Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

THEO DẤU CHÂN BÁC ĐÃ ĐI QUA
09:36 | 31/07/2018

 

 

Phạm Thuận Thành

Sự kiện Bác Hồ về thăm công trường đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải đoạn Ngũ Thái - Song Liễu ngày 16/10/1958 mãi là niềm vinh dự và đáng nhớ của quê hương Thuận Thành. Tháng 10 năm nay, gần 60 năm sau ngày ấy Phân hội Văn học nghệ thuật Thuận Thành, được sự giúp đỡ của Thường trực huyện uỷ đã tổ chức chuyến đi điền dã sưu tầm tư liệu lịch sử ngày Bác về thăm năm xưa.

Những ngày này vừa qua trận rét đầu mùa, nắng hanh đã trở lại, thời tiết ban sáng dễ chịu nhưng gần trưa đã nắng oi bức rồi. Trên các cánh đồng đang vào vụ gặt rộ, tiếng máy gặt vang vọng hối hả. Không biết thời tiết này, quang cảnh này có giống ngày Bác về thăm không.

Điểm đến đầu tiên là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Đuống, trụ sở ở phố Khám, gần bệnh viện huyện. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc đón tiếp chúng tôi. Đây là cơ quan quản lí và khai thác đoạn kênh nơi Bác đã về thăm. Nhưng anh Toàn thành thực trả lời đơn vị thành lập sau thời điểm đó nhiều năm nên không có tư liệu hình ảnh hay bút tích gì về sự kiện đó. Tuy nhiên, cơ quan đã luôn làm theo lời Bác dạy đảm bảo công tác thuỷ lợi cho đồng đất Nam Đuống nhiều năm nay góp phần đưa no ấm về cho nhân dân. Những năm trước do tình trạng các địa phương nợ đọng thủy lợi phí nên cơ quan lại nợ đọng tiền ngành điện khiến có lúc bảo đảm thủy lợi gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ ngày Nhà nước miễn giảm thủy lợi phí thì công tác đảm bảo thủy lợi đã thuận lợi hơn. Trừ trường hợp mưa quá lớn, năng lực kênh tiêu và trạm bơm không đáp ứng nổi thì mới xảy ra úng ngập cục bộ nhưng đều được giải quyết trong thời gian nhanh nhất, thiệt hại lúa màu luôn ở mức thấp nhất.

Điểm đến tiếp theo là xã Ngũ Thái. Nơi đây vừa mới ổn định tổ chức sau nhiều sóng gió về tình trạng sai phạm quản lí đất đai và làm thương binh giả. Có đến mấy chục đảng viên bị kỉ luật, bị khai trừ và cả bị truy tố hình sự, trong đó có cả cán bộ chủ chốt. Huyện ủy phải điều đồng chí Nguyễn Viết Hiếu, Thường vụ, Trưởng Ban dân vận huyện ủy về tăng cường trực tiếp làm Bí thư đảng ủy xã. Đồng chí Sanh, Phó Bí thư thường trực đảng ủy tiếp chúng tôi. Đây là một cán bộ trẻ mới được đảng bộ tín nhiệm bầu trong đại hội vừa qua. Ngũ Thái còn đang thuần nông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Nghề phụ cũng không đáng kể. Gần đây mới nhen nhóm nghề thu mua phế liệu nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nặng cần phải xử lí. Phương án đưa người đi lao động nước ngoài cũng bị hạn chế vì tình trạng lao động ít vốn phải đi làm giúp việc hoặc đi làm những công việc đơn giản lương thấp không hơn gì làm ở nhà. Đấy là chưa kể một số gia đình đã phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé vì vợ chồng xa nhau lâu ngày và mâu thuẫn về kinh tế. Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới xã mới đạt 11/19 tiêu chí, 8 tiêu chí còn lại phấn đấu rất khó khăn. Tuy là cán bộ trẻ nhưng đồng chí Sanh biết khá rõ sự kiện Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân và dân công tại khu vực thôn Liễu Ngạn. Thế là chúng tôi cùng đi đến Liễu Ngạn để “mục sở thị” đoạn đường Bác đã đi qua. Đáng tiếc chúng tôi đến muộn quá không được nghe cụ Nguyễn Đình Phong kể chuyện. Cụ Phong người làng Liễu Ngạn, năm xưa là Phó Chủ tịch huyện trực tiếp đón và đưa Bác đi thăm công trường do dân công hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đang lao động. Riêng đoạn kênh qua Ngũ Thái và Song Liễu phải đào mới qua những thửa ruộng nhất đẳng điền địa hình khá cao nên lòng kênh khá sâu, công việc vất vả, khó khăn. Chính vì thế mà đây là điểm Bác đến động viên nhân dân và dân công. Đồng chí Nguyễn Thắng Phản, Bí thư chi bộ Liễu Ngạn đã có nhiều tâm huyết tìm hiểu về sự kiện lịch sử trên. Tư liệu hình ảnh có bức ảnh Bác nghỉ ở dưới tán cây đa Gốc Gáo làng Liễu Ngạn để xem bản đồ chọn đường đi, hiện bức ảnh đã được phóng to treo trang trọng ở Nhà văn hoá thôn. Bãi đất cây đa Gốc Gáo rộng khoảng gần nửa sào, có cây đa cổ thụ cấp bóng mát cho khách đi trên con đường cái quan nghỉ chân và cho dân làng nghỉ giải lao khi canh tác ở những thửa ruộng gần đó. Con đường cái quan thời xưa đi từ Dâu đến Lạc Đạo, quê hương trạng nguyên Dương Phúc Tư, thời xa xưa còn thuộc trấn Kinh Bắc. Đã từ lâu đường cái quan thành đường đồng, gồ ghề khó đi. Từ cây đa Gốc Gáo đi theo đường bờ vùng vào giữa làng Liễu Ngạn.

Cụ Tạ Lương, tên thật là Phùng Văn Kiên, cán bộ tiền khởi nghĩa, người xã Chỉ Đạo, khi đó là Bí thư huyện ủy Văn Lâm (từ 1952 đến 1959) trong đoàn tháp tùng Bác ghi lại ngày 19/5/1996 cho biết: Đoàn tháp tùng Bác có các vị: Nguyễn Khai, Bí thư Khu ủy Tả Ngạn; Lê Quý Quỳnh, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Nguyễn Đăng Hành, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và một số trợ lí của Bác. Khi Bác về đến Liễu Ngạn thì có thêm một số cán bộ huyện chỉ huy công trường gồm Nguyễn Đình Phong, Phó chủ tịch huyện; Nguyễn Đức Thám, cán bộ công an huyện phụ trách Bảo vệ công trường. Do đi bộ từ huyện Văn Lâm đến khu vực công trường ở Thuận Thành khá xa, trời lại nắng nên đoàn nghỉ giải lao ở cây đa Gốc Gáo vào khoảng hơn 9 giờ sáng. Sau đó đoàn đi qua khu hồ nước trước cửa nhà thờ họ Nguyễn Gia qua làng ra phía công trường. Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đăng Hành đã bố trí nhân dân và dân công tập trung tại khu ruộng Nghè Đồng Mài ngay sát công trường để Bác dùng micro nói chuyện vài phút. Bác hỏi thăm sức khoẻ các cụ phụ lão và động viên nhân dân làm thủy lợi để sản xuất hai ba vụ chắc ăn. Đáng tiếc tại nơi này không có ảnh ghi lại. Đồng chí Nguyễn Thắng Phản nêu nguyện vọng của nhân dân Liễu Ngạn mong muốn xây dựng nhà tưởng niệm Bác ở khu vực cây đa Gốc Gáo, nơi Bác dừng chân có hình ảnh lưu lại nhưng chưa làm được. Sinh thời, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hợp, quê xã Mão Điền, khi đi làm nhiệm vụ sưu tập di tích của huyện năm 1972 ở Liễu Ngạn đã tìm hiểu sự kiện Bác về thăm ngày 16/10/1958 và đã cảm xúc viết nên bài thơ đáng nhớ “Nơi Bác đi qua”. Bài thơ chứa chan tình cảm với Bác và biết ơn sự quan tâm của Đảng và Bác với nhân dân qua việc xây dựng công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Nội dung bài thơ như sau:

                                 NƠI BÁC ĐI QUA

(Bác Hồ về thăm công trường thủy nông Gia - Thuận, tháng 10 năm 1958)

Bác về thăm dân công/Đang đào sông Gia-Thuận/Người qua làng Liễu Ngạn/Quê hương Nguyễn Gia Thiều

Nước dưới cầu trong veo/Còn in nguyên bóng Bác/Nắng sáng chòm râu bạc/Áo gụ, gậy cầm tay

Bác dừng lại một giây/Vui vẻ nhìn Liễu Ngạn/Xưa gái buồn “Cung oán”/Nay gái vui công trường

Bác trèo lên bờ mương/Công trường ùa đón Bác/Giữa ngổn ngang đất cát/Bác nắm tay từng người

Áo Bác đẫm mồ hôi/Trong nắng trưa đổ lửa/Thương Bác trồng cây xanh/Che nơi Người đứng đó

Con đường xưa vỡ lở/Nhiều đoạn lút chân bò/Bác xắn quần lội qua/Dép cầm tay gậy chống

Bây giờ đường to rộng/Mỗi bước còn băn khoăn/Tiếc hơn mười năm trước/Từng làm Bác lấm chân

Nơi Bác đến một lần/Không bia ghi mà nhớ/Xôn xao cầu lộng gió/Phải Bác vừa qua thăm

Lúa mấy vụ một năm/Bao mùa rồi đã gặt/Ngày bác về nước bạc/Nay đã thơm cơm vàng

Câu chuyện Bác qua làng/Nhuốm thêm màu cổ tích/Đồng quê vào chiến dịch/Mơ theo Bác bay lên.

10-1970

(Rút từ tập thơ “Dấu chân trên cát”, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2006)

Cụ Nguyễn Đăng Hành, người xã Đa Tốn (Gia Lâm) lúc đó là Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh trong đoàn tháp tùng Bác về thăm công trường Bắc Hưng Hải viết lại ngày 29/2/1996: “Ngày 16/10/1958, tôi được Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh giao nhiệm vụ đón và hướng dẫn Hồ Chủ tịch đi thăm công trình thủy nông Gia Thuận thuộc công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Hồi 11 giờ cùng ngày trên đường về Bác có dừng lại trước đình thôn Ngọc Tỉnh (xã Song Liễu) nói chuyện với nhân dân trong xã. Tôi trân trọng ghi nhận đây là một điểm rất vinh hạnh đáng ghi nhớ của xã Song Liễu”. Theo lời chỉ dẫn này chúng tôi đi tiếp đến xã Song Liễu. Xã Song Liễu là xã Anh hùng, nơi đây đã bảo vệ cơ quan báo Đảng từ những năm 1939-1945 và lực lượng tự vệ đỏ của xã là nòng cốt cướp chính quyền ở phủ Thuận Thành và tỉnh lị Bắc Ninh. Đồng chí Bí thư đảng ủy Nguyễn Văn Nghiệp vừa nghe mục đích chuyến đi của chúng tôi đã sốt sắng phân công cán bộ dẫn đoàn và đích thân đưa gặp một cán bộ có tuổi đảng cao của xã là cụ Nguyễn Văn Thính, nguyên Phó Ban tổ chức huyện ủy nghỉ hưu tại thôn Bến Long. Cụ Thính sinh năm 1937, là cán bộ xã thời kì đó nên biết rõ số lao động xã tham gia công trường là 152 người. Nhưng hôm Bác về thăm công trường thì cụ Thính lại đang bận việc nhà nên không được chứng kiến. Ở nhà nhưng cụ vẫn nghe rõ tiếng loa điện hô tập hợp dân công. Sau đó biết tin Bác về thăm tại xã mà cụ không được dự thì tiếc mãi không nguôi.

Trở lại Trụ sở xã, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Chà, Phó Bí thư thường trực đảng ủy đã chờ sẵn để đưa chúng tôi xuống đình Ngọc Tỉnh tìm hiểu. Tại đình đã có các đại biểu chờ gồm cụ Yến, cụ Nhu là người chứng kiến Bác nói chuyện, anh La, anh Sơn, anh Tập đại diện cấp uỷ chi bộ, và các vị đại diện Ban công tác Mặt trận, chi hội Người cao tuổi thôn. Sự kiện Bác nghỉ lại ở đình Ngọc Tỉnh được cụ Tạ Lương ghi chép khá chi tiết: “Khoảng 11 giờ trưa thì đoàn và Bác đi đến cổng làng Ngọc Tỉnh (xã Song Liễu), đồng chí Vũ Kỳ (người trực tiếp phục vụ Bác và thư kí riêng của Bác) đề nghị Bác dừng chân, nghỉ lại ít phút ở thềm đình Ngọc Tỉnh. Các cụ phụ lão, nhân dân và các cháu thiếu nhi được tin đã ra đón chào Bác rất đông và vô cùng phấn khởi được Bác về nghỉ chân tại đình làng. Bác có lời thăm hỏi các cụ và nhân dân Ngọc Tỉnh, khuyên nhân dân gắng sức đào mương chống hạn, không chờ vào thiên nhiên. Tôi còn nhớ khi nói với nhân dân Ngọc Tỉnh, Bác có dùng câu “Nhân định thắng thiên”. Bác vẫy hai cháu thiếu nhi lại gần, vỗ về âu yếm, hỏi việc học hành của hai cháu, cả hai cháu đều nói: “Thưa Bác, cháu vẫn đi học ạ!”. Bác khen: “Thế là tốt và các cháu phải cố gắng học cho tốt”. Tiếp đó đồng chí Vũ Kỳ rót nước mời Bác. Cụ Nguyễn Hữu Nhu, sinh năm 1940, (khi đó là dân công) nghe tin Bác về, cả đội chạy về đình làng nghe Bác nói chuyện, thấy Bác ngồi ở đình Thượng và đang hỏi hai cháu thiếu nhi, sau đó Bác dặn dân làm thuỷ lợi chống hạn. Một trong hai thiếu nhi là bà Nguyễn Thị Quỳ. Trên đường đi Cầu Đậu, lúc qua giếng đất Ngọc Tỉnh thì Bác có dừng lại nhắc nhở công tác vệ sinh môi trường. Cụ Nguyễn Đức Thám, nguyên Phó Trưởng công an huyện, khi đó làm công tác bảo vệ công trường được tháp tùng Bác một đoạn đường. Năm 1996, cụ viết: “Gần đường có một giếng đất, Bác có nói với đồng chí Quỹ: “Giếng nước ăn thế này mà không có người trông giữ thì không đảm bảo vệ sinh”. Đồng chí Quỹ thưa lại: “Thưa Bác, có người canh giữ đấy ạ!”. Bác hỏi: “Thế người canh giữ đâu?”. Đồng chí Quỹ đỏ mặt lúng túng. Đi được một quãng tôi thấy có một thanh niên mặc quần áo gọn gàng chạy tắt ruộng đón đường Bác. Khi Bác đến gần người thanh niên khoanh hai tay thưa: “Bác ạ!”. Bác hỏi: “Cháu đi đâu thế?”. Người thanh niên thưa: “Cháu đi dân công ạ!”. Bác nói: “Mặc quần áo đẹp thế thì làm thế nào được như mọi người ăn mặc giản dị thế kia chứ”. Người thanh niên biết sai cứ đứng im chờ Bác đi qua. Cụ Nguyễn Văn Yến, sinh 1937, khi trước đang ở nhà, nghe tin Bác về đình liền chạy đến nghe Bác nói chuyện. Cụ cũng nhớ câu Bác nói “Nhân định thắng thiên” và chỉ vào bức ảnh Bác đứng nói chuyện ở thềm đình Ngoài. Bức ảnh này địa phương xin ở bảo tàng Hồ Chí Minh do nhận ra cảnh quan đình làng. Tiếc rằng đình Ngoài sau bị dỡ đi, nay chỉ còn đình Thượng là nơi Bác nghỉ chân. Đồng chí Nguyễn Văn La, bí thư chi bộ Ngọc Tỉnh phấn khởi cho biết, mấy năm trước tỉnh đã cho cây cầu sắt bắc qua kênh thuận tiện việc đi lại. Hiện nay xã xây lại Nhà tưởng niệm Bác Hồ gần đình làng. Công trình sau này sẽ là điểm du lịch văn hoá lịch sử quan trọng của địa phương. Sau đó chúng tôi cùng các cụ là những chứng nhân lịch sử và cán bộ Song Liễu đi lại đoạn đường Bác đã đi qua từ đình làng xuống Cầu Đậu (Hưng Yên). Đường bây giờ đã dễ đi hơn nhưng so với tiêu chí Nông thôn mới thì còn chưa đáp ứng được. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Chà, Phó Bí thư đảng ủy giãi bày: “Hiện Song Liễu mới đạt 11/19 tiêu chí, phấn đấu hết năm nay đạt thêm 2 tiêu chí, và phấn đấu hết nhiệm kì này cũng chỉ đạt 16/19 tiêu chí. Xã anh hùng, xã căn cứ địa cách mạng, xã vinh dự đón Bác về thăm mà con đường phát triển còn nhiều khó khăn quá. Nhưng chúng tôi tin, năm xưa công trình thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải đã mang lại bước đột phá cho phát triển nông nghiệp nơi đây từ 1 vụ bấp bênh lên 3 vụ chắc ăn thì chính hệ thống đường, mương này sẽ dẫn công nghiệp và dịch vụ về để làm thay đổi thế thuần nông, thay đổi bộ mặt Nông thôn mới”./.