Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NGHỆ NHÂN ƯU TÚ NGUYỄN ĐĂNG CHẾ - NGƯỜI DỤNG CÔNG SƯU TẦM, BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ
11:00 | 05/02/2024

Tranh dân gian Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Mái - Đông Hồ. Nay thuộc khu phố Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ người chơi tranh trong dịp Tết Nguyên Đán, Thơ Tú Xương có nói đến tranh dân gian Đông Hồ về ngày Tết, như sau:   

"Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Loẹt lòe trên vách bức tranh gà"

Đó cũng là lí do minh chứng rằng, tranh dân gian Đông Hồ rất phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam ta từ xưa.

Trước đây, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh. Sau năm 1945, dòng tranh dân gian Đông Hồ đã bị mai một dần, chỉ còn rất ít gia đình nghệ nhân duy trì nghề làm tranh. Cho đến năm 1990, cả làng chỉ còn 3 gia đình giữ được nghề, đó là các gia đình nghệ nhân: Trần Nhật Tấn, Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế, còn các gia đình khác đã chuyển từ làm tranh sang làm hàng mã và đến nay chỉ còn 2 gia đình, gồm các con cháu của gia đình cố Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn duy trì và phát huy tốt nghề làm tranh dân gian do cha ông để lại. Đặc biệt, trong đó Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là một trong số ít người đã dụng công sưu tầm tranh cổ và các bản khắc gỗ để bảo tồn, khôi phục và phát triển thành công dòng tranh dân gian đã được các thế hệ ông cha trao truyền.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề tranh dân gian lâu đời, theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng làng Đông Hồ thì đến đời nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã trao truyền nghề làm tranh qua 20 đời (hơn 400 năm). Ngay từ bé ông đã yêu thích nghề làm tranh và được ông nội, cha trực tiếp truyền nghề. Ban đầu ông chỉ phụ giúp cha pha hồ, quét điệp trên giấy dó và mang tranh ra sân phơi nắng, sau được học cách in tranh cho đúng màu sắc... để rồi tranh Đông Hồ đã gắn liền với tuổi thơ của ông và tình yêu nghề tranh truyền thống của quê hương đã đi suốt cuộc đời. Năm 1990, sau khi nghỉ hưu tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Chế về sống cùng con cháu tại làng Đông Hồ, nay là khu phố Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành. Hơn ba mươi năm xa quê nay về nghỉ hưu, cũng là thời điểm làng Đông Hồ có nhiều đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tuy đã được nâng lên. Nhưng sự chuyển đổi nhanh của cơ chế thị trường cũng đã tác động mạnh đến nghề truyền thống trong công việc sản xuất tranh dân gian Đông Hồ của làng nghề. Hợp tác xã (HTX) sản xuất tranh (theo kế hoạch thời bao cấp) đã tự giải thể, công cụ sản xuất (đồ nghề, những bản khắc gỗ in tranh...) của nhà ai xưa góp vào HTX, nay trả lại nhà ấy. Phần lớn các gia đình chuyển sang làm hàng Mã hoặc đi làm lò gạch ở bến bãi ngoài sông Đuống. Những nghệ nhân cao tuổi trong đó có ông vẫn đau đáu với nỗi lo mai một nghề làm tranh dân gian truyền thống của quê hương, những bức  tranh cổ, bản khắc cổ và những bản khắc, tác phẩm được sáng tác theo đề tài, nội dung mới (tuyên truyền bình dân học vụ, sản xuất và chiến đấu...) thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đấu tranh đánh đuổi đế quốc Mỹ, nay cũng đành bỏ xó. Đầu năm 1991, ông Nguyễn Đăng Chế đã quyết định dốc hết số tiền dành dụm được trong quãng đời dạy học để mua lại những bản khắc gỗ, thứ được coi là đồ gia bảo của cha ông để lại mà nay các gia đình nghệ nhân trong làng muốn bán cho du khác, nhà sưu tầm đồ cổ trong và ngoài nước để lấy được một số tiền ít ỏi. Đặc biệt, ông còn bỏ bao công sức, thời gian để sưu tầm, tìm kiếm được hơn 100 bản khắc cổ với niên đại trên dưới 200 năm, hàng ngàn bản khắc mới gồm bản nét và bản màu tranh lẻ và tranh bộ (được khắc sau năm 1945) với gần 200 mẫu tranh các loại. Trong đó, sưu tầm khắc lại bản gỗ theo mẫu của cố nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần, gồm 4 bộ tranh: Quang Trung - Nguyễn Huệ, 4 bộ tranh: Lúa Ngô, Khoai, Sắn và 12 mẫu do ông Nguyễn Đăng Sần sáng tác những năm chống Mỹ (nội dung, đề tài mới). Năm 1994, mua lại của 10 gia đình nghệ nhân trong làng được 35 bộ tranh (riêng mua được của nhà nghệ nhân Lý Xuân Huấn 26 bộ)... trong đó quý nhất là bộ tranh thờ gia tiên, đủ nguyên cả bộ gồm 26 bản khắc cổ. Ông cho biết, bản cổ đã cất đi và ông đã cho khắc phiên bản để dùng in tranh để bán.

Năm 2006, Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng con cháu trong gia đình đã đầu tư xây dựng "Trung tâm Giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ", trở thành nơi lưu trữ, trưng bày hàng nghìn bản khắc, hàng trăm bức tranh và hàng chục bộ tranh (tranh bộ) dân gian Đông Hồ cổ, trong đó có nhiều bản, bộ tranh và bản khắc gỗ quý hiếm. Trung tâm có các khu nhà trưng bày quy trình sản xuất giấy, khu in tranh, giã điệp và khu trưng bày sản phẩm làng nghề... Bên cạnh những bức tranh truyền thống của cha ông trao truyền lại, còn có những tác phẩm mà các nghệ nhân làng tranh dân gian Đông Hồ sáng tạo, cải tiến về mẫu mã, nội dung để thích ứng với nhu cầu của thị trường ngày nay, trong đó có những tác phẩm của gia đình ông, như: Bộ lịch Tết (đề tài 12 con giáp), tem thư, sách bé tập tô, tranh bưu thiếp… nhưng vẫn giữ được hồn cốt của tranh dân gian, tranh điệp làng Đông Hồ.

Trong gần 20 năm qua Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ của gia đình ông đã đón tiếp hàng nghìn lượt các đoàn khách trong nước và quốc tế tới nghiên cứu, tham quan tìm hiểu về dòng tranh dân gian Đông Hồ và mua những sản phẩm tranh do gia đình ông sản xuất ra. Bản thân ông cũng đã có nhiều lần được gặp gỡ, đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước và các bộ, ban ngành TW đến thăm Trung tâm Giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ của gia đình mình. Ông và con trai ông đã được mời tham gia nhiều Hội chợ, Triển lãm văn hóa trong nước và quốc tế (Nhật bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Cộng hòa Áo...).

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế và các thành viên trong gia đình ông không chỉ đã và đang sưu tầm, bảo tồn, khôi phục và duy trì sản xuất thành công nghề tranh dân gian truyền thống của quê hương, mà luôn có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển, đã đạt được mức thu nhập ổn định và có thể khẳng định là đã sống được bằng nghề. ngoài ra, "Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ" của gia đình ông còn tham gia tích cực, thực hiện các Đề án về hướng dẫn quy trình tổ chức sản xuất, dạy nghề cho con em địa phương. Ký kết hợp đồng với các công ty Du lịch giới thiệu chuyên đề về quy trình sản xuất tranh và những giá trị văn hóa truyền thống của tranh dân gian Đông Hồ cho các đoàn khách lữ hành trong và ngoài nước. Nhiều Công ty Du lịch trong nước và Du khách nước ngoài đã đặt mua tranh với số lượng lớn của gia đình ông để xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh việc thường xuyên có sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, gia đình ông còn đáp ứng tốt các đơn hàng theo hợp đồng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… Khu trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ của gia đình ông đã thực sự trở thành địa chỉ/điểm Du lịch cuối tuần của du khách trong và ngoài nước. Hàng năm cứ vào dịp tết, các đài truyền hình, các báo đều về thăm gia đình ông để viết bài, làm phim về đề tài chơi tranh dân gian Đông Hồ ngày Tết và tuyên truyền giới thiệu vế làng nghề, về  câu chuyện sưu tầm, bảo tồn, sản xuất và phát triển tranh Tết làng Hồ - Đông Hồ xưa và nay...

Sáng ngày 11/7/2023, tác giả lại có dịp tới thăm "Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ” của gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế, được trực tiếp trò chuyện với Nghệ nhân, cụ đang ở tuổi 88, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, với vóc người nhỏ nhắn nhưng lão nghệ nhân vẫn nhanh nhẹn và mẫn tiệp. Vì đã gặp gỡ trao đổi sơ bộ từ trước, ông đã  chia sẻ luôn về những dự định của mình trong việc tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và khôi phục lại những mẫu tranh mới mà nay mình mới có trong tay. Ông cho chúng tôi biết, vào những năm 2011 đến 2013 có một nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa người Pháp - ngài Jean Pierre Pascal, thông qua Cơ quan phát triển Pháp (chi nhánh tại Hà Nội) thường xuyên thông tin liên lạc với  "Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ" của gia đình ông và đã chuyển tới gia đình ông một bức thư , kèm theo một bộ sưu tập bằng hình ảnh (đợt 1 - 2013), gồm 27 mẫu, bức tranh dân gian Đông Hồ hết sức độc đáo, mà chưa từng có trong bộ sưu tập tranh của các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ và dường như từ rất lâu không được khắc ván, in nữa.

Nội dung bức thư mà Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhận được, có đoạn: "... xin chúc mừng ông về sự nghiệp vì tranh dân gian Việt Nam của ông. Nhân đó, chúng tôi công nhận tính thiết yếu của văn hóa tranh dân gian đối với sự tồn tại và phát triển của nước Việt Nam. Bắt nguồn từ sự tưởng nhớ tổ tiên, những hình ảnh này (tranh dân gian Đông Hồ) cho phép gợi cảm hứng cho các tác phẩm văn học lớn và hình ảnh truyền thống của Việt Nam, và truyền lại cho các thế hệ mới nguồn năng lượng và lòng hiếu thảo cùng sự năng động, là những cơ sở của sự phát triển bền vững...

... Những tác phẩm (tranh, mẫu) chúng tôi gửi tặng, hy vọng rằng ông và gia đình có thể tìm được cảm hứng từ cuốn sách (ảnh - tranh dân gian Đông Hồ) này, nhằm tái tạo và sáng tạo những hình ảnh mới có thể làm phong phú thêm truyền thống của tổ tiên...".

Sau khi tiếp nhận được số mẫu/ bức tranh trên, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế đã tiến hành khắc 27 mẫu, bức tranh trên chất liệu gỗ (cả bản nét và bản mầu), sau đó in thành tranh hoàn chỉnh (có đủ cả phần thơ, chữ đề trên tranh) và gửi tặng nhà sưu tập người Pháp ấy chọn bộ 27 bức tranh và kèm theo một bức thư cảm ơn. Sau khi nhận được 27 bức tranh hoàn chỉnh (theo đúng tranh mẫu) do gia đình Nghệ nhân gửi tặng, trong thư cảm ơn (ngày 10/9/2015), ngài Jean Pierre Pascal cho biết: "...Tôi rất thích 27 tấm tranh (rất đạt) của đợt trước, do tôi chuyển về cho ông năm 2013. Tôi đã triển lãm những tranh này tại thành phố Lyon (Pháp) trong dịp Tết để cộng đồng người Việt (có cả đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp) cùng thưởng thức...". 

Rồi một năm sau (đợt 2 - ngày 2/9/2014), ông lại nhận tiếp 56 mẫu tranh dân gian Đông Hồ nữa cũng do ngài Jean Pierre Pascal gửi từ Pháp sang. Đến nay nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế đã hoàn thành được 42/56 bản khắc gỗ (bản nét) và cho in đen trắng gửi tặng lại nhà sưu tập. 

Tiếp tục ngay năm sau gia đình ông lại nhận tiếp (đợt 3 - 2015) một bộ sưu tập hình ảnh (nội dung, thể loại cũng là dòng tranh dân gian Đông Hồ) với khoảng 50 bức ảnh có nội dung đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn... Ông Chế cho biết, bản thân ông tuổi đã cao nên dần dần sẽ bàn giao những bộ sưu tập này cho anh con trai - Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Tâm quản lý và tiếp tục lưa chọn để phục chế thành các bản khắc trên gỗ (cả bản nét và các bản mầu), rồi in thành phẩm ra những bức tranh hoàn chỉnh cho lưu hành, bảo tồn và phát triển vào những năm sau. Vì đây có thể nói là một Dự án quá lớn đối với ông từ trước đến nay và để thực hiện việc phục chế nhằm tái tạo những bức tranh cổ theo như những mẫu tranh dân gian Đông Hồ đã từng bị thất truyền, lưu lạc bên trời Tây, nay mới trở về với gia đình lão nghệ nhân - Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế, khi ông đã ở tuổi 90 thì sẽ là một việc khó kham nổi.

Đến nay trong số gần 150 mẫu tranh dân gian Đông Hồ mà Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế đã được nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa người Pháp - ngài Jean Pierre Pascal gửi tặng, ông cùng các thành viên trong gia đình đã phục chế lại (hoàn thành cả phần khắc ván nét và các bản khắc mầu) được khoảng gần 60 bức (theo như tranh mẫu), nay đã ra thành phẩm và chuẩn bị cho công bố, phục vụ khách đến tham quan, tìm hiểu. Trong đó có những bức tranh tiêu biểu, như: Cặp tranh "Ông Tơ và bà Nguyệt"; cặp tranh "Cô gái bắt cua và cô gái gánh nước", "Mẹ cho con bú", "Mẹ bầu bên con", "Bé cưỡi hưu", "Bé cưỡi gà".

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế, đây là những bộ tranh rất độc đáo và quý hiếm thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ, mà ông lựa chọn riêng ra để làm trước, đã và đang được ông cho tiến hành khắc gỗ các bản khắc nét và dần dần cho  khắc đủ các bản khắc màu (khoảng từ 5 - 6 bản với hàng trăm bản khắc các loại) rồi in trên giấy điệp, ra thành phẩm tranh hoàn chỉnh để phục vụ du khách chơi tranh trong dịp tết Giáp Thìn - 2024 tới.  

Ông cũng cho chúng tôi biết thêm, các cơ quan hữu quan đang hướng dẫn ông kê khai lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong đợt tới. Với năng lực trình độ của người nghệ nhân tài hoa, thành tích "đôi bàn tay vàng", Huy chương "Vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc"... về những cống hiến bền bỉ không mệt mỏi cho sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ của ông. Chúng tôi rất mong Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế sớm được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, và nghề làm tranh dân gian Đông Hồ cũng sớm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

                                                                                                                                                                                                               NHO THUẬN