Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

SẼ MÃI LÀ MỘT TẤM GƯƠNG
15:23 | 03/01/2019

 Trong suốt quãng đời niên thiếu, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được học qua nhiều thầy, cô giáo. Nhìn chung đối với thầy, cô giáo nào tôi cũng rất kinh trọng, nhớ ghi, và nhất là đối với thầy giáo Đào Bình Lựu người đã tạo nên nhiều ý nghĩ tốt đẹp trong tôi thì tôi lại càng không thể nào quên.

Buổi chiều ngày hôm đó, theo đúng như lời ước hẹn, tôi đã tìm đến làng quê của thầy. Đó là làng Yên Mỹ, thuộc xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay. Tôi đến nhà một người quen có tên là Đào Văn Phê để rồi nhờ ông Phê đưa đến nhà thầy. Đây rồi! Tôi và ông Phê dừng lại trước một cái cổng. Cái cổng xây bằng gạch, tuy nhỏ hẹp nhưng ở phía trên có vòm uốn cong nên trông có vẻ rất cổ kính. Cổng mở, tôi và ông Phê đi qua cổng để vào trong sân. Tôi lên tiếng gọi. Từ trong cửa nhà khách thầy Lựu đi ra. Chợt nhận ra tôi thầy Lựu tỏ ra rất vui mừng, hoan hỉ chào đón và mời chúng tôi vào nhà. Rồi tiếp đó, bên bàn trà câu chuyện bắt đầu mở ra khiến tôi lại nhớ đến những ngày tháng năm đã qua.
Đó là vào những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ 20, sau khi hòa bình lập lại, hệ thống trường lớp của ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh còn rất sơ sài. Đa phần các trường lớp vẫn phải học nhờ ở các đình chùa và nhất là học sinh thì tuổi tác chênh lệch khác nhau, chưa có một quy chế nào. Cả huyện Thuận Thành mới có hai trường phổ thông cấp hai. Đó là trường phổ thông cấp hai xã Trí Quả và Trường phổ thông cấp hai xã Gia Đông. Giống như các trường phổ thông khác, trường phổ thông cấp hai xã Trí Quả hồi ấy phải học nhờ ở đình làng Phương Quan (thuộc xã Trí Quả) tọa lạc trên một khu đất khá rộng ở ngay phía đầu làng, bên cạnh con đường giao thông liên xã. Thầy Lựu trước đó giảng dạy ở trường nào tôi không biết, chỉ biết là năm 1959 thầy được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng trường phổ thông cấp hai xã Trí Quả. Và tôi cũng chỉ là học sinh vừa mới đỗ tốt nghiệp được lên học cấp hai. Mối quan hệ giữa tôi và thầy Lựu không có gì khác lạ, cũng giống như bao nhiêu người khác, là tình thầy trò. Thầy Lựu nhận biết ra tôi khi gọi lên kiểm tra bài. Còn tôi chỉ biết là mình rất mến thầy bởi thầy là một giáo viên mẫu mực, cần cù, chịu khó. Có một chi tiết làm tôi nhớ mãi, đó là sự cẩn thận, chu đáo mỗi khi lên giảng đường. Bộ môn Vật lý vốn là sự khô khan, khó hiểu. Nhưng tiết học nào thầy cũng mang các đồ giáo cụ trực quan lên lớp để chứng minh, truyền đạt kiết thức cho các em học sinh dễ hiểu. Bởi vậy, mỗi khi đến giờ của thầy lên lớp là cả lớp chúng tôi đều cảm thấy rất vui và thoải mái. Rồi ngày tháng trôi đi, khi học hết cấp hai tôi đi học trường Trung cấp Nông nghiệp. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá ra miền Bắc, tôi xung phong đi bộ đội. Sau khi bị thương phục viên trở về tôi đã lao hết mình cho sự nghiệp văn chương. Và rồi cho đến ngày hôm nay, tôi cảm thấy rất vui được ngồi ở bên thầy, được nghe thầy kể chuyện. Thì ra, thầy đã 84 tuổi (tuổi Ất Hợi) mà vẫn làm Hiệu trưởng một trường tư thục, vẫn kiêm làm hội trưởng Hội khuyến học, khuyến tài của làng xã quê hương. Thật đúng là "Tuổi cao trí càng cao" vẫn "sống vui, sống khỏe, sống có ích". Hiện thầy đang sống cùng gia đình rất là hạnh phúc. Người vợ hiền của thầy vẫn còn khỏe mạnh, các con của thầy đều ăn nên làm ra, con trai, con dâu của thầy đều có bằng cấp từ Đại học đến Thạc sĩ trở lên. Có một điều nữa mà tôi bất ngờ, đó là vì thầy tuổi đã cao, sức đã yếu, trong khi bận rộn với bao nhiêu thứ công việc, vậy mà vẫn có thời gian để ngồi đọc sách, cùng với sự say mê nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, và thực tế đã chứng minh. Đó là vì hai cuối sách có tên là "Yên Mỹ quê ta", "Khuyến học, khuyến tài Yên Mỹ" mà thầy Lựu đã tặng tôi và ông Phê. Tôi có cảm nghĩ là: Qua nội dung và cách tổ chức trình bày ở hai cuối sách cũng đã đủ nói lên sự cần mẫn nghiêm túc, cùng với sự uyên thâm về kiến thức của thầy. Thầy hệt như một nhà sử gia của một làng xã quê hương mà ít ai đã làm được.
Rồi tiếp đó, vẫn là sự mừng vui. Vui vì sự nhận thức, vì sau khi đã chia tay với thầy, về đến nhà rồi mà trong lòng tôi vẫn rộn lên về những nghĩ suy. Thì ra, "Tiên học lễ, hậu học văn" lời xưa của các cụ nói không sai. Nếu thực sự muốn vươn lên để có những thành công thì trước tiên phải học cách sống để làm người. Bởi vậy, rồi đây, văn chương của tôi dù có hay đến đâu thì tôi vẫn phải học thầy. Học về nhân cách. Thầy giáo Đào Bình Lựu sẽ mãi là một tấm gương sáng để tôi cũng như thế hệ trẻ hôm nay kính trọng và noi theo./.

                                                                                                                                                                                 NGUYỄN HỮU