Hai tháng trước khi nhập ngũ (tháng 4/1962) anh thanh niên Nguyễn Duy Tăng (quê Đô Đàn, Chi Lăng, Quế Võ, Bắc Ninh) đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Với phẩm chất của người Đảng viên trẻ, trung thành tận tụy, dù văn hóa chỉ mới lớp 6 (hệ 10/10) được đào tạo làm công tác cơ yếu ở quân chủng Phòng không - Không quân, Chuẩn úy Nguyễn Duy Tăng vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ “dịch chính xác và kịp thời” những bức điện khẩn, mật. Theo cùng cuộc sống quân ngũ, kỷ niệm dịch mật mã thật nhiều, đằm theo cả những giọt nước mắt, những niềm vui...
Từ cuối tháng 8/1969, sau liên tục những lần dịch các bức điện thông báo về tình hình sức khỏe của Hồ Chủ Tịch, tâm trạng Nguyễn Duy Tăng đã ở trong trạng thái bất an. Giãi bày tâm sự ấy với Chính ủy Lê Chinh thì được trấn an:
- Đồng chí hãy tuyệt đối tin ở Trung ương Đảng.
Nửa đêm ngày 3/9/1969 Nguyễn Duy Tăng đang ngủ say thì đồng chí báo vụ gõ cửa, đưa cho bức điện đề “Tối khẩn”. Linh tính đã khiến Chuẩn úy ngay lập tức tỉnh táo, ngồi vào bàn làm việc gấp gáp.
Khi dịch đến dòng chữ “Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...” nhịp thở Chuẩn úy dồn nén. Có điều hệ trọng rồi… Dịch tiếp đến hàng chữ “vô cùng thương tiếc báo tin...” thì tự nhiên cổ nghẹn lại, nước mắt tuôn trào, đầu óc quay cuồng. Thế là Bác Hồ …đã ra đi. Phải tới 5 phút sau Nguyễn Duy Tăng mới trấn tĩnh, dịch tiếp. Vừa dịch vừa khóc, khóc không thành tiếng, nước mắt chảy tràn qua hai gò má rơi xuống ướt nhòe cả bức điện. Viết lại bản dịch mà lồng ngực vẫn như bị nghẹn lại, xong, vội vã lau nước mắt đem trình Chính ủy Lê Chinh.
Cũng như Nguyễn Duy Tăng, Chính ủy Lê Chinh cũng bị bàng hoàng.
Trong đêm lịch sử ấy Chính ủy và cơ yếu ôm nhau khóc, khóc vì mất đi một thứ lớn lao, hy vọng và gần gũi tin tưởng nhất của đời mình. Hồi sau Chính ủy nói:
- Với lòng kính yêu Bác, chúng ta không được phép tỏ ra mềm yếu. Phải khắc phục khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Phải giữ gìn tốt sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo; trước mắt cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tổ chức trang nghiêm lễ tang Bác. Bộ phận của đồng chí chỉ có một mình, lúc này càng cần phải cố gắng để dịch chuẩn xác những chỉ thị tiếp theo của Quân ủy.
- Báo cáo Chính ủy, nhất định tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ, dịch chính xác nhanh chóng các bức điện, và xin hứa làm tốt tất cả công tác khác đơn vị giao.
- Tốt lắm, chúng ta vẫn luôn còn Bác trong trái tim. Bác sẽ mãi mãi được thấy chúng cháu phấn đấu theo lý tưởng và những mong ước của Người.
Thời gian sau đó dù vẫn chỉ có một mình, Chuẩn úy Nguyễn Duy Tăng vẫn luôn làm tốt chức trách của người cơ yếu, người đảng viên Đảng Cộng sản.
Ngày Nguyễn Duy Tăng được điều về công tác ở Đoàn Hậu cần 925, Trung đoàn trưởng Mai Đức Toại có ý ngần ngại khi xem một bức điện khẩn, mật do Nguyễn Duy Tăng dịch, chỉ vì nghĩ nội dung bức điện này rất đặc biệt, nó liên quan nhiều mặt đến trận ra quân đầu tiên đánh giặc trời của đơn vị. Băn khoăn ấy lộ rõ khi hỏi lại thì chính Nguyễn Duy Tăng cũng không phát âm nổi tên một số ký hiệu lạ. Thủ trưởng tỏ ý yêu cầu dịch lại.
Tôn trọng cấp trên, không tự ái, người làm công tác cơ yếu cẩn tắc vô áy náy, vấn đề là theo nội dung thời gian cho phép. Nguyễn Duy Tăng xin lập tức dịch lại, chỉ từ chối không cầm bức điện vừa dịch mà đề nghị Thủ trưởng giữ để so sánh với bức dịch lại lần thứ 2, xem có chỗ nào khác nhau. Nhanh chóng Thủ trưởng nhận được bản dịch lại không sai với bản dịch lần đầu một kí tự nào. Thì ra trong bản dịch có những ký tự thuộc ngôn ngữ tiếng Nga không có trong tiếng Việt mà do cả Mai Đức Toại và Nguyễn Duy Tăng chưa học tiếng Nga nên không phát âm được. Tuy nhiên gọi ra chữ rồi nó vẫn hoàn toàn cần thiết hữu dụng với người thợ lắp ráp. Triển khai bức điện ấy, 20 chiếc máy bay Mir được lắp ráp kịp thời chuyển về sân bay Yên Bái phục vụ cho trận ra quân đầu tiên thắng lợi giòn giã của đơn vị: Một máy bay của không quân Mỹ đã bị máy bay vừa lắp ráp của ta bắn đứt đôi trên bầu trời Tổ quốc Việt Nam.
Thủ trưởng Mai Đức Toại đã rất hài lòng về chiến công, về người cơ yếu đơn vị mình; ông vỗ đùi đen đét khen: “Đánh thế mới là đánh, dịch nhanh mà chuẩn thế mới là dịch”. Ông khen thưởng kịp thời về sự tận tụy chính xác trong thi hành nhiệm vụ của người cơ yếu. Với đơn vị ông yêu cầu tất cả tuân thủ nề nếp tác phong chính quy hiện đại, riêng trường hợp Nguyễn Duy Tăng ông cho phép vận y phục thoải mái để có thể làm tốt việc dịch các bản mật mã. Ông cũng động viên cho phép người vợ của chuẩn úy Nguyễn Duy Tăng lên thăm chồng nghỉ ở chiêu đãi sở được hưởng mua bán các mặt hàng thiết yếu theo chế độ ưu đãi, ưu tiên thời chiến. Chân tình ông hỏi Nguyễn Duy Tăng còn có đề đạt gì để khích lệ đồng chí làm nhiệm vụ tốt hơn. Cũng chân tình Nguyễn Duy Tăng sờ lên ve áo: Thủ trưởng xem cấp quân hàm này bao nhiêu lâu rồi, nó có buộc phải “nguyễn y vân” (tức vẫn y nguyên) không ạ?
Thủ trưởng đáp ngay:
- Hiểu, hiểu lâu rồi, làm công tác kỹ thuật chuyên môn chịu thiệt thòi hơn anh sĩ quan chỉ huy. Điều này phải đợi cụ Song Hào quyết định, nó thuộc một nguyên tắc lớn.
- Thủ trưởng hỏi thì báo cáo nguyện vọng vậy thôi, chứ dù thế nào, dù quân đội giao nhiệm vụ gì tôi cũng quyết tâm hoàn thành.
- Tốt, đơn vị luôn tin ở đồng chí.
Năm 1971 Nguyễn Duy Tăng được chọn về công tác ở Ban cơ yếu Quân chủng Phòng không - Không quân, trực dịch mật mã tại chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông) phục vụ cho kế hoạch đánh máy bay B52 - chiến dịch Điện Biên Phủ trên không như sự dự báo thiên tài, nhìn xa thấy trước của Bác Hồ. Đây cũng là thời kỳ một Chuẩn úy cơ yếu may mắn được nhìn thấy vị Tổng Tư lệnh - Đại tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp trong sinh hoạt thường ngày. Thế rồi Mỹ phải rút quân, Chuẩn úy Nguyễn Duy Tăng lại gấp rút lên đường vào Tà Cơn chuẩn bị cho không quân Viêt Nam vươn xa đánh sâu trong lòng hậu cứ địch, rồi tiếp cánh bay sang Lào - sân bay Sê Pôn làm nhiệm vụ quốc tế.
Bao nhiêu đêm không ngủ thức dịch mật mã, bao nhiêu bức điện gắn với máu xương đồng đội, đồng bào, làm sao không nhớ, nhưng nhớ hơn cả, nhớ đến đến trọn đời vẫn là nhớ về bức điện báo tin Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi.../.
NGUYỄN THỊ HẢI