Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NĂM MƯƠI NĂM NHỚ BÁC! BÁC ƠI!
10:23 | 26/03/2019

Năm mươi năm trước, trong những ngày diễn ra Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, “người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, Nhà thơ Tố Hữu cũng nức nở “khóc Bác” trong bài "Bác ơi", khái quát rất trung thực cuộc đời của Bác Hồ: “Bác để tình thương cho chúng con. Một đời thanh bạch, chẳng vàng son. Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Cụ Bertrand Russell, Nhà bác học người Anh vốn rất có thiện cảm với Việt Nam, đã nói: “Trong thế kỷ 20, không có vĩ nhân nào được như Hồ Chí Minh mà sự ra đi của Người lại lấy của nhân loại nhiều nước mắt đến như thế”.

Một trong những đức tính làm nên sự vĩ đại, lay động triệu triệu trái tim của đồng bào cả nước và bạn bè trên thế giới là lòng nhân ái bao la, phong cách và lối sống giản dị, tiết kiệm của Người. Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc "Tuyên ngôn Độc lập", tại phiên họp Chính phủ lâm thời đầu tiên, với tư cách Chủ tịch Chính phủ, Bác nói: “Tôi đề nghị các vị Bộ trưởng, các ngài Bộ trưởng ủng hộ tôi một chủ trương, phát động ngay trong Chính phủ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa là một bơ gạo, đem gạo cứu dân nghèo, tôi xin làm trước tiên”. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người gần gũi và là học trò suất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Đọc Di chúc của Hồ Chí Minh ta nhận ra được trong trái tim mênh mông của Người có chỗ chứa cho tất cả mọi người, ai cũng có trong tình thương mênh mông của Bác, tình thương yêu con người, hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân”. 

Trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày, Bác Hồ luôn giản dị. Ăn thì vẫn cà pháo, tép đồng kho, rau muống luộc; hạt cơm vô ý rơi vãi thì nhặt bỏ vào mâm... Mặc thì, đại lễ có bộ ka-ki, ngày thường bộ bà ba mầu nâu lụa Hà Ðông, đi guốc gỗ hay dép cao su, khi nóng nực phe phẩy chiếc quạt nan... Tiện nghi “Nhà gác đơn sơ, một góc vườn. Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn. Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối. Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn” (Thơ Tố Hữu). Nghệ sĩ Ưu tú Kim Liên, người vinh dự được nhiều lần gặp Bác, kể lại trong bữa cơm Bác mời ngày 17/7/1969, thấy Bác ăn ít quá, chị cố nài, Bác nói: "Khi Bác ăn được thì không có cái để mà ăn. Khi có cái ăn thì ăn không được". Khi theo Bác lên nhà sàn, Bác nói: “Bác chẳng có gì cho cháu cả! Bác chỉ có cái thước mà lúc còn trẻ bôn ba qua các nước, Bác có nhặt được mảnh gỗ, tự  tay đẽo thành một cái thước kẻ để dùng, nay Bác cho cháu để làm kỷ niệm”. Nghệ sĩ nhận cái thước mà rơm rớm nước mắt vì không ngờ Bác lại nghèo đến thế !

Năm 1946 (Bác 56 tuổi) Bác Hồ đi Pháp với tư cách là Nguyên thủ Quốc gia sang thương thuyết với Chính phủ Pháp. Trong bữa cơm tiễn Bác lên đường, cụ Huỳnh Thúc Kháng(*) cảm động quá đọc bài thơ để chúc Bác bình an, đồng thời cũng kín đáo giục Bác lấy vợ: Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già. Cụ ông thì có cụ bà thì không. Ở Pari, công việc bận rộn, căng thẳng, Bác vẫn nhớ làm thơ gửi cụ Huỳnh: "Cụ Huỳnh nhớ lắm cụ Huỳnh ơi. Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời. Giang sơn đất nước cùng nhau gánh. Độc lập xong rồi lấy vợ thôi".

Năm 1963, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, các đại biểu đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Bác Hồ Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Biết tin ấy, Bác Hồ rất cảm động, nhưng Bác đề nghị “Quốc hội chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý". Năm 1967, Ðảng, Chính phủ Liên Xô quyết định tặng Bác Huân chương Lê-Nin, Bác cũng đề nghị BCH Trung ương Ðảng Cộng sản Liên Xô tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy đến ngày giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam. 

Xúc động biết bao khi trái tim Bác ngừng đập đúng 9 giờ ngày 2/9/1969, vào đúng giờ đó ngày 19/5/1965 (và 4 năm liên tiếp) Bác ngồi vào bàn viết những dòng đầu tiên trong Di chúc, để lại muôn vàn tình thân yêu cho đời sau. Bác ra đi trên ngực không một tấm Huân chương, chiếc áo Bác mặc chỉ đẫm nước mắt của các giáo sư, bác sĩ, y sĩ và những đồng chí thân cận, trực tiếp phục vụ… cố gắng bằng mọi cách trong 47 phút, hi vọng kéo dài thêm sự sống của Người! 

Cả cuộc đời Bác luôn căn dặn đảng viên, cán bộ và đồng bào triệt để thực hành tiết kiệm. Trong bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1927, Người nêu đức tính đầu tiên của người cách mạng là “Tự mình phải: Cần kiệm”. Người cho rằng kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và “người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm” .

Ngày 2/9/1947, trên báo Sự Thật, Bác viết: “Một hạt gạo, một đồng tiền, tức là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác!”(1). Bác phân tích: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen, chợ đỏ, thụt két, buôn lậu”(2). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãng phí không những tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Bác nói: “… Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành 4 điều đó, mà muốn được lòng dân thì cũng như bắc dây leo trời”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô mà chính Người là một tấm gương ngời sáng về lối sống giản dị, tiết kiệm. Trong kháng chiến chống Pháp, ở Việt Bắc có lần Bác đi công tác về muộn, thấy Bác mệt, đồng chí bảo vệ nói với một cán bộ văn phòng: “Bác mệt, không ăn cơm được, cô nấu cho Bác một bát cháo”. Đang nằm nghỉ, Bác liền nhỏm dậy bảo: “Cô nấu cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa”. 

Bác thường tận dụng mặt sau bản tin Thông tấn xã Việt Nam để viết nháp, mặc bộ bà ba nhuộm màu nâu, đi đôi dép cao su đã mòn vẹt đế. Thấy quần áo Bác mặc hơi cũ, anh em phục vụ mang bộ mới thay vào,  Bác thường không bằng lòng. Cổ áo bị sờn rách, mọi người đề nghị thay áo khác, Bác nói: “Cả cái áo chỉ sờn ở cổ mà vứt đi thì không được, chú chịu khó lộn ra ngoài, may lại vẫn lành như mới”. Có lần một đồng chí lãnh đạo thưa thật với Bác rằng Bác là Chủ tịch nước, Bác mặc áo sờn rách như thế thì không phù hợp. Bác nói: “Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi!”

Một lần, thấy lớp nhựa ở vòng tay lái chiếc ô tô đã cũ toả ra mùi khó chịu, đồng chí lái xe lấy nước hoa vẩy vào trong xe. Khi lên ô tô, thấy mùi nước hoa Bác tỏ vẻ không vui. Bác bảo: Không phải Bác không thích nước hoa. Nhưng nhân dân mình còn nghèo, vị Chủ tịch của những người nghèo khổ dùng nước hoa sao đành!

Một ngày giáp Tết Kỷ Dậu 1969, Bác mời nhà thơ Tố Hữu và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp đến làm việc. Cầm trên tay tờ báo Hà Nội mới đưa tin sẽ dựng tượng Bác, Bác nói chậm rãi với giọng trầm buồn: ... Dân ta còn nghèo, thiếu từng cái kim khâu… Sao lại đề ra chủ trương dựng tượng Bác những 70 kg đồng? Nhà thơ Tố Hữu và Thứ trưởng Hà Huy Giáp, hứa sẽ chỉ đạo dừng lại ngay.

Từ giữa tháng 8 năm 1969, sức khỏe của Bác yếu dần. Có hôm, Người gượng ngồi dậy, ăn vài củ khoai tây hầm. Tay run, củ khoai rớt xuống mặt bàn, Bác nhặt lên, lấy khăn định lau sạch để ăn nhưng bác sĩ ngăn lại. Người nói: “Ngoài kia dông bão ngập trời, củ khoai do người nông dân một nắng hai sương làm ra mà vẫn không đủ ăn, sao ta nỡ bỏ đi?”.

Trong Di chúc: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, Bác căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

                      *      *

                          *

Rời cõi nhân gian, “đi gặp cụ Các - Mác, cụ Lê - Nin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, phong cách; một cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son, tỏa ánh hào quang lộng lẫy trong tâm hồn người Việt, nâng bước mỗi người dân trên tiến trình thực hiện ham muốn cuối cùng của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (4)./.

                                                                                                                                                                        NGUYỄN NGÔ NGA

----------------

Chú thích:

* Nguồn tư liệu: Bài nói chuyện của Giáo sư Hoàng Chí Bảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

** Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng (1875-1947). Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước.

- (1,2,3) - Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, 2002, tập 2, tr.260.

- (4): Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.