Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

TẮM TRONG HỒN DÂN TỘC
15:00 | 16/08/2019

 Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, Trưởng phường rối nước Luy Lâu (thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sinh năm 1971, xuất thân nghề nông, nhưng là người có công đưa nghệ thuật biểu diễn rối nước dân gian lên chuyên nghiệp hóa. 

Tâm huyết với nghệ thuật rối nước quê hương, anh tham gia phường rối ngay từ năm 1989 khi làng khôi phục nghề truyền thống. Do tuổi trẻ còn phải lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, năm 1995 anh ra Hà Nội mở xưởng cơ khí và sửa chữa xe máy. Nhưng tiếng đàn tiếng hát của nhà trò rối nước cứ thôi thúc anh trở về. Năm 2000 anh quyết định về quê sinh sống để được cùng phường biểu diễn rối nước. Phường thiếu phương tiện loa đài, tăng âm anh tự mua sắm vừa để nhà dùng vừa để giúp phường mỗi khi đi biểu diễn. Mặc dù tuổi còn trẻ, Nguyễn Thành Lai vẫn được tin cậy bầu làm trùm phó. Khi cụ Nguyễn Thanh Trãi, trùm phường qua đời, anh được bầu làm trùm phường thay cụ. Lúc này tiếng vang phường rối nước Đồng Ngư đã được nhiều cơ sở kinh doanh du lịch biết tiếng, muốn liên kết hoạt động. Nhưng cơ cấu tổ chức của phường không mang tính chuyên nghiệp biểu diễn, mà chỉ là những người nông dân yêu thích văn nghệ hoạt động mang tính tự thoả mãn là chính nên khó có thể tổ chức đi hoạt động lâu dài xa làng quê được. Mặt khác, yêu cầu bảo tồn nghệ thuật gốc lại cần hình thức hoạt động của phường theo lối cũ đang duy trì. 
Nhưng Nguyễn Thành Lai đã suy tính đến cả hai hướng hoạt động ấy. Việc duy trì nghệ thuật gốc đang làm rồi. Nhưng cứ hoạt động theo mô hình này thì không thể đưa rối nước đi xa hơn được. Nhu cầu chuyên nghiệp hoá mới là hướng phát triển nghệ thuật biểu diễn. Một số mô hình biểu diễn rối nước chuyên nghiệp đang khá thành công là những gợi ý tốt cho những ấp ủ của Nguyễn Thành Lai được triển khai. Một mặt anh vẫn duy trì phường hoạt động theo mô hình cũ là bảo tồn nghệ thuật gốc, một mặt anh mở công ty biểu diễn chuyên nghiệp để phát triển nghệ thuật truyền thống. Đầu tháng 3/2010 anh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tên “Công ty TNHH một thành viên rối nước Thuận Thành”, vốn điều lệ một tỉ đồng, do anh là Giám đốc, trụ sở chính đặt tại thôn Đồng Ngư. Theo đăng ký, anh ấp ủ kinh doanh đa ngành kết hợp, như: Biểu diễn rối nước và các loại hình nghệ thuật dân gian; Đào tạo truyền nghề; Sản xuất, mua bán hàng thủ công mĩ nghệ; Dịch vụ dàn dựng, thiết kế sân khấu; Cho thuê con rối... 
Sở dĩ anh Lai dám đưa nghệ thuật rối nước lên tầm chuyên nghiệp hoá là do có một số lợi thế: Phường rối của làng có truyền thống lâu đời, hầu như mọi người dân làng ai cũng biết biểu diễn; phường biểu diễn trên nền nhạc Quan họ Bắc Ninh quê hương hoàn toàn độc đáo so với các phường khác; sân khấu biểu diễn (ao nổi, nhà trò khung thép) đơn giản, gọn nhẹ, dễ vận chuyển và có thể biểu diễn ở mọi nơi. Ngoài ra, còn phải kể đến thế mạnh riêng của anh Lai. Đó là anh tự làm được ao nổi, hàn được nhà trò khung thép, và đặc biệt là khả năng chế tạo con rối chuẩn. Hơn nữa, anh còn sáng tác nhiều tiết mục mới, trong đó có tiết mục mang tính hoành tráng như Hội quê Kinh Bắc, thâu tóm một số lễ hội truyền thống đặc sắc của quê hương.
Để đoàn hoạt động chuyên nghiệp, có hiệu quả, Nguyễn Thành Lai thành lập “Phường rối nước Luy Lâu” hoạt động độc lập với “Phường rối nước dân gian Đồng Ngư” do các nghệ nhân làng duy trì hoạt động theo hướng bảo tồn làng nghề. Anh kiêm Trưởng phường. Nghệ nhân Nguyễn Đình Hiệp là Phó phường. Phường có 31 thành viên (7 nữ) và đội ngũ cộng tác viên gắn bó trên 30 người. Phường có mặt bằng 5000 m2, trong đó 1000 m2 là diện tích của gia đình, 4000 m2 là diện tích thuê của xã. Để phù hợp với hoạt động biểu diễn cơ động, Phường rối nước Luy Lâu lập 3 Đoàn biểu diễn, mỗi đoàn 12 người: Đoàn 1 do nghệ nhân Nguyễn Đình Hiệp là Phó phường kiêm làm Trưởng đoàn. Đoàn 2 do nghệ nhân Nguyễn Văn Huy phụ trách. Đoàn 3 do nghệ nhân Nguyễn Văn Đoàn phụ trách. Từ năm 2016, Đoàn 2 liên tục biểu diễn cố định ở Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), mỗi ngày 3 ca, không nghỉ lễ tết để phục vụ khách. Thu nhập của diễn viên đạt từ 6-7 triệu đồng/tháng, ăn ở được bảo đảm. Đoàn 1 và đoàn 3 biểu diễn cơ động theo đơn đặt hàng, thu nhập theo sô diễn. Năm nhiều năm ít, thấp nhất cũng đạt 100 ca diễn. Thu nhập được đến đâu nghệ nhân Nguyễn Thành Lai lại dồn vào đầu tư xây dựng cơ sở Phường theo hướng thành “Khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu” vừa phục vụ sinh hoạt cộng đồng, vừa phát triển thành điểm du lịch văn hóa quan trọng của địa phương. Hiện anh đã phân chia thành 3 khu vực: Khu ao nhà người Việt và Thủy đình biểu diễn; Khu tạo hình; Khu trưng bày. Anh mong muốn đây là nơi hội tụ tất cả các nét văn hoá truyền thống của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm và trau dồi rất nhiều kiến thức về văn hoá của người Việt xưa, đồng thời được thưởng thức các loại hình Nghệ thuật đặc sắc, như xem trình diễn múa rối nước dân gian, thưởng thức các làn điệu Quan họ và nghệ thuật hát ca trù (là 2 Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại), học làm tranh dân gian Đông Hồ, làm giấy Đống Cao, chạm khắc Phù Khê, đúc đồng Đại Bái, tơ tằm Vọng Nguyệt, làm đậu Trà Lâm, gốm Phù lãng... Du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian vô cùng thú vị và nhận cho mình rất nhiều các phần quà đặc biệt, như trò bịt mắt bắt dê, kéo co, leo cột hái quà, ô ăn quan, đi cầu khỉ, bắt chạch trong chum, nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đội bình gốm…
Ở khu trưng bày du khách sẽ gặp lại những hiện vật gia dụng truyền thống nhưng nay đang bị loại bỏ khỏi đời sống hiện đại: Nồi đồng, cối đá, mâm gỗ, bát sành, chum đất, đèn bão, xe trâu, cối xay lúa giã gạo, cầu đá, giếng làng, bể trời, cầu tõm... Đến với khu bảo tồn, du khách còn có thể trải nghiệm như người nông dân thực thụ tại khu nông trại sạch hữu cơ với các hoạt động: Trồng rau, cấy lúa, tát nước, làm đất, nhổ cỏ, tưới hoa, chăm gà, nhặt trứng gà, bắt cá... Du khách chiêm ngưỡng các giống gia cầm quý như: Gà Đông Tảo, gà Hồ, gà ác, gà tre, gà ri, chim bồ câu, chim trĩ, vịt trời... thậm chí có thể trực tiếp chế biến các nông sản sạch do tự tay mình thu hoạch để thưởng thức cùng người thân mà hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Ngoài ra, tại đây du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã như: Bánh đúc, bánh khoai, bánh tẻ, bánh âm, bánh dày; đặc sản xôi vò, nem Bùi, gà đắp đất, cá úp xoong, đậu tảng... Du khách cũng có thể được các nghệ nhân hướng dẫn tự tay làm các loại bánh đặc sản này để làm quà. 
Hiện nay, Phường rối nước Luy Lâu của nghệ nhân Nguyễn Thành Lai vừa biểu diễn múa rối nước, vừa có thể bảo đảm hoạt động tới hơn 200 trò chơi dân gian ba miền phục vụ các hoạt động lễ hội các cấp. Anh thường nhận nhiều hợp đồng biểu diễn lớn tới 30 trò chơi dân gian trong ba ngày. Một số trò chơi dân gian anh phải mời cộng tác viên tận miền Nam và miền Trung ra biểu diễn, như các trò Hô bài chòi, Hát lô tô…
Tắm trong nghệ thuật dân gian, cả gia đình nghệ nhân Nguyễn Thành Lai đều theo nghề. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Bảy vừa biểu diễn vừa hát đệm. Con trai Nguyễn Tiến Thành là diễn viên. Con gái Nguyễn Mai Linh Hương hiện đang học lớp 10 nhưng đã có thâm niên 10 năm  theo nghề của bố, nay vừa hát đệm vừa kiêm  dẫn chương trình.
Tâm huyết với nghề, vừa bảo tồn nghệ thuật gốc, vừa dám đưa nghệ thuật rối nước truyền thống lên tầm chuyên nghiệp, Nguyễn Thành Lai thật là một người Đồng Ngư đặc biệt, một người Bắc Ninh đặc biệt. Năm 2012 Phường rối nước Luy Lâu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen. Năm 2018 vừa qua, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai cũng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ. Anh chính là người có công quảng bá hình ảnh Bắc Ninh thông qua nghệ thuật truyền thống đi xa mỗi ngày một xa./.
 
                                                                                                                                                                                  PHẠM THUẬN THÀNH