Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

HỒ CHÍ MINH - NHỮNG ĐIỀU LẠ Ở NƠI NGƯỜI
15:34 | 20/11/2019

 Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều khó, bởi lẽ trong khoảng hơn 70 năm qua, đã có hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn bài báo, hàng mấy nghìn bài thơ… của các tác giả trong và ngoài nước viết về Người. Lại có hàng trăm cuộc hội thảo, hàng ngàn buổi nói chuyện về Bác, chưa kể những lớp học dài ngày, ngắn ngày về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với hàng triệu, hàng chục triệu lượt người đã được lĩnh hội. Lại còn biết bao bản nhạc, bức tranh, ảnh, bao nhiêu vở kịch miêu tả, ngợi ca... công ơn của Người.

 

Điều ấy làm cho chúng ta sung sướng, bởi hiếm có đất nước nào lại có vị Chủ tịch được nhân dân toàn thế giới kính yêu, cảm phục và ngưỡng mộ đến như vậy.
Vẫn biết, viết về Bác là điều không đơn giản, bởi lẽ một cá nhân không thể đọc hết, nghe hết “những gì đã có rồi”, song với lòng biết ơn và tôn kính vô bờ với Bác, tôi cứ mạnh dạn suy nghĩ, lựa chọn những chi tiết có thể là lạ lùng trong những câu chuyện lạ lùng về Bác mà chưa nhiều người được biết, kể ra đây, may ra góp một chút, giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi nhận biết đôi điều…
1. Bác xuất ngoại, đi tìm đường cứu nước, nhưng lạ: Bác chưa đến ngay nước Nga, nơi nhiều người lao khổ và là xứ sở của nhiều cuộc cách mạng, là một nước công nghiệp tiên tiến. Bác cũng không vội tìm những nhà cách mạng tài danh, nổi tiếng quốc tế, càng không sang Trung Quốc nước lân cận, cũng không thiếu người tài để “học hỏi rồi về giúp nhân dân mình”. Bác sang thẳng nước Pháp, là nước đang xâm lược và đô hộ nước ta. Càng lạ hơn là Bác ra đi chỉ có hai bàn tay trắng, làm thế nào để sống được, viết báo được, xuất bản báo được, lập Hội được và nhanh chóng trở thành nhân vật tầm cỡ của quốc tế, tạo thuận lợi cho việc “tìm đường đi cứu nước mình”.
Năm 1920 Bác trở thành Đảng viên của Đảng cộng sản Pháp. Ánh sáng cứu nước đã le lói. Từ đây Bác càng phấn đấu không mệt mỏi cho lợi ích tối cao của dân tộc.
5 năm sau - 1925 Bác tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam sau này.
Và đúng 5 năm sau nữa - ngày 3/2/1930 Bác đại diện Quốc tế Cộng sản tổ chức hợp nhất các nhóm Cộng sản ở Việt Nam để thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, vạch ra Chính cương, Điều lệ vắn tắt của Đảng. Sự kiện lớn lao và quan trọng này, nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã viết: “… Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương sương gió tơi bời…”.
5 năm sau (1935) Bác chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng lần thứ nhất tại Ma Cao, Trung Quốc. 5 năm sau nữa dưới sự lãnh đạo của của Đảng và Bác, khu giải phóng Việt Bắc được thành lập làm hạt nhân cơ bản chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
- Lạ lùng hơn nữa, đúng 5 năm sau, dân tộc Việt Nam đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 giành chính quyền về tay nhân dân. Tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Người đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 
- Sự lạ lùng của chu kì con số 5 (ngũ phúc lâm môn) chu kỳ tiến triển của đất nước, năm lần, mỗi lần 5 năm để những sự kiện trọng đại như nắng xuân bừng sáng trên đất nước: Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời.
2. Bác có khả năng tiên tri giống như Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa.
Năm 1941 Bác về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, dù đã có Đảng, có mặt trận Việt Minh, có khu giải phóng nhưng Nhật - Pháp đang còn hàng chục vạn tên cai quản đất nước ta, khủng bố, đàn áp nhân dân ta vô cùng tàn bạo. Còn nhân dân ta chưa hề có tấc sắt trong tay, chưa có lực lượng vũ trang mạnh (trừ một số quân tự vệ ít ỏi). Quân giặc thì trang bị hiện đại. Vậy mà Bác tiên tri: “... Bốn nhăm sự nghiệp hoàn thành”. Quả nhiên như có phép mầu hiển hiện: Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Nhật. Pháp đều thua. Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới khắp đất trời Việt Nam yêu quý.
- Năm 1954 khi Pháp thua, phải ký hiệp định Giơnevơ, đình chiến ở Việt Nam. Mọi người vô cùng phấn khởi. Bác nói: “Thắng lợi mới chỉ là bước đầu. Còn phải phấn đấu lâu dài hơn nữa”.
Quả nhiên còn phải cật lực 21 năm nữa, mới giành được độc lập, tự do trong cả nước. Nam - Bắc sum họp một nhà.
- Bác tiên tri về cách thua của Mỹ: “Mỹ nhất định thua, nhưng sẽ thua sau khi Mỹ đánh B52 vào Hà Nội”. Quả đúng là như vậy.
- Về âm mưu can thiệp của nước ngoài, Bác như đã "đi guốc" trong đầu chúng bằng lời: “Cảm ơn. Chúng tôi tự lo được”.
 Năm 1959 khi ta chủ trương mở đường Trường Sơn, Trung Quốc xin mở hộ: “Các đồng chí cứ yên tâm vào Nam mà đánh. Việc mở đường đã có chúng tôi. Chúng tôi xin ủng hộ 5 tỷ và cử 30 vạn quân sang cùng chiến đấu chống Mỹ”.
Thử hỏi: Nếu ta cho Trung Quốc có 30 vạn quân vào “mở đường” giúp, liệu sự thể sẽ ra sao? Câu trả lời: Năm 1971 Trung Quốc đơn phương cắt viện trợ ta và tuyên bố: “Mi không động đến ta. Ta không động đến Mi”(Mi đây là Mỹ).
3. Là lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, của Đảng cộng sản Việt Nam. Người có nhiều câu nói mang tầm chiến lược, có giá trị và ý nghĩa sâu sắc lạ lùng, hiếm thấy. “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Trên thế giới tôi được biết có 3 vĩ nhân, nói câu triết lý nổi tiếng, gồm 9 chữ (số 9 nói lên nhiều điều, cả về sự linh diệu triết học phương Đông lẫn toán học phương Tây).
- Đỗ Phủ: 712 - 770 “Dân đen là những người thầy vĩ đại nhất”.
- Wasington: 1732 - 1799 “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”.
- Hồ Chí Minh: 1890 - 1969 “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”.
Người viết bài này còn được biết: Bác nói câu 9 chữ vàng này không phải là lần đầu tiên. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 Bác đã viết: “Thà chết nhất định không chịu làm nô nệ”. Chín chữ ngắn, gọn, dễ hiểu, có giá trị kêu gọi ý chí chiến đấu bằng ngàn, vạn chữ khác.
- Lại một sự lạ:
Mọi người đến thăm tượng đài “Thần tự do” của Mỹ, đều ngắm kỹ, đều ghi cảm tưởng, thán phục và ngợi ca “Thần tự do”.
Khi còn mang tên Nguyễn Tất Thành, Bác đến Mỹ, Bác cũng thăm “Thần tự do” nhưng Người nhìn xuống chân tượng đài và ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần tự do tỏa rộng khắp trời xanh. Còn dưới chân tượng “Thần tự do” thì người da đen đang bị chà đạp, số phận những người phụ nữ đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng giữa các dân tộc. Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới.
Rõ ràng tầm nhìn của Bác ngay từ khi còn trẻ đã vô cùng sắc sảo. Người nhìn số phận con người, chứ không nhìn vào hào quang của Thần tự do.
- Khi thăm chiến hạm Pháp, họ giới thiệu khẩu đại bác. Bác thản nhiên lấy tay bịt miệng súng lại, ra ý bảo: Ý chí Việt Nam sẽ vô hiệu hóa vũ khí của Pháp.
- Năm 1960 - khi dự Hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân ở Matxcơva, Bác tiên đoán tình hình hai Đảng: Liên Xô và Trung Quốc. Cách đó mấy hôm, Bác đã đi tham quan một vài nơi ở Liên Xô. Đến hôm ký Tuyên bố chung Bác không có mặt. Bác không nỡ nhìn sự bất hòa giữa hai Đảng anh em.
Trước khi qua đời, Bác để lại di chúc, đoạn nói về phong trào Cộng sản Quốc tế Bác viết: “… Tôi càng đau lòng về sự bất hòa… Tôi mong rằng Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc sẽ đoàn kết lại…”. Cảm động trước tấm lòng trong sáng, vô tư của Bác, các nhà lãnh đạo hai nước đã bắt tay nhau, khi về có ngay cuộc gặp gỡ hai bên và có rút quân khỏi biên giới (lúc ấy hai bên đang xô xát). Rõ ràng: Bác là người có uy tín và có sức thuyết phục đến lạ lùng.
- Các lãnh tụ khác ít có những câu nói ngắn, gọn, chứa đựng đầy đủ nội dung, ý nghĩa như Bác.
+ Về Đảng:
“Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của quần chúng”.
“Đảng phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt”
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no...”.
+ Về Quân đội: “Quân đội ta là quân đội của nhân dân”
“Trung với Đảng. Hiếu với dân
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Khó khăn nào cũng vượt qua
Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
+ Về Công an Bác nói: “Công an là bạn dân” và căn dặn 6 điều.
+ Về Thanh niên: “Là cánh tay và đội hậu bị trung thành của Đảng”
“Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí cũng làm nên”.
+ Về Phụ nữ: “Phụ nữ Việt Nam anh hùng trung hậu đảm đang”.
+ Với Phụ lão: “Quốc gia lâm nguy. Thất phu hữu trách”.
+ Thiếu niên, nhi đồng. Có 5 điều Bác dạy.
Với tất cả các tổ chức: Chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các ngành, các địa phương khi Bác đến thăm, Bác đều có những lời khen, nhận xét đánh giá, những lời dạy ngắn gọn thiết thực, dễ hiểu và đầy ý nghĩa.
Đặc biệt về Quân sự: Nước Việt Nam không thiếu tướng võ, nhưng Bác chọn Võ Nguyên Giáp là Giáo sư dạy Sử làm Tổng tư lệnh Quân đội. Lạ chưa! Cũng “về Quân sự: “Bác giao miền Nam cho chú Bình”. (tức Nguyễn Bình).
- Bác biết rất nhiều thứ tiếng dân tộc ít người: Ngày mùng một tết Đinh Dậu (1967) Bác về thăm Hà Bắc, nói chuyện với 400 cán bộ tỉnh, huyện và các xã tiêu biểu tại chùa Tam Sơn (Tiên Sơn) bây giờ là Từ Sơn. Bác đã lần lượt mời đại biểu các dân tộc ít người lên gặp Bác. Đại biểu dân tộc nào lên là Bác nói chuyện bằng tiếng của dân tộc ấy. Cả thảy 12 dân tộc, trước sự kinh ngạc và thán phục của các đại biểu đang có mặt.
- Về phòng chống tham nhũng: Bác nói: “Tham ô là ăn cắp. Kẻ ăn cắp là kẻ xấu. Kẻ xấu cần tẩy trừ cho sạch”.
Bác làm công tác dân vận rất giỏi, rất khéo, riêng việc Bác nói được vài chục thứ tiếng dân tộc đã là điều lạ lùng. Hồi bác ở Tuyên Quang, Bác được đồng bào chăm sóc rất tử tế và chu đáo. “Có lần Bác bị ốm rất nặng, tưởng không qua khỏi, đồng bào dân tộc đã tìm một ông già hái cho một nắm lá. Nắm lá ấy đã cứu sống Bác. Ông già không xưng danh. Và các cán bộ ta cũng không biết ông già đó là ai, ở đâu nữa…” (Lời thuyết minh tại Lán Nà Lưa - Tuyên Quang).
Bác không chỉ là người tài năng đặc biệt, định ra đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao… Bác còn am hiểu cả các lĩnh vực Văn hóa, Văn học, Nghệ thuật. Bản Tuyên ngôn độc lập đã là áng hùng văn, trước đấy Bác viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Bác viết cả truyện ngắn, cả kịch nói đăng trên báo chí nước Pháp.
Về thơ: Ngoài “Ngục trung nhật ký” Bác còn sáng tác nhiều bài thơ khác, dẫu Bác “vốn không ham”, Bác viết chỉ giải tỏa nỗi lòng và thỏa mãn những rung động bất chợt về số phận những con người, về dân, về nước…
Họa: Chỉ chớp nhoáng bằng 3 nét vẽ cơ bản, đơn giản, Bác đã có một bức biếm họa: Người phu xe tay gầy guộc đang oằn mình kéo một tên thực dân vênh mặt trên xe.
Còn lĩnh vực câu đối mới thật lạ. Hiếm có những câu đối sắc sảo và kịp thời như Bác: Năm 1943, Bác vừa rời khỏi nhà tù Quốc dân đảng. Tướng Trương Phát Khuê tổ chức một bữa tiệc với dụng ý mời Bác tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh Hội. Bữa tiệc khá đông khách, người Việt, người Trung. Nguyễn Hải Thần thấy có tới ba người mang tên Chí Minh, ông ta cảm hứng ra một vế đối bằng chữ Hán:
Hồ Chí Minh. Hầu Chí Minh.Nguyễn Chí Minh. 
Đồng chí tam minh, minh thả chí.
Bác đối lại ngay bằng tiếng Việt: 
Cụ cách mạng. Tôi cách mạng. Nó cách mạng.
Chúng ta cách mạng, mạng phải cách.
Nguyễn Hải Thần tím mặt, im thin thít.
Về văn nghệ Bác nói: “Văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận Văn nghệ”.
Bác xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, truyền thống Nho giáo, nhưng Bác vận dụng Nho giáo một cách rất lạ. Ví dụ: Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên sinh: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản” Bác vận dụng “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) nhưng cụ thể hóa: “Thật sự tôn trọng con người” “Tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân”. Hoặc về lễ giáo Tam cương, ngũ thường, Bác đưa lên thành: “Trung với nước, hiếu với dân”, “Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí - công vô tư”. Bản thân Bác thật sự làm gương về chữ Kiệm. Hình ảnh đôi dép cao su ngày nay vẫn được đặt dưới chân thi hài Bác, có lẽ cả 150 nước trên thế giới, không có vị đứng đầu nhà nước nào, lại chỉ dùng đôi dép cao su, đơn giản, rẻ tiền như Bác. Đôi dép Bác đi còn kéo theo hàng triệu bộ đội, dân công, thanh niên xung phong cũng dùng đôi dép cao su ấy, suốt 30 năm chống Pháp, chống Mỹ. “Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn” (Tố Hữu). Nhìn đôi dép của Bác nhiều người không cầm nổi nước mắt.
Năm 1946 khi trao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng để Bác đi Pháp đàm phán. Vào lúc chính quyền non trẻ, kẻ thù lăm le, phản động chờ thời, cụ Huỳnh lo lắng hỏi Bác về cách xử trí các tình huống, Bác chỉ dặn một câu gồm 6 từ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chí sĩ Huỳnh đã vô cùng bất ngờ thán phục tài trí của Bác. Và cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quyền Chủ tịch nước, đặc biệt cụ đã cho tiêu diệt bọn phản động Quốc dân đảng, điển hình là vụ Ôn Như Hầu.
Một điều kỳ lạ nữa là trong Di chúc của Bác về việc riêng, Bác có 79 chữ tương ứng với 79 mùa xuân của Bác. Đời Bác chẳng nhận chút gì cho riêng mình. Có lãnh tụ nào, vĩ nhân nào lại từ chối tất thảy mọi phần thưởng cao quý? Chính phủ Liên Xô quyết định tặng Bác Huân chương Lênin là Huân chương cao quý nhất của Liên Xô. Bác từ chối: “Nhân dân nước tôi đang gian nan đánh Mỹ, một mình tôi nhận Huân chương tôi không nỡ”. Rồi Quốc hội nước ta quyết định tặng thưởng Bác Huân chương Sao vàng là Huân chương cao quý nhất hồi ấy chưa ai được. Bác cũng khéo léo chối từ: “Đợi đến ngày thống nhất đất nước…”.
Cuối cùng bác ra đi không một Huân chương trên ngực…
Ôi! Một con người trong sáng, cao cả, khiêm nhường đến lạ lùng ở nơi Bác./.
                                                                                                                                                                                              HOÀNG TIẾN