinh động.
          Nếu Thác Bản Giốc hùng vĩ, tráng lệ bao nhiêu thì Động Ngườm Ngao lại kỳ bí, lộng lẫy bấy nhiêu. Ngườm Ngao theo tiếng địa phương có nghĩa là hang hổ, là một động lớn nằm trong lòng dãy núi đá vôi thuộc bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, cách thị xã Cao Bằng hơn 90km. Đứng trước cửa động, chỉ cách vài bước chân sẽ cảm nhận ngay nhiệt độ khác hẳn. Đó là do luồng gió trong động thổi ra mát lạnh. Trong động là cả một thế giới kỳ ảo. Từ trên vòm đá cao rủ xuống những dải thạch nhũ lấp lánh. Thiên nhiên đã miệt mài từ bao đời để tạo ra những nhũ đá quyến rũ sức tưởng tượng của con người. Có nhũ đá mang dáng dấp như cây xương rồng, có nhũ giống con thuyền buồm đang lướt sóng, có những khối nhũ trông như búp sen khổng lồ, cây vàng, cây bạc, nấm linh chi... Lại có những nhũ đá rỏ nước lách tách, mang đủ hình dáng như đụn gạo, cá sấu, ông bụt, bầu nước... Dưới nền hang là hình ảnh những lớp ruộng bậc thang thu nhỏ chứa đầy nước do nhũ đá và dòng suối qua bao triệu năm bồi đắp tạo thành. Nhũ đá mọc từ dưới lên, thả từ trên xuống, đủ các kích thước, hình dáng… tất cả đan xen vào nhau tạo thành một mê cung kỳ diệu. Con suối ngầm dưới đáy hang có chỗ sâu nhất 30m luồn lách qua muôn vàn măng đá càng tạo thêm cho động vẻ quyến rũ lạ thường. Vòm động cứ khép vào rồi lại mở ra, để mỗi lần như thế tạo cho người xem một sự thích thú bất ngờ. Toàn bộ động Ngườm Ngao dài khoảng 2.800m, thông qua 3 ngọn núi, chỗ cao nhất lên đến hơn 70m, gồm 3 cửa chính Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Người dân Bản Thuôn từ lâu nay, mỗi khi trời mưa sợ đường núi trơn trượt thường đi xuyên qua động để đến bên này núi họp chợ.
         Từ Động Ngườm Ngao đến Thác Bản Giốc chỉ một chặng đường ngắn. Khoảng giữa quãng đường là Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc.
        Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc xây dựng trên diện tích 3ha, tựa vào núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc khoảng 500m, có hướng chính nhìn ra toàn cảnh thác. Ngôi chùa được thiết kế theo lối kiến trúc thuần Việt với kết cấu gỗ lim, vật liệu gạch ngói cổ truyền, mái đao truyền thống, hệ thống câu đối bằng tiếng Việt. Chùa được xây dựng với đầy đủ các hạng mục: Tam quan, khuôn viên Tượng Quan Âm Bồ Tát, Tòa Tam Bảo, Nhà thờ Tổ, đền Mẫu thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, Đức Thánh Trần, vườn địa đàng, vườn tượng La Hán, đền thờ anh hùng Nùng Trí Cao - một nhân vật, biểu tượng văn hóa thế kỷ 11 tại Cao Bằng, người có tài thao lược quân sự và ngoại giao, có công lớn trong việc gìn giữ bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Điểm nhấn của ngôi chùa là lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo bằng đồng nặng 1,5 tấn. Đây là công trình phục vụ nhu cầu tôn giáo tâm linh, hành hương lễ Phật của khách gần xa, nơi để tìm về sự êm đềm, thanh tịnh. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trụ trì chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc cho biết: Chùa được khánh thành vào ngày 15/12/2014, kinh phí để xây dựng chùa khoảng gần 38 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam huy động, các tập đoàn doanh nghiệp và nhiều nhà hảo tâm đóng góp, tài trợ. Ngay tại sân chùa chúng tôi cũng thấy nhiều hiện vật ghi danh người xã Phật Tích, Bắc Ninh cung tiến.
Vẻ đẹp của những danh thắng, di tích lập tức được các nghệ sỹ nhiếp ảnh Bắc Ninh hối hả ghi hình. Nhạc sĩ Nguyễn Trung, nghệ sĩ Ưu tú Minh Hằng, các ca sĩ Thanh Hiền, Hữu Hiếu đều phấn chấn, tự hào vì bằng câu ca, khúc nhạc đã mang được chút bản sắc văn hóa Bắc Ninh lên miền biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Càng cảm mến những người đang ngày đêm gìn giữ, bồi đắp mảnh đất này thêm vững vàng, giàu đẹp mà trực tiếp là quân và dân Cao Bằng trong đó có bộ đội biên phòng.
           THÀNH LŨY XANH BIÊN GIỚI
          Cao Bằng là tỉnh biên giới nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, là “phên dậu” của đất nước, tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); có đường biên giới dài 333,125 km, gồm 634 cột mốc; là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Song điều này cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia mà trực tiếp là bộ đội biên phòng - Những người lính quân hàm xanh.
Đoàn văn nghệ sĩ Bắc Ninh đến Cao Bằng giữa những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, Thượng tá Đặng Hồng Quân, Phó Chính ủy cho biết: Công việc của bộ đội biên phòng hết sức gian nan, bởi hoạt động trên địa bàn hẻo lánh, phức tạp nhiều hiểm nguy; đặc biệt dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cán bộ chiến sĩ căng mình chốt chặn phòng dịch suốt gần 6 tháng nay. Rất hoan nghênh văn nghệ sĩ Bắc Ninh đến với biên cương, nhưng cũng băn khoăn điều kiện nhân lực và vật lực thời điểm này khó đáp ứng tốt để anh chị em đạt những mong muốn. Hơn nữa những ngày này nhiều cán bộ chủ chốt đang dự Đại hội, không thể có mặt ở đơn vị nơi đoàn đến.
          Nhà báo Ngô Hồng Giang, Chủ tịch Hội VHNT Bắc Ninh bày tỏ: Bộ đội biên phòng là lực lượng ngày đêm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cũng là điểm tựa cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn vượt qua thiên tai, dịch bệnh, phát triển kinh tế. Đặc biệt trong phòng chống dịch Covid 19, bộ đội biên phòng là hình tượng đầy xúc động cho nhân dân cả nước. Để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bộ đội biên phòng đã thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng” (Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào). Anh chị em văn nghệ sĩ xin học cách “ba bám, bốn cùng” bộ đội biên phòng để có trải nghiệm thực tế, cảm xúc chân thực trong sáng tạo nghệ thuật. Hy vọng những cảm nhận, cảm xúc đó đem lại thăng hoa trong sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh, âm nhạc cũng như trình diễn ca khúc về biên phòng, biên cương Tổ quốc.
         Và quả thực các văn nghệ sĩ Bắc Ninh đã mang theo tinh thần đó đến với 2 đồn biên phòng Đàm Thủy và Xuân Trường.
        Sáng 15/7, xuất phát từ thành phố Bắc Ninh, sau bữa trưa khẩn trương với các bạn đồng nghiệp Cao Bằng là hành trình 90km đến xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Đi đường vùng núi không thể tính thời gian theo quãng đường và tốc độ xe được. Đường đèo dốc nguy hiểm, lại thêm những điểm sạt trượt bất ngờ chắn lối. Rời thành phố Cao Bằng, qua thị trấn Nguyên Bình vài km đến đoạn lên đèo Mã Phục là vướng ngay điểm mở cua đang thi công, phải dừng xe chờ đợi. Hành trình cả chuyến đi luôn có những điểm dừng bất đắc dĩ như thế. Anh em nhiếp ảnh tiếc thời gian, ham cảnh sắc, nhưng vừa triển khai đồ nghề định tranh thủ bấm máy thì đường thông, lại hối hả lên đường cho lịch trình được đảm bảo. Đến đồn biên phòng Đàm Thủy đã hơn 16 giờ. Đón chúng tôi là Trung tá Lý Văn Chạn, thay mặt Ban Chỉ huy đồn, đồng chí thông tin sơ lược: Đồn Biên phòng Đàm Thủy quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài 18,914 km, trong đó 17,452 km trên đất liền và 1,462 km biên giới trên sông; gồm 60 mốc quốc giới. Địa bàn quản lý gồm 2 xã Chí Viễn và Đàm Thủy với tổng số dân 2.306 hộ/9.571 khẩu, gồm 3 dân tộc chính là Tày, Nùng, Kinh. Đặc biệt, có điểm tham quan du lịch nổi tiếng của 2 nước Việt - Trung nằm ngay trên đường biên giới, đó là Thác Bản Giốc... Không cần nghỉ ngơi, cũng chẳng kịp trao đổi nhiều với lãnh đạo đồn, các văn nghệ sĩ đề nghị được đến ngay Bản Giốc nghiên cứu thực địa cho ngày mai tác nghiệp. Hoàng hôn vùng núi xuống rất nhanh, trong ráng chiều chạng vạng, các nghệ sĩ Hoàng Anh, Kim Đài kịp ghi hình Thác Bản Giốc với vẻ đẹp huy hoàng...
 
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Bắc Ninh cùng chiến sĩ Biên phòng 
trao đổi ý tưởng thể hiện hình ảnh trên thực địa.
 
        Sau bữa cơm tối do bộ đội nấu, các nghệ sĩ được nghỉ ngơi trong doanh trại đúng như những người lính. Một đêm với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng chúng tôi biết thêm nhiều điều. Mươi năm trước, Đàm Thủy rất khác với hôm nay. Hạ tầng gần như trống, cơ sở vật chất rất nghèo nàn, người dân không gắn bó ruộng nương, chỉ tham gia khai thác lậu quặng mangan hoặc đi làm thuê bên kia biên giới. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, lãnh thổ, Đồn biên phòng Đàm Thủy còn triển khai thực hiện các chương trình, phong trào thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Bằng cách đưa cán bộ biên phòng về giữ trọng trách trong bộ máy chính quyền xã, bộ đội biên phòng đã đem đến sự nề nếp, chính quy cho địa phương. Thượng tá Mê Văn Đạt từng là cán bộ của đồn tăng cường cho xã Đàm Thủy. Anh giữ cương vị Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã đã hơn10 năm. Từ nhiều năm trước, anh nói với dân bản Lũng Phiắc (nơi diễn ra tình trạng khai thác lậu quặng mangan): Thác Bản Giốc là bạc trắng, quặng mangan là vàng đen; vàng đen ăn mãi rồi sẽ hết, còn bạc trắng chúng ta có thể khai thác muôn đời. Thời đó người dân không cho đó là lời nói thật. Họ lẩn tránh thậm chí còn dọa dẫm mỗi khi Bí thư xã vào thăm bản. Không nản lòng, anh Mê Văn Đạt cứ tìm vào, cứ vận động, qua một mùa, rồi một mùa nữa, người dân mới dần hiểu ra. Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho nhân dân ở các xóm gần điểm du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao về phát triển dịch vụ du lịch. Đồn đã tham mưu, hỗ trợ cho chính quyền xã tạo việc làm cho 23 người dân; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các xóm gần các điểm du lịch, mỗi xóm làm một sản phẩm mang đặc trưng bản sắc văn hóa của địa phương, đồng thời, vận động nhân dân xây dựng 7 nhà hàng, khách sạn, 2 khu du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho 400 lao động có thu nhập ổn định. Những việc làm trên đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 23% thì đến năm 2019, giảm xuống còn 13,47% theo tiêu chí nghèo đa chiều. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng/người/năm. Đồn biên phòng Đàm Thủy là đơn vị 13 năm liền được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng; được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. 
Đêm ở vùng biên tĩnh lặng. Chúng tôi dạo một vòng khu dân cư gần đồn. Ngô lúa phơi ngay trước cửa cả đêm không cất. Trong khu chợ nhỏ, xe máy nào cũng cắm nguyên chìa trên ổ khóa. Sự bình yên theo vào giấc ngủ từng người. Biên cương vững chắc phải là ở lòng dân tin theo Đảng, Nhà nước, một lòng xây dựng quê hương no ấm.
 
Nhà báo Ngô Hồng Giang, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh thay mặt VNS tỉnh Bắc Ninh 
tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, tỉnh Cao Bằng.
 
Sáng 16/7 là cuộc di chuyển và làm việc cật lực của anh chị em nghệ sĩ Bắc Ninh. Nhiếp ảnh thì leo trèo, lăn lóc ghi hình phong cảnh và hoạt động của quân dân ở đường biên, lại đến chốt cơ động phòng chống dịch Covid; các nhạc sĩ, ca sĩ thì vừa trực tiếp làm nhân vật tạo hình giúp anh em nhiếp ảnh, vừa hát phục vụ bộ đội. 
Nghệ sĩ Bắc Ninh phục vụ lực lượng phòng chống dịch Covid-19 tại chốt lưu động.
       
          Phối hợp làm việc cùng các nghệ sĩ, Thượng úy Lăng Minh Khôi, Đội trưởng đội tuần tra nói vui: Hoạt động một lúc trước ống kính mệt ngang thực hiện đủ 11 chế độ trong ngày của bộ đội. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Bình, Quốc Tuấn, Trọng Bình hài lòng khi kiểm tra những khung hình vừa thực hiện. Bộ đội và nghệ sĩ như tìm được sự cộng hưởng chung trong đặc thù công việc của nhau. Tất cả cố gắng cao nhưng vui vẻ, hào hứng. Giữa nắng nóng gay gắt đầu giờ chiều, nhóm chiến sĩ vẫn băng đồng, vượt suối trên cây cầu tre đung đưa cót két, hành quân lên xuống một đoạn dốc để các nghệ sĩ Thanh Huyền, Trọng Hiếu bấm máy. Rời hiện trường chụp ảnh là cả 2 lên xe đang nổ máy chờ sẵn, nói lời chào tạm biệt Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh), cả đoàn tiếp chặng đi Xuân Trường (huyện Bảo Lạc). Lại những cung đường dốc đứng, những cua tay áo và những điểm sạt trượt đầy hiểm nguy; giữa mây trời đá núi lâu lâu hiện nếp nhà với nương ngô cheo leo, như phô ra sự kiên cường thách thức thiên nhiên của đồng bào và chiến sĩ biên cương. 
        Đồn Biên phòng Xuân Trường được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 20,363km biên giới qua địa bàn 2 xã Xuân Trường, Khánh Xuân với 24 cột mốc. Địa bàn Đồn quản lý có 37 xóm (trong đó có 6 xóm sát biên giới) với 4 dân tộc chính là Tày, Nùng, Mông, Dao. Do đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi, núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (56%). Riêng xóm Xà Phìn 100% là hộ nghèo. Đồn Xuân Trường từng một thời được mệnh danh là đồn “3 không”: không đường, không nước, không tường gạch… thậm chí còn phải thêm một “không” nữa là “không bóng người”.
Trung tá Nông Hồng Đoan - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Trường, cho chúng tôi biết: Để làm tốt nhiệm vụ, Đồn phải bố trí thành nhiều tổ công tác độc lập cắm tại các địa bàn trọng điểm. Nhân dân các dân tộc trong khu vực biên giới có truyền thống yêu nước. Cùng với sự phát triển chung của đất nước,  đời sống, tinh thần người dân có nhiều cải thiện, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia nhiệt tình bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đến nay, ở tất cả các xóm, bản của 2 xã biên giới, 6/6 xóm hành chính sát biên đều có cam kết đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh, trật tự xóm khu vực biên giới. Các Đồn Biên phòng của tỉnh Cao Bằng còn triển khai thực hiện các chương trình, phong trào thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Cụ thể là phong trào: “Bộ đội biên phòng Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Bộ đội biên phòng Cao Bằng với công tác đền ơn đáp nghĩa”; mô hình “Con nuôi tại đơn vị”; chương trình “Nâng bước em đến trường”… Có những việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu ứng tốt lan tỏa, như “Điểm cắt tóc miễn phí tay kéo Biên Phòng” ở ngay cổng đồn, hay Trạm quân y biên phòng cắm ở bản.
    Các cháu con nuôi ở Đồn Biên phòng Xuân Trường luôn được quan tâm, chăm sóc
 
        Trung tá Đồn trưởng Nông Hồng Đoan không kể nhiều về khó khăn, gian khổ của cán bộ chiến sĩ, nhưng nhìn vẻ bối rối của anh khi tiếp cả đoàn văn nghệ sĩ giữa cơ ngơi vật chất quá nhỏ bé, chúng tôi hiểu sự thiếu thốn mà bộ đội đang hàng ngày phải khắc phục. Rất chân tình, nhà báo Ngô Hồng Giang, Chủ tịch Hội VHNT Bắc Ninh thay mặt đoàn bày tỏ những kính trọng, cảm thông; và chia sẻ chút tình Quan họ qua mấy phần quà nhỏ dành tặng cho đồn, đồng thời qua Ban Chỉ huy đồn gửi đến những em nhỏ thuộc chương trình “Nâng bước em đến trường” trên địa bàn. Cũng rất chân thành và giản dị, nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Huyền cùng Thu Thảo - nữ cán bộ trẻ trung, xinh đẹp nhất văn phòng Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh lập tức xuống bếp, phụ giúp chiến sĩ cùng làm cơm đãi khách. Nhà báo Kim Phúc tiếp cận hai bé Vàng A Dè - 7 tuổi, Vàng A Hùng - 6 tuổi (người Mông) đang ở tại đồn mong thực hiện ký sự “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tỏa xuống địa bàn chủ động tác nghiệp. Nhạc sĩ Nguyễn Trung, nghệ sĩ Ưu tú Minh Hằng, các ca sĩ Thanh Hiền, Hữu Hiếu hối hả formatting chương trình, dù chỉ với 4 người cũng quyết thực hiện một tối diễn tại hội trường của UBND xã, để mang chút hương sắc Bắc Ninh đến đồng bào chiến sĩ nơi biên giới. Anh bạn lái xe Bình Yên trổ tài công nghệ “sóng nào cũng bắt” thích thú vì được giao phụ trách phần âm thanh. Thật vất vả cho phóng viên truyền hình Vũ Văn Tuyển khi không muốn bỏ sót hình ảnh nào của cả seri hoạt động ấy. Phó Chủ tịch Hội VHNT Bắc Ninh Đỗ Văn Phong phải thốt lên: Quả đúng là “ba bám, bốn cùng” thật!
 
         Buổi giao lưu văn nghệ “Tự hào một dải biên cương” kết thúc lúc 21h45 ngày 17/7, cũng là lúc đoàn nghệ sĩ Bắc Ninh chia tay với Xuân Trường. Thượng tá Hoàng Văn Lợi - Bí thư xã, ông Nông Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã bồi hồi thổ lộ: “Thoạt đầu chúng tôi cứ băn khoăn không đủ điều kiện phục vụ tốt cho các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, không ngờ chính các đồng chí lại là những người phục vụ địa phương tận tình”. Lời tâm sự ấy như tiếp sức chúng tôi trên chặng đường giữa đêm tối, trong hành trình trở lại quê hương, để có một ngày sẽ trở lại với biên cương./.
                                                                                                                                                                                                                          Phóng sự: PHÚC BẰNG
                                                                                                                                                                                                                          Ảnh:         THANH HUYỀN