Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NGƯỜI ĐÁNH XE TĂNG ĐỊCH VÀ LÀM PIN DẸT CHIẾN TRƯỜNG
14:11 | 05/03/2022

Năm 18 tuổi, rời làng Cách Bi, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, Nguyễn Đức Huân nhập ngũ lên biên giới Việt Trung nhận vũ khí huấn luyện trở thành xạ thủ ĐKZ trẻ nhất đơn vị, rồi hành quân vào miền Trung, dọc đường kết hợp bảo vệ đồng chí Nguyễn Duy Trinh đi truyền đạt Chỉ thị “Cải cách ruộng đất”; đến vị trí tập kết được Thiếu tướng Nguyễn Chánh biểu dương và giao nhiệm vụ “Phối hợp với chiến dịch Điện Biên, tiêu diệt xe tăng địch, nhổ bật các đồn bốt”. 

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Huân - người chế tạo pin dẹt chiến trường

Liền sau đó trong trận phục kích quân Pháp đi càn ở chân đèo Cheo Reo, xạ thủ trẻ nhất được giao nhiệm vụ khóa đầu đoàn xe tăng địch. Vị trí phục kích không thuận về độ tà, thêm tâm lý hồi hộp nên quả đạn đầu không trúng. Chiếc xe tăng địch không tháo chạy mà chuyển hướng lao thẳng định nghiền nát đối thủ. Nguyễn Đức Huân nhìn khối thép lao về phía mình, cũng không tháo chạy mà lắp tiếp viên đạn thứ hai. Tháp pháo xe tăng địch lừng lững lao tới cùng tiếng xích sắt, tiếng máy rú gầm rung mặt đất. Quả đạn ĐKZ thứ hai bay khỏi nòng. Vẫn trượt, khả năng xạ thủ ĐKZ bị xe tăng nghiền nát chỉ còn trong phút chốc. Khẩu đội trưởng ĐKZ hét vang: Huân, lăn xuống!

Nghe rõ nhưng Nguyễn Đức Huân vẫn bình tĩnh tháo bỏ chân khẩu ĐKZ rồi nhẩy lên mô đất cao tựa người vào gốc cây lắp quả đạn thứ ba. Chiếc xe tăng địch đã quá gần. Nòng pháo sắp lao tới đập vào đầu xạ thủ. Nguyễn Đức Huân bóp cò. Chiếc tăng khựng lại bốc cháy. Lính Pháp trong xe hốt hoảng nhảy ra giơ tay hàng… 

Sau trận ấy xạ thủ trẻ được phong chức tiểu đội phó (A phó), anh em đơn vị gọi đùa là A phó BP (A phó ba phát). 

Trận đánh đồn Tuy Bình ở Phú Yên tiếp theo cũng là một trận giáp chiến nhưng quần thảo vòng vo hơn, có lúc với tay có thể sờ được vào xe tăng địch.

Quân báo của ta cho biết: địch mới điều về đồn Tuy Bình một chiếc xe tăng, đang gây nhiều tội ác với nhân dân quanh vùng. Đánh hơi thấy sự xuất hiện của ĐKZ đối phương nên đêm nó không bật đèn, thường chạy vòng quanh không chốt lại ở một vị thế nào. Đánh đồn Tuy Bình, quá nửa đêm quân ta vào được đồn. Trời tối đen như mực, ĐKZ phát hiện được thì nó đã chạy thoát. Không thể bắn đuổi theo vội vàng bởi trong đêm rất có thể viên đạn trượt sẽ gây sát thương đồng đội mình. Khẩu đội trưởng thì cứ giục bắn đi. Lại còn mối lo chạy thoát ra khỏi đồn nó sẽ quay nòng pháo bắn trả lại. Nghĩ vậy nên A phó BP liền cùng tổ chạy ra cổng đón lõng. Y như dự đoán, chiếc xe chạy ra tới cổng thì không dám chạy tiếp vì sợ con đường độc đạo dẫn vào đồn bị bộ đội ta phá hủy trong đêm sẽ làm lật xe. Nó buộc phải bật đèn quan sát. Kịp thấy nòng khẩu ĐKZ đang nhằm thẳng, nó  vội tắt đèn chồm qua cổng. Khẩu ĐKZ của A phó BP chưa kịp bắn. Rầm rầm, một khối đen đặc lướt qua mặt. Cả tổ vội đuổi theo, khoảng cách giữa xe và người mỗi lúc một xa.

Động viên nhau, thế nào cũng có lúc nó dừng lại bắn về đồn, sẽ là cơ hội để ta tiêu diệt nó. Cả tổ cùng tăng tốc vận hành chiến. Trước trận đánh đã hạ quyết tâm bằng mọi giá phải diệt chiếc tăng này bởi nó đã reo rắc quá nhiều tội ác. Về phía chiếc tăng bị ĐKZ bám đuổi, quá sợ, nó chỉ còn biết tăng ga chạy thục mạng. A phó BP thì cứ nhằm phía có tiếng máy gầm và những đốm sáng phát ra từ xích xe mà lao theo. Trong đêm đen náo động, chiếc tăng cuống cuồng chạy tới mức không còn làm chủ được tay lái. Tiếng máy bỗng rống lên rồi tắt lịm. Thì ra nó đã đâm sầm vào  sườn khe núi. Tổ của A phó BP kịp vận động tới nơi, cùng hét to: Hô lê manh (giơ tay lên)!

Lũ giặc sợ ĐKZ quá, bật đèn pha nhẩy ra khỏi xe xin được sống.

Trong đợt hành quân tập kết ra Bắc, đến Bình Định tình cờ gặp hai chiếc xe tăng chiến lợi phẩm, tiểu đội A phó BP hỏi đi nhờ, được leo hết lên xe, ngắm trời đất thênh thênh, mọi người thấy tự hào vô cùng. Phút chia tay cảm ơn mới vỡ lẽ, chính là chiếc xe tiểu đội đã bắt nó hàng ở Tuy Bình.

Thời kỳ miền Bắc tập trung chi viện cho miền Nam đánh Mỹ (1963) rất cần loại pin dẹt phục vụ cho thông tin ở chiến trường. Pin từ ngoài hậu phương vận chuyển vào tới nơi thì điện áp, dung lượng đều suy giảm lớn. Làm thế nào để có thể sản xuất tại chỗ đáp ứng kịp thời yêu cầu của mặt trận. Bấy giờ xạ thủ Nguyễn Đức Huân đã được chuyển ngành về phòng kỹ thuật nhà máy pin Văn Điển (thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ), được cử đi nghiên cứu cùng một đồng chí cán bộ kỹ thuật của Bộ Công an. Cả hai có nhiệm vụ nghiên cứu tại 12  nước xã hội chủ nghĩa để đem về áp dụng trong điều kiện thiếu thốn của Việt Nam. Cuối năm 1964, về nước được bố trí hai người hai phòng thí nghiệm thuộc hai Bộ, cùng lao vào chế tạo thử. Đầu năm 1967 số lần thí nghiệm đã lên tới 70 lần vẫn chưa cho kết quả khả quan. Đồng chí cán bộ bên Bộ Công an thừa nhận thất bại, chính thức bỏ chương trình thí nghiệm, công sức đào tạo mấy năm trời đổ xuống sông, xuống biển. Bên tai xạ thủ A phó BP văng vẳng tiếng của khẩu đội ĐKZ ngày nào: Hãy lăn xuống khe! Bây giờ, sắp đè bẹp anh cũng là một chiếc xe tăng không kết cấu bằng sắt thép mà cấu thành bằng dư luận. Viên đạn ĐKZ đã được bắn ra từ trí tuệ, từ lòng quyết tâm, giờ phút này thêm nặng nề trách nhiệm của người hậu phương. Anh xin với lãnh đạo nhà máy được làm tiếp thí nghiệm vào ban đêm, còn ban ngày vẫn công tác bình thường.

Một buổi khuya, khóa cửa phòng thí nghiệm về nghỉ, vừa chợp mắt thì bảo vệ nhà máy đến gõ cửa nói, phòng thí nghiệm có sự cố, khói đen đặc không nhìn thấy gì. Nhiệt tình mà vô tình anh đã gây nên tai họa ư?

Mở cửa phòng, lùa hết khói ra, anh thở phào nhẹ nhõm. Chỉ là khói đen do siêu nước đun bằng điện bị cạn kiệt, lúc nửa đêm anh quên không rút phích. Phấn khởi, anh thao tác thí nghiệm lần nữa: Lần thứ 80. Thành công! Anh sung sướng chạy đi báo cáo ban lãnh đạo: chất liệu chính để làm pin ở chiến trường, vừa chống thẩm thấu, vừa dẫn điện cao chính là nhựa đường khi nhiệt độ và tỉ lệ pha thích hợp.

Công trình được Hội đồng khoa học kỹ thuật của Bộ nghiệm thu, khen thưởng. Thời trước đó chỉ dùng phích nước, khăn mặt, xà phòng thơm… tặng thưởng cho các sáng kiến khoa học kỹ thuật thì giờ đây một số tiền gấp mười tháng lương đã được chi thưởng đến Nguyễn Đức Huân.

Năm 1970, vì hoàn cảnh đặc biệt, chàng dũng sĩ diệt xe tăng địch, người chế tạo thành công loại pin dẹt dùng để sử dụng tại chiến trường lặng lẽ thu xếp khăn gói trở về xóm nhỏ Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh sống cuộc đời với ruộng lúa bãi ngô. Không quên khẩu ĐKZ, không quên những thỏi pin… Ông vẫn là ông như thuở đầu xanh ra khỏi làng, chẳng đồng lương tháng, vẫn dắt trâu ra đồng cấy cày kịp thời vụ, vẫn trọn vẹn nghĩa tình làng trên xóm dưới; vẫn cùng vợ nuôi dạy, dựng vợ gả chồng cho các con của mình, trong số đó có một người con đang là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đón xuân Tân Sửu (2021) ông đã bước sang tuổi 88, vẫn tinh anh, vẫn thuộc lòng những bài viết ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

                                                                                                                                                                                                                       NGUYỄN XUÂN TƯỜNG