Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

GƯƠNG THẦY VẪN TỎA
15:30 | 15/03/2022

 Năm 2022 này, đã bước vào tuổi 89, thầy giáo Nguyễn Hữu Điện ở thôn Phú Mẫn, thị Trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vẫn mạnh khỏe, minh mẫn có niềm đam mê nghe đài, đọc báo, sưu tầm tranh ảnh và những bài viết về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ cho hoạt động khuyến học và hoạt động thư viện của thôn.

Phú Mẫn là làng cổ của Thị trấn Chờ, làng có 17 cụm dân cư với gần 5.000 khẩu và 950 hộ. Chi bộ có trên 100 đảng viên, luôn là Chi bộ vững mạnh tiêu biểu. Nơi đây là quê hương của HTX Măng non Phú Mẫn được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích “Học tập tốt, lao động tốt, chăm sóc trâu bò béo khỏe” đúng vào kỷ niệm 79 năm ngày sinh của Người (19/5/1969).

Ngày 02/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam ra đời góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà, thì ngày 03/11/1996 Chi bộ Phú Mẫn quyết định thành lập Hội Khuyến học của thôn và giao cho 3 đảng viên, trong đó có nhà giáo Nguyễn Hữu Điện tổ chức xây dựng Hội. Đây cũng là Chi hội Khuyến học ra đời sớm nhất huyện Yên Phong.

25 năm xây dựng và trưởng thành, Chi hội Khuyến học Phú Mẫn trở thành cánh chim đầu đàn của Khuyến học Yên Phong, nhiều lần được UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen, đặc biệt năm 2014 được tặng Cờ thi đua của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Trong thành tích chung ấy có đóng góp của thầy giáo Nguyễn Hữu Điện.

Kỷ niệm về ngày nhận thư khen của Bác sống mãi trong lòng thầy giáo già. Ngày ấy khi còn là bộ đội chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ, đúng vào ngày sinh của Người, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam được biết HTX Măng non quê mình được nhận thư khen của Bác Hồ, niềm vui sướng tự hào cứ trào dâng tưởng như muốn bay lên, muốn hét to lên để cho đồng đội biết Phú Mẫn là quê hương tôi đấy; cũng từ đấy thấm thía mãi lời dạy trong thư của Người, muốn trở thành người tốt phải “Làm những việc ích nước lợi dân”. Và đêm ấy đơn vị tiêu diệt gọn đồn số 1 thuộc kênh nhỏ U Minh làm quà dâng Bác. Dường như suốt cả cuộc đời thầy giáo Nguyễn Hữu Điện sống và làm việc theo bài học làm người ấy.

*    *

*

Năm 1952, khi đang ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), thầy giáo trẻ đã tình nguyện về xã Văn Phú (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) một vùng địch hậu để dạy học, với chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học. Sống với dân, ăn ở cùng dân, cùng với đội du kích đánh giặc bảo vệ trường lớp, bảo vệ xóm làng. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, mãi đến năm 1959 thầy trở lại Yên Phong dạy học với chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học. Từ giáo viên cấp I tự học, tự rèn phấn đấu vươn lên giáo viên cấp II, năm 1963 được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường cấp II, III Yên Phong (nay là trường THPT Yên Phong số 1). Thầy giữ cương vị Hiệu trưởng ở một số trường khác, sau đó thầy được tổ chức điều lên làm cán sự Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Bắc. Bất cứ công việc nào cũng không hề tính toán, so đo, không chọn việc dễ, tránh việc khó, sẵn sàng theo sự phân công của tổ chức.

Giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc năm 1966, Bác Hồ ra lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thầy Điện viết đơn lên đường nhập ngũ. Ngày 18/7/1967 thầy đã khoác lên mình quân phục áo xanh người lính, hành quân vào miền Nam chiến đấu. Bàn chân người lính đã đi qua hầu hết các tỉnh miền Đông, rồi miền Tây Nam Bộ. Kỷ niệm không quên là đã đến được nghĩa trang Hòn Đất đế viếng mộ chị Sứ và đồng đội (nhân vật chính trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức) thầm hứa với Bác Hồ là sống và chiến đấu kiên cường noi gương theo chị Sứ.

Năm 1975 đất nước thống nhất thầy rời quân ngũ lại chuyển về công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Hà Bắc (cũ) với chức vụ Phó Chánh văn phòng, đến năm 1984 nghỉ hưu tại quê nhà.

Về quê, thầy tham gia các Chi hội: Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Cựu Giáo chức và đặc biệt tổ chức và hoạt động Khuyến học của thôn từ năm 1996 đến nay. Từ ngày về hưu cái thú đọc báo, sưu tầm tài liệu về Bác và Đảng mới có dịp thực hiện và cũng là để phục vụ cho công tác khuyến học khuyến tài của mình. Thầy Điện quan niệm, công tác khuyến học là vận động nhiều hội viên tham gia Hội, tích cực xây dựng nhiều “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”; vận động toàn dân tham gia giáo dục để hàng năm có nhiều học sinh thi đỗ Đại học và chăm lo cho các em học sinh nghèo vượt khó. Nhờ có sự góp sức của Chi hội Khuyến học, làng Phú Mẫn năm 2021 có tới 18 Tiến sĩ, trong đó có 1 Giáo sư, 2 Phó Giáo sư và 117 Thạc sĩ. Như vậy cứ 37 người dân ở đây có 1 người có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ trở lên, thật là một điều kỳ diệu đến khó tin. PGS.TS Nguyễn Hữu Huế, sinh năm 1976, được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) năm 2021 là người tiêu biểu cho lớp trí thức trẻ Phú Mẫn.

Thầy Điện quan niệm, làm công tác khuyến học còn phải góp phần nâng cao dân trí cho toàn dân, không chỉ quan tâm việc học cho trẻ em mà phải nâng cao “sự học” của người lớn. Phương tiện để người lớn học tập ấy là thường xuyên nghe đài, xem ti vi, đọc báo và làm theo báo, để hiểu và thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ở Phú Mẫn “Văn hóa đọc” đã thực sự được coi trọng.

Với quan niệm như vậy, thầy tập hợp trên 1.000 số báo Người cao tuổi đóng thành 60 tập, 250 số đặc san đóng thành 50 tập để người đọc tiện theo dõi. Thầy còn rút ra từ chuyên mục “Chăm sóc sức khỏe” đóng thành 24 tập, mỗi tập đều có mục lục, tên bài thuốc, số trang. Những cuốn “sách báo” ấy luân chuyển nhiều người đọc dù đã nhàu nhưng vẫn đầy đủ bài và luôn được bọc lại ngay ngắn.

Với công tác khuyến học của làng Phú Mẫn thầy còn có cả một tủ tài liệu liên quan đến khuyến học của làng từ xưa đến nay. Sẵn có năng khiếu hội họa, lại đam mê chụp ảnh nên tất cả tranh ảnh, biểu bảng trưng bày trong các ngày hội khuyến học của làng đều do bàn tay tài hoa và thú đam mê sưu tầm của thầy mà có được.

Là quê hương được Bác Hồ gửi thư khen, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thầy đã bỏ công sưu tầm trên 300 bức ảnh và hàng trăm bài viết về Bác Hồ kính yêu, đồng thời phân loại theo từng chủ đề để tiện theo dõi. Chính do sự tích lũy và niềm kính yêu Đảng, Bác, thầy Điện giúp Chi bộ và Chi hội Khuyến học Phú Mẫn tham gia thành công 2 cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ. Ở cuộc thi nào với nguồn tư liệu phong phú, thầy cũng làm đề cương, vận động đảng viên trong Chi bộ và vận động hội viên Hội Khuyến học tham gia viết bài dự thi. Cuộc thi “Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh” tổ chức đầu năm 2004 tổng kết vào dịp 19/5/2004 Phú Mẫn đã có 389 người tham gia và được Ban tổ chức Trung ương trao giải Nhất đồng hạng. Cuộc thi “Tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang Đảng cộng sản Việt Nam” vào dịp 3/2/2005, sẵn có kết quả của năm trước, lần này Phú Mẫn đã có 800 người dự thi, là đơn vị có đông người dự thi nhất huyện Yên Phong và được Ban Tổ chức tặng giải Khuyến khích. Bản thân thầy Điện làm bài dự thi dài 23 trang, chữ viết nắn nót tới từng dấu chấm, dấu phẩy, có 30 ảnh tư liệu đã được trao giải Nhì của huyện và giải Ba của tỉnh Bắc Ninh. Có người hỏi thầy Điện: tài liệu, tranh ảnh về Bác Hồ về Đảng thiên hạ có nhiều lắm rồi, nay sưu tầm để làm gì? Những lần như thế thầy thường giãi bày: “Trước hết đọc báo sưu tầm tư liệu về Đảng, Bác là để nâng thêm hiểu biết về Đảng, về Bác, về đất nước quê hương. Từ đó mình sẽ giàu có lên về tri thức, trong sáng về tâm hồn giúp mình vững vàng lòng tin vào Đảng, Bác, giúp mình biết cách đối nhân xử thế ở đời. Mình làm như thế không riêng gì cho mình mà còn giúp cho mọi người, cho anh em, cô bác, con cháu mình, nhất là các cháu thiếu nhi Phú Mẫn có tài liệu để đọc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xứng đáng với truyền thống nơi được Bác Hồ gửi thư khen”.

Tháng 5/2019 kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gửi thư khen các cháu thiếu niên HTX Măng Non Phú Mẫn, Đảng ủy, UBND Thị trấn Chờ, Chi bộ và nhân dân Phú Mẫn có cả một chương trình kỷ niệm công phu, hoành tráng, nhằm khơi dậy niềm tự hào về quê hương Phú Mẫn giàu đẹp và anh hùng. Phú Mẫn trở thành một địa chỉ đỏ về Khuyến học khuyến tài cho các địa phương trong huyện, trong tỉnh học tập và noi theo. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều bài hồi ký và bài thơ xúc động lòng người... thầy Điện đã gom góp biên tập, in ấn công phu. Hình ảnh thầy Điện lúc nào cũng ở nhà in chăm chút cho từng bài viết, chăm chút cho từng bức ảnh, sửa lại từng lỗi nhỏ để ấn phẩm “50 năm Măng non Phú Mẫn” ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm.

Thực hiện tư tưởng lớn “Học tập suốt đời” của Bác Hồ và thực hiện Nghị định 281 của Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập” Chi bộ thôn Phú Mẫn có Nghị quyết xây dựng thư viện của thôn, lấy Chi hội Khuyến học làm nòng cốt. 

Ngày 23/10/2016 thư viện khai trương có trên 5.000 số báo, 5580 đầu sách, đến nay số sách đã trên 10.000 bản. Một tuần 3 buổi chiều, thư viện mở cửa cho độc giả đọc và mượn sách. Thư viện còn nối mạng Internet để học sinh truy cập tin tức. Khi thư viện ra đời, thầy Điện tặng lại toàn bộ sách báo, tài liệu, tranh ảnh quý cho thư viện của thôn. Thầy Điện chẳng những là thành viên được Chi bộ tín nhiệm cử ra xây dựng thư viện, đồng thời khi thư viện xây dựng xong thì thầy Điện lại là một trong 4 thủ thư thiện nguyện của thư viện, mỗi buổi chiều phục vụ từ 30 đến 50 độc giả, góp phần nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, ham đọc sách của nhân dân địa phương.

Với dáng người thanh mảnh, mái tóc bạc trắng, từ cách ăn mặc gọn gàng, cử chỉ nói năng nhỏ nhẹ đều rất mô phạm, những lúc hướng dẫn cho các em học sinh tìm hiểu về lai lịch bức thư Bác Hồ, về cây đa quyền Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trồng tại đình làng, hướng dẫn và kế các cháu nghe về tấm gương học giỏi, chịu khó vươn lên của các Thạc sĩ, Tiến sĩ của làng... thầy như trẻ ra và mong muốn làm nhiều hơn những việc “ích nước lợi dân”. Vào dịp cuối năm 2021, thầy Điện lại được Chi hội Khuyến học của thôn giao cho nhiệm vụ biên soạn cuốn “Kỷ yếu thư viện Khuyến học làng Phú Mẫn”, thầy lại công phu lên kế hoạch xây dựng đề cương, phân công người viết, rồi trình ra tập thể. Sau đó lại tập hợp tài liệu, sưu tầm tư liệu, tranh ảnh… rồi biên soạn để xuất bản. Cuốn sách này cũng là tâm nguyện của thầy.

Tham gia công tác khuyến học của làng, thầy Điện cũng chăm chút gia đình mình trở thành một gia đình hiếu học tiêu biểu, cô con gái út của thầy là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, cháu đích tôn của thầy là Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quân đang công tác tại trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Được biết con rể và cháu dâu của thầy cũng có học vị Tiến sĩ, đóng góp xứng đáng vào danh hiệu làng Tiến sĩ, Thạc sĩ Phú Mẫn.

Thầy Nguyễn Hữu Điện, người đảng viên gương mẫu tích cực với 61 năm tuổi Đảng, lặng lẽ bình thường, mô phạm mà vẫn hàng ngày góp thêm ngọn lửa nhỏ cho truyền thống hiếu học quê nhà tỏa sáng và cho lòng người Phú Mẫn thêm yêu quê hương, thêm kính yêu Đảng, kính yêu Bác Hồ vĩ đại./.

                                                                                                                                                                                         NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG