Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

KHI TIẾN SỸ VỀ LÀNG
14:09 | 28/07/2020

Tháng 6/2009 trong cái nắng chói chang đầu hè, tôi gặp PGS - TS Dương Văn Tiển ở hội thơ Chùa Tiêu (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Dưới tán cây thị già, tuy mới gặp nhau lần đầu câu chuyện đã cuốn hút, chúng tôi như người bạn lâu năm gặp lại, vừa lạ vừa quen bởi Tiến sĩ người quê Yên Phong là chồng cô giáo Kiều Thị Then, đồng nghiệp với tôi, lại máu mê “nghệ sĩ” thích giao lưu bạn bè nên chẳng bao lâu trở thành bạn tâm giao của nhau.

1. Quê hương và con đường học vấn:

Ở Yên Phong ai cũng biết đến giai thoại “Đò Lo - Chợ Chờ”. Đò Lo chính là bến đò của làng Yên Tân xưa, có tên nôm là làng Bến, thuộc xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, quê hương của tiến sĩ  Dương Văn Tiển. Đây là vùng đất giáp ranh, bên này sông Cà Lồ là tỉnh Bắc Ninh, bên kia sông là Thành phố Hà Nội. Thời phong kiến nơi đây hoang vu lắm, trộm cướp hoành hành, muốn qua lại đây người ta phải đợi nhau ở Chợ Chờ cho đông rồi mới dám vượt qua Đò Lo. Mảnh đất thuộc nơi “biên viễn” của xứ Bắc rèn luyện con người ở đây can trường hơn nơi khác. Làng Yên Tân vốn là làng thuộc đất Tứ Yên của Yên Phong (Yên Phụ, Yên Tân, Yên Hậu, Yên Vỹ), gắn liền với kỳ tích Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến Như Nguyệt phá tan 30 vạn quân Tống xâm lược cách đây gần cả ngàn năm.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành, ông nội là cụ Đồ Triện, cả đời dạy học cho lũ trẻ trong làng, trước là dạy chữ Nho sau này là dạy chữ Quốc ngữ. Cái tên “Tiển” nghe là lạ, khó phát âm chính là do ông nội đặt tên cho cháu đích tôn của mình. Nghe các cụ giải thích: chữ Hán thì chữ Tiển gồm 2 bộ, bộ Kim ghép với bộ Tiên, thành ra chữ Tiển. Đó là kim loại quý có màu sắc ánh lên như vàng và chí của con người luôn tiến lên phía trước. Ý tưởng người ông muốn cháu mình trở nên cứng cỏi, luôn tiến thủ làm vẻ vang cho gia đình dòng tộc, làng xóm.

Ngay từ thuở cắp sách đến trường, cậu bé Tiển đã tỏ ra có chí hơn người, bao giờ cũng là học sinh giỏi, luôn có tên trên “Bảng danh dự” của lớp. Đến khi là học sinh khóa 2 của trường cấp III Yên Phong anh cũng đứng đầu lớp, nhất là các môn Khoa học tự nhiên. Thời ấy học xong cấp III không phải thi vào Đại học, ban tuyển sinh của tỉnh xếp vào trường Đại học nào thì học trường ấy, chẳng ai có quyền lựa chọn cả. Dương Văn Tiển được xếp vào học trường Đại học Thủy Lợi.

Đất nước mình lắm mưa nhiều nắng, thiên tai bão lũ cũng nhiều. Bản thân đã chứng kiến trận lũ lụt năm 1957 do vỡ đê Mai Lâm, trận lụt năm 1971 do vỡ đê Cống Thôn nước ngập tận lưng nhà. Bởi vậy nhà nào cũng phải chuẩn bị sẵn một chiếc thuyền nan và bắc gác trong nhà để phòng chống bão lụt. Đi học Thủy Lợi để làm cho bà con mình bớt khổ khi mùa lũ, “dẫn thủy nhập điền” khi mùa khô để cày cấy vụ Đông Xuân. Chỉ có ý nghĩ đơn giản như vậy, chàng thanh niên nông thôn phấn khởi nhập học.

Năm 1972 tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi, nhờ có học lực khá được giữ lại làm giảng viên bộ môn Thủy Văn và Công trình rồi tham gia quản lý làm Phó Chủ nhiệm bộ môn.

Năm 1984 đi nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc trước đây). Năm 1989 bảo vệ luận án Tiến sĩ, về nước tiếp tục giảng dạy bộ môn Thủy Văn và Công Trình.

Thời kỳ này là thời kỳ nước ta khởi tạo nhiều công trình thủy lợi quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh. Tiến sĩ Tiển cùng đồng nghiệp có nhiều công trình nghiên cứu khoa học quan trọng đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy lợi nước nhà. Tính ra Tiến sĩ tham gia 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cơ sở, biên soạn 9 giáo trình, bài giảng và sách tham khảo, tham gia 15 công trình phục vụ sản xuất, có nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.

Do có thành tích trong khoa học, Tiến sĩ Dương Văn Tiển được phong chức danh khoa học Phó Giáo sư năm 1996.

Từ năm 1990 - 2006 là Trưởng khoa sau Đại học, tham gia Bí thư Chi bộ, Đảng ủy viên của trường. Năm 2008 là giảng viên cao cấp, đồng thời Tiến Sĩ đã hướng dẫn thành công 5 nghiên cứu sinh và 3 đồng nghiệp làm luận án Tiến sĩ. Với thành tích trên Tiến sĩ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam.

Bây giờ trên chốn cao xanh, hương hồn cụ Triện có thể vui lòng với đứa cháu đích tôn mà cụ chọn chữ đặt tiên là “Tiển”, Tiến sĩ xứng đáng là kim loại quý như vàng và luôn biết vươn lên phía trước như lòng mong mỏi của tiền nhân.

2. Gia đình quê hương và bạn bè:

Tôi thật sự xúc động và bất ngờ khi Đài PTTH Bắc Ninh mời nhà giáo Kiều Thị Then vợ của Tiến sĩ Dương Văn Tiển làm khách mời giao lưu với chủ đề “Người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, nuôi dạy con thành đạt, gia đình văn hóa”.

Tôi đã tìm về thôn Yên Tân để chia sẻ niềm vui với vợ chồng thầy Tiển - cô Then. Với khuôn viên 4 sào xây dựng nhà ở sinh thái hòa hợp với thiên nhiên. Ngôi nhà cổ 5 gian bề thế vừa là chỗ để thờ cúng tổ tiên, vừa là chỗ tiếp bè bạn. “Nhà trên, ao dưới, xung quanh vườn”. Mùa hè sen phủ kín mặt ao, những đóa hoa khoe sắc thắm, hương sen thơm mát rượi như xua tan cái oi nóng của mùa hạ. Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngắm ao sen, hít thở hương sen khoan khoái đến nao lòng. Bên cạnh ngôi nhà cổ chủ nhân xây ngôi nhà tầng kiến trúc theo kiểu biệt thự vườn để gia đình sinh hoạt cuối tuần. Chủ nhân đặt tên ngôi nhà là “Tĩnh gia viên”, một ngôi nhà vườn yên tĩnh, cho dù cuộc đời bên ngoài dẫu thế nào đi nữa nhưng về với ngôi nhà này vẫn thấy nơi đây là tổ ấm yên tĩnh, đầm ấm, chan chứa tình người.

Cũng giống như gia đình Tiến sĩ Dương Văn Tiển, cô giáo Kiều Thị Then ảnh hưởng theo nếp sống nho giáo, gia đình khuôn mẫu và nghiêm khắc. Năm 1975 đi dạy học cũng là lúc xây dựng gia đình với thầy giáo Tiển. Thời kỳ đầu khi đất nước thống nhất ai chẳng khó khăn, nhưng khó khăn của gia đình thầy Tiển lại ở khía cạnh khác. Gia đình nhà cô Then chỉ có 2 chị em gái, bố lại mất sớm, được gia đình đồng ý, cô Then vừa ở nhà vừa công tác vừa chăm sóc bố mẹ cả hai bên.

Năm 1992 bố chồng bị tai biến nằm liệt 5 năm trời, hai vợ chồng thay nhau chăm sóc, trong khi đó 3 người con đang tuổi ăn tuổi học. Bố chồng mất, cô Then đón mẹ chồng về cùng ở với mẹ đẻ mình. “Hai cây cảnh già” sống với nhau lại trái tính trái nết, cô Then thầy Tiển vẫn khéo chiều chuộng như chăm sóc cây cảnh để các cụ luôn thư thái an bình. Năm 2007 mẹ đẻ qua đời ở tuổi 96. Năm 2014 mẹ vợ mất ở tuổi 93, vợ chồng nhà giáo Tiển - Then nêu gương sáng về sự hiếu thảo đối với bố mẹ.

Vợ chồng nhà giáo Dương Tiển - Kiều Then còn là gia đình hiếu học thành đạt. Có với nhau 3 mặt con thì cả 3 đều tốt nghiệp Đại học chính quy. Cả hai con trai đều theo nghiệp làm thầy. Con trai lớn Dương Đức Tiến công tác tại Đại học Thủy Lợi, năm 2009 bảo vệ Tiến sĩ tại Trung Quốc, năm 2018 được phong hàm Phó Giáo sư. Con trai út Dương Đức Toàn tốt nghiệp Thạc sĩ ở Hà Lan và nhận bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản năm 2015.

Các con đều đã lập gia đình, ngày chủ nhật, ngày lễ “Tĩnh gia viên” vẫn là chốn đi về để con cháu quây quần bên ông bà, hưởng không khí ấm áp của gia đình của quê hương.

Tiến sĩ Dương Văn Tiển là người dễ hòa đồng với xóm làng, họ mạc và bạn bè gần xa.

Về với làng Yên Tân hôm nay, bạn hữu ghé thăm đình, chùa của làng cũng “tố hảo” không kém các làng khác của Yên Phong. Công lao của Tiến sĩ Tiển lớn lắm. Dân bầu ông bà vào Ban kiến thiết của làng, giao cho ông đi vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, các gia đình hảo tâm để tài trợ cho các công trình xây dựng hàng mấy tỷ đồng này. Với uy tín của mình mà ông vận động nhiều người trong đó có một nhà giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ 800 triệu đồng. Với công lao ấy làng Đình, chùa làng được xây dựng xong, Tiến sĩ được làng mời đánh trống, cắt băng khánh thành và đọc chúc văn.

Hội đồng họ Dương Việt Nam được thành lập Tiến sĩ Dương Văn Tiển thay mặt cho họ Dương huyện Yên Phong được bầu tham gia Hội đồng. Là trí thức ông quan tâm đến việc khuyến học dòng họ. Ông đã đi đến tất cả các làng của Yên Phong có họ Dương để liên kết tổ chức Ban đại diện dòng họ, giúp các cháu chăm học, học giỏi nỗ lực phấn đấu vươn lên. Ông còn tập hợp danh sách các em học giỏi, thi đỗ Đại học, hoàn thành luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ để Hội đồng gia tộc thưởng cho các em.

Do công lao đóng góp cho Hội đồng gia tộc họ Dương Việt Nam mà  mùa  xuân năm 2014, bảy nghìn người họ Dương khắp mọi miền tổ quốc về Bắc Ninh họp mặt. Tiến sĩ Dương Văn Tiển vinh dự được chọn đọc chúc văn cho buổi Đại lễ họ Dương này.

Cho đến bây giờ kể lại câu chuyện ấy Tiến sĩ vẫn như sống lại cảm giác lâng lâng khó tả. Mặc y phục dân tộc màu đỏ, mũ đỏ, thắp hương trước bàn thờ tổ, cứ mỗi câu trong bài chúc văn lại điểm một tiếng trống, mấy ngàn người đứng nghiêm đều lắng nghe xúc động như nuốt từng lời. Tiến sĩ Tiển thầm cảm ơn cuộc đời cho mình những giây phút linh thiêng ngập tràn cảm xúc. Giờ đây tuy tuổi đã cao, nhưng cứ họ Dương nào ở Yên Phong tổ chức lễ trao thưởng cho học sinh ông đều đến dự đầy đủ và “truyền lửa” khuyến học đến với mọi người. Năm 2014 ông tham gia biên tập cuốn “Kỷ yếu hội thảo họ Dương Việt Nam với phong trào Khuyến học khuyến tài” Bản thân ông giúp nhiều con cháu trong gia đình, dòng họ học hành thành đạt.

Đối với bạn bè Tiến sĩ là người tình nghĩa, rộng lượng luôn vun đắp cho tình bạn luôn nở đóa hoa thắm sắc thơm hương.

Hội bạn học khóa 1 và 2 trường cấp III Yên Phong (ra trường năm 1966 và 1967) dù đã ra trường hơn nửa thế kỷ nhưng hàng năm vẫn tổ chức hội khóa vui vẻ, giúp cho mọi người sống vui, sống khỏe và có giây phút trở lại tuổi học sinh hạnh phúc. Là Hội phó thường trực Hội, Tiến sĩ Tiển biên tập và được Nhà xuất bản Văn học ấn hành cuốn sách quý “Mái trường quê hương” năm 2013 nhân dịp 50 năm ngày thành lập trường cấp III Yên Phong.

Vốn là người yêu thích văn chương nghệ thuật, năm 2009 về quê Tiến sĩ tham gia CLB Quan họ xã Hòa Tiến. Những canh hát Quan họ ở nhà “anh hai, chị hai” nào cũng đều có mặt. Dù là hát chưa hay, nhưng Tiến sĩ lại hay hát, sự ứng xử lịch lãm của người quan họ, những ca từ trữ tình duyên dáng, đằm thắm tình yêu lứa đôi như men rượu nồng, ngấm vào máu thịt, để rồi cũng đã mấy lần Tiến sĩ tổ chức các canh hát tại gia đình để được học hỏi và giao lưu với bạn bè.

Cứ thế tình yêu đối với Quan họ nhen nhóm trong lòng Tiến sĩ ngọn lửa và đam mê thơ ca. Ở môi trường văn hóa lúc này ông lại có thêm biết bao bạn bè lịch sự, lịch lãm để mà “tứ hải giao tình”. Ông cũng đã cho ra mắt tập thơ “Thơ hái dọc đường”, với 95 bài viết về quê hương, gia đình, bè bạn.

Dương Văn Tiển hái những bông hoa đẹp ở đường đời, làm cho cuộc đời ở lúc xế chiều này thêm đẹp thêm vui. Ông đã gia nhập CLB thơ Yên Phong ngay từ năm 2010 và do quý trọng và tín nhiệm, ông được bầu làm chủ nhiệm CLB từ năm 2016. Ông làm chủ biên các tập thơ Như Nguyệt 11, 12, 13 của CLB thơ Yên Phong và hàng năm đều tổ chức “Ngày thơ Yên Phong” vào 18 tháng 2 âm lịch, tương truyền đó là ngày Thái úy Lý Thường Kiệt đọc thơ Nam quốc sơn hà  vào mùa xuân 1077. Cứ vài tháng một lần “Tĩnh gia viên” lại vui vẻ họp mặt bạn thơ để giao lưu, trao đổi, đọc cho nhau nghe những bài thơ mới sáng tác, lên kế hoạch đi thăm thú đó đây để “nẩy tứ” mà làm thơ. Với quê hương Hòa Tiến ông mời các nhà văn, nhà báo, nhà thơ về thực tế ở xã Hòa Tiến để sáng tác. Ông tổ chức biên tập, rồi bỏ tiền in cuốn sách “Hòa Tiến tôi yêu” dày 300 trang, cuốn sách địa chí và văn nghệ đầu tiên về quê hương Hòa Tiến.

3. Thay cho lời kết:

Ở huyện Yên Phong có đến dăm chục người được học tập và rèn luyện ở trường Đại học Thủy Lợi. Là huyện nông nghiệp úng lắm hạn nhiều, nên sinh viên Đại học Thủy Lợi được trọng dụng, nhiều trong số họ trở thành cán bộ chủ chốt của huyện của tỉnh. Thỉnh thoảng thầy trò có dịp gặp nhau ai cũng có chung nhận xét: Thầy Tiển giỏi về chuyên môn, có nhiều công trình khoa học quý, tận tình giúp đỡ sinh viên, vui vẻ sôi nổi trong giao tiếp và rất yêu văn nghệ, cứ ở hội nghị, hội thảo nào có thầy Tiển là vui vẻ sôi nổi hẳn lên.

Ông Trần Trọng Thức cựu sinh viên Đại học Thủy Lợi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong là bạn thơ của Tiến sĩ Tiển có nhận xét rất chí lý:

- Khi Tiến sĩ Tiển về làng, làm cho văn hóa làng thêm tưng bừng khởi sắc, với gia đình xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu, với dòng họ nhiệt huyết “truyền lửa” công tác Khuyến học khuyến tài, với bạn bè tận tình chu đáo. Ngoài khoa học ra Tiến sĩ còn để lại nhiều tác phẩm quý về văn hóa cho quê hương./.

                                                                                                                                                                                                                                                     NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG