Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

THÙNG VŨNG VẪN ĐỢI NGƯỜI
07:59 | 28/08/2018

 

XUÂN TƯỜNG

Ở tuổi 46, Thiếu tá Nguyễn Tiến Trổ xin nghỉ công tác về với làng quê Yên Giả (huyện Quế Võ Bắc Ninh) không điện, không mét đường cứng hóa, ngày tiếp ngày nắng bụi, mưa lầy, với những bữa cơm độn sắn khoai, với ngôi  nhà thiếu thốn tiện nghi. Để có tiền kéo điện, hợp tác xã làng ông vặn mình theo cách tạo vốn từ đất đai, đào đất ven làng đốt được loạt lò gạch đầu tiên, trừ chi phí cũng chỉ được chút ít không giải quyết được cơ bản vấn đề; lại tổ chức cho đấu thầu hàng loạt thùng vũng do đào đất làm gạch sinh ra trong đó có khu thùng vũng rộng tới 6 sào Bắc Bộ xấp xỉ 2200m2 xa ngõ, xa đường. Hiềm nỗi, đều chung cảnh phải lo bát cơm manh áo buổi giáp hạt tháng ba ngày tám nên không ai có tiền thầu khu thùng vũng ấy; ước muốn có điện để có đường, trường trạm vẫn chưa thể thực hiện. Khu thùng vũng trở nên hoang hóa. Đất không phụ người nhưng người đã buộc phải phụ đất vì cái sự lạc hậu đói rách níu kéo lưu niên.

Ngay sau khi nộp giấy sinh hoạt Đảng, ông Trổ đã được địa phương tín nhiệm, trải qua các chức vụ: Chi ủy, Bí thư chi bộ thôn rồi Bí thư đảng ủy xã, là suốt quãng thời gian ông cùng làng xóm mang trong mình nỗi mong mỏi ngày đêm, làm sao để  “điện, đường, trường, trạm” về tới quê nhà. Nút thắt này phải cởi nhưng quá khó khăn với xóm nghèo. Liền sau thời gian thực hiện “chỉ thị khoán 10”, bữa ăn đã được no hơn và dù đường điện chưa về tới làng nhưng đã nhìn thấy trạm biến thế ở cánh đồng.

Còn đó nỗi “vạn tội bất như tội bần”, nhà nước cũng đang khó khăn nên chưa thể hỗ trợ toàn phần, chỉ có thể lắp trạm biến thế về đến vị trí đó. Ngân hàng dẫu thông cảm muốn cho vay thì vẫn phải thực mục sở thị nhìn thấy các dự án khả thi để thu hồi vốn. Vấn đề đã rõ là phải tự mình cứu lấy mình như Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định, phải tự tìm cách huy động vốn, đưa bằng được đường điện về làng.

Nhiều người hy vọng và nao lòng chờ đợi cùng ông Trổ. Ngày nhập ngũ (năm 1961), ông mới chỉ có trình độ văn hóa lớp 4 hệ 10/10, sau 5 năm được đào tạo đã xuất hiện khả năng vệ sĩ và liên tục 20 năm sau trở thành sĩ quan cận vệ của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không lẽ sau 25 năm xa quê nay trở về lại không giúp được gì hơn cho quê; không lẽ đây lại là mặt trận người sĩ quan quân đội nhân dân phải dừng chân.  “Cái khó bó cái khôn” đến bao giờ? Cách mạng quần chúng do Đảng lãnh đạo đã có phát kiến mới “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”. Còn như thế gian bảo “có tiền khôn như con mài mại, không tiền dại như con đòng đong” là cách nói khi chưa được người lãnh đạo đồng cảm. Vì mục đích chính đáng của làng xóm, phải vận dụng các kiểu để có đồng tiền. Là lúc lề lối quản lý hợp tác xã quá yếu kém không đem lại được hiệu quả, ngày công quá thấp, là lúc các tổ chức kinh tế tập thể đang làm khó dễ cho ngân hàng, các ngân hàng phải xoay trục sang phương thức thế chấp! Các hợp tác xã nông nghiệp quê nghèo thì còn gì mà thế chấp, bản thân mỗi người dân đang đói rách cũng có gì mà thế chấp!

Năm 1992, để có điều kiện “đột phá khẩu” theo ý định nung nấu của riêng mình, ông Trổ đề nghị và được chấp thuận chuyển sang làm công tác Cựu chiến binh xã.

Vốn liếng của ông lúc này còn lại chỉ là ý chí, ông dự định cùng với gia đình, dùng hai bàn tay cầm xẻng, cuốc kiên nhẫn ngày tháng cải tạo khu thùng vũng 6 sào của làng, biến đổi nó thành ao nuôi cá, đắp nền xây ngôi nhà tạm ở đó để trông coi sản phẩm. Ông cần có thời gian để dồn sức lực vào những thùng vũng đang hoang hóa ấy, sao cho nó trở nên hữu ích với trước hết là gia đình ông, sau nữa là với làng nước, để làng có tiền kéo điện, không để đất vô dụng nữa.

Để được như vậy ông phải có tiền  nhận thầu, song bằng cách nào?

Ông Trổ đích thân đi gặp Giám đốc ngân hàng nông nghiệp huyện Quế Võ xin được vay 4 triệu đồng, không có của nả thế chấp, chỉ có tín chấp cuộc đời ông để về nộp cho hợp tác xã, để ông trở thành chủ nhân lao động trên 6 sào thùng vũng kia. Trước quyết tâm của người sĩ quan có 25 năm quân ngũ, trong đó có 20 năm làm cận vệ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là quãng thời gian xa nhà, xa quê hương gia đình hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, để động viên chất lính nhân dân tiếp tục lao vào cuộc “chiến” vừa giúp phục hóa gần 2200 mét vuông ấy, vừa giúp dân có tiền kéo đường điện về làng, ông Giám đốc ngân hàng huyện quyết định xuất quỹ, không cứng nhắc đòi nguyên tắc thế chấp. Ông Trổ được cầm đủ số tiền đem về giao cho Hợp tác xã Yên Giả.

Làng xóm có đủ tiền kéo điện phấn khởi bao nhiêu thì riêng gia đình ông Trổ có nỗi lo bấy nhiêu. Không chỉ lo trả nợ ngân hàng mà lo phải giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên đới. Ngày ấy, dự định cải tạo thùng vũng thành ao cá liên hoàn, có vườn tược nhà cửa là dự án động chạm đến đạo đức đảng viên. Dù là sĩ quan cận vệ thì cũng không có quyền có những hai cơ ngơi. Ông Trổ đã có căn nhà giữa làng thì phải xem lại quyền sử dụng đất dẫu là đất thùng vũng hoang hóa, ông không có quyền làm tiếp ngôi nhà khác nữa. Bời bời trước mắt bao nhiêu việc, đứa con trai của ông đi lao động xuất khẩu gặp lúc đổ vỡ hệ thống chính trị Đông Âu bị xua đuổi đang chạy tán tóa…

Nhanh chóng, dứt khoát ông đưa ra quyết định: địa phương sẽ không phải giải quyết suất đất ở cho người cháu (cháu gọi vợ ông bằng cô), gia đình ông Trổ sẽ nhượng đất thổ công ấy cho cháu. Xong vấn đề đạo lý pháp lệnh đất gia cư, còn lại là vấn đề gay cấn về kinh tế, sẽ trả nợ 4 triệu đồng (trong khi đồng lương thiếu tá cả nhà trông vào lúc đó chỉ có vài trăm ngàn...) như thế nào?

Vẫn biết người không phụ đất đất sẽ không phụ người mà thời gian ông quần quật ở khu thùng vũng suốt gần 10 năm kế tiếp trong trạng thái đầu óc không mấy hưng phấn, không căng thẳng như những chuyến đi cận vệ Đại tướng ngày giặc Mỹ ném bom chiến tranh phá hoại miền Bắc, mà tự ông thấy đơn độc hơn. Bây giờ chính ông là trụ cột của gia đình, cái trụ cột ấy không được nghiêng ngả, không được tỏ ra mệt mỏi. Nếu Võ đại tướng từng là chỗ dựa tinh thần cho ông hoàn thành nhiệm vụ cận vệ thì giờ đây với gia đình, ông cũng phải giữ được vai trò ấy.

Cải tạo thùng vũng thuở không có máy xúc như  thế kỷ 21, phải lao động chân tay, chẳng có được mấy ngày mồ hôi ông Trổ không đầm ướt áo. Ông ra khỏi lũy tre làng Yên Giả tìm gặp những người có kinh nghiệm nuôi cá học hỏi. Bản thân ông ngày ngày dậy sớm đi thu nhặt phân thải của súc vật quanh làng đem về thả ao nuôi cá.

Gian nhà tranh 18 mét vuông làm tạm trên dãy thùng vũng ngoài đồng không điện đóm là nơi hai ông bà "ba cùng" khiến những ngày mưa gió con cháu ở trong làng đã sáng điện không yên tâm rủ nhau trong đêm sắn quần lội bì bõm ra thăm. Ông vẫn bền bỉ cùng bà bồi đắp chuyển đổi loạt thùng vũng nhôm nhoam 2200m2 thành khu VAC ngày một quy củ. Cây trên bờ ao lên xanh, cùng nối tiếp những lứa cá cho thu hoạch được giá, nhà tranh được thay bằng nhà bê tông. Nợ ngân hàng được trả hết.

Năm 2008, khi đường tới dinh cơ trên thùng vũng của ông Trổ còn là đường đất, gia đình Võ Đại tướng đã về thăm. Quan sát bốn bề cơ ngơi đồng đất còn trầy truội, địa phương chưa có khả năng thi công cứng hóa lối đi lại, bà Đặng Thị Hà đã bày tỏ sự mến phục, bà chúc mừng thành công đang mở ra từ quyết tâm kiên trì của ông.

Sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, hệ thống giao thông của toàn bộ vùng quê làng Yên Giả nhất loạt được bê tông hóa. Cơ ngơi nơi thùng vũng xưa của ông Trổ giờ đã được quy hoạch chỉn chu: Vườn, ao, cây trái nhà tầng, nhà khách, không gian thoáng mát mời gọi người dạo gót. Giờ đây, liền kề nhà ông, thế hệ trẻ cũng đã cắm đất lập nghiệp. Trong khuôn viên 2200m2 của ông, dười tán lá cây tỏa bóng đã diễn ra nhiều cuộc hội ngộ hàng xóm và các cựu chiến binh vui vầy. Đời quân ngũ của ông bình dị mà chu tất, mẫn cán hoàn thành nhiệm vụ cận vệ vĩ nhân của dân tộc; khi thôi cầm súng, ông  có tiếp 30 năm sống cũng bình dị thủy chung với đất, với làng quê Yên Giả. Như là thùng vũng ven làng đã chọn đúng (thời điểm), chọn đủ những giọt mồ hôi của ông.

Đón mùa xuân thứ 78 (xuân Mậu Tuất 2018) là hội viên Người cao tuổi cũng đồng thời là thành viên của câu lạc bộ văn hóa địa phương, ông Trổ vẫn luôn tâm niệm tất thảy những việc làm đời mình đều cần thật bình dị, dân giã theo truyền thống quê nhà nên thoáng bỗng lại dội lên trong ông  cảm giác xót xa khi nhìn thấy đó đây những thùng vũng các làng ven khu công nghiệp lại đang có dấu hiệu bị bỏ hoang…/..