Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NHÀ VĂN, NGƯỜI LÍNH ANH HÙNG, CÁNH CHIM Y ĐỨC VẪN MIỆT MÀI KHÔNG MỎI
09:46 | 22/03/2023

 

 

       Thầy thuốc Ưu tú, Anh hùng lực lượng vũ trang, nhà văn Tạ Lưu sinh năm 1931 ở làng Tiêu Thượng, xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là phường Tương Giang, thành phố Từ Sơn). Quê hương ông là một vùng quê sơn thủy hữu tình, nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử của quê hương Kinh Bắc và dân tộc Việt. Núi Tiêu đột khởi như viên ngọc quý, dòng Tiêu Tương len lỏi dưới chân núi chảy qua những xóm làng trù phú. Dòng sông mang bao huyền tích, truyền rằng: xưa trên dòng sông này ngân vang tiếng hát của anh nhà nghèo thuyền chài Trương Chi làm mê đắm nàng Mỵ Nương con quan Thừa Tướng. Chân núi Tiêu là những làng cổ Việt sinh sống từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Trên sườn núi Tiêu tọa lạc tòa Tiêu Sơn Cổ Sái (còn gọi là chùa Thiên Tâm), một trung tâm Phật giáo lớn thời Lý, nơi hành đạo của Thiền sư Lý Vạn Hạnh, người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn, sau đó giúp đưa lên ngôi Vua lập ra vương triều Lý, khai mở nền văn minh Đại Việt… Sinh ra ở một miền quê văn hiến như vậy nên nhà văn Tạ Lưu sớm được tiếp thu những tinh hoa của lịch sử, nền văn hiến quê hương cũng là của dân tộc, có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông.

      Gia đình họ Tạ của nhà văn Tạ Lưu có gốc gác từ xứ Thanh. Cụ Tạ Tướng công tự là Thế Sâm, thi đỗ triều khoa nhà Hậu Lê, làm quan tại triều đình được phong đến chức “Hiển cung đại phu tán trị chính sứ ty”. Khi được triều đình phong ban “lộc điền”, cụ chọn ra đất Bắc sinh sống tại vùng Tiêu Sơn, đến đời nhà văn Tạ Lưu cũng đã được mấy trăm năm. Nhà văn Tạ Lưu là người con thứ 7 trong 8 người con (5 trai, 3 gái) của một gia đình nông dân khá giả trong vùng nhưng do gia đình đông con nên cũng thường xuyên thiếu ăn mùa giáp hạt. Năm 1946, theo người anh lên Thái Nguyên sinh sống, ông vào học lớp đệ nhất, được một thầy giáo là cán bộ Việt Minh giới thiệu cho ông đến làm việc công tác ở cơ quan tỉnh bộ Việt Minh Thái Nguyên. Tháng 12 năm 1946, ông sang công tác ở Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Thái Nguyên, rồi được cử đi học cứu thương ở Quân dân Y viện chợ Chu vào tháng 3 năm 1947 theo đối tượng là chiến sĩ Vệ quốc đoàn, khi ấy ông mới 16 tuổi: “Bước ra đi là quyết giữ lời thề/ Diệt tan giặc Pháp mới về quê hương” đây là câu thơ ông sáng tác đúng vào ngày 1/3/1947 để ghi nhận sự kiện của ông chính thức bước vào cuộc đời binh nghiệp, là chiến sĩ Vệ quốc đoàn, anh bộ đội cụ Hồ (trích Nhật ký của Anh hùng Tạ Lưu). Từ đó ông có mặt ở những chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làm nhiệm vụ cứu thương, chữa bệnh binh, tiếp lửa cho các chiến sỹ cầm súng giết giặc góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của Quân đội Việt Nam anh hùng. Từ một y tá, ông đã vừa công tác vừa học ngay cả trên chiến trường và may mắn được học những thầy thuốc tài năng như Đỗ Xuân Hợp, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Thế Khánh, Nguyễn Ngọc Doãn… để trở thành một Quân y sĩ có năng lực, được công tác ở các Viện Quân y K43 (Quân khu IV, tháng 7/1954)), đến Viện Quân y 108 (đầu năm 1955), Viện Quân y 110 (cuối năm 1959)… Do có sự phấn đấu nỗ lực nên đầu năm 1962, ông được cử đi học Đại học bác sỹ Quân y ở Học viện Quân y. Năm 1965 ra trường, ông được bổ sung vào phục vụ chiến trường miền Nam và đất nước Lào. Đây là giai đoạn đầy cam go, khó khăn và thử thách của những người lính nói chung và những người lính Quân y nói riêng. Nhiệm vụ chính của Quân y là “cứu người” mà công việc cứu người luôn bị động ở nhiều tình huống. Ngoài việc chống chọi với sự oanh tạc của bom pháo, phục kích của kẻ địch, với ăn đói mặc rét, sốt rét hoành hành có cả thiên nhiên khắc nghiệt: nắng, nóng, bão, lụt,… thì lại phải chống chọi với các loại thương tật của thương bệnh binh, không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào. Nguyên nhân triệu chứng lâm sàng đều không có, tất cả triệu chứng lâm sàng là do chiến tranh của kẻ thù gây ra với đủ loại vũ khí, hình thức sát thương, ở mọi vị trí của một thân thể con người cụ thể. Lại còn khó khăn chồng chất về thuốc men, dụng cụ y tế, y cụ phục vụ cho chữa thương nhưng “Thanh gươm thần y” trong tay người chiến sĩ Quân y là ông và đồng đội đã làm nên bao chiến tích, khắc phục mọi khó khăn cứu chữa kịp thời cho các thương bệnh binh, đem lại cuộc sống cho đồng đội. Đặc biệt là thời gian ông ở Đội điều trị 14 (từ tháng 3 năm 1966 đến cuối năm 1970), ông đã đứng mũi chịu sào của đội phẫu thuật (10 người cả nhân viên, chị nuôi) lưu động đi chốt ở các trọng điểm để kịp thời cấp cứu thương bệnh binh, ông đã trực tiếp phẫu thuật nhiều ca bị thương rất nặng và hiểm hóc của đồng đội để giành lại sự sống. Có những ngày đội phẫu thuật của ông đón nhận hàng chục thương binh nặng, phải đứng mổ suốt 2 đến 3 ngày liền mới hết. Công việc cứ liên miên như vậy lại ăn uống kham khổ, anh em đội phẫu thuật đều sút cân, gầy rộc nhưng tất cả đã vượt qua… Với những cố gắng của đội phẫu thuật Đội điều trị 14 đã trở thành điểm sáng trong Binh đoàn (Đoàn 559), ông vinh dự được thay mặt Đội Điều trị 14 ra Hà Nội dự Hội nghị một năm “Ngành Quân y làm theo lời Bác” vào tháng 3 năm 1968. Hơn một năm sau, tháng 7 năm 1969, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân cùng với một vinh dự nữa là con dao mổ của ông được Đội trưởng Đội điều trị 14, Bác sĩ Lê Đính trân trọng gửi ra để trưng bày ở Viện Bảo tàng Quân đội. Bộ đồ mổ và một số kỷ vật khác như đèn pin, chăn dù… được trưng bày ở Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh gần Ba La Bông Đỏ (cách thị xã Hà Đông khoảng 10km). Bác sĩ Lê Đính và Đội Điều trị 14 sau này cũng được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân vào năm 1976.

       Cuối năm 1969, tổ chức cử ông đi học ngoại ngữ để dự định cho đi tu nghiệp nước ngoài nhưng ông xin ở lại phục vụ ở Đoàn 559 (Đội Điều trị 14, Binh Trạm 12 thuộc Đoàn Vận tải Quang Trung (gọi tắt là Đoàn 559). Đến năm 1970, ông được đi học tập nâng cao tay nghề tại Bệnh viện Việt Đức, được các thầy thuốc nổi tiếng hướng dẫn như Giáo sư Tôn Thất Tùng, một người thầy uyên bác, giàu lòng vị tha nhân ái, hết lòng vì người bệnh và trách nhiệm với non sông đất nước.

       Tháng 8 năm 1972, ông được sang tu nghiệp ở Liên Xô cũ tại Học viện Quân y Ki Rốp. Ba năm tu nghiệp tại Ki Rốp, ông được nhiều bác sĩ giỏi của Liên Xô trực tiếp hướng dẫn vì thế trình độ chuyên môn được nâng lên rõ rệt. Kết thúc khóa học, ông được điều về Viện Quân y 110 (Trực thuộc Quân khu I, địa điểm Viện đóng tại phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh), phụ trách Trưởng Ban ngoại chung (gồm bụng, ngực, sản phụ, tiết niệu); đến năm 1978 được bổ nhiệm làm Viện Phó, năm 1986 được bổ nhiệm làm Viện trưởng, tháng 11 năm 1993 về hưu sau 47 năm cuộc đời binh nghiệp phục vụ trong ngành Quân y, trải qua 3 cuộc chiến tranh vượt qua bao gian khó, kể cả 3 lần chết hụt vì bom pháo ở Trường Sơn (thời gian ở tổ Điều trị 14). Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” vào năm 1989, đây là đợt đầu tiên có danh hiệu này đối với ngành Y tế.

         Về hưu vui thú với cảnh điền viên, ông dành thời gian đi thăm lại chiến trường xưa trên đất nước Lào (Triệu voi), đường mòn Hồ Chí Minh, nơi có đội Điều trị 14 đóng quân, nơi mà ông và đồng đội đã có “Ba lần Diêm vương vồ hụt” và một lần chút xíu nữa bị Giôn Sơn (Johnson) cắt hộ khẩu ở Ngã Ba Đồng Lộc mà ông vẫn từng nói vui với bạn bè, đồng nghiệp. Sau một thời gian nghỉ ngơi, ông xin mở phòng khám bệnh tư nhân tại nhà với mục đích từ thiện là chính. Nếu phải kê đơn cho bệnh nhân mua thuốc đều dựa trên nguyên tắc càng ít tiền càng tốt vì đa số người bệnh là nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ông đã từng có những vần thơ về “Người nghèo bị ốm đau”: “Cám cảnh cuộc đời thật ẩm ương/ Nghèo hèn lạc hậu khổ trăm đường/ Ngô khoai cầm bừa mờ vàng mắt/ Mưa gió qua ngày rét thấu xương/ Ốm yếu rơ sườn bao tật đến/ Nợ nần kiết xác mấy sầu vương/ Tiền… chùa đâu sẵn mà đi viện/ Thử hỏi… ai thèm để mắt thương”. (In trong tập thơ “Y tâm” do ông xuất bản năm 1998).

         Năm 1999, do tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe giảm sút, ông quyết định đóng cửa phòng khám, bởi lẽ đêm hôm có bệnh nhân cần cấp cứu, họ mời mà không đi thì lương tâm cắn dứt, đi thì cả nhà lại lo lắng. Khi biết ông đóng cửa phòng khám tư nhân quá nhiều bệnh nhân thấy tiếc, vì phòng khám của ông đã có uy tín rất nhiều bệnh nhân đến khám, kể cả các tỉnh xa như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh… và cả những cán bộ đến Viện điều trị nhưng vẫn đến phòng khám của ông nhờ khám và tư vấn… Ông cũng day dứt lắm. Nhưng ông có lý do của mình với một tâm niệm đó là “Y đức, tâm đức” mà đã theo ông trong suốt cuộc đời cầm “ống nghe - bơm tiêm - dao mổ” phục vụ cho ngành Y. Tôi đọc được một tâm sự của ông với một người bạn: “Nếu mở phòng khám tư, lỡ do tuổi già mà sinh nhầm lẫn thiệt hại đến sức khỏe của bệnh nhân thì ân hận cả đời. Sau khi đóng cửa phòng khám, tôi có điều kiện đạp xe đi thăm bạn bè khắp nơi, tôi từng tận mắt thấy hiện tượng xuống cấp đạo đức của nghề y ở khắp nơi, kể cả một số lĩnh vực khác cũng vậy, thật là buồn. Riêng với ngành Y thì còn buồn hơn khi “thanh gươm thần y” hoen rỉ! Tôi tự nhủ nên viết lại những gương sáng của các y, bác sĩ thời chiến và những người tôi biết trong thời gian còn công tác để như một lời nhắn nhủ cho các đồng nghiệp hôm nay hãy noi theo họ để có một ngành Y trong sạch như Bác Hồ dạy: Lương y như từ mẫu”.

        Đúng là ông đã từng ở ngành Y mà nói đến tiêu cực của ngành Y thì đau lòng cỡ nào. Ông còn nhấn mạnh ngày nay có một số y, bác sĩ chỉ lo kiếm tiền. Ông minh chứng với bạn bè qua bài thơ của bác sĩ Nguyễn Bảo (đồng đội một thời ở Đội điều trị 14 Trường Sơn với ông) đã sáng tác và gửi đăng ở một số tờ báo:

“Trong giờ: Nghe khám qua loa

Ngoài giờ: Phục vụ rất là lương y

Trong giờ: Mặt nặng như chì

Ngoài giờ: Từ mẫu rất chi dịu dàng”

       Đóng cửa xong phòng khám tư, ông ưu tiên cho giữ gìn sức khỏe (ông bị tai biến năm 1999, liệt nửa người may mà cứu chữa kịp thời hơn 1 năm sau đã hồi phục hoàn toàn). Ông quyết định nghỉ ngơi để làm thơ, viết văn. Ông đã từng làm thơ viết báo từ thuở còn ở rừng Trường Sơn, bài báo đầu tiên “Mẹo du kích” được đăng trên báo Quân đội Nhân dân từ năm 1966, do thời gian còn phục vụ chiến trường nên thi thoảng ông chỉ viết các chuyên đề về chuyên môn đăng trên các Tạp chí Y học Quân sự, Y học thực hành. Rồi đến khi nghỉ hưu mới lại có thời gian viết báo, làm thơ đăng trên các báo Quân đội nhân dân, Việt Nam hương sắc, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Báo Bắc Ninh, Tạp chí Người Kinh Bắc, Thuốc và sức khỏe…

        Là người lính bước ra từ cuộc chiến, rồi cầm bút, bằng cái nhìn sâu sắc trong cuộc đời, ông đã để lại cho đời cho bạn đọc nhiều tác phẩm văn thơ đáng quý… Truyện ký đầu tiên “Trong thung lũng Trường Sơn” hầu hết các nhân vật người thật việc thật là những tấm gương y đức tiêu biểu trong chiến trường, tác phẩm được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản năm 1997. Tiếp tục ông trình làng, xuất bản đến hơn 10 tác phẩm văn xuôi, tập ký “Người quanh ta”, “Những tấm gương sống giữa đời thường”, “Tấm lòng vàng”, “Chuyện những người lính áo trắng”, “Thư từ tuyến lửa”, “Trường Sơn máu lửa và hoa”, “Cuộc đời của chúng tôi - Hồi ký”, “Những thầy thuốc cụ Hồ”,… Thơ ông có 4 tập “Danh ngôn bốn phương”, “Thời áo lính”, “Bên dòng Tương Giang”, “Y tâm”, “Quê hương và nỗi nhớ”…

        Ông cũng đã giành được nhiều giải thưởng cho nghề cầm bút: Giải 3 Bộ Quốc phòng với 2 tác phẩm: “Thương binh cần thầy thuốc đến” - “Chiếc đèn Dinamo trong phòng mổ”. Tác phẩm “Những tấm gương sống giữa đời thường” là giải thưởng văn học xuất sắc năm 2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng cho ông về cuộc vận động sáng tác quảng bá các tác phẩm học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cũng đề tài này, ông còn giành được giải Ba tác phẩm “Bác Hồ ra trận”, giải Nhì “Thư từ tuyến lửa” do Tỉnh ủy Bắc Ninh trao tặng, tác phẩm “Trường Sơn máu lửa và hoa” giải Ba do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng năm 2015. Ngoài ra là một số giải thưởng của Báo chí Ngô Gia Tự, Tạp chí Gia đình, Sức khỏe và đời sống,…

        Từ “Thanh gươm thần y” trong gần 50 năm trong ngành Quân y, 30 năm cầm bút viết văn, làm thơ quả thực hiếm ai có được sự nghiệp như ông. “Tâm y, tâm đức” ông luôn rèn luyện, gìn giữ suốt cuộc đời đâu phải ai cũng có được, thật đúng như tâm thế ông qua bài thơ “Cây và hoa xương rồng” ông viết tặng người nữ y sỹ Quân y - bà Nguyễn Thị Nhu, bạn đời của ông:

“Mọc trên cát bỏng vẫn xanh vồng

Thân cứng gai nhiều chẳng uốn cong

Trong suốt lung linh màu tím biếc

Đời yêu mến gọi Hoa xương rồng”

        Thật đúng là chẳng thể “uốn cong” được “tâm đức, tâm y, tâm thế” của người lính Anh hùng, của một cựu chiến binh vẫn giữ nguyên màu áo lính. Một cánh chim y đức vẫn miệt mài không mỏi, một nhà văn cần mẫn làm đẹp cho đời. Bằng ngòi bút sắc sảo, thẳng thắn, trung thực viết về những tấm gương tiêu biểu để mong muốn dẹp đi những suy thoái về đạo đức ngành y nói riêng và cả xã hội nói chung. Chúng tôi, những thế hệ đi sau hết sức cảm phục về sự cống hiến của ông và tôi tin chắc bạn bè, đồng nghiệp của ông cũng vậy. Ông thực sự là một tấm gương sáng tiêu biểu trong việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động./.

                                                                                                                                                                             NGUYỄN CÔNG HẢO