Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NỖI ĐAU ĐAU ĐẾN BAO GIỜ
07:58 | 28/08/2018

 

HOÀNG TIẾN

Anh ở làng Bút. Tôi và anh cùng tuổi Sửu. Thường người tuổi “Sửu” là vất vả. “Trâu” mà. Nhưng sao vẫn có người tuổi “Sửu” sung sướng và cả làm to. Vậy có đúng tuổi “Sửu” là gian nan, là khổ như “trâu” không? Ngay anh và tôi cũng khác. Tôi thì bình thường, lúc gian truân, lúc nhàn hạ, như những người tuổi Tý, Dần, Thìn chẳng hạn. Có anh “Tý” còn cực hơn cả “Sửu”. Cũng có anh “Dần” lại đần hơn cả “Tý”, như là chẳng số mệnh gì.

            Nhưng anh: Người gầy nhom, da đầu đỏ hỏn, nham nhở. Tay liên tục gãi, hết cổ lại đầu. Tóc chòm đen, chòm trắng, cổ bợt nhạt, mầu khoang. Quần áo xộc xệch, thiếu cả khuy, nhìn kỹ còn thấy “bẩn”.

            Tôi thương anh lắm. Cùng nhập ngũ nhưng vào B mỗi anh em một nơi, tôi vào sâu hơn. Anh về Quân khu Trị - Thiên. Sau giải phóng may cùng còn sống. Tôi khá hơn, lành lặn. Còn anh, năm bẩy hai đã là Cán bộ Tiểu đoàn, chỉ huy rất giỏi, đúng cái tài của chữ “Đinh”. Nhưng sau bị thương, bị bắt, gian truân lắm. Hình như cái chữ “Sửu” cứ bám riết anh, từ nhỏ đến nay gần cuối cuộc đời.

 

            Anh sinh năm ba bẩy, ở ven sông Đuống, nhiều đất bãi, làm ăn vất vả, khó khăn. Mùa đông chỉ sông nước, người và đất bãi rộng mênh mông, gió hun hút thổi, rét thấu da thấu thịt. Mùa hè, nắng như lửa đốt, người vẫn ngột ngạt đánh vật với bãi, khi làm đất, khi trồng tỉa, khi thu hái. Cả ngàn bãi rộng dài mấy trăm mẫu nhưng hiếm có một bóng cây to. Đất phù sa, ngô, khoai, đỗ khá tốt. Vậy mà vẫn nghèo (tất nhiên nay thì đã khác) anh kể: Thời Nhật bắt phá ngô, trồng đay, trả với giá vô cùng rẻ mạt, nghiễm nhiên thành mất mùa, lại phu phen, sưu cao, thuế nặng, nên dân làng đói to, không ít người chết vì… đói.  Lúc ấy mình chưa đầy mười tuổi đã khốn khổ vì đói, đói đến mờ mắt, lả người, đói đến lỗi lang thang đào bới khắp bãi mong mót lấy vài củ khoai giun, hoặc may ra còn củ sót, cơ mà còn nhiều người đã làm cái việc ấy rồi. Đận ấy may không chết nhưng như cây non không đủ nhựa nên người cứ loắt choắt, mãi khi vào bộ đội mới lớn hẳn được. Sau này còn mấy đận đói nữa, nhưng không dai dẳng, tệ hại bằng những năm đánh Mỹ. Bởi những đận trước dù sao cũng chỉ là đói tháng, rồi cũng đến mùa, vụ (và còn rau lang, củ chuối, con cua…) chứ hồi đánh Mỹ mới đích thị là đói năm.

            Năm sáu tám, sáu chín, bẩy mốt… khó khăn liên miên, căng thẳng. Núi rừng Trị - Thiên trùng điệp, nhiều sông lắm suối, dốc cao, đèo sâu, quanh co hiểm trở. Thằng địch ra sức ngăn chặn chi viện của miền Bắc, bằng chốt chặn, bằng B52, tọa độ. Thâm độc nhất là rải chất độc hóa học Điôxin. Ngô, khoai, sắn, cây cối bị hủy diệt, đen thui, chỉ giống rau tàu bay là lên, khỏe, thế mới lạ. Lính ta nhổ về chống đói thật hữu hiệu. “Chỗ tôi cũng đói nhưng không đến nỗi như Trị - Thiên. Thế hậu cần của mình?”. “Có chứ. Miền Bắc không hề tiếc, hết lòng chi viện. Ngoài vũ khí, đạn dược, thuốc, quân trang… về gạo là 21 đến 24 kg/đầu người/tháng. Đủ nhưng đến được bộ đội chiến đấu đâu có dễ. Toàn Quân khu hồi ấy có chưa đầy một Sư bộ binh mà lực lượng dành cho hành lang vận chuyển đông gấp đôi, chưa kể còn tận dụng cả cơ giới và đường biển. Thằng địch âm mưu cho ta chết vì khổ ải, vì đói, vì sốt rét rừng. Chúng ồ ạt rải thảm B52, tọa độ, tung biệt kích và mọi thủ đoạn tàn bạo khác. Có khi gạo vào đến vị trí tập kết, người đến chưa kịp lấy đã bị đánh phá sạch bách. Chưa kể mùa mưa, những trận mưa như không có bắt đầu, như chẳng bao giờ kết thúc, dùng cách gì nuôi hàng vạn quân. Tướng lĩnh ta đau đầu lắm. Cũng là người chỉ huy, mình biết chứ. Anh em cùng đói thương nhau lắm! Có lần mình cùng Chính trị viên đi nhận nhiệm vụ trên Trung đoàn về, dọc đường, đói quá hái rau tầu bay, dùng ống bơ nấu ăn tạm. Anh ấy bảo: “Trận trước không thắng vì lính đói. Hàng rào tám mươi phân mà không nhảy qua”, “lúc kiểm điểm, anh khóc như cha chết”. Năm bẩy mốt, sau Nam Lào, thắng to đấy nhưng Trị - Thiên vẫn vô cùng khó khăn bởi B52 rải thảm càng nhiều nên vẫn đói. Sư trưởng F324 tự hào nói “chỉ sức chịu đói của Sư đoàn đã xứng đáng phong tặng anh hùng”. “Ai” vào đây mà không chịu được đói cũng tức là mất Trị - Thiên” không sai chút nào. Một hôm cậu liên lạc kiếm đâu được buồng chuối quả khá to về D bộ luộc ăn cả vỏ, dù nhạt thếch nhưng no nê. Ai cũng khen và khích lệ cậu liên lạc. Đến trận “thành Quảng Trị bẩy hai” mình bị thương. Nếu mình không “lệnh” để mình lại mà cứ cho anh em đưa mình ra bằng được thì thương vong vô cùng nặng nề. Thà một mình bị bắt. Sau Paris được trao trả.

            Ngừng một lát, giọng anh bỗng nghiêm chỉnh: Bây giờ kể những chuyện đó để vui, để tự hào, để khóc với nhau cho hả. Bởi chính thế mới làm nên đại nghiệp, mới thu giang sơn về một mối.

Anh lại gãi khắp đầu, khắp cổ. “Ngứa lắm phải không anh?”. “Ngứa. Ngứa. Có lúc cứ nghĩ giá được ngâm mẹ nó vào chậu nước sôi cho hết cái ngứa khốn khổ này. Nhưng mà mọi thứ cộng tất cả lại, cả cuộc đời đói khát, đánh nhau, bị thương bị bắt, bị tra tấn, tù đày khổ đau, cùng cực… đều không thấm tháp gì với… bây giờ. Nét mặt anh trở nên khô héo, mắt nhìn vào căn buồng phía trái. "Kia anh nhìn cháu!".  Tôi nhìn theo tay anh chỉ: Một đứa bé nằm trên giường ồ ồ gọi: “p.h.ố.ơi, đ.a.u., đ.a.a.u…! h.ụ.h.ụ.”. "Bố đây! Bố đây!". "Con uống thuốc nào".

Tay anh run run đánh rơi mấy viên thuốc. Tôi nhanh nhẹn nhặt lên và cùng anh đỡ cháu dậy. Đứa bé gầy rạc, da đen nhám bọc lấy bộ xương, ngực lép kẹp, hai mắt lồi, đờ dại như chẳng nhìn ai, mặt nhăn nhó, tay quờ quạng, ôm lấy ngực như cố nén cơn đau vẫn quen hành hạ. Miệng ồ ồ: đ.a.a.u, đ.a.a.u, h.ụ. hụ… rồi hì hục thở.

Tôi như người vô thức: “Cháu cố uống thuốc đi. Bé ngoan nào”.

“Bé gì nữa anh. Ba mươi tuổi rồi đấy”.

Tôi bàng hoàng: “Chết lỗi. Tôi cứ tưởng…”. “Thì mình về năm bẩy sáu, bẩy bẩy tòi ra nó. Khốn khổ. Ngờ đâu”.

Tôi lại như vô thức: “Thế cháu trai hay gái”. “Gái. Gái mới càng khổ”.

Tôi giận mình sao đần độn đến mức nhìn cháu mà không phân biệt được cháu trai hay gái. Anh biết sự ngượng nghịu của tôi, liền an ủi: “Không phải mình anh đâu! Cháu dị dạng thế này…”. Tự nhiên nét mặt anh đanh lại: “Tiên sư cha chúng nó. Cậy giàu, cạy mạnh, cạy văn minh mà xử cùn, xử độc. Những thằng sang đây về nước cũng khối thằng bị đấy. Đang chửi nhau ỏm tỏi. Còn quân mình có người chịu hậu quả đến thế hệ thứ ba rồi đó”. Hai chúng tôi cùng im lặng như cùng cay đắng chia sẻ nỗi đau tận cùng của sự phơi nhiễm quái ác này. Rồi anh nói: “Mình được biết trong thư của Đại tướng lừng danh cả thế giới Võ Nguyễn Giáp gửi Toà án quốc tế xét xử bọn sử dụng chất độc Đioxin đã viết: “…Nỗi đau hơn mọi nỗi đau…”. Nhiều nhà khoa học của thế giới đồng tình với sự thật dã man của chất độc gây hiểm họa này.

- Thế anh ơi! Chế độ của cháu?

- Có. Con mình nằm trơ ra đấy, bệnh tật mình sờ sờ ra đây mà còn là mệt.

- Sao thế?

- Thiếu cái giấy XYZ. Mãi đến năm 2000 cháu mới được trợ cấp. Cũng đỡ. Thật khổ. Giá như nhà tôi còn sống! Hai vợ chồng bền bỉ nuôi cháu, chăm sóc thuốc thang, bệnh viện nào cũng đi, ai mách ở đâu có thầy lang chữa được là mang cháu đến. Suốt hai mươi ba năm, chẳng có đồng trợ cấp nào. Cháu đau về thể xác. Mẹ cháu đau về cõi lòng vò xé. Mình là nam giới còn “rắn” được, nước mắt còn lặn vào trong được, chứ phụ nữ! Có người mẹ nào đang tâm nhìn khúc ruột mình thê thảm như thế. Có lúc cháu lên cơn đau, lẩy bẩy, co quắp, cô ấy đã ngất lịm, vì lòng xót xa, xúc động đến tột cùng mà bất lực. Nào cho ăn uống, dắt dìu đi vệ sinh, tắm giặt, có mấy ngày là không chứng nọ tật kia, bòn mót từng giấc ngủ, mẹ cháu dần dần kiệt sức. Bây giờ… bây giờ còn mỗi mình tôi. Mười năm nay chỉ mỗi mình tôi. Bà ấy “đi” trước khi cháu được trợ cấp.

Tôi lại ngơ ngẩn hỏi: Hay là tại hôm các anh ăn buồng chuối to đùng ấy.

Cũng có thể. “Dưng” mà có bao nhiêu cách bị nhiễm ấy chứ. Nước ăn uống, tắm giặt, hít thở không khí, những thứ ăn phải, đụng phải. Đến nỗi rừng Trường Sơn ngút ngàn như thế mà nhiều vùng trơ khấc, trụi hết lá, đen kịt. Ngần ấy năm làm sao tránh được. “Khổ thân chị ấy quá!”. Lúc có mang cháu cô ấy phấn khởi lắm, cứ: “Anh yêu thương, may anh về em có con, chứ nói dại - mất anh, em đành đứng vậy, chết già”. Lúc hấp hối bà ấy càng lo, càng thương con, thương tôi lắm, cứ thều thào “Anh! Anh ơi! c.o.n. c.o.n"…n ước mắt đầm đìa. Lúc ấy miệng tôi tắc nghẹn, lòng tôi cứ như có mấy con dao cùng đâm, cùng cắt. Tôi cứ ước ao giá có phép bùa gì - như thuốc tiên ấy - cho bố con tôi được cùng đi theo bà ấy…

Nghe đến đây không sao cầm lòng được, tôi ôm lấy anh oà khóc. Anh cũng nước mắt vòng quanh. Nhưng bình tĩnh nói: “Thôi nín đi! Nỗi đau này đâu chỉ riêng mình. Còn hàng vạn con người trên cả nước cùng chung số phận với bố con mình. Dẫu sao còn hơn bao nhiêu anh em khác, họ không được chứng kiến ngày sạch bóng quân thù, không một ngày được sống cuộc sống độc lập, tự do, đầy hoa và ánh sáng". Tôi gật đầu, vừa thương anh vừa kính trọng tấm lòng vì nghĩa cả của anh, tôi nói thêm: “Nhưng anh ơi nỗi đau còn đau đến bao giờ?”.