Nhanh nhẹn, cần cù, đầy bản lĩnh, luôn luôn khiêm tốn học hỏi, hy sinh cái riêng cho cái chung, được mọi người kính nể. Ông hơn tôi hai tuổi; biết ông từ năm 1951- khi ông mới 14 tuổi, làm liên lạc cho Việt Minh. Rồi thời gian, cuộc đời tạo cho ông được tham gia cả hai cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ) đầy máu lửa. Cuộc đời ông với phương châm là “Học nữa - học mãi”. Chỉ tự học, từ không biết chữ, đến biết chữ, trở thành nhà văn. Một cựu chiến binh đầy khí phách, kiên cường, sâu sắc. Người như thế không nhiều. Đó là nhà văn Hoàng Tiến. Một người lính Cụ Hồ. Năm nay 87 tuổi, quê thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn miệt mài phấn đấu. Năm 2022 được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng giải ba cuộc thi “Truyền thống Cựu chiến binh...” và “Đại hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh cũng khen ông về thành tích này. Đây không phải lần đầu tiên ông được giải thưởng. Trong suốt chặng đường dài hơn 70 năm phấn đấu. Nhà nước, Quân đội đã khen tặng ông: Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương giải phóng hạng Nhì, Bằng dũng sĩ diệt Ngụy, Huy chương Cựu chiến binh, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nông nghiệp và phát triền nông thôn, Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật... và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác...
Từ khi về hưu, vào Hội Cựu chiến binh, vào Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh, ông cũng nhiều lần được giải thưởng, đáng chú ý là giải Ba của Ban chỉ đạo Cuộc vận động sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về “Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020.
Viết về Bác, về noi gương Bác không hề dễ. Hình bóng Bác, thân thế và sự nghiệp của Bác lồng lộng như trời như biển, tư tưởng của Bác trong sáng như pha lê, đạo đức của Bác đầy ắp các cung bậc Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, phong cách lại giản dị tới không cùng...Noi gương Bác phải là chân thật, phong phú, có sức lan tỏa. Người viết phải công phu, dày vốn sống và tư liệu. Và hơn cả là tâm thế phải trong veo, rất sâu sát và dũng cảm. Với đề tài nghiêm chỉnh này, hình như Bắc Ninh chưa ai vượt ông - dẫu cuộc vận động đã trải qua 3 đợt.
Hoàng Tiến là người suốt đời phấn đấu, làm theo lời Bác. Từ khi cuộc kháng chiến đang cam go, quyết liệt, quê hương Thuận Thành nói chung và Đình Tổ nói riêng, lâm vào cảnh “mất đất”. Kẻ địch o ép, khủng bố, chà xát... bằng lực lượng của 4 lô cốt Pháp và hơn 70 lô cốt Bảo an...chúng quyết tiêu diệt sức đề kháng của Việt Minh. Nhiều cán bộ, Đảng viên, du kích, bộ đội địa phương, cả cơ quan đầu não của huyện phải tạm lánh sang Tiên Du, Quế Dương... chỉ đêm đêm vượt sông, vượt đêm đông giá rét, nước siết, sóng to về gây cơ sở, diệt tề, trừ gian, tiến tới đưa, đón bộ đội chủ lực về giải phóng.
Trong nguy hiểm khôn lường, bọn Bảo an phản động sẵn sàng vây phục, bắt Việt Minh nộp cho “quan thầy”. Còn bọn Pháp thì vô cùng hung bạo... cái chết luôn kề cận, dân tình nao núng... Nhưng được các chú, các anh tuyên truyền, vận động, Hoàng Tiến đã tự nguyện đi theo. Tuổi ấy cả huyện chỉ có độ dăm người, sẵn sàng làm mọi việc như liên lạc, văn phòng, du kích... Trong trận đánh càn nổi tiếng ở Tư Thế - Trà Lâm, tháng 4/1954, Hoàng Tiến làm Văn phòng kiêm liên lạc cho Ủy ban kháng chiến hành chính xã Trí Quả (do huyện điều sang). Hoàng Tiến tham gia chiến đấu đến phút cuối cùng, khi quân ta cạn kiệt vũ khí, kẻ địch tràn vào làng Hoàng Tiến và một số anh em bị bắt - bị tra khảo dã man, nhưng nhất quyết không khai báo. Trước sau ông chỉ: “Đi học ở Hà Nội, về chơi, gặp càn, rồi bị bắt...”. Sau một tuần, kẻ địch phải thả. Mang cái đầu trọc lốc, trắng hếu và những vết bầm tím trên người, ra về, giữa những mừng vui của anh em, bà con... Hoàng Tiến lại bắt tay ngay vào sẵn sàng chiến đấu tiếp. Trận đánh ấy góp phần quan trọng để Trí Quả được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đến chống Mỹ, khi đã 31 tuổi, lại thuộc hàng đông con nhỏ (4 con) Hoàng Tiến vẫn xung phong vào bộ đội, đi Nam, chiến đấu trong binh chủng bộ binh suốt tám năm ròng và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Từ người lính lên Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, rồi chuyển sang Chính trị viên (vượt cả 3 cấp Phó) khi có Hiệp định Paris, ông làm Trưởng Tiểu ban Binh vận Trung đoàn 4 (thuộc Quân Khu Trị - Thiên - Huế). Điều ấy nói lên ý chí, đạo đức và năng lực của một cán bộ trưởng thành trong chiến đấu.
Khi đất nước một rừng cờ, một rừng hoa, ông chuyển ngành về cơ quan cũ. Sự thấm nhuần đạo đức của Bác Hồ, đã cứu rỗi ông vượt qua những ngang trái của cuộc đời. Trước khi nhập ngũ, ông là kế toán trưởng phòng Lương thực huyện. Trong chiến trường, làm đến chức Trưởng Tiểu ban, cấp Trung đoàn (tương đương Chính trị viên Tiểu đoàn). Tiến tại chức như vậy là đáng nể trọng (gần hai trăm cán bộ, nhân viên Ty Lương thực Hà Bắc nhập ngũ, đến giải phóng miền Nam - không ai lên được chức Tiểu đoàn).
Song, ông về lại chỉ làm nhân viên, bị rút 2 bậc lương “cho phù hợp”. Không phải ông không nghĩ suy trước sự cư xử của người khi tiễn chân đi: “Yên tâm, nay mai về, cánh mình lo”. Ông buồn vì tình của người “ở nhà” với người ra đi vì nghĩa lớn, nhưng ông kìm nén được: “Anh em còn bỏ cả thân xác. Mình về được là may!”. Không ít người khuyên ông phải đòi hỏi, phải kiện... “ít ra là trả lại cương vị cũ”. Ông khiêm nhường bảo: “Chức tước chỉ là cái phù du”. Vẫn miệt mài lao động, cống hiến, phong cách vẫn vui vẻ, trẻ trung. Luôn thể hiện nét đẹp và trong sáng. Mãi năm 49 tuổi cấp trên mới giao chức Cửa hàng trưởng. Ông làm đúng 1 năm rồi xin về hưu. Sớm hơn thời hạn 10 năm. Không tiếc. Dẫu là Cửa hàng trưởng ngành Lương thực, được cho là rất hót. Và dẫu ông vẫn được Đảng viên, cán bộ tín nhiệm (nhiều năm tham gia cấp ủy Chi bộ Công ty).
Không ít người lấy làm lạ, họ hỏi: “Sao về? Còn khỏe, lại đầy năng lực. Nhiều người đến tuổi còn không muốn”. Khi đọc văn ông, bạn đọc mới thấy le lói nỗi người qua những trang văn.
Văn là người. Hoàng Tiến là người miệt mài phấn đấu, rèn luyện, vượt khó, vượt hạn chế về học lực và tuổi tác. Ông viết đều, viết khỏe. “Ngoại bát tuần còn đi còn viết/ Viết làm sao đền đáp công ơn...”. Trong khoảng 20 năm ông trình làng 7 tập sách (4 tập Truyện ngắn, 1 Bút ký, 1 Hồi ký, 1 Thơ) và còn các bài khác trên báo báo chí. Tác phẩm của ông được các nhà xuất bản danh giá, các báo lớn đăng tải, (như Hội Nhà văn, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Báo Văn nghệ, Tạp chí Người Kinh Bắc, báo tỉnh...). Nhiều giải thưởng của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trung ương Hội Cựu chiến binh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh... động viên sự phấn đấu của ông. Văn ông trong sáng, mộc mạc, dễ đọc, nhưng khá sâu sắc, rất trúng dòng “hiện thực phê phán”. Nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam viết: “Truyện ngắn Hoàng Tiến mang bản sắc riêng của Văn đàn Bắc Ninh”. Nhà báo Vũ Việt Tâm (Hoài Thu): “Tập truyện Mưa đuổi ẩn ý nhiều bài học làm người”. Nhà thơ Trần Công Sản: “Hoàng Tiến là người viết trung thành và dũng cảm”... Dẫu đã có hàng ngàn người - đủ các cương vị - viết về Bác Hồ nhưng Hoàng Tiến vẫn tìm tòi: “Hồ Chí Minh những điều lạ ở nơi Người”, hoặc những bài viết có độ suy ngẫm rất sâu: “Hầm bí mật”, “Đất Thuận vươn lên”.
Cái cốt lõi ở Hoàng Tiến là tinh thần dấn thân: Trong chiến đấu thì giai đoạn nào cũng hừng hực lửa chiến. Ở ngành kinh tế thì luôn liêm khiết, không có bất cứ vết sạn nào, dẫu vợ con nghèo túng bởi "vết thương" tám năm chỉ mình vợ lo toan. Làm văn chương thì luôn cháy lên ngọn lửa đam mê, cống hiến, dẫu cả đời chẳng được học qua trường lớp nào (cả dân chính và quân đội) học lực chỉ quãng lớp 5, lớp 6 (học tại gia). Bạn bè hỏi: “Duyên cớ gì khiến ông thành công?”. Ông cười khiêm nhường: “Học bạn. Học ở cuộc đời và điều căn cốt là học Bác. Bác dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền...”.
Người sống trung thực, tận tâm như Hoàng Tiến, gần 60 năm tuổi Đảng vẫn vui, khỏe, có ích, thật xứng đáng con cháu Cụ Hồ./.
NGUYỄN VĂN DOANH