Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NGƯỜI VỢ LIỆT SĨ VÀ NHỮNG KỈ VẬT KHÁNG CHIẾN CỦA CHỒNG
14:44 | 30/08/2018

          Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, các thế hệ thanh niên khắp làng quê Việt Nam đều hăng hái lên đường nhập ngũ. Họ ra đi với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” để lại cho những người thân ở hậu phương sự mong ngóng mỏi mòn bởi ai cũng biết sự gian khổ và ác liệt của chiến tranh, nơi đó người thân của mình phải đối mặt giữa sự sống với cái chết khiến nỗi lo luôn canh cánh trong lòng. Sự chia cắt hai miền, giao thông đi lại khó khăn, bom đạn chiến trường đã làm cho tin tức giữa chiến trường và hậu phương thường xuyên đứt đoạn. Người lính quân bưu thời kỳ này là cầu nối giữa hai miền. Những tin tức đưa về làng thường được mọi người đón nhận trong niềm vui (thư chiến trường báo tin vẫn còn sống) hoặc coi như một tin dữ (giấy báo tử) mang tang thương cho khắp dân làng.

Trong dòng tâm tưởng đó, nhân một chuyến công tác tại huyện Gia Bình, tôi có dịp gặp gỡ hai gia đình có người thân hy sinh tại chiến trường miền Nam. Một trường hợp là gia đình liệt sĩ Đỗ Văn Phụ ở thôn Cầu Đào, xã Nhân Thắng và người vợ liệt sĩ đã mất cách đây hơn chục năm chỉ còn lại người con trai. Còn gia đình thứ hai là liệt sĩ Nguyễn Văn Môn ở thôn Đoan Bái, xã Đại Bái thì hoàn cảnh éo le hơn, người vợ (bà Nguyễn Thị An) đang hấp hối nhưng vẫn nghẹn ngào khi được hỏi thăm về người chồng liệt sĩ của mình và sau đó bà đã trao tặng những kỷ vật cuối cùng của ông để được lưu giữ cho các thế hệ sau. Đó là 4 bức thư gửi về cho vợ năm 1965 - 1966 trước khi hy sinh và giấy báo tử do Tỉnh đội Hà Bắc báo về.

Theo thư ông Nguyễn Văn Môn gửi về thì bà Nguyễn Thị An là một người vợ tần tảo chịu thương chịu khó. Hai vợ chồng lấy nhau được 3 năm nhưng thời gian chung sống chưa đầy 3 tháng. Có với nhau hai mặt con nhưng lúc ra đi đứa lớn mới biết đi còn đứa nhỏ vẫn nằm trong bụng mẹ. Gia đình còn ông nội và bố mẹ chồng. Đất nước còn chiến tranh chia cắt, chồng không có nhà nên bà phải gánh trên vai bao nhiêu khó khăn vất vả mà chỉ có người chồng mới hiểu và thông cảm. Vì vậy, ông thường xuyên viết thư thăm hỏi và động viên vợ vượt qua khó khăn.

Cứ tưởng chiến tranh sắp kết thúc, vợ chồng bà sắp được đoàn tụ để “vợ chồng được sống những ngày hạnh phúc của vợ chồng trẻ và sớm tối có nhau để cùng lo toan những khó khăn” (lời bức thư ông viết gửi về cho bà ngày 27/7/1966) nhưng tin dữ đã đến với bà. Cầm tờ giấy báo tử trên tay mà bà nghẹn ngào. Nghĩ đến cảnh vợ chồng gắn bó chưa được bao lâu, nay phải xa cách, nghĩ đến cảnh con cái nheo nhóc khiến bà như “chết đi sống lại”.

Sau này, cũng nhờ những bức thư gửi về mà gia đình đã tìm được mộ liệt sĩ ở tỉnh Gia Lai và đưa về địa phương. Thật đau lòng khi được nghe câu chuyện mà bà An kể lại: khi bà ốm, biết không qua khỏi nên đã đưa những lá thư cho cháu nội xem và nói “Đây là thư của ông nội viết cho bà cách đây 40 - 50 năm rồi, bà đọc cho cháu nghe rồi hỏi cháu có nhớ ông không. Một đứa cháu trai 10 tuổi đã trả lời là cháu có biết mặt ông đâu mà nhớ”. Câu trả lời làm bà đau lòng nhưng cũng đúng bởi chồng bà hy sinh khi các con bà còn nhỏ và cũng không biết mặt bố. Ông và bà chỉ hẹn hò với nhau bằng những lá thư trên đường hành quân vào Nam chiến đấu với lời dặn nếu đẻ con trai thì đặt tên gì và con gái thì đặt tên gì chứ bố con có biết mặt nhau đâu huống chi là những đứa cháu nội.

Ông Nguyễn Văn Môn hy sinh năm 1968 khi đó bà An mới 24 tuổi. Kể từ đó trở đi, một mình bà tần tảo gánh vác công việc gia đình và nuôi hai con khôn lớn. Ngoài thời gian vất vả đó, bà còn tham gia công tác của hội phụ nữ xã Đại Bái. Thấu hiểu nỗi khổ của những người vợ xa chồng, bà động viên chị em phụ nữ cùng chung tay giúp đỡ nhau những lúc khó khăn hoặc những khi trái gió trở trời. Những việc làm và sự hy sinh của bà đã được gia đình, bà con lối xóm và chị em phụ nữ trong xã ghi nhận. Năm 2000, bà vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Bà vẫn ôm ấp trong lòng mối tình sâu đậm với người chồng đã hy sinh của mình bằng việc lưu giữ cẩn thận những kỷ vật còn lại của ông. Và trước khi “sang bên kia cùng ông”, bà đã hiến tặng hết những kỷ vật này cho Bảo tàng Bắc Ninh để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương đất nước./.

 

PHAN THỊ AN NGỌC