Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NGƯỜI ĐA MANG BAO NỖI NIỀM TRĂN TRỞ
15:56 | 24/06/2023

 Có những người lính sau chiến tranh vẫn còn những “kỷ vật” đặc biệt của kẻ thù, đó là những mảnh đạn còn lẩn khuất trong cơ thể. Cựu chiến binh, nhà văn Hoàng Ngọc Bính là một người lính có “kỷ vật” như vậy. Một mảnh đạn vẫn còn găm ở gần mắt phải, nó tàn nhẫn giày vò ông mỗi khi trái gió, trở trời hơn một nửa thế kỷ qua.

Nhà văn, Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bính sinh năm 1952 (Nhâm Thìn) tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Vùng quê trung du, đồi núi sơn thủy hữu tình, nơi hội tụ của những đàn chim bốn mùa gáy gọi kết đôi trong bảng lảng khói lam chiều trên những mái đình cổ kính thâm nghiêm của một vùng quê trù phú nổi tiếng với những sản vật lụa Cẩm Xuyên, cá cháy sông Cầu, quýt bộp Gia Cát, trám đen Hoàng Vân,… của phủ Thiên Phúc xứ Kinh Bắc xưa. Vùng đất anh hùng, địa chỉ đỏ An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và cửa ngõ của căn cứ địa Việt Bắc.
 
Lớn lên trong bầu sữa mẹ của vùng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương đã vun đắp cho Hoàng Ngọc Bính lòng yêu quê hương, đất nước ngay từ thuở còn cắp sách tới trường. Năm 1971, 19 tuổi, chàng trai Hoàng Ngọc Bính viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau huấn luyện, ông được biên chế về tiểu đoàn Đặc công 409 - Quân khu 5, thuộc chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và một phần địa bàn Tây Nguyên. Ông bị thương nặng trong chiến dịch giải phóng Tiên Phước - Bắc Trà My năm 1972. Sau nhiều lần phẫu thuật các y, bác sĩ đã gắp được những mảnh đạn ở phần mềm trong đầu, còn một mảnh ở gần mắt nguy hiểm nên vẫn còn không lấy ra được. Bị thương nặng với mất sức khỏe vĩnh viễn 61%, thương binh 2/4 chàng Hoàng Ngọc Bính phải từ bỏ giấc mơ lập công lớn cho thỏa chí trai thời chiến tranh, đã không cùng đồng đội tiến về giải phóng Sài Gòn mà phải ra quân, được cử đi học ở trường Điện. Ra trường về công tác ở Công ty Thủy nông Bắc Đuống (trụ sở  phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Tại địa danh này, chàng trai phố Thắng đã phải lòng cô gái Đình Bảng, xứ Đông Ngàn nên ở lại xây dựng hạnh phúc ngay trên vùng đất quê hương phát tích triều đại nhà Lý.
Hai vùng quê văn hiến, lịch sử đã hội tụ và tạo dựng nên Hoàng Ngọc Bính thành một người cán bộ thủy nông mẫn cán và quan trọng hơn cả là một nhà văn, nhà báo có tiếng trong làng Văn nghệ - Báo chí tỉnh Bắc Ninh. Ban đầu là những sáng tác các làn điệu chèo, đặt lời mới cho quan họ, cải lương phục vụ công tác tự biên, tự diễn các phong trào văn hóa, văn nghệ của cơ quan, rồi mở rộng đến với các phong trào hội thi, hội diễn ở một số địa phương, nhà trường… lĩnh vực này ông đã giúp cho nhiều địa phương giành giải cao trong hội thi, hội diễn. Chính ông bằng nội lực và sự khổ công rèn luyện đã mang về cho cơ quan công ty Thủy nông Bắc Đuống nhiều giải thưởng về văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đi thi hát, giành được giải cao, được Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh dành cả một chương trình đặc biệt giới thiệu giọng hát của Hoàng Ngọc Bính đến với khán giả. Ông còn vẽ tranh cổ động được in trên báo Nhân dân… Đồng thời sự đa tài của Hoàng Ngọc Bính thể hiện trên cả lĩnh vực thể thao. Ông là cây đập bóng chủ công của đội bóng chuyền cơ quan, một vận động viên chạy 100m có đẳng cấp tại các giải đấu của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang hợp nhất) một thời…
Một bước ngoặt mới không dễ chịu chút nào đối với chàng trai 35 tuổi. Năm 1987, Hoàng Ngọc Bính nhận quyết định nghỉ chế độ mất sức khi mới cưới vợ được một năm. Đây là giai đoạn đất nước khủng hoảng kinh tế, lạm phát phi mã kéo dài vì thế trông vào chế độ mất sức thì quả là không dễ chịu chút nào với chàng trai mới an cư lập gia đình được một năm. Hoàng Ngọc Bính đã cố gắng vượt lên chính mình, bươn chải bằng rất nhiều việc, nhiều nghề để lo cuộc sống gia đình giúp đỡ vợ con và ông cũng lặng lẽ tiếp tục âm thầm theo đuổi giấc mơ viết lách của mình. Chính những ngày bươn trải kiếm sống được trải nghiệm với bao niềm vui, nỗi buồn nhân tình thế thái muôn hình, muôn vẻ của đời sống xã hội, ông muốn phản ánh cuộc sống xung quanh mình một cách trung thực nhất, muốn làm được những việc có ích cho mọi người. Thế là ông viết đủ thể loại: Báo, kịch bản văn nghệ, văn học (tiểu phẩm, truyện ngắn và cả làm thơ nữa). Những bài báo được xuất hiện trên các trang báo tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đều đặn, khá dày hàng tuần, hàng tháng, rồi cũng xuất hiện trên các trang báo, tạp chí Trung ương. Kỹ năng làm báo, viết văn chỉ là tự học, tự rèn luyện, quan trọng hơn cả đó lại là nội dung các bài báo ông viết có tính thời sự, trung thực, tươi mới, nóng hổi, ngồn ngộn chất liệu sống hiện thực đã mang về cho ông hàng chục giải thưởng báo chí các loại. Nhiều bài báo của ông được đăng tải trên các báo Trung ương, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng. Cũng từ những thành quả đó ông đã vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam năm 2002, rồi năm 2003 ông lại vinh dự được Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh kết nạp là hội viên chuyên ngành văn học. 
Từ khi là hội viên của Hội Nhà báo, Hội VHNT tỉnh ông lại có điều kiện để giao lưu với đồng nghiệp, được tham dự các chương trình hội thảo, đi thực tế và các trại sáng tác VHNT, tay bút của ông được trau dồi để có những tác phẩm có chất lượng về nghệ thuật, mặc dù vẫn là những câu chuyện, những tấm gương đời thường ở thôn làng, khu phố, bệnh viện, trường học… đầy chân thực. Nhân vật trong các bài báo, câu chuyện của Hoàng Ngọc Bính là những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng họ dám nghĩ, dám làm, vươn lên thành những tấm gương lao động sản xuất kinh doanh giỏi. Họ còn là những cán bộ đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, là cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, bác sĩ, thầy cô giáo, cựu giáo chức… nhưng họ vẫn là những người tích cực tham gia công tác xã hội. Rồi đến những cán bộ ở thôn, xã, phường luôn gương mẫu, tận tụy với công việc của tập thể, của nhân dân, được dân mến, Đảng tin… Tất cả được Hoàng Ngọc Bính lựa chọn để viết. Nghe tin hoặc nghe đồn ở thôn ấy, xã ấy, cơ quan ấy có tấm gương người tốt việc tốt là Hoàng Ngọc Bính sắp xếp thời gian đạp xe (thời gian trước năm 2000, sau cũng sắm được xe máy) xuống tận nơi để lấy tư liệu. Ông trăn trở với những tiêu cực trong xã hội, vì thế ông đi sâu vào việc viết về những tấm gương người tốt, việc tốt. Ông từng tâm sự với bạn bè: “Mỗi một tấm gương người tốt, việc tốt góp một phần xua đi những hành động tàn ác ở trên đời”. Năm 2012, ông tập hợp các bài viết xuất bản tập sách “Những trang viết Hoàng Ngọc Bính”. Tập sách gồm hơn 100 bài báo viết trong hơn 10 năm đầu thế kỷ XXI, hơn 50 bài viết chuyện đời thường và gần 50 bài thơ, Quan họ lời mới, kịch ngắn. Nhiều bài báo và chuyện đời thường trong tập sách này đã được đăng tải trên báo, tạp chí đã đem lại những hiệu quả to lớn, có tác dụng tích cực đối với cộng đồng, xã hội.
Mới đây nhất, Hoàng Ngọc Bính đã tổng hợp, chọn lọc những gương tiêu biểu nhất (117 tấm gương tiêu biểu) trong các tác phẩm ông đã viết trong những năm qua xuất bản tập sách “Những bông hoa đời thường” (NXB Hội Nhà văn - 2016). Tác phẩm vinh dự nhận giải thưởng về sáng tác quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về đề tài “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và giải thưởng VHNT tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất, giai đoạn 2012-2017. Một vinh dự lớn lao hơn cả là ông được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy tôn vinh là “Công dân tiêu biểu” trong dịp kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh - 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh năm 2017. Ông cũng từng có giải thưởng về thơ của ngành giáo dục đào tạo, 10 giải thưởng Báo chí Ngô Gia Tự (giải thưởng thường niên của Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh trao). Ngoài việc lao động sáng tác, Hoàng Ngọc Bính còn tích cực tham gia các phong trào của Hội VHNT tỉnh, hiện ông là Phân hội Phó Phân hội VHNT thành phố Từ Sơn, một đơn vị cấp huyện có nhiều khởi sắc ở tốp đầu của tỉnh về các hoạt động VHNT. Kể từ 2015, Chi hội Nhà báo Tạp chí Người Kinh Bắc được thành lập, ông đảm nhiệm là Thư ký Chi hội cho đến nay.
Nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bính thực sự là cây bút đầy trách nhiệm của một công dân, nhà báo, nhà văn. Một con người đa mang với bao nỗi niềm trăn trở với đời sống xã hội, với đất và người Kinh Bắc. Ông là người vượt bao khó khăn trong cuộc sống đời thường của chính mình kể cả “nỗi đau” hành hạ của mảnh đạn còn găm trong người để âm thầm cống hiến mà không mấy bận tâm về tiền bạc và đãi ngộ. Người thương binh 2/4 mất sức 61%, đeo kính lão hơn 5 phẩy đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn tiếp tục âm thầm cống hiến, đã làm được khá nhiều việc có ích cho cuộc đời, xã hội. Ông xứng đáng là “Một bông hoa đẹp” trong “vườn hoa đẹp của đời thường” mà ông đã viết. Ông thực sự là một “Thương binh tàn nhưng không phế” xứng đáng được mọi người mến mộ, học tập và noi theo./.
                                                                                                                                                                                                                       NGUYỄN CÔNG HẢO