Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NGƯỜI VIẾT TIẾP NHỮNG THÀNH CÔNG
10:06 | 30/12/2022

Rất nhiều người biết tiếng ông, vì ông là một Kiến trúc sư (KTS) tài hoa trong nghề xây dựng của tỉnh Bắc Ninh. Còn tôi mới biết ông từ cuối năm 2012 đến nay (tròn 10 năm khi tôi viết bài viết này); tôi thấy ông ở bất kỳ môi trường làm việc nào vẫn luôn giữ đúng tâm thế của một người lính Cụ Hồ, một trí thức cách mạng mẫu mực, mẫn cán, một nhà thơ, một văn nghệ sĩ tâm huyết. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như văn học nghệ thuật ông gặt hái được nhiều thành công, để lại nhiều dấu ấn với bạn bè, đồng nghiệp và công chúng độc giả.

Ông là KTS Nguyễn Huy Phách, sinh năm 1945 tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê nổi tiếng khoa bảng của đất học Kinh Bắc. Ông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, Hội KTS Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh Bắc Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành KTS, trường Đại học Kiến trúc, tháng 3/1967, ông được điều về công tác ở Viện Thiết kế xây dựng Hà Bắc (tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang thời kỳ hợp nhất từ 1963 đến 1997). Vào thời điểm cả nước chuẩn bị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tháng 10 năm 1974 ông có lệnh nhập ngũ. Hầu hết tân binh cùng đi được đi thẳng vào chiến trường còn ông được điều về Đoàn 29 - Quân khu III do tướng Đặng Kinh - Tư lệnh Trưởng chỉ huy. Biết ông là KTS nên ông được đơn vị phân công phụ trách kỹ thuật xây dựng ngôi nhà bốn tầng của công trường nhà máy gạch Chiến Thắng - Lai Khê. Đơn vị lại toàn chiến sĩ mới ở chiến trường, chỉ quen cầm súng nhưng ông đã tận tâm, tận lực, vừa trực tiếp làm vừa hướng dẫn các chiến sĩ chỉ biết bắn súng trở thành những người thợ xây dựng có chuyên môn kỹ thuật… Cũng tại công trường, ông vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đơn vị vào năm 1976, ông được báo cáo với Đại tướng về những khó khăn của công việc kỹ thuật, cách tổ chức công trường và công việc quản lý chất lượng kỹ thuật. Đại tướng thấy ông mới có quân hàm Thượng sĩ trong khi đã tốt nghiệp Đại học là KTS nên đã đề nghị với Thiếu tướng Đặng Kinh quan tâm và tạo mọi điều kiện cho ông làm việc. Cuối năm ấy, năm 1976, ông được phong quân hàm từ Thượng sỹ lên thẳng Trung úy, thực là một việc hiếm có ở trong quân đội thời bình thời kỳ ấy và một vinh dự nữa là cuối năm ấy, ông được đơn vị bầu là chiến sĩ thi đua toàn quân. Từ nguồn cảm hứng thăng hoa ấy, ông đã cho ra đời bài thơ “Trên mảnh đất này ta viết tiếp những  chiến công” nói lên niềm vinh quang của những người lính xây dựng công trường. Bài thơ được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, qua giọng ngâm của nghệ sĩ Vũ Kim Dung…

Công trình hoàn thành, ông được tín nhiệm của Tư lệnh Quân khu Đặng Kinh, gọi lên giao nhiệm vụ mới chủ trì thiết kế và chỉ đạo thi công tòa nhà trụ sở Quân khu III (Chỉ huy Sở Quân khu). Tòa nhà 5 tầng, dài gần 100m là nơi làm việc và chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu. Công trình đang triển khai thì đơn vị lại vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và dự Hội nghị kỹ thuật toàn Quân khu.

Thế là ông lại được gặp Đại tướng lần thứ hai và vinh dự hơn là bản tham luận của ông đọc tại Hội nghị kỹ thuật toàn Quân khu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao. Ông còn vinh dự được trực tiếp gặp Bác Hồ từ năm 1963 khi còn đang học ở trường Đại học. Với hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi trực tiếp làm việc dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Đặng Kinh và niềm tự hào được trực tiếp gặp Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh đã tạo cho ông một tâm thế trong cuộc sống xứng danh người lính Cụ Hồ trong suốt thời gian 7 năm 7 tháng trong Quân đội (từ tháng 10 năm 1974 đến tháng 5 năm 1982 được phục viên chuyển ngành về Viện Thiết kế xây dựng Hà Bắc). Trên các lĩnh vực, cương vị công tác và đến bây giờ đang là một cán bộ hưu trí, ông vẫn xứng danh là một cựu chiến binh gương mẫu, mẫn cán trong cuộc sống đời thường.

Có lần ông nói chuyện vui với tôi và một số anh em bạn bè là ông rất có duyên với con số 7, ông bảo: “Một sự tình cờ với tôi về con số 7. Công tác ở Phòng thiết kế - Ty Kiến trúc Hà Bắc tháng 3 năm 1967 đến tháng 10 năm 1974 (tròn 7 năm 7 tháng). Ở quân ngũ cũng 7 năm 7 tháng, chuyển ngành về Viện Thiết kế xây dựng (cơ quan cũ) cũng 7 năm 7 tháng, từ tháng 5 năm 1982 đến tháng 12 năm 1989 được điều về công tác ở Văn phòng Sở xây dựng Hà Bắc”. Ông nói vui là vậy nhưng tôi cảm nhận phải là người có “Tâm” với công việc mới nhớ rõ từng thời gian công tác của mình một cách “thú vị” là vậy vì ông vẫn sống và làm việc theo tư cách của một Cựu chiến binh mẫu mực và mẫn cán. Có thể điểm qua về những thành quả trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật ông đã gặt hái nhiều thành công: Chủ trì thiết kế các công trình: Trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự quân khu III, Trụ sở Tỉnh ủy Hà Bắc (1984), Trụ sở Tỉnh ủy Bắc Ninh (1999) và nhiều công trình khác như trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, biệt thự… trên đất Bắc Ninh, Bắc Giang… Thật là vinh dự đối với ông khi được thiết kế những công trình lớn như trụ sở Tỉnh ủy Hà Bắc, Bắc Ninh nhưng cũng không kém phần khó khăn thử thách. Thiết kế là một chuyện, còn việc giải trình cũng phải có lý lẽ thuyết phục cả một tập thể Ban Thường vụ gần chục vị không dễ chút nào. Mỗi người có một cảm nhận khác nhau, nhất là những chuyện đàm tiếu chê bai bị tác động… gây khá nhiều rắc rối cho ông nhưng rồi ông cũng vượt qua. Trụ sở Tỉnh ủy Hà Bắc (năm 1984) được dư luận và công chúng, giới chuyên môn đánh giá cao về tính độc đáo của công trình. Sau này thiết kế trụ sở Tỉnh ủy Bắc Ninh có thuận lợi hơn ông đã có thâm niên, kinh nghiệm nghề và ở thời kỳ hiện đại hóa đất nước, vì thế trụ sở Tỉnh ủy Bắc Ninh (hoàn thành năm 1999) được tặng giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2000, được nhiều địa phương tham quan, học tập, khen ngợi.

Nghề KTS đối với ông là giao thoa của lĩnh vực khoa học kỹ thuật và lĩnh vực nghệ thuật. Khoa học kỹ thuật có thành quả thì văn học nghệ thuật cũng đơm hoa kết trái. Ông đam mê văn chương từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông - trường THPT Hàn Thuyên. Ông làm thơ từ thuở ấy nhưng phải đến khi vào quân ngũ thơ ông mới được khẳng định khi bài thơ “Trên mảnh đất này ta viết tiếp những chiến công” sáng tác năm 1976 được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi đã đọc bài thơ này của ông in trong tập “Mưa bóng mây” xuất bản năm 2003 (NXB Hội Nhà văn), trong đoạn kết ông viết khá hào sảng:

“Mảnh đất quê ta mảnh đất anh hùng

Khi màu xanh áo ta là màu xanh xứ sở

Sao chiến sĩ soi mặt người hoa nở

Trên mặt đất này ta viết tiếp chiến công”.

Sau bài thơ này, KTS Nguyễn Huy Phách tiếp tục có một số bài được giới chuyên môn đánh giá cao, điển hình như bài “Trận đánh này không thể thiếu tên con” (Sáng tác tháng 3/1979, tuyên truyền cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979). Khi phục viên chuyển ngành về với nghề KTS ông tiếp tục làm thơ, viết văn, viết báo. Nội dung chủ yếu là những vần thơ ca ngợi quê hương, đất nước, tâm sự về nghề nghiệp. Hầu hết những bài thơ ông sáng tác là cảm xúc từ những chuyện thường ngày, hết sức giản dị, mộc mạc… chính những vần thơ ấy đã đưa ông đến bến bờ văn học nghệ thuật, ông vinh dự được kết nạp là Hội viên Hội VHNT tỉnh Hà Bắc từ năm 1983. Ông cũng là một thành viên trong Ban vận động thành lập Hội VHNT Hà Bắc từ năm 1980. Hội VHNT Hà Bắc có Quyết định thành lập của UBND tỉnh vào ngày 30 tháng 1 năm 1980 đến năm 1983 mới chính thức tổ chức Đại hội lần thứ Nhất và đi vào hoạt động.

Cũng những vần thơ ấy, đến khi nghỉ hưu ông tổng hợp lại xuất bản tập sách “Huy Phách - Thơ tuyển” (NXB Hội Nhà văn, năm 2012). Ông từng nhận được các giải thưởng Thơ của Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh năm 2004, 2006, Giải A thơ về Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010, Giải Ba cuộc thi Thơ Người cao tuổi Việt Nam năm 2018, Giải Ba (Không có Nhất, Nhì) cuộc thi thơ về Phụ nữ Bắc Ninh năm 2020, Giải Nhì cuộc thi thơ viết về Bắc Ninh trong hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật, vẫn đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội KTS Bắc Ninh (Trước khi nghỉ hưu ông từng đảm nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh) và tham gia là ủy viên Ban Thường vụ Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh khóa II, khóa III. Đặc biệt ông vẫn tiếp tục sáng tác để “Viết tiếp những thành công”. Tác phẩm “Bắc Ninh - Hồn phố - hồn nhà” xuất bản quý I năm 2017 đã đoạt giải Nhất Giải thưởng VHNT tỉnh Bắc Ninh lần thứ Nhất, giai đoạn 2012 - 2017. Các bài viết trong tác phẩm là tư duy, trách nhiệm của một KTS, một văn nghệ sĩ trong suốt một cuộc đời lăn lộn của tác giả để độc giả và các cấp lãnh đạo những người làm xây dựng có thêm tư duy về tầm nhìn quy hoạch, những quan điểm về xây dựng nền kiến trúc hiện đại,  chú trọng bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc… Mới đây nhất ông lại nhận giải thưởng Báo chí Ngô Gia Tự: Giải Khuyến khích năm 2021; Giải Nhì năm 2022.  

Tôi biết ông tròn 10 năm và cũng là hơn 10 năm ông được nghỉ hưu theo chế độ nhưng tôi thấy ông vẫn miệt mài và sáng tạo vẫn viết và kể cả đi đến các xã, thôn để góp ý cho những đồ án quy hoạch, tham gia phản biện các dự án, đồ án lớn của tỉnh. Quả thực đó là sự lao động và lòng khát khao cống hiến. Những ý kiến của ông luôn được tôn trọng vì dễ hiểu, thiết thực, đảm bảo nhiều giá trị khoa học và thực tiễn. Mười năm biết về ông, thời gian đủ để khẳng định ông là một cựu chiến binh mẫu mực, giản dị, trong sáng và tài hoa, ông là một tấm gương sáng để các thế hệ đi sau học tập và noi theo./.

 

                                                                                                                                                                                                                   NGUYỄN CÔNG HẢO