Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

PHẢI CÓ TÌNH ĐỒNG CHÍ THƯƠNG YÊU LẪN NHAU
09:02 | 18/10/2019

 Trước lúc “đi xa”, Bác Hồ để lại cho Đảng ta, nhân dân ta bản Di chúc lịch sử. Bản Di chúc đã được Bác chuẩn bị và cơ bản hoàn thành từ năm 1965. Năm 1966, như thường lệ, Bác vẫn dành thời gian từ 9 giờ đến 10 giờ các ngày 10 và 11/5 để tiếp tục suy nghĩ những điều dặn lại cho mai sau. Ngày 12 đến 14/5, Bác họp Bộ Chính trị, chính trong những ngày này, Bác đã ghi thêm một câu đặc biệt quan trọng: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(*).

Sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm một câu như thế. Chỉ một câu thôi, nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết trong Đảng, là nội dung cốt lõi trong tự phê bình và phê bình và cũng là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Bao trùm lên tất cả là nghĩa tình trong quan hệ giữa người với người. Nếu không xuất phát từ tình thương yêu lẫn nhau thì cuộc sống sẽ chẳng còn điều gì có ý nghĩa cả.
Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn luôn trăn trở, dành nhiều tâm lực chăm lo công tác xây dựng Đảng và vấn đề đoàn kết trong Đảng. Bác Hồ đã từng nói: “Con người ta trước hết phải có đạo đức, sống với nhau phải có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách chủ nghĩa Mác - Lênin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa thì chỉ là giáo điều, sách vở”(*). Trước khi “từ biệt thế giới này”, Người vẫn dành sự quan tâm trước hết về Đảng. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các Chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (*).
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh đoàn kết là sức mạnh của Đảng ta. Đoàn kết thống nhất trong Đảng phải dựa trên nền tảng là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dựa trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đó là hai mặt “lý” và “tình” trong vấn đề đoàn kết và là cơ sở để bảo đảm sự đoàn kết thật sự cả trong tư tưởng và hành động của mỗi đảng viên. Trong quan hệ giữa đảng viên với nhau, nếu không có tình đồng chí, không có tình thương yêu lẫn nhau thì không thể có sự đoàn kết thật sự, bền vững. Mọi sự đoàn kết giả tạo, đoàn kết một cách hình thức bề ngoài đều tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu sức mạnh của Đảng. Đây là một quan điểm lớn, một cống hiến lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với những luận điểm về Đảng của các nhà sáng lập ra Chủ nghĩa Cộng sản khoa học. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm tâm lý, truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Trong xu thế hội nhập với thế giới và dưới tác động nhiều mặt của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, để bảo đảm gìn giữ sự đoàn kết thực sự trong Đảng, mỗi đảng viên, cán bộ phải ý thức được và thực hiện tự phê bình, phê bình như một nhu cầu tự thân, tự giác, như con người cần không khí để thở, chỉ có như vậy tự phê bình và phê bình mới bảo đảm tính trung thực, mỗi đảng viên, cán bộ mới thanh thản tự nói lên và kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm của chính mình.  Bác Hồ đã từng căn dặn cán bộ, đảng viên cần nhận rõ: Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và của đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại và tự vượt lên chính bản thân mình. Hoàn toàn tự giác trong tự phê bình và phê bình, tức là con người đã đạt đến trình độ làm chủ được bản thân, điều chỉnh hoạt động của bản thân và tổng hòa được các mối quan hệ xã hội. Vượt qua được cái ngưỡng “tự giác”, tức là con người đã vượt qua sự thấp hèn để vươn tới tầm cao mới của đức độ, phẩm hạnh.
Đấu tranh để chiến thắng chính bản thân mình, tự giác, thành tâm nói thật, nói rõ và nói hết những sai trái, lỗi lầm của bản thân với tổ chức là điều khó khăn nhất, đòi hỏi ở lòng dũng cảm và đức liêm chính của người đảng viên. Đó thực sự là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa “chính tâm” và “tà tâm” trước sự cám dỗ đầy ma lực của danh vọng, quyền lực và tiền bạc. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị và băng hoại phẩm chất, đạo đức, lối sống dẫn đến sa ngã của cán bộ, đảng viên luôn bắt nguồn từ sự thiếu trung thực, né tránh sự kiểm tra, giám sát của tổ chức và của nhân dân, cố tình biện bạch, giấu giếm những việc làm sai trái, lầm lỗi. 
“Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” trong phê bình là có sao nói vậy, nói rõ ràng, thành thật, không những nói rõ những sai lầm, khuyết điểm mà cần nói rõ nguyên nhân và cách sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm đó, không suy diễn, thêm bớt, đơm đặt, che giấu, không soi mói, mỉa mai… Đáng tiếc là hiện nay, bên cạnh những tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, thì ở nhiều nơi đã và đang nảy sinh những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng chưa quán triệt nguyên tắc “tự phê bình và phê bình”, một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác xây dựng Đảng, chưa tạo thành chế độ, thành nền nếp trong sinh hoạt Đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên có tư tưởng “dễ người, dễ mình”, “dĩ hoà vi quý”, thấy đồng chí có khuyết điểm cũng không dám nói, hoặc không nói, “bằng mặt, nhưng không bằng lòng”. Một số người lợi dụng phê bình “để công kích, để nói xấu”(**). Động cơ của những người này “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, trả thù, tiểu khí”(**) Hậu quả của nó là một số đồng chí từ khuyết điểm nhỏ nhưng do không được đồng chí, tổ chức góp ý để sửa chữa đã tích tụ thành khuyết điểm lớn. Còn tổ chức thì mất cán bộ, nội bộ dẫn đến mất đoàn kết.
Trong sinh hoạt Đảng (hội nghị chi bộ, đảng bộ, cấp ủy) nhiều thành viên thường giữ sự im lặng, khi phát biểu thì khen ngợi một chiều, thậm chí tâng bốc để lấy lòng nhau, nhất là khi nhận xét người lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, hoặc “bắn chỉ thiên”, không đụng đến ai để không ai đụng đến mình… nhưng sau hội nghị lại chê bai, dèm pha, thậm chí có trường hợp xúi bẩy, lôi kéo đồng minh, lan truyền xuyên tạc, vu cáo, dựng chuyện, “gắp lửa bỏ tay người”,  bôi nhọ người khác nhằm hạ thấp uy tín, nhất là với những đối thủ có khả năng cạnh tranh trên con đường danh lợi. 
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, toàn Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó xử lý kỷ luật 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, 11 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và  nhiều tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang... Đáng chú ý là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, 1 đồng chí Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khai trừ Đảng và bị xử lý theo pháp luật với mức án nghiêm khắc. Phần lớn các vụ vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước đều do nhân dân và dư luận xã hội và báo chí phát hiện, làm cơ sở để cơ quan kiểm tra các cấp kiểm tra, xử lý, rất ít vụ việc được phát hiện do tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng. Đó là bài học đắt giá về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, lối sống của đảng viên, cán bộ, không vượt qua được những cám dỗ tầm thường, để chiến thắng chính bản thân mình. Đồng thời cũng là bài học đắt giá về sự buông lỏng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị  và thiếu kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng, trước hết là tổ chức Đảng cơ sở.
*   *   *
Năm mươi năm đã qua, những lời dặn lại trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nóng hổi tính thời sự, thôi thúc, nhắc nhở mỗi đảng viên, cán bộ “Phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau”. Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi các tổ chức Đảng và mỗi đảng viên, cán bộ vận dụng phương pháp tự phê bình và phê bình, xây dựng tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau, để kiến tạo một môi trường công tác dân chủ, đoàn kết và thống nhất, thiết thực xây dựng cơ quan, địa phương, đơn vị trong sạch, vững mạnh. 
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương ngời sáng về “Tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau”. Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Kỷ niệm 50 năm ngày Bác ra đi về với thế giới người hiền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Một Hồ Chí Minh đầy bao dung, nhân ái, suốt đời dành tình yêu thương trọn vẹn đối với mọi tầng lớp nhân dân và toàn thể nhân loại như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Bác ơi tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người"; Tổng Bí thư nhắc nhở: “Nhớ lời Bác dặn, theo chân Bác, không chỉ nhớ và học thuộc lòng mà phải ngấm vào máu, vào tim vào óc của mình phải trăn trở, suy nghĩ, day dứt để học và làm theo. Toàn Đảng, toàn dân ta cũng phải thực hiện như thế (***)".
---------------------------------------------
(*) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, 10, 12. Nhà xuấtbản Chính trị Quốc gia, 1996.
                                                                                                                                                                                                     TÂN HUYỀN
 
(**) Tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 (***) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc gặp mặt đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo lời Bác, nhân 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ.