Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

TẤM GƯƠNG NGƯỜI THẦY
14:39 | 06/12/2021

Tôi và Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Thà biết nhau cách đây đã gần 20 năm, ngày anh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh và Trường THPT Lý Thái Tổ, thành phố Từ Sơn phân công phụ trách 600 nữ sinh nhà trường luyện tập chương trình đồng diễn chào mừng Seagame 22 tại Việt Nam. Tôi có dịp đi nhiều, quen biết cũng nhiều, nhưng để trở thành anh em, bè bạn, thân nhau rồi quý nhau như tôi với Nguyễn Trọng Thà thì rất hiếm. Điều cuốn hút tôi ở người thầy tuổi Quý Tỵ 1953 này là nếp sống bộc trực, chân thành, cởi mở, rất dễ gần. Là thầy giáo dạy môn lịch sử, nhưng Nguyễn Trọng Thà rất thích làm thơ và viết báo. Đặc biệt là nghiên cứu văn nghệ dân gian, gồm những đề tài liên quan đến lịch sử và văn hóa truyền thống ở vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Ông đã có nhiều bài báo, bài thơ đăng trên các báo và Tạp chí ở Trung ương và địa phương. Ông cũng đã xuất bản được một tập thơ và 3 đầu sách bao gồm: Chùa Tiêu những bí ẩn lịch sử, NXB Văn hóa dân tộc phát hành năm 2014; Sông Tiêu Tương lịch sử huyền thoại, NXB Văn hóa dân tộc phát hành năm 2016; Triết gia Trần Đức Thảo, phát hành năm 2017. 

Nguyễn Trọng Thà bộc bạch: “Mình không phải là nhà thơ, cũng không phải là người chuyên nghiên cứu về văn nghệ dân gian, nhưng vì đã gắn bó và mến yêu mảnh đất này suốt mấy chục năm, nên cảm xúc và trách nhiệm cứ đan xen, thôi thúc mình cầm bút. Trải qua gần 40 năm công tác, thoắt cái đã sang bên kia sườn dốc của cuộc đời, in lấy tập thơ, vài tập sách cũng là để nói lên tiếng lòng của mình, để kỷ niệm một thời đáng nhớ, cũng là để trả nghĩa với con người và quê hương thứ hai đã nuôi dưỡng để mình có được như hôm nay”.

Tôi đã có dịp đọc hết tập thơ và các đầu sách của Nguyễn Trọng Thà, nên rất trân trọng bởi là người cán bộ quản lý như ông, ngổn ngang biết bao công việc của Trường, của Sở mà vẫn trình làng được nhiều cuốn sách, tập thơ có giá trị, thì mới biết niềm đam mê, tinh thần lao động sáng tạo của ông đáng quý biết chừng nào. Hãy khoan đàm luận về chất lượng tập thơ cùng những tập sách của ông xuất bản để tìm hiểu đôi nét về cuộc đời, con người của một nhà giáo luôn tâm huyết với nghề và dạt dào với những vần thơ hay. Vì nếu đọc những tác phẩm của ông mà không hiểu đôi chút về ông, chắc chắn độc giả sẽ chưa cảm nhận hết nỗi niềm mà ông chia sẻ, chưa thấy hết cái hay, cái đẹp, cùng những giá trị nhân văn được ông chắt ra từ gan ruột của mình, thì có lẽ chưa hiểu hết công việc thầm lặng trong suốt gần 40 năm qua ông miệt mài cống hiến…

Sinh năm 1953 tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1974 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Trọng Thà về công tác tại trường Học sinh miền Nam số 8 Tam Đảo, trường cấp III Lê Xoay rồi trường Sư phạm 10+2 (Vĩnh Phú). Bằng tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, Nguyễn Trọng Thà không ngừng phấn đấu, say mê học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy để ngày càng nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Năm 1981, Nguyễn Trọng Thà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Năm 1983, được phân công về giảng dạy tại trường THPT Lý Thái Tổ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, thầy giáo Nguyễn Trọng Thà đã nhanh chóng chiếm được lòng tin yêu của đồng nghiệp và học sinh. Và cũng từ đây, ông đã quyết định lấy mảnh đất Từ Sơn - Bắc Ninh làm quê hương thứ hai của mình để lập nghiệp. Với năng lực và kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, thầy đã từng bước được Ban Giám hiệu nhà trường trao trọng trách Phó Bí thư Đoàn trường (năm 1983); Tổ trưởng tổ chuyên môn (năm 1987). Năm 1996, ông là 1 trong 2 giáo viên đầu tiên được Sở GD&ĐT trưng dụng trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh tỉnh nhà tham gia thi học sinh giỏi, và đã có 36 em đạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp Quốc gia. Bằng phương pháp truyền đạt sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ của ông và đồng nghiệp, lớp lớp học sinh trường THPT Lý Thái Tổ đã trưởng thành, nhiều người nay đã là Thạc sỹ, Tiến sỹ nghiên cứu các đề tài lịch sử, không ít học sinh đã trở thành giáo viên dạy sử trong các nhà trường.

Năm 2003, được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng, nhiệm vụ của thầy giáo Nguyễn Trọng Thà ngày càng nặng nề hơn. Không chỉ cùng Ban Giám hiệu làm tốt công tác quản lý, từng bước xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, ông còn phân bổ lịch công tác một cách hợp lý để vừa trực tiếp giảng dạy vừa kiêm nhiệm nhiều công việc của Trường, của Sở như tham gia Hội đồng biên tập cuốn Lịch sử giáo dục Bắc Ninh; Chấm thi giáo viên dạy giỏi, ra đề và chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh; thành viên Hội đồng khoa học, Thanh tra viên Sở GD&ĐT… Trong các năm 2003, 2006 và 2009, ông được giao nhiệm vụ phụ trách 600 nữ sinh nhà trường luyện tập và biểu diễn thành công tại lễ khai mạc Seagame 22, Đại hội TDTT Sinh viên Đông Nam Á và Đại hội TDTT trong nhà châu Á, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Bên cạnh đó, thầy giáo Nguyễn Trọng Thà còn dành nhiều tâm sức nghiên cứu để có hàng chục sáng kiến, đề tài khoa học, được Hội đồng Khoa học giáo dục tỉnh đánh giá cao và triển khai ứng dụng vào giảng dạy trong nhà trường.

Suốt gần 40 năm tận tuỵ cống hiến vì sự nghiệp trồng người, thầy giáo Nguyễn Trọng Thà đã có trên 20 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua”, danh hiệu “Giáo viên giỏi” cấp tỉnh, được nhận rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh; Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ GD&ĐT, Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn trao tặng. Đặc biệt, năm 2012, thầy giáo Nguyễn Trọng Thà đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu: “Nhà giáo Ưu tú”. Ông tâm sự: “Tôi thật mãn nguyện khi trở thành giáo viên dạy môn lịch sử, được truyền đạt cho học sinh hiểu rõ hơn, trân trọng hơn những giá trị truyền thống của ông cha để lại. Từ đó khơi dậy trong các em niềm tự hào dân tộc, thêm yêu quê hương đất nước. Đối với tôi, những phần thưởng, danh hiệu được trao tặng là rất cao quý, nhưng phần thưởng lớn nhất vẫn là tình yêu thương của biết bao người thân yên, của anh em, bè bạn, của đồng chí, đồng nghiệp, của các em học sinh suốt mấy chục năm qua đã dành cho mình, trở thành nguồn động lực để không ngừng phấn đấu”. 

Năm 2013, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Thà được nghỉ hưu. Nói là nghỉ nhưng từ đó đến nay ông chưa hề có một ngày ngơi nghỉ. Vừa chân ướt chân ráo về địa phương, ông đã bắt tay ngay vào tham gia công tác xã hội, gánh vác nhiều công việc của tập thể như Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Tương Giang, rồi Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố Từ Sơn; Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh; Trưởng ban liên lạc Hội cựu cán bộ, giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ; Phó chủ nhiệm CLB Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Ủy viên Ủy ban MTTQ thành phố Từ Sơn… Dù cùng một lúc đảm đương nhiều công việc, nhưng việc nào Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Thà cũng tận tâm, tận lực, lo tròn trách nhiệm, luôn được lãnh đạo và hội viên dành nhiều tình cảm mến yêu, trân trọng. Chưa hết, ông còn dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu và có nhiều bài viết sâu sắc về lịch sử và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của miền quê Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Đọc những tác phẩm của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Thà, ta thấy ở ông luôn toát lên tình yêu con người và cuộc sống. Ta thấy ông là người sống nặng tình, nặng nghĩa và rất trân trọng tình cảm anh em, bè bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp, tình thầy trò… Và trên hết, đó là tình yêu quê hương, đất nước. Tôi rất thích thơ Nguyễn Trọng Thà bởi có nhiều tứ lạ, phóng khoáng ở nhiều đề tài, thể loại, khúc triết mà sâu lắng. Là giáo viên dạy sử, lại có điều kiện đi nhiều nơi, nên thơ Nguyễn Trọng Thà đề cập đến nhiều địa danh, nhân vật lịch sử, và có lẽ đi tới đâu ông cũng có thơ, cũng cảm nhận, gửi gắm một điều gì đó trước những danh lam, thắng cảnh mà mình chiêm ngưỡng. Từ núi rừng Điện Biên Phủ tới mảnh đất Sa Pa, Côn Sơn Kiếp Bạc, hay dải đất miền Trung đầy nắng và gió, nơi có Ngã Ba Đồng Lộc đi vào huyền thoại. Từ Phong Nha - Kẻ Bàng, một kỳ quan thiên nhiên của đất nước, rồi vượt sông Bến Hải để đến với Thành cổ Quảng Trị, nơi có con sông Thạch Hãn một thời oanh liệt… Ngay cả dải đất phương Nam, Nguyễn Trọng Thà cũng đã từng đặt chân để có nhiều bài thơ dạt dào cảm xúc…

Tôi tin rằng, thơ Nguyễn Trọng Thà sẽ đọng lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng đẹp từ những vần thơ dung dị mà sâu lắng, bởi thơ ông không hoa mỹ mà dung dị, mộc mạc, chân thành như tính cách của ông, như chính con người ông, nhưng lại rất dịu dàng đằm thắm, chứa đựng bao nỗi niềm cảm thông chia sẻ. Nó khắc họa hình ảnh của ông, một con người luôn lạc quan, yêu đời, yêu mọi người, yêu mảnh đất mà ông đang sống. Nguyễn Trọng Thà sống rất thật, từ cách sống chân thật ấy để rồi ông cảm nhận và làm thơ. Và chính sự chân thật của Nguyễn Trọng Thà đã làm nên diện mạo của nhà thơ, tính cách trong thơ. Tôi cho rằng, không chỉ có tình yêu thơ, có tâm hồn thơ mà trên hết, nhà thơ phải có trái tim nhân hậu, có hiếu, có nghĩa, có tình mới thai nghén được những vần thơ đầy ắp tình người, tình đời đến thế!

Hôm nay một ngôi sao đã tắt, một con người sống trên “cõi tạm” đã trở về với cõi vĩnh hằng. Vào một ngày cuối tháng 10 năm 2021, trái tim nhân hậu, nhiệt huyết và dạt dào tình yêu thương của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Thà đã ngừng đập. Ông ra đi, để lại bao niềm tiếc thương cho những người thân yêu, đồng chí, đồng nghiệp, bè bạn xa gần, lớp lớp học sinh và bà con khối phố. Để lại biết bao công việc, cùng những vần thơ, bài viết còn dang dở… Còn chúng tôi, mất đi một người bạn, người đồng chí thủy chung, nặng tình, nặng nghĩa… Bài viết này xin được coi là nén tâm nhang, cầu mong ông thanh thản dưới suối vàng yên nghỉ./.

                                                                                                                                                                                  HOÀNG NGỌC BÍNH