Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NHỮNG NGƯỜI “GIỮ LỬA” CHO NGHỆ THUẬT TUỒNG TRUYỀN THỐNG
09:56 | 07/01/2022

Đất nước ta đang trên đường phát triển và hội nhập, đặc biệt, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, các loại hình giải trí hiện đại cũng ùa vào, làm cho nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ không còn mặn mà với các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống. Nhưng điều đáng mừng là vẫn còn có những người đêm ngày âm thầm “giữ lửa”, đem niềm đam mê, ý thức trách nhiệm của mình góp phần quan trọng vào việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa để lại.

Từ bao đời nay, Từ Sơn luôn được coi là mảnh đất hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa đặc sắc của dân tộc. Các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, Quan họ… luôn được giữ gìn, kế thừa và phát triển, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, kịp thời động viên mọi người hăng say lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, những nghệ nhân, diễn viên không chuyên ở các làng quê, thôn xóm đã mang những loại hình sân khấu truyền thống phục vụ đồng bào và chiến sỹ từ hậu phương ra tiền tuyến, kịp thời cổ vũ tinh thần bộ đội và nhân dân trên khắp các nẻo đường kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng. 

Tôi đã có dịp tiếp xúc nhiều với các nghệ nhân, nghệ sỹ Tuồng không chuyên ở Từ Sơn, trong đó có các thành viên CLB Tuồng Tiến Bào, phường Phù Khê. Không ồn ào náo nhiệt, nhưng họ chính là những người đang miệt mài đêm ngày “giữ lửa” cho nghệ thuật truyền thống ở nơi đây. Theo các nghệ nhân hát Tuồng Đàm Đức Thư và Đàm Xuân Trung, Chủ nhiệm CLB Tuồng Tiến Bào, nghệ thuật Tuồng truyền thống ở Phù Khê đã có từ hàng trăm năm trước, nhưng phát triển mạnh nhất là sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. Ngày ấy, tính phân biệt giai cấp từ cải cách ruộng đất đã làm cho không khí vùng quê này rất căng thẳng và ngột ngạt. Tình trạng hiểu lầm, dẫn đến mất đoàn kết trong quần chúng nhân dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội và an ninh trật tự ở địa phương. Để tháo gỡ tình trạng đó, năm 1956, Ủy ban hành chính huyện đã đề ra chủ trương là mỗi một xã hoặc một thôn thành lập một đội văn nghệ, lấy tiếng đàn, tiếng hát khơi dậy không khí sôi nổi và tình đoàn kết gắn bó trong quần chúng nhân dân. Sẵn có bề dày về nghệ thuật Tuồng truyền thống, nhân dân thôn Tiến Bào, xã Phù Khê đã huy động mỗi gia đình ít nhất có một thành viên tham gia để thành lập đội văn nghệ. Và CLB Tuồng Tiến Bào (trước đây còn gọi là Đoàn Tuồng Tiến Bào) đã ra đời, do cụ Đỗ Văn Thuyết làm Trưởng đoàn kiêm lo việc thờ Tổ. Ban lãnh đạo đoàn còn có các cụ Đàm Văn Tân,  Đàm Văn Khiêm và cụ bà Tâm cùng một số người khác. Ngày ấy, các loại hình giải trí không được phong phú như bây giờ, nên tối nào bà con cũng náo nức, đến chật sân nhà cụ Thuyết xem tập luyện và biểu diễn. Còn gia đình cụ Thuyết thì ngay từ chiều đã quét dọn sân thềm, rồi đun nước, trải chiếu… phục vụ bà con. Đoàn Tuồng Tiến Bào đi vào hoạt động đã tạo nên một sức sống mới. Không khí vui tươi, phấn khởi, tình đoàn kết gắn bó ở địa phương đã có chuyển biến tịch cực. Mọi người gần gũi nhau hơn, yêu mến nhau hơn. Năng suất lao động tăng cao, đời sống nhân dân ngày càng phát triển…

CLB tuồng Tiến Bào trong một vở diễn tham gia Hội diễn 

Sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc tại Bình Định

Ngày mới thành lập, người yêu thích nghệ thuật Tuồng ở Tiến Bào rất đông. Người xin gia nhập CLB nhiều đến mức, mỗi vở diễn CLB đều phải phân công hai người đảm nhận một vai mà chưa hết. Không chỉ tự mình dàn dựng các vở Tuồng truyền thống phục vụ nhân dân, lãnh đạo đoàn còn “khăn gói” về các địa phương mời nghệ nhân về truyền dạy, trong đó có cụ Cõn, quê ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh - Hà Nội. Mọi người kể lại, cụ Cõn là người rất giỏi và am hiểu nghệ thuật Tuồng, nên từ vai kép đến vai đào, chính diện hay phản diện, vai nào cụ cũng có cách biểu diễn mang tính nghệ thuật cao. Vì thế mà các thành viên CLB Tuồng Tiến Bào đã tiếp thu và không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Các vai kép văn của đoàn ngày đó có các cụ Đàm Văn Hoặc, Đỗ Văn Lợi, Trần Văn Nham. Các vai kép võ có các cụ Năm Cao, Đàm Văn Tiềm và Phạm Văn Kha. Các vai lão kép có các cụ Phạm Văn An, Phạm Văn Hỷ. Các vai kép đen có các cụ Đàm Văn Trai, Đàm Mạnh Dần, Đàm Văn Tám. Vai yêu đạo là cụ Đàm Văn Tài, các vai hề có cụ Phạm Văn Chín, Đỗ văn Mục, Đỗ Văn Tuyền, Phạm Văn Nghìn. Các vai đào có cụ Ba Con, Đỗ Thị Hai, Đỗ Thị Nguyên, Đàm Thị Tám. Vai kép con có cụ Đàm Văn Hậu, vai lính do cụ Trần Văn Tạo… Họ đều là những người giàu tâm huyết và có kỹ năng biểu diễn điêu luyện, làm nên thành công của CLB. Và cũng nhờ tài năng của họ mà nhiều vở diễn đòi hỏi tính nghệ thuật cao như “Lưu Kim Đính phá ngũ môn”, “Nam Bình hầu Triệu Khải”, “Tam bái hàm giang”, “Bách đao Từ Hải Thọ”, “Sử án Bàng Quý Phi”, “Thôi Tử thí tề quân”, “Châu Sương thủy chiến Bàng Đức”, “Mạnh Lệ Quân thoát hài”… đều được các diễn viên CLB biểu diễn thành công, đi tới đâu cũng được nhân dân hết lòng khen ngợi.

Cùng với các diễn viên, phải kể đến vai trò quan trọng của các nhạc công trong CLB, bởi chính họ là người dẫn dắt, tạo nên nhịp điệu, linh hồn cho vở diễn. Đảm đương nhạc cụ kèn Tầu là cụ Đàm Văn Tỵ, nhị là cụ Đỗ Văn Toàn, Đỗ Văn Toản, phụ trách trống có cụ Đàm Văn Bốn, Đàm Văn Chi…

Suốt một thời gian dài, nghệ thuật Tuồng truyền thống ở Tiến Bào đã trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương và huyện Từ Sơn. Khẳng định nghệ thuật văn hóa quần chúng, trong đó có các loại hình sân khấu truyền thống chính là nguồn bổ sung năng lượng tinh thần cho quần chúng nhân dân trong suốt thời kỳ bảo vệ và dựng xây Tổ quốc. Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, nhiều diễn viên của đoàn đã phải tạm biệt ánh đèn sân khấu lên đường ra mặt trận. Người ở lại thì tay cày, tay súng, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Chính vì vậy mà CLB Tuồng Tiến Bào đã phải tạm ngừng hoạt động. Vì say mê, tâm huyết với nghề, nhiều diễn viên trong CLB đã phải tìm tới các địa phương khác để hát “Tuồng góp” với một số đơn vị bạn. Không thể để nghệ thuật Tuồng truyền thống của địa phương ngày càng mai một, năm 1983, sau một thời gian dài trăn trở và bằng tâm huyết của mình, cụ Đàm Mạnh Dần đã quyết tâm đứng lên khôi phục CLB. Việc đầu tiên của cụ là thành lập ban lãnh đạo mới, gồm các cụ Đàm Mạnh Dần, Trần Văn Nham, Đỗ Văn Tuyết, rồi vận động lớp trẻ tham gia để sát cánh với các thế hệ đàn anh. Có diễn viên rồi, nhưng cơ sở vật chất như trang phục, đạo cụ… phục vụ cho biểu diễn còn rất nghèo nàn, thiếu thốn, thế là cụ lại cùng lãnh đạo đoàn đến từng nhà vận động bà con ủng hộ. Nhiều người kể lại, khi được vận động ủng hộ kinh phí khôi phục đoàn Tuồng, bà con thôn Tiến Bào ai cũng vui vẻ, tự nguyện đóng góp. Họ cho rằng, chia sẻ tinh thần, vật chất ủng hộ CLB chính là nguồn vui, là ý thức trách nhiệm của mỗi người. Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục bộ trang phục biểu diễn, đạo cụ, hệ thống ánh sáng… phục vụ cho nhiều vở diễn đã được CLB mua sắm nhờ tiền ủng hộ của nhân dân. 

Trải qua gần 40 năm tái lập và đi vào hoạt động, CLB Tuồng Tiến Bào không chỉ hăng say luyện tập, còn thường xuyên đào tạo lớp trẻ kế cận để duy trì thường xuyên trên dưới 30 thành viên, từ đó đã biểu diễn thành công hàng chục vở Tuồng truyền thống và hiện đại, mỗi năm tổ chức trên 30 buổi biểu diễn phục vụ bà con trong và ngoài tỉnh, CLB còn dàn dựng nhiều vở tham gia các hội diễn, và đã đạt 4 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc tại các kỳ Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc và của tỉnh. Năm 2018, các thành viên trong CLB là Đàm Xuân Trung, Đàm Đức Thư, Đàm Quốc Oai đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Tuồng”, năm 2021 tiếp tục được tỉnh Bắc Ninh đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Cũng trong năm 2021, diễn viên Đàm Thu Hiền cũng đã được UBND tỉnh Bắc Ninh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Tuồng”. Nhiều thành viên trong CLB đã được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”, được UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Từ Sơn tặng Bằng khen, Giấy khen. 

Để có được những thành công đó, chính là nhờ sự tâm huyết, niềm đam mê, ý thức trách nhiệm và tận tụy hết mình của lãnh đạo cùng mỗi diễn viên, nhạc công trong CLB. Và trên hết, đó là niềm tin yêu, ủng hộ vô điều kiện của nhân dân địa phương. Vui đấy, nhưng nghệ nhân hát Tuồng Đàm Xuân Trung, Chủ nhiệm CLB Tuồng Tiến Bào, cùng NSƯT Nguyễn Đức Tú, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, thuộc Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh vẫn còn có không ít niềm băn khoăn, trăn trở,  đó là: Nghệ thuật Tuồng truyền thống ở Từ Sơn luôn được duy trì thường xuyên và phát triển, tuy nhiên, đó chỉ là mang tính tự phát, họ phải tự mình chủ động từ công tác tổ chức, nội dung biểu diễn đến kinh phí đầu tư. Mỗi một buổi biểu diễn, diễn viên và nhạc công chỉ chia nhau được vài ba trăm nghìn nhờ vào tấm lòng thảo thơm của khán giả, thì niềm đam mê của họ có đến mức nào cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn. Nếu có sự vào cuộc, quan tâm định hướng và ủng hộ, giúp đỡ của các ngành, các cấp có liên quan, làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và được hỗ trợ phần nào kinh phí… thì chắc chắn, nghệ thuật Tuồng truyền thống ở Từ Sơn sẽ còn phát triển mạnh mẽ, xứng với tiềm năng của một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng.

Hôm nay, dù khó khăn đến mấy, nhưng các nghệ nhân, diễn viên Tuồng ở Từ Sơn nói chung, CLB Tuồng Tiến Bào nói riêng vẫn say cháy niềm đam mê cống hiến. Bằng trái tim và tâm hồn nghệ sỹ của mình, họ vẫn đang lặng lẽ, đêm ngày giữ cho ngọn lửa đam mê và nghệ thuật Tuồng truyền thống luôn cháy mãi và tỏa sáng - Ngọn lửa của tình yêu thương con người và cuộc sống. Góp phần giữ gìn, quảng bá và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật phi vật thể đặc sắc của ông cha để lại./.

                                                                                                                                                                                                  HOÀNG NGỌC BÍNH