Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

50 NĂM TRÊN QUÊ HƯƠNG MĂNG NON PHÚ MẪN
10:36 | 16/05/2019

Thấm thoắt mà đã qua 50 mùa sen nở. Đảng bộ nhân dân thị trấn Chờ, nhất là nhân dân Phú Mẫn tưng bừng chuẩn bị cho ngày hội lớn – kỉ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gửi thư khen các cháu HTX Măng non Phú Mẫn với thành tích "Học tập tốt, lao động tốt, chăm sóc trâu bò béo khỏe" đúng vào sinh nhật lần thứ 79 của Người, ngày 19 tháng 5 năm 1969. 

Nửa thế kỷ rồi, những lứa măng non đầu tiên như Lê Đình Huề, Đặng Đình Chiến… đều trải qua binh nghiệp, mái tóc bạc trắng, tuổi đời có người đã "thượng lão" cho đến lớp măng non trưởng thành ở thời kỳ đổi mới, bây giờ làm cán bộ chủ chốt của huyện, của thị trấn, rồi đến các em đang ngồi trên ghế nhà trường, ai nấy đều tự hào được sinh ra, lớn lên, rèn luyện và trưởng thành từ chiếc nôi "Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn".

Dường như hơi ấm của Người trong bức thư gửi các cháu vẫn vẹn nguyên. Lòng người Phú Mẫn càng thêm kính yêu Bác hơn và quyết tâm "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Và năm nào cũng thế, tháng 5 về trên quê hương Phú Mẫn người ta lại kể cho nhau nghe những câu chuyện về 50 năm trước.Chuyện ấy đã thành "cổ tích", chuyện cổ tích giữa đời thường.

                     *      *

                     *

Phú Mẫn là làng cổ của Thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) dân số gần 5000 người với gần 1200 hộ. Vốn là đất học của Yên Phong, thời phong kiến có 3 vị đỗ đại khoa. Nằm ở trung tâm huyện Yên Phong là đất đa nghề, người dân Phú Mẫn nhanh nhạy với kinh tế thị trường, dịch vụ cho kinh tế và đời sống phát triển nên đời sống kinh tế và văn hóa của Phú Mẫn cao hơn các làng lân cận.

Bên cạnh những ngôi nhà ở mái ngói thâm nâu hàng trăm năm tuổi, trầm mặc uy nghi dãi dầu mưa nắng là những ngôi nhà tầng, biệt thự đủ loại đủ kiểu rực rỡ sắc màu. Chục năm nay khu đô thị Chờ được xây dựng, Phú Mẫn là cửa ngõ giao thông quan trọng của đô thị Chờ, ngày đêm nườm nượp xe cộ qua lại. Chợ làng, phố làng sầm uất nhưng vẫn không làm mất đi nét cổ kính của làng quê xưa. Ngôi đình, ngôi đền cổ vẫn còn linh vật "Trống sấm" đi vào phương ngôn xứ Bắc "trống Chờ, chiêng Chõ, mõ Phù Lưu". 2 cây thị di sản ở chùa và ở đền gần 600 tuổi là những chứng tích của thời gian vẫn được chăm chút tỏa bóng mát là cảnh quan kỳ thú của làng.

Trên sân đình, cây đa Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ trồng năm 1981 là nơi hàng năm cứ đến sinh nhật của Bác Hồ các cháu lại tụ hội về đây để báo công với Bác.

Về thăm Phú Mẫn hôm nay chúng ta ghé thăm Nhà văn hóa của thôn hai tầng cao ráo rộng rãi, đẹp đẽ thay thế cho trụ sở Câu lạc bộ HTX Măng non ngày xưa. Làng dành một phòng làm thư viện Khuyến học và một phòng trưng bày và lưu giữ hình ảnh Măng non Phú Mẫn của một thời đã qua.

Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ gửi thư khen lần này Đảng ủy, UBND thị trấn Chờ xây dựng kế hoạch tổ chức buổi lễ sao cho tưng bừng trọng thể, thiết thực. Đây cũng là dịp thế hệ đi trước ôn lại cho cháu con "chuyện cổ chưa xa" để "truyền lửa" cho nhau về lòng kính yêu Bác, nhen lên trong lòng các em học sinh sinh viên có thêm nghị lực khát vọng vươn lên rèn đức luyện tài xứng đáng là công dân nơi được Bác Hồ gửi thư khen.

Đầu tháng 4/2019 Thị trấn Chờ tổ chức gặp mặt các nhân chứng lịch sử của HTX Măng non Phú Mẫn. Tụ hội về đây có đủ các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng ủy, UBND thị trấn, các cựu Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm HTX Măng non như Lê Đình Huề, Đặng Đình Chiến, Nguyễn Thị Leo, Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Thị Thức,… Về đây ai cũng muốn giãi bầy cảm xúc tự hào, kể cho nhau thời "vàng son" mình đã sống và làm việc, ai cũng khẳng định một điều: "Chính Măng non Phú Mẫn đã tôi luyện mình trưởng thành như ngày hôm nay".

Ông Lê Đình Huề nay đã 71 tuổi đời, 51 năm tuổi Đảng, Chủ nhiệm đầu tiên của HTX Măng non ngay từ năm 1962, ông nhớ lại:

- Năm 1967 tốt nghiệp THPT đầy đủ tiêu chuẩn đểvào Đại học nhưng đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đầu tháng 6/1969 đóng quân tại rừng đại ngàn Đông Nam Bộ bên bờ sông Bé, nghe Đài TNVN đưa tin Bác Hồ gửi thư khen và Phú Mẫn long trọng tổ chức đón thư khen của Người.Mừng quá mà trào nước mắt. Từ đấy anh em trong đơn vị đặt cho tôi biệt danh "Chủ nhiệm Măng non".

Còn Đại tá Đặng Đình Chiến kể lại lễ đón thư Bác tại sân trường cấp III Yên Phong vào ngày 1/6/1969 có 700 thiếu niên nhi đồng của địa phương và các điển hình tiên tiến của tỉnh Hà Bắc về dự. Dự lễ đón thư khen có bà Lê Thu Trà - Phó Trưởng ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương, ở tỉnh Hà Bắc có ông Phạm Văn Quyện - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Phương Minh Nam - Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh. Vinh dự cho chủ nhiệm Đặng Đình Chiến được ngồi ghế Chủ tịch Đoàn. Niềm hạnh phúc thiêng liêng ấy luôn cháy bỏng trong trái tim người lính để tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác trong suốt thời quân ngũ "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"…

Biết bao câu chuyện cảm động được kể ở đây, chẳng có bút mực nào có thể ghi lại hết được. Chỉ biết rằng mọi người chung một suy nghĩ: Bác Hồ chưa một lần thăm Yên Phong. Đây là bức thư đầu tiên và duy nhất Người gửi cho Yên Phong, cũng lại là bức thư cuối cùng của Người gửi cho thiếu niên nhi đồng, cả nước đúng vào sinh nhật cuối cùng của Người với bút danh Bác Hồ.

Thiêng liêng lắm chứ! Tự hào lắm chứ! Đây là phần thưởng vô giá Bác gửi cho thiếu niên Phú Mẫn. Phú Mẫn có trách nhiệm gìn giữ phát huy truyền thống ấy đồng thời lan tỏa ra các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh. Học tập và làm theo thư Bác không phải chỉ có các cháu thiếu niên nhi đồng mà là toàn thể chi bộ với trên 100 Đảng viên và toàn dân Phú Mẫn. Lời dạy của Bác năm nào "Làm những việc ích nước lợi dân" trở thành những lẽ sống của người dân Phú Mẫn hôm nay.

Nửa thế kỷ trôi qua, lòng người phú Mẫn càng kính yêu Bác Hồ hơn. Quý trọng biết mấy thầy giáo Nguyễn Hữu Điện cùng hưởng không khí đón thư Bác qua Đài TNVN khi còn là chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, đêm ấy đơn vị ông tiêu diệt gọn đồn số 1 thuộc kênh nhỏ U Minh làm quà dâng Bác; Giờ đây tuổi đã cao, tham gia Khuyến học làm thủ thư của thư viện làng, thầy giáo say mê vẽ truyện tranh "Truyền thống Măng non Phú Mẫn" để giáo dục các thế hệ cháu con. Được biết cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp tư tưởng Hồ Chí Minh" tổ chức năm 2004 Phú Mẫn có 389 người tham gia, được Ban tổ chức Trung ương trao giải nhất đồng hạng. Cuộc thi "Tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang Đảng Cộng sản Việt Nam" tổ chức ngày 3/2/2005, thầy Điện viết đề cương vận động nhiều người tham gia. Phú Mẫn được giải nhất của huyện Yên Phong và giải khuyến khích của tỉnh Bắc Ninh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ruộng đất của Phú Mẫn nhường chỗ cho các khu công nghiệp, cho đường giao thông, cho đô thị Chờ xây dựng, đồng thời cùng với cuộc cách mạng công nghiệp "trâu ăn cỏ" dần thay bằng "trâu sắt". Làm thế nào để thực hiện lời dạy của Bác năm xưa trong tình hình mới, chi bộ Phú Mẫn đã tìm ra giải pháp mới đó là đẩy mạnh công tác Khuyến học Khuyến tài. Ngày 2/10/1996 Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập, mặc dù ở Yên Phong Hội Khuyến học chưa được tổ chức nhưng ngày 3/10/1996 chi bộ Phú Mẫn đã có quyết định thành lập Hội Khuyến học của thôn và giao cho thầy giáo Đỗ Văn Liễn nguyên Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Chờ là Hội trưởng.

Khuyến học là hình thức động viên, khuyến khích giúp đỡ mọi người học tập nhất là các em học sinh sinh viên. Khuyến học Khuyến tài mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình và xã hội.

23 năm rồi Khuyến học Khuyến tài của Phú Mẫn từng bước đi lên. Thực hiện "Tiếng trống Khuyến học" ban đêm, mở đầu bằng câu hát quen thuộc của bài "Phú Mẫn đón thư Bác", rồi xây dựng Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập gắn với việc xây dựng Làng văn hóa. Xây dựng quỹ Khuyến học Khuyến tài để trợ giúp cho các em gặp hoàn cảnh khó khăn hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gắn Khuyến học với khởi nghiệp và truyền lửa cho các em có khát vọng vươn lên nhất là các em gặp hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm Hội lấy ngày 31/8 làm ngày Hội Khuyến học vinh danh các Tiến sĩ, Thạc sĩ, trao thưởng cho các em đạt thành tích xuất sắc. Từ 2009 trở lại đây Phú Mẫn có 12 em đạt giải quốc gia, 130 em đạt giải cấp tỉnh, 155 em giải cấp huyện, bình quân mỗi năm 38 em đỗ vào các trường Đại học lần 1, 99% học sinh phổ thông xếp loại tiên tiến trở lên. Đến nay Phú Mẫn đã có 109 Thạc sĩ, 19 Tiến sĩ trong đó có 1 Giáo sư, 2 Phó Giáo sư, bình quân 38 người dân có 1 Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, thuộc loại cao của tỉnh Bắc Ninh. Nhờ làm tốt công tác Khuyến học Khuyến tài mà Chi hội Khuyến học Phú Mẫn được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc năm 2014.

Để xây dựng xã hội học tập, ngày 3/9/2016 Chi bộ Phú Mẫn quyết định xây dựng Thư viện của thôn giao cho cô Lê Thị Ký - Chi hội trưởng Khuyến học thôn làm Chủ nhiệm thư viện. Biết bao tri thức của loài người đang chứa đựng trong trang sách mỏng mảnh kia giúp cho cuộc đời của mỗi người thêm hiểu biết và hạnh phúc.

Hiện nay Thư viện có 7.500 bản sách, trên 5000 số báo, còn có cả máy tính kết nối  Internet để bạn đọc tiện theo dõi. Ngoài cô Ký còn có 3 thủ thư nữa đều thuộc Ban Khuyến học thôn hoạt động thiện nguyện, mỗi năm thư viện đón 5000 lượt bạn đọc. Nhiều bạn đọc ở ngoài huyện "mê" Thư viện Phú Mẫn không chỉ đến đọc sách giao lưu mà tặng lại sách cho thư viện. Thầy giáo Ngô Văn Nghĩa giáo viên trường Tiểu học Hương Mạc - Từ Sơn tặng Thư viện đến cả 120 đầu sách có giá trị.

Cô Nguyễn Thị Dòng vốn là thủ thư của Thư viện Măng non Phú Mẫn thời kỳ 1977 - 1978 nay đã lên chức bà nội được mấy năm rồi, vẫn tình nguyện làm thủ thư Thư viện thôn tâm sự: 

"Lớn lên và đồng hành với Măng non Phú Mẫn bao năm, tôi nghĩ mình phải làm gì để gắn bó với các em. Tôi tâm huyết với công việc thủ thư này lắm. Tôi mong có sức khỏe để phục vụ lâu dài, đó cũng là niềm vui trong cuộc sống của tôi, góp phần nhỏ bé của mình cho quê hương Phú Mẫn".

Thành quả mà mọi người dễ dàng nhận thấy đó là các lớp Măng non Phú Mẫn ngày càng trưởng thành làm rạng danh Phú Mẫn. Hàng chục người là sĩ quan trong quân đội, công an như Nguyễn Hữu Hòe, Đặng Đình Chiến, Nguyễn Hữu Điện, Nguyễn Đăng Nghiệm…

Đó còn là hàng chục Tiến sĩ có nhiều công trình khoa học như Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khiển, các tiến sĩ Nguyễn Hữu Huế, Nguyễn Hanh Quang, Lê Tài Thu… Biết bao doanh nghiệp doanh nhân giỏi như Nguyễn Đăng Thuyết tận tâm, tận lực với Khuyến học của làng. Các vị lãnh đạo của tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong có nhiều người quê ở làng Phú Mẫn như đồng chí Nguyễn Hữu Quất - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hạnh Chung Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Chí Cường - Phó Bí thư Huyện ủy Yên Phong,… mọi người dễ dàng nhận thấy Măng non Phú Mẫn vẫn là chiếc nôi để các em học tập rèn luyện khôn lớn và trưởng thành.

50 năm trên quê hương Măng non Phú Mẫn biết bao đổi mới, đi lên đáng phấn khởi, trân trọng và tự hào. Lòng người Phú Mẫn kính yêu Bác Hồ chẳng thể chuyển lay và ngày càng tỏa sáng làm động lực để Phú Mẫn tiếp tục phấn đấu vươn lên, ngày càng giàu có về kinh tế, mẫn tiệp về trí tuệ như tên làng Phú Mẫn mà tiền nhân đã đặt cho và coi thư Bác là báu vật của làng.

Thư Bác khen như đồng hạn gặp mưa rơi

Hạt mưa ấy thấm sâu từng thớ đất

Để đất làng thêm bờ xôi, ruộng mật

Các em lớn khôn làm rạng rỡ quê nhà.

                                                                                                                                                    NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG