Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - BÁC ĐI, DI CHÚC GIỤC LÒNG TA
14:56 | 19/09/2019

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên vào bản Di chúc lịch sử (Bác gọi là tài liệu “Tuyệt đối bí mật”) để dặn lại cho muôn đời sau, đúng vào dịp Người tròn 75 tuổi (1965). Từ đó, cho đến trước lúc Người đi xa, hằng năm cứ đúng 9 giờ, ngày 10 tháng 5 và những ngày sau đó, Bác lại nghiền ngẫm, sửa chữa, bổ sung. Hai năm 1966, 1967 tình hình sức khỏe của Bác giảm sút, Bác phải dành khá nhiều thời gian cho việc chữa bệnh. Đầu tháng 5 năm 1968, sau khi dự mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại hội trường Ba Đình, Bác bị cảm sốt, sức khỏe có những diễn biến xấu. Bác ho nhiều, ăn ít, nhiều lúc có báo động lại phải lên xuống hầm khá vất vả. Nhưng Bác vẫn cố gắng làm việc, nghe các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị báo cáo, tiếp các anh hùng, dũng sỹ miền Nam và gia đình một đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội...

Sáng 10/5/1968, trên đường xuống nhà ăn, qua cửa sổ phòng đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác), Bác dặn: “Chú Kỳ! Nhớ chuẩn bị tài liệu cho Bác nhé”. Đúng 9 giờ Bác ngồi vào bàn làm việc. Bác đọc lại những trang viết cách đây 3 năm. Ngày 10-5-1965 Bác viết: “Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe”, nhưng năm nay sức khỏe đã kém rồi, nên Bác thay lại câu mở đầu: “Năm nay tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây” (*).
Như biết trước được sự kém sút sức khỏe của mình sẽ gây cho mọi người nỗi lo lắng, buồn rầu, Bác viết tiếp: “Người ta đến khi tuổi càng cao, thì sức khỏe càng thấp. Đó là một điều bình thường”. Bác căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng gian truân, nguy hiểm của Bác đều vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, những năm tháng sắp “phải từ biệt thế giới này” theo quy luật của muôn đời, Bác vẫn chỉ nghĩ đến việc chăm lo hạnh phúc cho nhân dân, tiết kiệm thì giờ và tiền bạc cho đồng bào, không màng danh vọng, không ham bia đá, tượng đồng. Khi còn sống Bác chỉ ở ngôi nhà sàn đơn sơ, khi qua đời Bác chỉ đề nghị xây trên mộ Người “một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”.
Với nhãn quan chính trị siêu việt, tầm nhìn chiến lược của một thiên tài, ngay từ khi bắt đầu đặt bút viết “Tài liệu tuyệt đối bí mật”, Bác đã khẳng định: “Cuộc kháng chiến có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa, đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người... Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bác Hồ đã nghĩ xa hơn về tương lai của đất nước, về vận mệnh của Đảng, của dân tộc. Trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” viết năm 1965, Bác căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Năm 1968 Bác viết thêm: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi... việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”.
Theo Người, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên để Đảng cầm quyền hoàn thành vai trò tiên phong trước giai cấp, dân tộc và nhân dân. Xây dựng Đảng là điều Bác luôn luôn trăn trở, dành bao tâm lực, công sức để chăm lo. Bác coi xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo đảm cách mạng thắng lợi, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Trong toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thì vấn đề xây dựng Đảng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Ngay từ năm 1925, trong những bài giảng cho lớp cán bộ đầu tiên của Đảng, Bác đã khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy” (**).
Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân bước vào giai đoạn khó khăn nhất, Bác càng chăm lo việc giáo dục, rèn luyện đảng viên. Người yêu cầu: “Các cơ quan, các cán bộ, đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”.
Ngày 19/1/1949, nói chuyện tại hội nghị cán bộ của Đảng, Người nêu lên nhiệm vụ phải “chấn chỉnh” bộ máy chính quyền, “chỉnh đốn” các đoàn thể quần chúng và “muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng” (***). Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960) Bác kêu gọi: “Để bảo đảm thắng lợi của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của toàn Đảng ta, phát huy hơn nữa tác dụng lãnh đạo của Đảng ta trên mọi mặt công tác” (****).
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra rằng: Đánh Mỹ, thắng Mỹ, một đế quốc có nền kinh tế phát triển, có tiềm lực quân sự hùng mạnh vào bậc nhất thế giới là vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng xây dựng đất nước, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đem lại hạnh phúc cho nhân dân cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Nếu không thường xuyên chấn chỉnh và củng cố Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ mới thì cách mạng không thể phát triển, những thành quả mà nhân dân ta, dân tộc ta đã đổ bao xương máu mới giành được cũng có thể bị mai một.
Những tư tưởng cao quý của Bác trong Di chúc càng trở nên sáng rõ không chỉ đối với đồng bào trong nước mà còn trong lòng bạn bè quốc tế. Di chúc của Người là quốc bảo, đồng thời là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại. 
*   *   *
Thực hiện Di huấn của Người, 50 năm qua Đảng ta thường xuyên coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng từng bước được nâng lên. Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, vượt qua bao ghềnh thác, tạc vào lịch sử những chiến công chói lọi trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, “Bắc - Nam sum họp”, cả dân tộc đoàn kết chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế..
Đại hội XII của Đảng bổ sung thêm vào lý luận xây dựng Đảng một điều rất căn bản, không chỉ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn phải xây dựng Đảng về đạo đức, đưa văn hóa vào trong chính trị, kinh tế, vào trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị.Từ cuối năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) đã đã ban hành nghị quyết số 04/NQ-TW “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
 Năm năm qua, đặc biệt từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có bài bản, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt được kết quả rõ nét, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực lan toả rộng rãi trong xã hội. Toàn Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm. Một số đảng viên thoái hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, trong đó có người là cán bộ cấp cao, nguyên là lãnh đạo, quản lý cấp bộ, ngành của trung ương, địa phương… đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 11 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 1 đồng chí Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều đồng chí là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật của Đảng, thể hiện quyết tâm khôi phục kỷ cương, kỷ luật  của Đảng, xử lý nghiêm minh những đảng viên vị phạm Điều lệ Đảng hoặc pháp luật của Nhà nước dù người đó giữ cương vị nào, đương chức hoặc nghỉ hưu, không có vùng cấm…
Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Đây chính là nguồn động lực to lớn, thúc đẩy công cuộc đổi mới đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế” được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
*     *
*
Năm mươi năm Chủ tịch Hồ Chí Minh “về với thế giới người hiền”, những lời căn dặn của Người trước lúc đi xa có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và thiết thực trong bối cảnh đất nước đã và đang đổi mới và hội nhập với quốc tế. Di chúc của Người mãi là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 
Sinh thời, Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Bác đi... Di chúc giục lòng ta
Cho cả muôn đời một khúc ca
Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn
Và tình thương, ơn nghĩa bao la”. 
 
Ghi chú: 
(*) Bác Hồ viết Di chúc, NXB Sự thật, 1980
(**) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia 2002, tập 2. (***) sđd, tập 5. (****) sđd, tập 10.
 
                                                                                                                                                                                                TÂN HUYỀN