Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn để lại cho các thế hệ sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, là đạo đức, là phong cách Hồ Chí Minh.
Nói về việc học tập theo gương Bác thì người đầu tiên đặt vấn đề đó là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, điều đó được thể hiện cụ thể trong tác phẩm “Hồ Chí Minh - hình ảnh dân tộc” viết năm 1948. Trong tác phẩm này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì? Và đồng chí đã chỉ ra, đó là: học trung với nước, hiếu với dân; học đoàn kết toàn dân; học phấn đấu; học lý thuyết, phương pháp khoa học; học cần, kiệm, liêm, chính.
Nhưng vì điều kiện khách quan và chủ quan, phải tới Đại Hội II của Đảng (2/1951) chúng ta mới đề cập đến trong văn kiện của Đảng. Cụ thể, đồng chí Tôn Đức Thắng đã viết trong dự thảo nghị quyết: “Đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là đường lối, tác phong và đạo đức Hồ Chủ tịch”. Cũng từ Đại hội này, Đảng ta đã kêu gọi: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch, sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng mau đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Tới Đại hội III (3/1960) nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong báo cáo chính trị do đồng chí Lê Duẩn đọc tại Đại hội đã viết: “Gần 50 năm qua, đồng chí đã đem hết tinh thần và nghị lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đồng chí đã nêu gương chói lọi về sự trung thành vô hạn đối với lợi ích của giai cấp và của dân tộc; đã phát huy cao độ đạo đức cộng sản chủ nghĩa: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Đảng ta và nhân dân ta vô cùng tự hào về vị lãnh tụ của mình. Thay mặt cho toàn đảng và toàn dân, Đại hội toàn quốc chúng ta một lần nữa tỏ lòng tin tưởng và biết ơn sâu sắc đối với đồng chí Hồ Chí Minh, và kêu gọi tất cả đảng viên, cán bộ dốc lòng học tập gương sáng của đồng chí, tiếp tục phấn đấu không mệt mỏi cho độc lập thống nhất của Tổ quốc, cho tự do hạnh phúc của nhân dân”.
Đặc biệt, từ sau Đại hội VII của Đảng (6/1991) việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh. Tại Đại hội, lần đầu tiên Đảng nêu lên khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta và trong thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc”.
Kể từ đó tới nay, việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta quan tâm và ban hành nhiều Chỉ thị như:
Chỉ thị số 23 - CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”.
Chỉ thị số 06 - CT/TW ngày 07/11/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chỉ thị số 03 - CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chỉ thị 05 - CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trong những năm tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cơ bản, lâu dài, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó càng nhấn mạnh và gắn chặt hơn với chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh gồm tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường giải phóng và phát triển dân tộc, là nền tảng vững chắc để Đảng ta vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, là sợi chỉ đỏ dẫn đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đối với mỗi thời kì cách mạng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đó mãi sống với chúng ta vì nó đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân, được kiểm nghiệm qua thực tiễn cách mạng, ngày càng tỏa sáng, chiếm lĩnh trái tim, khối óc của hàng triệu, hàng triệu con người Việt Nam. Những giá trị tinh thần đó đã, đang và sẽ mãi mãi là chân lí sáng ngời, góp phần vào sự kiến tạo và phát triển của nhân loại.
Về vị trí của đạo đức trong đời sống xã hội và của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc, người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề. Một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Hồ Chủ tịch quan niệm đạo đức cách mạng là chỗ dựa giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Theo Người, có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước… khi gặp thuận lợi và thành công cũng giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.
Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng qua mỗi thời kỳ, là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu. Với lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vô hạn, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và những nhiệm vụ yêu cầu mới. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy biến những tình cảm thiêng liêng đối với Bác kính yêu thành ý chí, thành hành động thiết thực. Chúng ta nguyện không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, tác phong của Người trong từng việc làm cụ thể, đoàn kết một lòng, sớm đưa nước ta bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu./.
DƯƠNG ĐỨC NGHIÊM