Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
09:59 | 14/06/2021

 Có thể nói, ít có người thương binh nào, khi đã sang tuổi 72 mà vẫn năng nổ, nhiệt tình tham gia công tác xã hội, cùng một lúc gánh vác nhiều công việc của tập thể, không ngừng lao động sáng tạo, xuất bản được hàng chục đầu sách, giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi… như Đại tá, nhà thơ Nguyễn Tự Lập. Anh hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh; Chi hội phó Chi hội Thơ, Hội VHNT tỉnh; Chủ tịch CLB thơ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh; Chủ nhiệm CLB thơ Sông Cầu thành phố Bắc Ninh; Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa, kiêm chủ nhiệm CLB Khiêu vũ - Thể thao Người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh; Ủy viên Ủy ban MTTQ thị xã Từ Sơn; Phân hội trưởng Phân hội VHNT thị xã Từ Sơn…

Tôi với nhà thơ Nguyễn Tự Lập mới biết nhau năm 2012, khi anh về hưu và sinh hoạt cùng phân hội VHNT thị xã Từ Sơn, nhưng tôi có may mắn được làm quen và viết bài về cụ thân sinh ra anh từ nhiều năm trước, khi anh còn tại ngũ. Cụ là Nguyễn Tự Minh, một lão thành cách mạng, sinh sống tại xóm Trước, phường Tam Sơn, thị xã Từ Sơn.

Cụ Nguyễn Tự Minh sinh năm 1923, là con thứ 3 trong một gia đình có 6 anh chị em. Thân sinh ra cụ là cụ Nguyễn Tự Lan. Ngay từ tuổi thanh niên, cụ Lan đã được đồng chí Ngô Gia Tự giác ngộ, dìu dắt đi theo con đường cách mạng. Năm 1926, cụ Lan đã cùng 5 thanh niên được kết nạp vào chi hội “Việt Nam cách mạng thanh niên” ở Tam Sơn, là chi hội đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, do đồng chí Ngô Gia Tự thành lập và trực tiếp lãnh đạo. Cụ Lan sinh được 6 người con, 4 trai, 2 gái. Bốn người con trai của cụ đều đi theo Đảng, tham gia hoạt động cách mạng từ trước và sau năm 1945. Trong đó có một người là cán bộ tiền khởi nghĩa, 2 người là cán bộ lão thành cách mạng. Con trai út của cụ, liệt sỹ Nguyễn Sỹ Thanh đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Trong nhiều năm gian khổ hoạt động cách mạng, trong một lần đi công tác, cụ Nguyễn Tự Lan đã anh dũng hy sinh. Cụ bà thân sinh ra cụ Nguyễn Tự Lan đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Truyền thống của quê hương và gia đình đã trở thành động lực thôi thúc chàng trai trẻ Nguyễn Tự Minh sớm đi theo con đường cách mạng. Trở thành người chiến sỹ du kích, anh ngày đêm cùng đồng đội hăng say luyện tập, chiến đấu bảo vệ xóm làng. Năm 1948, Nguyễn Tự Minh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1950, anh thoát ly gia đình đi kháng chiến, được phân công phụ trách công tác Đảng thuộc Khu ủy khu Đông Bắc. Cuối năm 1951, Nguyễn Tự Minh được cấp trên điều động về Tam Sơn làm Bí thư Chi bộ, kiêm chính trị viên xã đội. Thời kỳ đó, Tam Sơn là địa điểm an toàn của cán bộ huyện, tỉnh và Trung ương đi về hoạt động. Nhằm loại bỏ “cái gai” này, giặc Pháp đã mở nhiều đợt tấn công vào Tam Sơn, nhưng đều bị lực lượng du kích địa phương đánh trả quyết liệt, gây tổn thất nặng nề. Vừa phát động Nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xã đội Tam Sơn còn chỉ huy lực lượng du kích phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức nhiều trận đánh bọn tề, Ngụy ở làng Me, làng Đồng Kỵ… Năm 1957, cụ Nguyễn Tự Minh được phân công làm công tác tuyên huấn của Đảng bộ Tam Sơn. Năm 1970, chuyển sang làm công tác thương binh xã hội, đến năm 1977 được nghỉ chế độ hưu. Gần trọn cuộc đời tham gia cách mạng ra sống vào chết, cụ Nguyễn Tự Minh đã được tặng thưởng 2 tấm Huân chương cao quý, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương của Trung ương Hội CCB Việt Nam, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND, các ngành, các cấp trao tặng. 

Cụ Minh tâm sự: “Được Đảng giao làm việc gì tôi cũng vui, miễn là được công tác, được làm việc có ích cho dân, cho nước. Nay tuổi đã cao, nhưng vui và khỏe ra vì thấy đường lối lãnh đạo của Đảng ta là cực kỳ sáng suốt,  mở ra thời kỳ đổi mới đất nước để Nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đất nước ngày càng phồn vinh. Trong cái vui chung lại có niềm vui riêng, vì mình có 4 người con thì cả 4 đều tham gia công tác. Cộng cả con đẻ, con rể, con dâu, mình đã có 6 người con là đảng viên, 6 người có bằng đại học. Trong số 9 cháu nội, ngoại thì hầu hết đã có bằng đại học. Ơn trời, các cháu đều biết nghe lời dạy bảo của ông bà, bố mẹ, phát huy truyền thống của quê hương và gia đình, tích cực phấn đấu và rèn luyện, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội…”

Được sống trên quê hương và gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, lại được răn dạy những điều hay, lẽ phải, sống sao cho có tâm, có đức, có lý tưởng… thì các con, các cháu của cụ và lớp lớp thanh thiếu niên ở Tam Sơn, sẽ được thừa hưởng và phát huy những phẩm chất cao đẹp đó trong cuộc sống và công tác. Không ngừng phấn đấu và rèn luyện, cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ của mình cho quê hương đất nước. Và Đại tá, nhà thơ Nguyễn Tự Lập là một trong số họ…

Sinh năm 1949, ngay từ nhỏ Nguyễn Tự Lập đã rất ham học, bộc lộ ý chí vươn lên, không ngừng phấn đấu, rèn luyện và đã trở thành một trong những học sinh giỏi xuất sắc của nhà trường. Trong các năm học từ 1961- 1964, là Liên đội trưởng Liên đội Thiếu niên tiền phong Ngô Gia Tự, trường cấp 2 Liên Sơn (nay là trường THCS Tam Sơn), Nguyễn Tự Lập luôn gương mẫu, cùng các bạn sôi nổi thực hiện phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”, sau đó trở thành phong trào của thiếu nhi cả nước…

Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta ở vào giai đoạn quyết liệt, cũng vào thời điểm đó, Nguyễn Tự Lập học hết chương trình phổ thông, được đặc cách gọi đi đại học ở nước ngoài, nhưng anh đã quyết định gác lại bút nghiên, cùng bạn bè lên đường đánh Mỹ, trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, các tỉnh Tây Nguyên và nước bạn Lào… cho đến ngày giải phóng. Bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm và lập nhiều chiến công xuất sắc, Nguyễn Tự Lập đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới vừa tròn 20 tuổi. Sau ngày giải phóng, nhờ nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, anh đã được cấp trên chọn cử đi học tại các Trường Sỹ quan Lục quân II; Học viện Lục quân Đà Lạt; Học viện Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng… rồi về công tác tại nhiều đơn vị, với nhiều chức vụ như Trưởng phòng tác chiến; Chánh văn phòng; Trưởng phòng Khoa học công nghệ thuộc Quân đoàn II. Khi nghỉ hưu, Nguyễn Tự Lập là thương binh hạng 4/4, mang quân hàm Đại tá, Trưởng ban Nghệ thuật quân sự thuộc Viện chiến lược Bộ quốc phòng. Bằng những cống hiến hết mình suốt 43 năm sống trong quân ngũ, Nguyễn Tự Lập đã vinh dự được Đảng và Nhà nước, Bộ quốc phòng… tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý, nhiều danh hiệu thi đua và Bằng khen, Giấy khen…

Là người năng nổ, nhiệt tình trong mọi công việc, lại có năng khiếu làm thơ, viết văn nên sau ngày nghỉ hưu, anh đã sáng tác được nhiều tác phẩm chất lượng, được đăng tải trên nhiều báo và tạp chí, và sớm trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh. Và cũng chỉ 10 năm sau, Nguyễn Tự Lập đã ra mắt bạn đọc được 7 đầu sách, trong đó có 6 tập thơ và một tập Tiểu luận - Phê bình văn học, trở thành một trong số ít các nhà thơ, nhà văn sung sức nhất của tỉnh Bắc Ninh. Những trang viết của Nguyễn Tự Lập không cầu kỳ, hoa mỹ, nhưng ngồn ngộn chất liệu, hơi thở của cuộc sống và mang tính nhân văn sâu sắc, xung quanh các chủ đề ca ngợi người lính trong chiến tranh và hòa bình, ca ngợi con người và quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc đang từng ngày đổi mới, phát triển và hội nhập. Tiêu biểu nhất phải kể đến 2 tập thơ mang tựa đề: “Một thời để nhớ” và “Bắc Ninh - Kinh Bắc người ơi”. Có thể nói, tác phẩm “Một thời để nhớ” là những trang nhật ký bằng thơ, được viết bằng nhiều cung bậc cảm xúc của một người lính đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trên nhiều mặt trận, trong đó có những ngày hè đỏ lửa tại thành cổ Quảng Trị, với những vần thơ quện mùi bom đạn, những vần thơ làm cho chúng ta mềm lại, rưng rưng, xen lẫn tiếc thương là niềm tự hào, trân trọng bởi nơi đây, hàng trăm chiến sỹ đã ngã xuống, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc…

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Tự Lập ôn lại truyền thống cho các cháu học sinh

 trường THCS Tam Sơn, thị xã Từ Sơn.

Không chỉ đầu tư công sức và trí tuệ để có những tập sách chất lượng phục vụ công chúng, Nguyễn Tự Lập còn có nhiều tác phẩm đăng trên Báo Bắc Ninh và Tạp chí Người Kinh Bắc, được bạn đọc và dư luận đánh giá cao. Anh đã vinh dự 5 lần nhận giải thưởng tại các cuộc thi thơ toàn quốc và của tỉnh; được nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; giải thưởng về VHNT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2012-2015. Đặc biệt, Nguyễn Tự Lập còn được Tỉnh ủy Bắc Ninh tặng 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 1 giải Khuyến Khích về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2011 - 2015 và 2015 - 2020. 

Gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình, tận tụy với công việc của tập thể. Luôn cởi mở, chân tình với bạn bè và anh em đồng chí, đồng nghiệp… là những lời nhận xét của nhiều văn nghệ sỹ tỉnh Bắc Ninh khi nói về Nguyễn Tự Lập. Khi được hỏi: Là thương binh và tuổi cũng đã cao, nhưng cùng một lúc gánh vác nhiều công việc của tập thể, anh sẽ gặp nhiều khó khăn lắm nhỉ? Nguyễn Tự Lập bộc bạch: “Được cấp trên và mọi người tín nhiệm giao nhiệm vụ, tuy có vất vả nhưng còn sức thì còn phải cố gắng. Làm được nhiều việc hữu ích cho tập thể, cho địa phương cũng là tạo được nhiều nguồn vui cho chính mình, lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu và cống hiến.” 

Nhờ nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sáng tác được nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần tuyên truyền, định hướng xã hội và đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc, Đại tá, nhà thơ Nguyễn Tự Lập đã được Trung ương hội Người cao tuổi Việt Nam, CLB thơ Việt Nam, Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh, Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, UBND thị xã Từ Sơn… tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Chúng ta cùng chúc anh luôn dồi dào năng lượng sáng tạo, hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ, vai trò của người văn nghệ sỹ trong giai đoạn mới. Tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ!

                                                                                                                                                                                              HOÀNG NGỌC BÍNH