Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CHUYỆN VỀ NGƯỜI THẦY THUỐC ANH HÙNG
16:10 | 10/06/2019

Theo anh Đăng cho biết: Bác sĩ Tạ Lưu sinh năm 1931, nhập ngũ năm 1947, khi vừa tròn 16 tuổi. Mẹ anh là bà Cao Thị Nhu, sinh năm 1936, quê ở Diễn Châu - Nghệ An; Bà cũng tham gia thiếu sinh quân khi mới 13 tuổi, sau đó được đi học y tá. Công tác cùng một chiến trường, lại cùng ngành, cùng nghề nên hai ông bà từ quen thân đến yêu thương và quyết định xây dựng gia đình với nhau vào năm 1956. Ông bà sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái). Hiện có 10 cháu nội, ngoại; trong đó 3 cháu đang học đại học, 1 cháu đã là thạc sĩ...

Lúc vào bộ đội, ông từng là cứu thương viên của Vệ Quốc Quân, sau đó được đi học đào tạo trở thành bác sĩ quân y, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường hết sức gian khổ, ác liệt trên đất bạn Lào, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ông được Đảng - Nhà nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ngày 18 tháng 6 năm 1969, khi là Đội phó Đội Điều trị 14, Binh trạm 12 Trường Sơn. Tiếp đó, trải qua nhiều cương vị khác nhau như: Chủ nhiệm khoa ngoại chung, Viện phó, rồi Viện trưởng - Bệnh Viện Quân y 110 - Quân Khu 1... Ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được cấp trên tin yêu, cấp dưới cảm phục... Và được Hội đồng Nhà nước trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” năm 1989. Năm 1994, ông nghỉ hưu ở tuổi 63 sau 47 năm liên tục phục vụ trong quân ngũ. 2 năm đầu sau khi nghỉ, ông mở phòng chuẩn trị tại nhà, chủ yếu khám chữa bệnh miễn phí, giúp đỡ các đồng chí thương bệnh binh, gia đình chính sách và người nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở nơi cư trú.
Ngừng tay dao, tay kéo chuyển sang cầm bút, với tinh thần lao động nghệ thuật say mê, sáng tạo, ông trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, cho ra đời gần 20 đứa con tinh thần với các thể loại văn học khác nhau. Hàng chục tác phẩm của ông được Trung ương và địa phương trao giải. Nổi bật nhất là những sáng tác về: “Gương người tốt việc tốt”; những tập thể, cá nhân tiêu biểu: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên các mặt trận!
Nói đến đây, như chợt nhớ điều gì, anh Đăng xúc động, nhấp vài ngụm nước, mỉm cười tiếp tục: Nghe ông bà kể lại, tình yêu thương đồng nghiệp, tình yêu đôi lứa trải qua những năm tháng chiến tranh, tại nơi chiến trường khói lửa “nay sống, mai chết...” mới thấy cao đẹp, trân trọng đến nhường nào? Trong thời gian quen biết đến khi kết hôn, ông bà vẫn thường xuyên viết thư qua lại. Có những ngày ông viết tới 2 - 3 lá mà giấy lại thiếu, nhiều khi phải trải lòng mình với người yêu qua các vỏ bao thuốc lá Tam Thanh, Tam Đảo, hay Sông Cầu... Nhận được những bức thư đặc biệt như thế, bà thực sự xúc động, nước mắt cứ rưng rưng...!
Ngừng một lát, anh Đăng sôi nổi hơn: Ông bà đều là quân nhân, nay đây mai đó, cuộc sống gia đình đều trông vào đồng lương, phụ cấp hạn hẹp, mà con thì nhỏ lại đông, nhưng không lúc nào hai người, nhất là ông cảm thấy buồn nản... luôn tin tưởng, lạc quan. Chẳng thế mà, trừ khi phải đi công việc hoặc trực ở Bệnh viện, còn lại về nhà ngày nào, giờ nào ông đều chăm lo đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình, học hành của các con. Do quen với tác phong làm việc khoa học, tỷ mỉ, nghiêm túc nhưng đầy lòng nhân ái...nên ngay cả việc giúp đỡ chúng tôi học tập, ông đều có kế hoạch hết sức chu đáo. Thường xuyên khích lệ, động viên, luôn coi các con là bạn, qua đó phát huy được phẩm chất, tính tư duy độc lập ở mỗi chúng tôi để tự nỗ lực vươn lên...Ngay cả sau này nghỉ hưu với các cháu nội, ngoại cũng vậy! Chính vì thế mà tình cha con, ông cháu lúc nào cũng gần gụi, gắn bó. Cả 4 anh em chúng tôi ai cũng chăm ngoan, học hành đến nơi đến chốn. Sau này trưởng thành đều là cán bộ trung, cao cấp trong quân đội, công chức nhà nước, doanh nhân năng động có thu nhập khá. 
Chuẩn bị phải đi công việc, anh Đăng cho biết thêm: Tính đến nay ông bà đã hơn 60 năm gắn bó bên nhau, cũng là thời gian mà cả hai vinh dự được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Hiện tuổi đã cao, sức yếu, không tham gia hoạt động sáng tác nữa, nhưng Ông vẫn luôn mẫu mực tự rèn luyện, chăm lo sức khỏe bản thân hằng ngày, đồng thời giúp bà trong ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ (bởi trong vài năm gần đây bà bị bệnh loãng xương, đi lại khó khăn, con cháu bận lại ở xa). Với Chính quyền và nhân dân địa phương, ông luôn chân thành, giản dị, giàu lòng cảm thương. Đúng như lời ghi nhận của đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh - nơi ông về nghỉ hưu sinh sống và sinh hoạt trước đây: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa II - đồng chí Tạ Lưu là tấm gương, là niềm tự hào của các thầy thuốc quân dân y thế hệ Hồ Chí Minh, cũng là niềm tự hào của Đảng bộ phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh...”.
Tạm chia tay gia đình, chia tay người thầy thuốc Anh hùng, trong tôi lâng lâng bao dòng suy nghĩ...!
                                                                                                                                                                      NGUYỄN TỰ LẬP