Năm 2005 khi Hội Cựu Giáo chức (CGC) xã Yên Phụ, (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) thành lập, Tiến sỹ Đặng Văn Đạm vừa chân ướt chân ráo rời mái trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn về nghỉ hưu ở quê nhà, được anh em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Với tình cảm quê hương, Tiến sỹ nhanh chóng hòa nhập với đời sống Cựu giáo chức nơi thôn dã, xây dựng quy chế hoạt động, nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, quan tâm đến đời sống hội viên, đặc biệt ở Yên Phụ có 13 hội viên không có chế độ lương hưu, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2009 khi vừa tròn 70, mặc dù Hội CGC Yên Phụ luôn được đánh giá là Hội vững mạnh, anh em vẫn tín nhiệm nhưng ông một mực xin nghỉ, để dành thời gian cho việc biên tập chỉnh lý mấy bộ sách ông viết cho học sinh lớp 1 còn dang dở.
Tiến sỹ Đặng Văn Đạm học Đại học Tổng hợp khóa 6 khoa Ngữ văn, chuyên ngành Ngôn ngữ. Năm 1967, ông tốt nghiệp và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn Tiếng Việt cho lưu học sinh người nước ngoài. Trong quá trình vừa dạy học vừa nghiên cứu khoa học, rồi ra nước ngoài bảo vệ luận văn Tiến sỹ ngôn ngữ. Ông thuộc lớp Tiến sỹ đầu tiên của xã Yên Phụ. Thời gian và quá trình công tác Tiến sỹ được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm khoa.
Tiến sĩ Đặng Văn Đạm (người ngồi giữa) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp
Tiến sỹ ấp ủ dự định sẽ viết bộ sách Tiếng Việt lớp 1 cho trẻ em Việt Nam và trẻ em Việt Nam ở nước ngoài muốn học tiếng Việt. Suốt những năm từ 1967 - 1968 cho đến năm 2000 về hưu, Tiến sỹ đã sưu tập hàng ngàn trang ảnh đủ để giúp triển khai ý tưởng biên soạn các tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp… cho trẻ em Việt Nam, cho người nước ngoài cho con em Việt kiều một cách hiện đại, khoa học và có hiệu quả tối ưu.
Năm 2000 Tiến sỹ Đặng Văn Đạm nhận quyết định về hưu đúng lúc đủ độ chín về chuyên môn, còn sức khỏe, chính vì vậy Tiến sỹ tranh thủ thực hiện nhiều ý tưởng đã hình thành chuẩn bị khi còn đang công tác.
Có thể kể ra một số cuốn sách tiêu biểu đã và sẽ được khảo nghiệm trong thực tiễn dạy và học tiếng Việt ở Việt Nam.
- Năm 2001 Tiến sỹ đã cùng người bạn cùng khoa Tiến sỹ Hà Vinh được nhà xuất bản Thường Tín - Hà Nội cho ra mắt cuốn sách “Nhập môn Tiếng Việt” dày 204 trang. Cuốn sách được coi là sách giáo khoa cho người nước ngoài muốn học tiếng Việt và cho Việt kiều Việt Nam.
- Năm 2002 soạn xong cuốn sách “Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam” và “Tiếng Việt qua bài tập”. Cuốn sách có nhiều tranh ảnh hướng dẫn giải quyết các vấn đề của tiếng Việt qua hệ thống bài tập vừa mang tính nghe - nhìn vừa hấp dẫn vừa dễ tiếp thu.
Cuốn sách dày 220 trang được Tiến sỹ làm quà tặng bạn bè Hội CGC và dòng họ Đặng Việt Nam được đón nhận, được phản hồi tích cực.
- Năm 2003 Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình thi viết sách giáo khoa, Tiến sỹ đã soạn cuốn “Tiếng Việt cho lớp 1”. Tiến sỹ đã tặng Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học Việt Nam với tâm nguyện ở các vùng núi cao, các làng thuyền chài, chỉ cần có người biết đọc, biết viết hướng dẫn là các con em học có thể học tiếng Việt được tốt.
- Năm 2004 Tiến sỹ soạn cuốn sách “Tiếng Việt cho con em Việt kiều” với song ngữ Việt - Pháp dày 200 trang. Năm 2014 Tiến sỹ sửa chữa bổ sung và gửi tặng cho Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội để tặng cho các tổ chức Việt kiều ta ở những nước có sử dụng tiếng Pháp.
- Là người không ngừng tìm tòi phương pháp dạy ngoại ngữ tối ưu năm 2007 Tiến sỹ viết cuốn sách “Động từ tiếng Anh” 2 tập, dày 403 trang. Năm 2015 và 2018 Tiến sỹ lại sửa chữa, bổ sung để có thể dùng dạy và học được ngay.
- Năm 2008 Tiến sỹ biên soạn cuốn sách “Tiếng Anh” dày 130 trang với nội dung cho học sinh Việt Nam đọc, hiểu phát triển từ vựng định hình và phát triển ngôn ngữ nói.
Ngoài ra Tiến sỹ còn hoàn thành 4 - 5 công việc biên soạn các tài liệu dạy, học tiếng Anh cho học sinh và trẻ nhỏ Việt Nam với 4 - 5 cuốn với tổng số 700 trang.
Cứ nhìn vào các công trình khoa học Tiến sỹ biên soạn, biên khảo đủ thấy sức làm việc ghê ghớm của cựu giáo chức đã bước vào tuổi trên 80. Làm việc khoa học, ăn đều ngủ đủ, đêm ngày còng lưng trên chiếc máy chữ cũ kỹ, đủ thấy sự yêu nghề, mến trẻ, say mê với sự nghiệp trồng người của Tiến sỹ.
Là người làm công tác khoa học, suốt thời gian công tác đều ở Hà Nội, nhưng khi về quê ông vùng đất Thất Diệu Sơn vừa cổ kính vừa đổi mới chuyển mình, Tiến sỹ hòa nhập ngay với cuộc sống thôn quê, sống có nghĩa tình với bạn bè, với làng xóm. Tiến sỹ chỉ tiếc rằng chưa có bộ sách nào của Tiến sỹ được dạy thực nghiệm cho học sinh Yên Phong.
Nhà giáo Tiến sỹ Đặng Văn Đạm là bông hoa đẹp giữa đời thường của Cựu giáo chức Yên Phong, là “Tấm gương tỏa sáng giữa đời thường” để anh em bạn bè, cháu con học tập và noi theo.
Cầu chúc cho Tiến sỹ sức khỏe, sống an lành bên con cháu để hoàn thành tâm nguyện của mình là “Suốt đời viết sách để dạy tiếng Việt, tiếng Anh cho trẻ em lớp 1”./.
NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG