Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NHỚ MÃI NGÀY GẶP BÁC
09:36 | 31/07/2018

 

 

Nguyễn Tự Lập

 

Ngày mùng một Tết Đinh Mùi (9/2/1967), giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã và đang bước vào giai đoạn hết sức cam go, quyết liệt thì quân và dân xã Liên Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc trước đây (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) thật vinh dự tự hào được đón Bác Hồ về thăm. Ngoài chuyện trò với các cụ phụ lão và đồng bào toàn xã, Bác đã dành thời gian thăm hỏi ân cần, động viên các cháu thiếu nhi...

Trong niềm vui có một không hai của cuộc đời mỗi người hôm mùng một Tết Đinh Mùi (9/2/1967) ấy, tôi may mắn được nhà trường và thầy giáo - anh Tổng phụ trách Nguyễn Đức Thìn chọn vào đoàn học sinh giỏi và đội viên tiêu biểu của Liên đội thiếu niên Ngô Gia Tự dâng hoa lên Bác. Tất cả chúng tôi như đàn chim non ríu rít vây quanh Bác, như được đón người ông đi xa lâu ngày mới về. Được đứng bên cạnh Bác, trong vòng tay âu yếm của Người và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Hà Bắc; được ngắm nhìn tận mắt vị Chủ tịch nước với khuôn mặt phúc hậu, nhân từ luôn tươi cười, gần gũi bắt tay, thăm hỏi từng cụ già, chia kẹo cho các trẻ thơ trong bộ quần áo ka ki bạc màu, đôi dép cao su giản dị... làm cho mỗi chúng tôi cảm thấy vui sướng ngây ngất, xua đi những giây phút hồi hộp, lo lắng ban đầu khi đang chờ Bác về cũng như lúc mới được gặp Bác. Đặc biệt, những lời hỏi thăm thân thương, trìu mến về tình hình đời sống sinh hoạt, học tập, thực hiện 5 điều Bác dạy, làm nghìn việc tốt của thiếu nhi toàn xã cùng hình ảnh Bác xoa đầu từng bạn, xem mũ rơm, lật qua lật lại, đội thử và hỏi chúng tôi “Các cháu đội mũ rơm đi học có nặng không? Khi chạy và tránh máy bay có vướng không?” làm cho mỗi chúng tôi nghẹn ngào, xúc động muốn trào nước mắt. Bác dừng lại bên bạn Nguyễn Toàn Thắng (lúc ấy là Liên đội phó, sau này là Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử) hỏi:

- Cháu học lớp mấy rồi?

Thắng lễ phép:

- Dạ thưa Bác, cháu học lớp 7 ạ!

Bác lại hỏi:

- Cháu học có giỏi không? Có được thưởng của Bác chưa?

Thắng lại lễ phép đáp lời:

- Thưa Bác có ạ!

Tiếp đó Bác khen: “Các cháu đã làm nghìn việc tốt, thế là tốt. Các cháu cần phát huy thành truyền thống. Các cháu hãy đoàn kết, giúp nhau thi đua học tập tốt, lao động tốt, cùng làm nghìn việc tốt chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bác mong năm mới các cháu tiến bộ hơn năm qua”.

Trong lúc tuổi cao, sức yếu lại bận với bao việc lớn lao của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Bác vẫn dành thời gian quí hiếm đi thăm hỏi đồng bào chiến sĩ, thăm các cháu thiếu niên nhi đồng nhiều nơi ở xa Thủ đô Hà Nội thật là tấm lòng nhân ái, bao la.

Sau buổi được đón và gặp Bác đầy cảm động và đáng nhớ ấy, ngoài niềm vinh dự, tự hào, mỗi chúng tôi tự nhủ phải luôn nỗ lực, vươn lên trong lao động, học tập, thực hiện 5 điều Bác dạy, làm nghìn việc tốt, góp sức xây dựng mái trường, xây dựng quê hương Tam Sơn giàu đẹp, truyền thống và anh hùng, đền đáp lại những lời dạy bảo yêu thương, trái tim nhân hậu, đức độ của Người.

Thế rồi công việc, cuộc sống, những kỉ niệm vui buồn của mỗi người dần dần trôi theo năm tháng. Có những điều, những việc qua đi mà không hề để lại dấu ấn; không bao giờ muốn nhắc lại, nhắc đến. Song với tôi, những giây phút ngắn ngủi được bên Bác giữa ngày Xuân năm 1967 ấy là điều hạnh phúc nhất, lớn lao nhất, mãi mãi không thể phai mờ. Kỉ niệm và niềm vinh hạnh có một không hai đó thực sự là nguồn sinh lực tiếp sức cho tôi vượt qua chính mình, vượt qua bao khó khăn trở ngại của hoàn cảnh gia đình, thử thách trong cuộc sống, công việc... để tự vươn lên, từng bước rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên, đoàn viên tốt khi còn ngồi ở ghế nhà trường; một đảng viên và cán bộ y tế có trình độ năng lực chuyên môn khá, uy tín cao khi công tác.

Đã hơn 48 năm trôi qua kể từ ngày Bác về thăm, nhiều bạn thiếu niên nhi đồng trong toàn xã Tam Sơn nói chung, những bạn thiếu nhi tiêu biểu được tham gia cùng tôi dâng hoa đón Bác nói riêng đã trưởng thành nhanh chóng trên mọi lĩnh vực và trở thành những cán bộ, nhân viên chủ chốt, nòng cốt trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiều anh chị hoạt động trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng trên phạm vi cả nước, trong quân đội, công tác ở các ngành nghề khác nhau... có học hàm Giáo sư (Phó Giáo sư), học vị Tiến sĩ chuyên ngành như anh Nguyễn Toàn Thắng, anh Ngô Ngọc Cát, chị Ngô Thị Bình... Có những anh chị tiếp nối thế hệ cha anh trở thành thầy cô giáo làng tiếp tục sự nghiệp “trồng người” hay những cán bộ cơ sở quản lí giỏi đã trưởng thành trên mảnh đất quê hương Tam Sơn giàu đẹp, văn hiến. Cũng không ít những anh chị mặc dù đã có giấy gọi học đại học, đi nước ngoài học... nhưng vẫn tình nguyện xung phong vào chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhiều anh trưởng thành, trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội. Song cũng nhiều anh mãi mãi không về như Liên đội trưởng Nguyễn Văn Lan, Ngô Văn Mai... và biết bao đội viên gương mẫu khác.

Giờ đây, thế hệ chúng tôi ngày ấy, phần lớn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho trên các cương vị khác nhau, nay được nghỉ hưu theo chế độ. Số còn lại và các thế hệ sau này vẫn tiếp tục phát huy tốt truyền thống quê hương “Ngàn năm văn vật”, quê hương cách mạng của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, kiên cường Ngô Gia Tự; quê hương của chiếc nôi phong trào “Nghìn việc tốt”.

 Chào mừng quê hương, đất nước đổi mới hôm nay... càng nhớ tới công ơn trời biển của Người. Lời thăm hỏi, dạy bảo ân tình của Bác năm xưa, chúng cháu cũng như các thế hệ tiếp nối của quê hương Tam Sơn sẽ đời đời ghi nhớ, thực hiện và tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

Kính thưa Bác! Nơi giấc ngủ ngàn thu xin Bác hãy yên lòng!./.