Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

PHÁC HỌA CHÂN DUNG MỘT NHÀ VĂN CAO TUỔI
15:24 | 03/01/2019

 Tôi với nhà thơ Nguyễn Sơn biết nhau mới khoảng chục năm. Với tôi, ông không chỉ là người có đức tính khiêm nhường, giản dị, sống với anh em bè bạn, người thân thì luôn lấy sự trân thành, cởi mở, đức hi sinh làm trọng. Ở ông còn toát lên một tâm hồn thơ, một tâm hồn thi sĩ. Với ông, thơ đơn giản chỉ là thú chơi tao nhã trang điểm cho cuộc sống. Ông lấy thơ để tâm sự, để bày tỏ lòng mình, động viên mình và bè bạn sống có ích và san sẻ yêu thương…

Sinh năm 1944 tại khu phố Yên Lã, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở vào giai đoạn quyết liệt, chàng trai trẻ Nguyễn Sơn đành gác lại biết bao ước mơ hoài bão để lên đường ra mặt trận. Năm 1972, sau 4 năm cùng đồng đội vượt qua mưa bom bão đạn mở những con đường Trường Sơn đi đánh Mĩ, vì lý do sức khỏe, ông được ra Bắc rồi chuyển ngành về công tác tại Công ty Xây dựng thương nghiệp Hà Bắc, rồi Trường đại học Thể dục thể thao Trung ương, đến năm 2004 thì nghỉ hưu. 

Có thể nói, suốt 36 năm được tôi rèn trong môi trường chiến đấu và công tác, gian khổ hy sinh cũng có, vất vả, gian lao rồi trưởng thành, vinh quang cũng đã trải qua, từ đó đã làm nên phẩm chất, bản lĩnh của một con người luôn sống với tinh thần trách nhiệm, chan hòa tình yêu thương đồng bào, đồng chí. Và có lẽ, chính những tháng năm gian khổ và vinh quang đó đã ấp ủ trong trái tim ông biết bao cảm xúc, để hôm nay mới trở thành vốn sống dồi dào, rồi thai nghén, chắt lọc thành thơ.

Nguyễn Sơn đến với thơ rất muộn, mãi đến năm 2010 mới có bài thơ đầu tiên. Ông kể: “không phải đến lúc bấy giờ mình mới thích, mới làm thơ, mà đã “võ vẽ” từ những ngày còn trai trẻ. Thế rồi môi trường công tác, rồi biết bao vất vả mưu sinh cứ “cuốn” mình đi, để những tứ thơ, những vần thơ cứ chập chờn, ấp ủ trong lòng…” Bởi thế, mãi tới khi mái đầu đã bạc, đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, Nguyễn Sơn mới xuất bản tập thơ đầu tay với tựa đề “HOÀNG HÔN TÍM”. Với tôi, “HOÀNG HÔN TÍM”, tên tập thơ của Nguyễn Sơn không chỉ khiêm nhường mà còn mang tính ẩn dụ sâu sắc. Người ta thường khởi đầu và làm nên sự nghiệp ở lúc tuổi đang xung sức nhất, thường được ví như ánh nắng vàng rực rỡ, chói chang ngày chính hạ. Còn hoàng hôn ư, ánh nắng cuối chiều ấy chỉ còn vương lại nhạt nhòa, le lói mỏng manh. Ông tự nhận mình đã ở vào cái tuổi hoàng hôn ấy, nhưng hoàng hôn ở ông lại tỏa ra thứ ánh sáng màu tím, màu của tình nghĩa thủy chung, trước sau như một. Đó cũng chính là con người ông, tình cảm của ông đối với quê hương đất nước, với người thân, bà con lối xóm, bè bạn xa gần…

Với Nguyễn Sơn, thơ của ông không chỉ là những dòng cảm xúc viết ra từ đáy lòng mình, không cầu kỳ, hoa mĩ, mà chất phác, thật thà như chính con người ông vậy. Qua thơ, ông còn muốn gửi tới bạn đọc một cách nhìn và triết lý sống của riêng mình, cùng mọi người hướng tới vẻ đẹp chân thiện mĩ, bởi thế, thơ Nguyễn Sơn cứ bộc bạch, chân thành đi thẳng đến trái tim người đọc. Ngày trước ông làm thơ rất nhiều nhưng rồi để đấy, chẳng công bố, cũng ít khoe với bè bạn, chỉ thỉnh thoảng đọc lại như một sự chiêm nghiệm của cuộc đời. Thế nhưng, không hiểu vì sao mà thơ Nguyễn Sơn cũng “lọt” tới tay nhiều người. Mấy câu lạc bộ thơ xa có, gần có đánh tiếng mời ông sinh hoạt. Và cũng kể từ khi mang thơ ra trình làng, ông đã có dịp giao lưu, học hỏi nhiều hơn, ông làm thơ nhiều hơn, và thơ ông cũng “trưởng thành”, “chững chạc” hơn rất nhiều. 

Đọc “HOÀNG HÔN TÍM”, với 200 bài thơ ông viết và tuyển chọn, tôi đã bị cuốn hút bởi nội dung và bút pháp thể hiện. Tập thơ đã tạo lên bản sắc rất riêng, ý thơ mạch lạc, giàu cảm xúc. Và đặc biệt, tập thơ có nhiều bài hay và viết ở nhiều thể loại, thể hiện tài quan sát thực tiễn, khắc họa sinh động tâm tư tình cảm, chân dung con người và cuộc sống một cách dung dị, nhưng vẫn không quên gửi gắm tình cảm của mình trong đó. Đọc “HOÀNG HÔN TÍM” của ông, ta thấy Nguyễn Sơn rất cẩn thận qua cách dùng câu, dùng chữ và sử dụng thể loại một cách hiệu quả nhất để chuyền tải ý tưởng của mình. Thơ Nguyễn Sơn không chỉ thành công trong việc khắc họa hình ảnh, chân dung lãnh tụ cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Võ Nguyễn Giáp... mà những con người bình dị chân quê, những người mẹ, người chị, người vợ tần tảo một nắng hai sương, những đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử, những người bạn thuở hàn vi thời chăn trâu cắt cỏ, rồi tình làng, nghĩa xóm… cũng đều được ông viết thành thơ với tấm lòng mến yêu trân trọng. Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập đến nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có tình yêu đôi lứa, tình yêu bè bạn, tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi con người và mảnh đất Bắc Ninh - Kinh Bắc quê hương ông và nhiều vùng miền Tổ quốc. Nhà thơ Nguyễn Sơn có dịp đến nhiều nơi, và có lẽ, đến đâu ông cũng ghi lại những cảm xúc của mình bằng thơ, để nhớ, để thương, để thêm một lần hò hẹn… 

Có thể nói, thơ Nguyễn Sơn hôm nay đã “có nghề” hơn, súc tích hơn rất nhiều, tạo được chỗ đứng, ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều bài thơ chất lượng, được bạn đọc đánh giá cao, thì đôi lúc ông cũng không tránh khỏi thói quen thường thấy ở một số nhà thơ cao tuổi, đó là tác giả còn để cảm xúc thật của mình chi phối, làm cho một số bài còn dàn trải, câu thơ gượng ép, dễ dãi trong cách thể hiện... giảm đi tính nghệ thuật trong thơ. Nếu khắc phục được, chắc chắn, thơ Nguyễn Sơn sẽ ngày càng có sức lan tỏa, truyền cảm hứng tới đông đảo người đọc, người nghe.

Ở góc độ bài viết này, tôi xin phép không bình luận, đánh giá sâu về nội dung, chất lượng tập thơ “HOÀNG HÔN TÍM” của Nguyễn Sơn, điều đó xin được nhường lời cho bạn đọc. Chỉ xin được phác họa đôi nét về chân dung một nhà thơ cao tuổi, một tâm hồn thơ trong sáng, luôn rung động trước những gì đã và đang diễn ra với cuộc sống mà ta đang sống. 

Hôm nay, nhà thơ Nguyễn Sơn đã sang tuổi 75, cái tuổi đã đi đến bên kia sườn dốc của cuộc đời, nhưng ông vẫn mạnh khỏe, lạc quan, vẫn lấy tình cảm anh em bè bạn, bà con làng xóm làm điểm tựa tinh thần, vẫn sáng tác thơ để làm đẹp cho đời, cho mọi người, nuôi khát vọng sống và cống hiến… 

Nhân dịp tác giả ra mắt bạn đọc tập thơ “HOÀNG HÔN TÍM”, tôi ghi lại đôi điều cảm xúc của mình, thay một bông hoa gửi tặng người bạn thơ mà tôi hằng mến yêu kính trọng. Chúc ông có nhiều sức khỏe, luôn dồi dào cảm xúc và năng lượng sáng tạo để có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, thỏa mãn niềm đam mê thơ phú của mình.“Vùn vụt trôi qua bóng hạc bay/ Cuộc đời thấm thoát mấy gang tay”. Để rồi:“Làm sao phải sống cho ra sống/ Kẻo uổng sinh ra một kiếp người!”

Nhà thơ Nguyễn Sơn nhìn cuộc đời như thế, nói với mình như thế. Chúng ta cùng cảm nhận để càng thêm mến yêu, trân trọng tác giả và tác phẩm.

                                                                                                                                                               HOÀNG NGỌC BÍNH

* Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Nhà thơ Nguyễn Sơn.

Ảnh 2: Bìa tập thơ “Hoàng hôn tím” của nhà thơ Nguyễn Sơn.