Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

TỪ CẬU BÉ GẶP BÁC HỒ ĐẾN VIÊN THUYỀN TRƯỞNG
10:07 | 04/03/2020

Bên ngôi điếm canh đê trên kè Thống Thượng (Việt Thống, Quễ Võ, Bắc Ninh) có một sự kiện mà người dân trong vùng còn nhớ mãi. Đó cũng là dấu ấn kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên trong cuộc đời cậu bé, sau này thành chàng trai,  thuyền trưởng Nguyễn Tiến Nên. 

Vào khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1960. Có hai chiếc xe hơi đi từ phía Thị Cầu lướt trên mặt đê rồi từ từ dừng bánh trên kè Thống Thượng. Một ông cụ già râu dài, đầu đội mũ cát, mặc bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su bước xuống từ chiếc xe Pobeda màu ghi đá. Cụ vắt chiếc khăn mặt trên vai, nhanh nhẹn đi về phía điếm canh đê. Những người  khác liền đi theo sau. 

Khi ấy, cậu bé Nguyễn Tiến Nên 11 tuổi  đang cùng các bạn chăn trâu ở dưới chân đê vội ùa chạy lên vì hiếu kỳ. Tuy nhiên, các cậu bé khác đã dừng lại ở lưng đê. Chỉ có mình Nên là vẫn chạy nhanh theo hai chiếc xe  rồi tò mò đến sát gần những người lạ mà cậu thầm nghĩ, đây hẳn là “những cán bộ cấp cao”. 

Tới ngôi điếm canh đê, cụ già áo nâu đưa mắt quan sát rất kỹ chiếc trống treo ở gần cửa và  phát hiện ra có một lỗ thủng trên một mặt trống. Cụ hỏi:

- Sao trống canh đê lại để bục thế này?

Anh Ngâm là người canh đê liền thưa:

- Dạ! Vì dịp xuân trống rỗi nên làng mượn vào hội rồi không may để thủng. Làng cháu nghèo, chưa kịp bịt lại được nên nó… vẫn thủng cụ ạ!

Cụ già hiền hậu cười bảo:

- Chiếc trống này tuy tàn phế nhưng vẫn còn được việc đấy chứ!

Mọi người đều  cười vui vẻ. 

- Nhưng cần phải cho bưng lại trống ngay. Cụ già bảo - Công việc báo động hộ đê là không thể nào xem thường được!

Anh Ngâm đáp:

 - Thưa cụ! Vâng ạ!

Cụ già bước ra ngoài, tới một hòn đá phẳng ở trên triền đê gần điếm canh và ngồi xuống đó, nhìn ra mặt sông. Nước sông Cầu mùa lũ đục ngầu đang cuộn sôi, cuốn phăng phăng những đám cây que, bèo, rác và hất bọt nước tung lên. Những người đi theo cụ già cùng anh gác đê và cậu bé Nên đều đứng sát, vây quanh cụ mà  hướng mắt cả ra sông với nỗi lo âu.

Lát sau, người canh đê nữa tên là Lễ vừa tranh thủ đi chợ về. Anh cúi chào cụ già và những người cán bộ đi cùng. Cụ già gật đầu, vẫy anh Lễ lại rồi chỉ về phía cây tre cắm dưới nước ở phía chân đê hỏi:

- Các chú cắm cây tre kia để làm gì thế?

Anh Lễ đáp:

- Thưa cụ! Chúng cháu cắm cây tre làm tiêu ở chỗ xung yếu nhất đấy ạ! Cây tre được cắm thẳng. Chúng cháu luôn luôn để mắt đến nó, nếu thấy ngả nghiêng là biết ngay đê có “vấn đề”, cần xem xét tập trung xử lý hay báo động ngay ạ!

Cụ già vui vẻ gật đầu, khích lệ:

- Tốt lắm! Các chú thật là sáng dạ! Cụ già quay sang mấy người đi theo bảo: - Các chú cần phổ biến kinh nghiệm này cho nhiều nơi biết nhé! Một sáng kiến nhỏ nhưng hiệu quả phòng hộ đê lớn và thiết thực lắm đấy!

Mọi người lại đồng thanh;

- Thưa cụ! Vâng ạ!

Cụ già nhìn mọi người xung quanh. Thấy cậu bé Nên, cụ liền mỉm cười, hiền từ hỏi:

- Lúc nãy thấy cháu chạy bám theo sau xe! Như vậy rất là nguy hiểm! Vậy cháu chạy theo ô tô để làm gì thế?

Cậu bé Nên vò gãi đầu gãi tai, bẽn lẽn thưa:

- Dạ thưa cụ! Cháu… cháu thích ngửi mùi ô tô vì thấy nó thơm thơm ạ!

Cụ già và mọi người đều cười ồ lên. Cụ lại hỏi:

- Cháu người làng này à?

- Vâng thưa cụ! Nhà cháu ở ngay gần đê thôi ạ!

- Vậy cháu hẳn là biết bơi chứ?

Cậu bé Nên chưa kịp trả lời thì anh Ngâm đã thưa với cụ già:

- Thằng bé này là con cá kình làng cháu đấy cụ ạ! Nó bơi lặn giỏi nhất làng. Chủ tịch xã cháu vẫn thường nhờ cậu bé này lặn xuống sâu tới hơn chục mét nước để kiểm tra kè đê đấy ạ!

Nên bẽn lẽn vặn hai tay vào nhau. Cụ già lại trìu mến khen ngợi và hỏi:

- Giỏi bơi lặn thế cơ à? Vậy con “cá kình” nhỏ này có dám lặn xuống cùng giúp người lớn hộ đê khi nguy cấp không?

Nên đáp dõng dạc:

- Dạ thưa cụ! Cháu có ạ!

Cụ già lại mỉm cười xoa đầu Nên:

- Tốt lắm! Vậy lớn lên cháu mơ ước làm nghề gì nào?

- Thưa cụ! Cháu sẽ làm thuyền trưởng lái tàu trên sông quê cháu ạ!

Cụ già tươi cười:

- Ồ! Đúng là ước mơ của cậu bé sông nước. Nhưng khi làm thuyền trưởng thì cháu còn có thể lái tàu đi xa hơn được nữa cơ đấy. Cháu có thể làm thuyền trưởng, lái tàu đưa vũ khí vào Nam đánh Mỹ cháu có dám không?

- Thưa cụ! Cháu dám ạ!

- Cháu ngoan lắm! Cố gắng phấn đấu trở thành thuyền trưởng nhé!

- Vâng ạ!

Nên sung sướng đáp lời rồi nhìn cụ già và có cảm giác như mình đã gặp được một ông tiên.

Ngồi quan sát một lúc thì bỗng cụ già vội nhỏm dậy. Cụ cầm lấy cây gậy chống rồi thoăn thoắt đi về phía chân đê. Thì ra, cụ đã phát hiện thấy một mạch sủi ở gần một bụi tre lớn mà người dân trong làng vẫn gọi là “bụi tre ông Thóc”. Những bọt mắt cua nho nhỏ đang thi thoảng lại sôi lên từng chuỗi ở đó khiến cho cụ già nhiu nhíu mắt, đăm chiêu, lo lắng. Cụ có vẻ nóng ruột, không yên nên một tay túm quần, tay kia chống gậy lội xuống chỗ mạch sủi ấy. Cụ còn di di chân vào đó mà nói vọng lên:

- Đây hẳn là dò thấm từ bên kia đê sang đây. Các chú trông đê phải lưu ý quan sát, kiểm tra liên tục nhé! Nếu thấy có hiện tượng gì bất thường ở đây là phải báo cáo, xử lý ngay.

Hai anh trông đê đều cùng gật đầu, lễ phép:

- Thưa cụ! Chúng cháu sẽ làm theo lời cụ ạ!

Cụ già khoắng khoắng rửa chân, đi dép vào rồi quay trở lên, ngồi xuống hòn đá lúc nãy rồi ra hiệu bảo mấy người cán bộ cùng đi lại gần như có ý muốn bàn chuyện gì đó. Hai anh coi đê và cậu bé Nên biết ý liền lùi ra xa. Cụ già nói gì đó với những người cùng đi một lúc lâu. Từng lời của cụ đều được các cán bộ giở sổ ra ghi chép.

 Một lúc sau, cụ già và những người cán bộ cùng ra ô tô. 

Trước khi lên xe, cụ già áo nâu lại một lần nữa xoa đầu cậu bé Nên, âu yếm : 

- Cháu bé bơi lặn giỏi này nhớ phấn đấu trở thành thuyền trưởng nhé!

Cậu bé Nên cảm động đáp:

- Thưa cụ vâng ạ!

Khi xe của cụ già áo nâu cùng đoàn cán bộ lăn bánh thì cậu bé Nên cùng hai anh gác đê và những người dân có mặt trên đê đều vẫy vẫy tay theo. Hai chiếc ô tô nối nhau qua chợ Nội Doi đi về phía Phố Mới rồi khuất dần, khuất dần...

Ngay sáng hôm sau, cả làng Thống Thượng đều bàng hoàng, náo động truyền tay nhau tờ báo “Nhân Dân” mà ngay trên trang đầu có bài đăng với dòng tít in đậm “BÁC HỒ VỀ THĂM KÈ ĐÊ THỐNG THƯỢNG”. Thì ra, hôm qua Bác Hồ đã cùng ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về thăm, kiểm tra công tác phòng hộ đê, chống bão lụt tại kè Thống Thượng. 

Cả làng Thống Thượng đều như ngớ ra, tiếc nôn nao. Riêng cậu bé chăn trâu thì thậm chí còn chộn rộn trong lòng suốt nhiều ngày sau đó. Lời căn dặn âu yếm và khích lệ của Bác từ buổi ấy đã lắng sâu trong đáy lòng Nên. 

*

*  *

Cậu bé bên sông Cầu đã trở thành một chàng trai. Ước mơ được lái tàu thủy ngày nào không ngờ đã thành hiện thực một cách khá suôn sẻ với anh. 

Nguyễn Tiến Nên nhập ngũ vào năm 1971 và nhập học vào Trường nghiệp vụ vận tải Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng khi ấy đóng ở thị xã Sơn Tây. Anh là một học viên xuất sắc, tốt nghiệp loại giỏi nên được giữ lại làm giảng viên của nhà trường. 

Câu chuyện giảng viên, binh nhất Nguyến Tiến Nên bắt sống phi công Mỹ là một giai thoại mang tính “sử thi” của Tổng cục Hậu cần Quân đội mãi đến tận sau này.

Đó là một buổi tối cuối tháng chạp năm 1972, đúng vào dịp trận “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra trên bầu trời Hà Nội. Khi ấy, vào khoảng hơn 9 giờ tối, Nguyễn Tiến Nên vẫn có thói quen không xuống hầm trú ẩn, anh đang thích thú đứng xem quân ta bắn máy bay ở ngoài sân thì thấy binh nhất Diệu ở tổ máy thực hành từ bờ sông hấp tấp chạy lên bảo có phi công Mỹ nhảy dù xuống sông Hồng. Diệu rủ Nên cùng đi bắt phi công. Nên gật đầu rồi chạy vào lấy khẩu CKC khoác trên vai, chạy vội ra sông trong đêm tối. Ra tới bờ sông, Nên thấy tại đó có thượng sĩ Miên thợ máy, Hạ sĩ Trực thuyền trưởng và binh nhất Lãm thợ máy trực ca nô ở đó. Nên chủ động bảo:

- Chúng ta đi bắt phi công Mỹ đi!

- Có lệnh không?

- Cứ lái ca nô đi bắt phi công. Nên cả quyết - Có gì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm!

Thế là năm người lên ca nô, Ngyễn Tiến Nên bỗng dưng trở thành một viên chỉ huy bởi tính chủ động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và tinh thần chiến đấu dũng cảm mặc dù lúc này anh chỉ là binh nhất. Tuy nhiên, Nên vốn giỏi chuyên môn, có uy tín nên đã được cán bộ, học viên trong trường rất thán phục. Lúc này, anh đứng trên nóc ca bin với khẩu CKC giơ cao, chĩa về phía trước và hô thật to:

- Nổ máy! Tiến!

Chiếc ca nô lập tức khởi động và lao theo hướng mũi súng của Nên tiến ra sông Hồng.

Khi ấy đã khoảng 10 giờ đêm. Nước sông Hồng chảy rất xiết. Thi thoảng lại réo sôi lên ùng ục. Trên trời, những chiếc F4 của Mỹ đang quần đảo. Có lúc chúng bay rất thấp, lượn đi lượn lại, dường như đang kiếm tìm gì đó. Những loạt súng các loại và pháo cao xạ của quân ta tạo thành lưới lửa trên cao khiến bầu trời rực sáng. Mặt sông lấp loáng lửa đạn. 

Khi đến một bãi cát lớn trên sông Hồng thì ca nô có thêm ba người nữa nhảy lên. Trong ba người này có một viên thiếu úy đeo súng lục và một hạ sĩ mang theo tiểu liên AK. Họ thuộc một đơn vị pháo binh cùng một dân quân địa phương với khẩu K44. Ba người này đang đuổi theo chiếc dù của phi công Mỹ mà chạy đến bãi cát này. Cả ba lên ca nô đều nhảy xuống dưới khoang, chỉ có mình Nên là vẫn đứng hiên ngang trên nóc ca nô, cầm súng hướng về phía trước.

 Với vị thế ở trên cao mà anh binh nhất Nguyễn Tiến Nên vẫn là người chỉ huy mặc dù trên đó có mấy quân nhân cấp hàm cao hơn anh nhiều.

Những chiếc F4 có lúc xẹt xuống tận mặt sông, chúng xả những loạt súng rát rạt về nhiều phía. Chớp lửa luôn nhoáng nhoàng trên sông. Nên vẫn không núp xuống khoang mà vững vàng cầm súng đứng trên nóc ca bin, căng mắt ra tìm kiếm khắp nơi trên mặt sông. Cuối cùng, chính anh đã  nghe thấy tiếng khua nước lóc bóc và phát hiện ra chiếc xuồng cao su của tên phi công Mỹ đang trôi từ phía trên xuống. Biết được do dòng nước chảy rất xiết nên tên phi công Mỹ buộc phải trôi xuôi xuống nên anh đã ra lệnh cho ca nô dừng lại, đón lõng nó. Nguyễn Tiến Nên bật lê khẩu CKC và dương lên sáng quắc để uy hiếp thằng giặc lái.

Quả nhiên, tên phi công Mỹ không thể chủ động giữ được lái khiến chiếc xuồng cao su cứ thế lao xuống, đâm sầm vào ca nô như một lực hút đang chờ hắn. Lúc này, cả bảy người kia vẫn ở dưới khoang ca nô.

Nguyết Tiến Nên chĩa lê vào phía tên phi công và hét to:

- Giặc lái! Giơ tay lên!

Khi ấy, không hiểu sao anh lại quên bặt câu tiếng Anh hô bắt giặc lái mà trước đó anh đã học thuộc làu. Tên phi công Mỹ to béo cứ như là đã hiểu được tiếng Việt nên chỉ mới nghe Nên quát một câu đã vội vàng đưa hai tay lên cao và run cầm cập, miệng hắn lắp bắp câu gì đó. Nên nhảy phốc ngay sang xuồng tên phi công, nhanh tay tước luôn khẩu súng ngắn trên người hắn. Anh lập tức dùng dây dù trói tên phi công lại và tước toàn bộ quân tư trang, trong đó có sợi dây chuyền đeo trên cổ hắn treo chiếc lắc hình bầu dục gắn hình một phụ nữ Mỹ với dòng chữ 20/6/1966. Đây có thể là hình  ảnh vợ hắn và ngày tên phi công lên đường sang Việt Nam. 

Đến lúc này, những người trong khoang ca nô mới lục tục nhảy lên. Họ tiếp tục giúp Nên lục soát trên chiếc xuồng cao su, kiểm tra kỹ khắp người tên lính Mỹ và đưa nó lên bờ. Để cho an toàn, Nên đã cầm khẩu súng lục thu được của tên phi công, chĩa nòng xuống sông, bắn tiêu hết đạn. 

*

*  *

Từ chiến công ban đầu ấy, Nguyễn Tiến Nên đã vững vàng đi tiếp những bước đường binh nghiệp của anh. Sau hiệp định Pari được ký kết vào đầu năm 1973, Nguyễn Tiến Nên được chọn, cử đi tập luyện để tham gia khối duyệt binh, diễu hành, kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 năm ấy tại Quảng trường Ba Đình. Nguyễn Tiến Nên và đồng đội của anh trên 20 chiếc xe thuộc khối diễu hành Đoàn vận tải quân sự Quang Trung đã tạo nên hình ảnh đẹp, oai hùng và đầy ấn tượng của lực lượng vận tải đường thủy của Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh đã được Bộ Tư lệnh duyệt binh cấp bằng khen về thành tích tham gia diễu hành, duyệt binh.

Sang năm 1974, Nguyễn Tiến Nên được thăng quân hàm Thiếu úy và trở thành thuyền trưởng thuộc Đoàn vận tải biển Hồng Hà. Nhiệm vụ của anh và đồng đội là lái tàu kéo sà lan đi theo đường biển chở vũ khí, khí tài, quân trang quân dụng và lương thực, thực phẩm, thuốc men vào cung cấp cho chiến trường miền Nam. Đây thực sự là một thử thách lớn lao đối với một vị thuyền trưởng trẻ tuổi cùng chiếc tàu chở nặng 1000 tấn hàng, lần đầu vượt biển cả mênh mang cùng sóng to, gió cả với bao hiểm nguy đang rình rập.

Chặng đường biển mà Nên lần đầu đi qua ấy xuất phát từ cửa Nam Triệu (Hải Phòng) đi theo hải đồ định sẳn ra đến đảo Hòn Mắt rồi đi tiếp tới phao số không. Đây là đoạn đường biển thuộc lãnh hải nước ta đã được kiểm định và có đặt phao báo hiệu nên không khó khăn lắm. Nhưng từ phao số không trở đi, là hải trình dài hàng trăm hải lý thì con tàu chỉ có thể đi theo dòng biển và người lái tàu phải tự chủ động phát hiện ra những bãi cạn, ghềnh đá hay xác tầu đắm hoặc những vật cản khác. 

Bằng con mắt quan sát tinh nhạy, óc phán đoán giỏi giang và cả linh cảm tinh tế, thuyền trưởng Nguyễn Tiến Nên đã đưa được chuyến hàng đầu tiên an toàn đi qua biển Cửa Tùng vào giao hàng bên cầu Thạch Hãn ở Quảng Trị đang trong niềm vui hân hoan giải phóng. Chuyến tàu của anh đã kịp thời tiếp viện để cuộc hành quân chiến đấu, giải phóng đất nước của bộ đội ta tiếp tục tiến về phương Nam.

Thuyền trưởng Nguyễn Tiến Nên còn đưa thêm nhiều chuyến tàu chở hàng nữa vào Quảng trị và tiếp theo là vào cảng Bao Vinh ở Huế, sau nữa là cảng Đà Nẵng. Tàu anh chở vũ khí, lương thực đi vào đến đâu là cuộc tiến công vào vùng địch chiếm đóng phía Nam tiếp theo lại diễn ra. Những vùng đất giải phóng mới lại càng thêm rộng mở. Cứ thế, con tàu của anh lần lượt vượt qua những vùng biển mới trên khắp bờ biển cong hình chữ S với cả gần ngàn chuyến ra khơi trong bom đạn và bão tố. Cuối cùng, anh đã đưa con tàu mình lái đi vào tận cầu Tân Cảng, Ngã Tư Hàng Xanh, Sài Gòn để chi viện trực tiếp cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần vào thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những chuyến tàu trên biển của thuyền trưởng Nguyễn Tiến Nên và đồng đội vẫn còn tiếp tục chở hàng vào chi viện cho công cuộc cải tạo miền Nam, xây dựng và bảo vệ tổ quốc những năm sau giải phóng. Anh còn lái nhiều chuyến tàu chở vũ khí, đạn dược và lương thực, thực phẩm và thuốc men cập cảng Xihanucvin để cung cấp cho chiến trường Campuchia.

Gần chục năm lái tàu vượt qua bom đạn, bão tố, phong ba, Nguyễn Tiến Nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải trên biển và luôn khắc ghi trong tim lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Những năm tiếp theo của cuộc đời Nguyễn Tiến Nên là những năm anh tiếp tục sống và cống hiến cho công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước với cương vị là một người cựu chiến binh gương mẫu.

Suốt cuộc đời mình, Nguyễn Tiến Nên không bao giờ quên lần gặp Bác Hồ cùng lời dặn dò của Người với anh và bà con quê nhà. Người cựu chiến binh ấy vẫn thường về thăm quê, đến bên hòn đá mà Bác Hồ ngồi năm nào để bồi hồi tưởng nhớ về Người. Ông cũng đã cùng các cựu chiến binh trên quê hương xây một bia kỷ niệm ôm lấy hòn đá thiêng liêng đó để lưu giữ mãi kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm kè Thống Thượng quê mình./.

                                                                                                                                                                                                                                                                            QUANG ĐẠI