Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

BÁC ƠI! TIM BÁC MÊNH MÔNG THẾ
10:36 | 10/01/2020

Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi lần Tết đến, xuân về Bác Hồ luôn nghĩ đến dân, mong cho mọi nhà đều có Tết, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng với việc tìm ý thơ, chuẩn bị thơ chúc mừng năm mới để gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước lúc giao thừa, năm nào Bác cũng chuẩn bị một chương trình đi thăm dân trong đêm Giao thừa và trong những ngày Tết.

Đêm 30 Tết Bính Tuất (1946), mùa xuân độc lập đầu tiên  trên  đất nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón Giao thừa thì vị Chủ tịch nước xắn quần, bước thấp bước cao đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng (Hà Nội)... được mắt thấy, tai nghe cảnh Tết của bà con lao động nghèo mới vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến.

Chính trong cuộc “vi hành” đêm 30 Tết của mùa xuân độc lập đầu tiên ấy, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô “Tết mà không có Tết” ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo với đồng chí Chủ tịch thành phố Hà Nội biết.

Cũng đêm Ba mươi Tết Bính Tuất đó, đúng Giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.

Tối 30 Tết Canh Tý (1960), Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội), gần đến giao thừa mà chị Tín vẫn phải đi gánh nước thuê để đổi lấy gạo nấu cơm cho 4 đứa con trong ngày mồng một Tết. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run nắm lấy bàn tay của Bác:

- Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...

Chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở.

Vị Chủ tịch nước an ủi chị:

- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...

Qua trò chuyện với chị Tín, Bác được biết chồng chị Tín là một công nhân khuôn vác ở bến Phà Đen đã mất bốn năm trước. Còn chị cho đến lúc này vẫn chưa có việc làm ổn định. Gọi là nhà nhưng chỉ là một cái chái như một túp lều. Trên cái bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một nén hương. Bốn đứa nhỏ, đứa lớn nhất mới 10 tuổi đang ngồi trên giường chia nhau một gói kẹo. Bác xúc động và thoáng chút buồn. Trên đường về, ngồi trên xe Bác nói với các đồng chí phục vụ và bảo vệ đi cùng về nỗi lòng mình: “Đúng là Ba mươi Tết mà không có Tết. Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui…”.

Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện Bác nói “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”.

Tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), đường phố Hà Nội mịt mù trong làn mưa bụi. Trời rét ngọt, xe ô tô đưa Bác tới đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Chín. Bác chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc Tết. Chồng chị Chín mất sớm, để lại ba đứa con nhỏ dại. Chị phải đi làm công nhật, gặp việc gì làm việc đó để lấy tiền nuôi con. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Các con chị reo lên: “A! Bác Hồ, Bác Hồ!” rồi chạy lại quanh Bác… Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm chầm lấy Bác và bỗng nhiên khóc nức nở. Bác đứng lặng, hai tay nhẹ vuốt lên mái tóc chị Chín. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác an ủi:

- Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?

Cố nén xúc động, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:

- Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con… mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá thành ra con khóc ạ!

Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và ôn tồn nói:

- Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?

Bác đến bên các cháu, âu yếm xoa đầu và trao quà Tết cho các cháu. Bác quay lại hỏi chị Chín:

- Thím hiện nay làm gì?

- Dạ… thưa Bác…

- Thím vẫn chưa có công việc ổn định à?

- Dạ, cháu đã ngoài ba mươi tuổi, lại kém văn hóa nên tìm việc làm ổn định cũng khó ạ!

- Bác quay lại nhìn ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, rồi Bác lại hỏi tiếp chị Chín:

- Mẹ con thím có bị đói không?

- Dạ, bữa cơm, bữa cháo cũng tạm đủ ạ! Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt.

Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi chị Chín:

- Cháu có đi học không?

- Dạ, con cháu đang học lớp 4 ạ. Cháu nó vất vả lắm, sáng đi học, chiều về trông các em và đi bán kem hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu…Thưa Bác! Dù khó khăn, cháu cũng sẽ cố cho các cháu học hành ạ!

Nghe chị Chín nói, Bác tỏ ý hài lòng. Bác ân cần dặn dò chị về việc làm ăn và chăm lo việc học hành cho các cháu. Trên đường về Phủ Chủ tịch, mưa xuân như rắc bụi, trời càng lạnh. Ngồi trong xe, Bác đăm chiêu suy nghĩ. Sau Tết, Bác Hồ đã chỉ thị cho Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Chín.

*

Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc ta, đặc biệt đêm Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, chuyển giao năm cũ sang năm mới, mỗi người dân Việt đều hướng về tổ tiên, cầu nguyện một năm mới, mùa xuân mới an lành, ấm no, hạnh phúc. Những câu chuyện Bác đến thăm những gia đình nghèo đêm 30 Tết là những câu chuyện thể hiện những việc làm cụ thể rất đỗi bình thường trong cuộc sống của Bác Hồ nhưng chứa đựng một triết lý sống, một nhân cách vĩ đại, tâm hồn cao cả với một tình thương yêu bao la vô tận đối với con người. Tình thương bao la và đức độ của Người mãi mãi đi cùng năm tháng, khắc ghi sâu đậm và lung linh toả sáng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.

Nghĩ về cuộc đời của Bác, Nhà thơ Tổ Hữu xúc động viết: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người”!

                                                                                                                                                                                                                                                             HỒNG MINH